Tha thứ
Người nào làm ta vui thì ta quý ta yêu, ngược lại thì nổi lòng oán hận. Nhưng bản thân tôi ý thức được rằng, hận thù chỉ khiến chúng ta thêm đau đớn và dằn vặt. Một người trái tim đầy rẫy nỗi sân hận thì không còn chỗ trống để ngọn lửa yêu thương khơi dậy và cũng tự dập tắt đi tâm từ bi trong tâm hồn mình. Vậy tại sao chúng ta, những con người mà ở đâu đó trong tự thân luôn hiện diện sự bất hoàn hảo, nguồn gốc phát sinh những sai lầm, lại luôn chọn cách nhớ, oán và hận nhau thay vì tha thứ cho nhau! Tha thứ là ngược lại của hận thù, dù biết rằng những hành vi đó cần phải bị lên án, nhưng vẫn mở lòng thứ tha. Không phải lúc nào cũng vì người ta xứng đáng nhận được sự tha thứ nên ta tha thứ, mà tha thứ cho người khác cũng là vì việc sai trái của họ không đáng để ta đánh đổi sự bình yên của mình. Người ta vẫn thường cho rằng tha thứ là ban ân huệ cho người khác, nhưng nhìn sâu vào tha thứ cho người chính là ban ân huệ cho chính bản thân mình. Bởi người chất chứa hận thù sẽ không bao giờ thanh thản. Làm sao thanh thản được khi nghĩ tới những điều xấu xa mà người ta đã làm, những điều khiến mình tan nát cõi lòng, những lời nói cay độc, xé tận tâm can! Làm sao yên khi nghĩ tới nỗi đau mình đang gánh chịu chỉ vì sự ích kỷ hay thói xấu của một ai đó! Làm sao thấy thoải mái khi phải đối diện với người mình không thích? Đức Phật dạy “oán tắng hội khổ”, nếu ghét một ai đó thì khi gặp họ tâm của chúng ta sẽ khó chịu. Như thế mình khổ hay họ khổ đây? Và như vậy càng nuôi dưỡng tâm sân hận bao nhiêu thì càng thiêu đốt tâm an nhiên bấy nhiêu. Thực ra, rất dễ để nói tha thứ, nhưng tha thứ thật sự không hề đơn giản tí nào. Để làm được điều đó, chúng ta trước hết cần thấu hiểu, có hiểu rồi mới có thương, thương rồi mới tha thứ được. Nhưng hiểu gì để thương? Hiểu là hiểu con người ai cũng không hoàn hảo, đã sinh ra ở đời là mang nghiệp, là vay trả trả vay nhau; hiểu rằng vạn sự do duyên, không gì là không có nguyên do của nó. Một khi trí đã thông quy luật này rồi, tình thương sẽ tự nhiên chớm nở, như một chồi non xanh mơn mởn đang lú ra từ một mầm cây nhỏ bé nhưng đầy sức sống, mầm của sự thấu hiểu. Chồi tình thương này có khả năng làm tan biến mọi hận thù. Ai đó đã từng nói rằng: Nơi lạnh nhất thế giới không phải Bắc Cực hay Nam Cực mà là nơi không có tình thương. Thế nên chỉ cần có tình thương xây dựng trên sự hiểu biết, chúng ta có thể xoá bỏ mọi hận thù. Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương có viết: “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui, Chuyện đời như nước chảy mây trôi, Lợi danh như bóng mây chìm nổi, Chỉ có tình thương để lại đời”. Đúng theo giáo lý vô thường của nhà Phật, vạn vật không thể thoát khỏi quy luật “sinh, trụ, dị và diệt”. Bất kỳ ai hay cái gì có hình thành thì cũng có ngày tàn lụi. Con người sinh ra rồi già yếu đi, bệnh rồi chết. Ai biết được mình còn sống được với nhau bao lâu? Ai dám chắc lần gặp gỡ này không phải là lần gặp gỡ sau cuối? Thế giới này có hơn bảy tỉ người, chúng ta gặp được nhau cũng đã là đại nhân duyên. Vậy tại sao khi còn được bên nhau chúng ta lại không thể yêu thương, tha thứ cho nhau nhiều hơn? Hiểu được thế, ta có thêm động lực để yêu thương và thứ tha mỗi khi ai đó làm ta tổn thương. Có hai người bạn đang thực hiện chuyến hành trình trên sa mạc. Trong chuyến đi dài, hai người đã tranh cãi gay gắt. Không giữ được bình tĩnh, một người đã tát người bạn của mình. Người kia rất đau nhưng không nói gì. Anh chỉ lặng lẽ viết lên cát rằng: "Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã tát vào mặt tôi". Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân và tắm mát. Người bạn vừa bị tát do sơ ý bị trượt chân xuống một bãi lầy và ngày càng lún sâu xuống. May mắn thay, người bạn kia đã kịp thời cứu anh. Ngay sau khi hồi phục, người bạn suýt chết khắc lên tảng đá dòng chữ: "Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi". Người bạn kia hết sức ngạc nhiên bèn hỏi: "Tại sao khi tớ làm cậu đau, cậu lại viết lên cát còn bây giờ lại là một tảng đá?" Và câu trả lời anh nhận được là: "Khi ai đó làm chúng ta đau đớn, chúng ta nên viết điều đó lên cát, nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan những nỗi trách hờn. Nhưng khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc chuyện ấy lên đá nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi."
Như vậy, tha thứ tuy thế không có nghĩa là phải quên đi hoàn toàn quá khứ không tốt đẹp, đó chỉ là cách ta để cho quá khứ ấy được nghỉ ngơi để chuẩn bị đón chào những điều mới tốt đẹp hơn sẽ là những ký ức đẹp để tâm ta được phủ tràn tình yêu thương, cội nguồn của từ bi, là gốc rễ của cây hạnh phúc, cho mình và cho người. Một cách thông minh để tìm được sư tha thứ dễ dàng hơn là đặt mình vào vị trí của người khác. Vì chẳng thể nào hoàn hảo, ta cũng đôi ba lần lầm lỗi. Khi phạm lỗi chúng ta cũng mong muốn được cho cơ hội để sửa lỗi, cũng mong muốn được tha thứ, cũng mong muốn được yêu thương trở lại. Người ta nói quay đầu là bờ. Tha thứ là con thuyền chở người mắc lỗi quay về với cái thiện. Vậy tại sao ta lại nỡ phá đi con thuyền ấy? Tha thứ cũng đồng thời là chiếc chìa khóa mở cánh cửa giải thoát oán giận, mở chiếc còng tay căm thù, là năng lượng tích cực phá vỡ dây xích xiềng nỗi đau và sự ích kỷ. Tha thứ là cách mỗi người chúng ta nên hướng đến để trút bỏ mọi khổ đau trong cuộc sống. Và đây cũng là một lộ trình tiến dần đến sự buông xả mọi phiền não trong tương lai. Hay nói cách khác, nếu nói giá trị cuộc sống nằm ở sự cho đi không mong nhận lại thì tha thứ chính là một món quà tinh thần thiêng liêng mà ta có thể dành tặng cho người khác và cho chính mình. Thầy của chúng tôi cũng thường hay dạy chúng tôi rằng: “Cho là còn có mất đâu, gieo nhân hái quả cũng thâu về mình”. Cho người ta sự an lạc, hạnh phúc cũng chính là đem về cho mình cái mà ta đã cho đi, là gieo rắc từ bi cho mình và cho người, một việc làm tưởng chừng giản đơn mà không hề dễ dàng, nhưng lại mang đến lợi ích thù thắng. Vậy chúng ta còn chần chờ nữa mà không mau trải lòng từ bi thứ tha cho mọi người!
Tâm Khuyến