Từ ấu thơ cho đến bây giờ, ta tự thấy mình có nhiều thảnh thơi không? Sống trong tiếng cười, nhưng chưa chắc đã thảnh thơi. Lắm lúc, ta đánh đồng niềm hoan lạc với thảnh thơi, vì trong lúc ấy, ta thấy thoải mái nhất, ta được cười thả ga, được ăn thả dàn, được tự do làm gì thì làm. Nghe có vẻ cũng giống thảnh thơi, nhưng kỳ thực chưa phải.
Khi rời khỏi bàn tiệc, ta có thể buồn đến tẻ nhạt. Cuộc vui nào của ta hầu như cũng phải đông đúc và xôm tụ. Một mình chán òm. Như vậy, niềm vui của ta còn lệ thuộc vào người khác nhiều quá. Mà cái gì càng cần nhiều yếu tố thì lại càng là gánh nặng. Vậy, thảnh thơi dữ chưa?
Cũng có khi, sau những tràng cười ngặt nghẽo, ta quay về phòng, cánh cửa đóng sầm lại là lúc khuôn mặt ta trở về chế độ mặc định đúng của nó: chế độ im lặng. Một mình vào những buổi đêm khuya, ta dường như mới sống thật với chính mình thì phải.
Thảnh thơi, là đông cũng được, một mình cũng được và quân bình được cảm xúc, nghĩa là chẳng quá sầu cũng chẳng quá vui. Người lên chùa tụng thời kinh, đến đoạn: "... ham muốn nhiều chỉ mệt mà thôi" bỗng thấy mình vui nhẹ trong lòng, tự biết mình là người sống vừa đủ, vậy là ra người thảnh thơi. Người thảnh thơi là người ít bị lệ thuộc vào vật chất lẫn tình cảm. Nói như thế không có nghĩa là không cần gì, mà là mọi thứ đều giữ ở mức vừa và đủ. Đó là lối sống tối giản, mà đức Phật gọi là thiểu dục tri túc, cả về nhu cầu vật chất lẫn nhu cầu tinh thần, tình cảm.
Người bây giờ dễ bị tổn thương, dễ cô đơn. Cô đơn là chưa thảnh thơi. Người thảnh thơi là người thấy được bình an trong cả lúc một mình, không ai bên cạnh. Mà những người thảnh thơi thì rất cần cho cuộc đời này, để làm sứ mệnh trao tặng thảnh thơi cho người khác và giúp nhau chế tác thảnh thơi.
Cuộc đời đau khổ đã nhiều, ta dám chọn làm người trao tặng thảnh thơi không?