Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Tháng Tám trời mưa
Cập nhật: 27/08/2019
“Bỗng dưng chiều nay sao con nhớ
Nhớ cảnh nhà, nhớ cái nắng quê hương
Chốn phương xa mưa nắng cũng thất thường
Chẳng giống quê mình đầy ắp tình thương”.
Tháng Tám đón chào bằng những cơn mưa như trút nước. Nhìn mưa, tôi lại nhớ những ngày mưa thuở ấu thơ, hồi còn ở quê với ba mẹ, trong căn nhà nhỏ đầy ắp yêu thương của mình.
Nỗi nhớ bắt đầu từ những năm nhà còn lợp mái tranh, mái rạ. Ôi chao, ngày nắng thì không sao chứ ngày mưa thì đúng là một cực hình. Dẫu trước đó, ba đã “tân trang” thêm phần mái lá phên tranh, phên rạ mới thay những phên cũ đã rũ mục nhưng vẫn không sao tránh được mưa trời. Trong nhà có bao nhiêu thau chậu, nồi niêu, xoong chảo, ba tôi “bày trận” khắp nhà hứng chỗ dột. Những sách, những vở, những thóc lúa và giấy tờ quan trọng dù được ba cho hết vào các túi bóng che chắn cẩn thận nhưng cũng không tránh khỏi ẩm ướt. Nghe tiếng mưa long tong, leng keng nhỏ giọt vào chậu, ngoài trời mưa mỗi lúc một to, gió mỗi lúc mạnh thêm mà lòng cảm thấy bất an vô cùng, mong mưa đừng rơi, gió đừng thổi nữa. Sợ nhất là mưa nửa đêm cả nhà phải thức để canh mưa hay những buổi sáng, ba phải xoắn quần cõng con đến lớp học trên con đường lầy lội, trơn trợt, trên đầu phải đội tấm áo mưa làm từ cái túi nilon trắng lấy từ những bao chứa phân bón, mà những giọt mưa cũng cứ tranh thủ chui vào làm cả hai cha con ướt nhẹp. Ngoài trời thì gió lạnh run cả người nhưng sao con cảm thấy ấm lắm ba ơi!
Những cơn mưa tháng Tám có khi đỏng đảnh, ào ạt đấy nhưng lại nhanh vô cùng, tựa như mưa rào nhưng lại không phải mưa rào. Hòa cùng vũ điệu mưa, đám trẻ con lít nhít cởi trần, mặc xà lỏn ra sân nhảy theo mưa. Mưa xối trọn vào da thịt, mưa mơn man vai cùng tóc, mưa khúc khích cười cùng những đứa trẻ quê. Có khi sốt miên man vì những cơn mưa như thế nhưng tính tôi vẫn không chừa, nghe mưa rơi lại ùa ra sân tự nhảy, tự cười, tự tạo cho mình niềm vui bất tận. Tắm mưa chán chê, tôi chạy vào bàn học giật một tờ giấy rồi xếp thành thuyền. Ngồi bên hiên nhà, thả chiếc thuyền giấy. Thuyền dập dềnh theo những sóng nước, ngả nghiêng theo những đợt mưa, mới hay giờ lớn lên, liên tưởng lại cuộc đời của mình cũng chẳng khác con thuyền giấy trong mưa thời nhỏ là bao. Và nhớ nhất là những buổi chiều ra đồng bắt dế với các bạn trong xóm, những tiếng nô đùa, tiếng cười nói vui vẻ vang cả một góc trời tuổi thơ tôi.
Sau mưa, đám rau muống dưới ao bên nhà tốt lên chưa từng thấy. Ngọn của chúng vươn cao, xanh nõn, mướt mắt. Mẹ hái vào, một phần luộc lấy nước ăn canh, phần còn lại mẹ xào với tỏi. Rau muống sau mưa ăn có vị ngọt, vị thanh của rau tự nhiên, đúng kiểu rau chỉ “hưởng đạm của trời”. Nhớ làm sao những buổi chiều cùng ba ra ruộng, đêm xuống đi soi nhái, cắm câu. Dáng người ba khom khom trong ánh đèn mờ mờ. Ba trước con theo sau, đi xuyên qua màn đêm tăm tối. Nửa đêm, hai cha con thức dậy thăm câu, cá mắc câu búng tanh tách nước tung tóe, xung quanh bóng tối bao trùm, cả bầu trời sao lấp lánh, xa xa tiếng chó sủa, tiếng chim lạc bầy gọi nhau hòa vào bản hòa tấu của ếch nhái như than thở trong đêm. Làm sao có thể quên được bữa cơm còn nghi ngút khói, cả nhà quây quần bên nhau. Ôi sao mà ấm áp lạ thường. Không nhắc thì thôi, chứ nhắc tới thì lại nhớ da diết. Lâu rồi chưa được về thăm quê, thăm mọi người, khiến tôi nhớ lắm những lời dạy bảo của ba, những ân cần chăm lo của mẹ, nhớ và nhớ lắm…
Đó có lẽ là những kỷ niệm vui vẻ nhất, hạnh phúc nhất của tôi, cũng như gia đình tôi và cả những con người nơi xóm nghèo ấy nữa. Xa quê đã lâu, nhưng những hình ảnh, những khoảnh khắc đó vẫn rất đậm sâu trong tôi. Có những đêm không ngủ được, tôi luôn trằn trọc, nhớ về nơi làng quê ấy với một giấc mơ có dịp sẽ trở về quây quần đoàn tụ bên mái ấm gia đình, tuy nghèo vật chất nhưng tình cảm mọi người dành cho nhau thì vẫn luôn đong đầy. Và tôi cũng biết một điều, tất cả những đứa con xa quê như tôi đều nhớ mong về quê hương của mình, bởi “quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người...”.