Bài viết

Tết xa

Cập nhật: 13/02/2020
Dù bạn là ai, bạn đang sống tại quê nhà hay phiêu bạt chân trời góc biển, từ khoảnh khắc đón Tết Tây, năm mới bắt đầu sang trang lịch những ngày đầu tiên, trong lòng lại bồi hồi chợt nghĩ: “Thế là sắp đến Tết Nguyên Đán rồi ư, nhanh thật đấy!”. Lập tức, từ sâu thẳm lòng mình, lại vọng lên tiếng gọi thầm: “Về quê ăn Tết!”. Bốn từ ấy âm vang, da diết, đủ sức gợi lên cảm giác vừa nôn nao vừa rộn ràng, như khói trầm lãng đãng gợi nhớ về mùi vị bánh chưng, hoa đào lẫn tình cảm tươi đẹp nhất bên Thầy Tổ, ông bà. Nhưng đâu phải ai cũng được đoàn viên cùng gia đình những ngày tươi đẹp đầu năm ấy. Có những con người vẫn phải miệt mài học tập, lao động vì sự nghiệp, thậm chí lớn lao hơn là vì quê hương như các bạn du học sinh nước ngoài, những người lao động nơi xứ người, hay gần gũi hơn là các chiến sĩ ngoài đảo xa đang hy sinh thời gian, công sức để bảo vệ cho mọi người một cái Tết an bình ấm no…
 

Tết xa

 

“Én bay lượn đón mùa Xuân tới
Nơi quê nhà phơi phới rộn vui
Xứ xa con vẫn ngậm ngùi
Bộn bề cuộc sống chôn vùi ngày Xuân”
.

Nhìn bạn bè về quê ăn Tết, nhiều người sẽ tự thấy chạnh lòng. Nhiều người nói Tết nhạt. Có lẽ một số người năm nào cũng được về quê, đoàn tụ với gia đình thì sẽ coi điều ấy là bình thường, cảm xúc cũng sẽ nguôi ngoai, không còn hồi hộp háo hức mong chờ như những ngày tấm bé. Nhưng với những người con xa quê thì không. Có xa nhà rồi mới thấy trân quý Tết như thế nào, thèm những bữa cơm bên gia đình ngày Tết như thế nào. Vì điều kiện, lịch học tập và làm việc, không nhiều du học sinh Việt được về quê đón Tết. Mỗi người ở mỗi nước có cách khác nhau để cùng quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ Tết và thèm cảm giác được ngồi bên gia đình thời khắc này.

Có một người bạn đã nói với tôi thế này: “May là mọi thứ bận rộn đã cuốn thời gian trôi đi. Ngoài học, bọn tớ đi làm, áp lực công việc cũng khiến mình tạm thời quên đi phần nào cảm giác nhớ nhà, nhớ Tết”.

Không chỉ vậy, nhiều bạn cũng đã thật lòng chia sẻ rằng phải đi du lịch, gặp gỡ bạn bè, khám phá các không gian khác để đỡ nhớ nhà hơn. Nghe xong, chắc hẳn sẽ nhiều bạn cười thầm nghĩ rằng: “Đi du lịch thì sung sướng thoải mái rồi, còn văn vẻ làm gì”.

Nhưng phải là người trong cuộc mới hiểu được, cái cảm giác mà ai ai cũng được đoàn viên cùng gia đình, cùng chúc nhau những lời nói tốt đẹp đầu Xuân, những tiếng cười vui bên nồi bánh chưng ấm nóng, những câu đùa xua tan đi mọi áp lực một năm làm việc đã quá mệt mỏi. Tết, một tiếng gọi thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt Nam ta. Tết là lúc để nghỉ ngơi, sum họp. Tết là lúc để cùng nhau chia sẻ mọi xúc cảm trong một năm qua. Và Tết là lúc được ở bên gia đình.

Gia đình chẳng phải là hai tiếng thiêng liêng gần gũi nhất của một con người hay sao? Cứ thử đặt bản thân mình vào mà xem. Lúc mọi người đều xúng xính quần áo mới, quây quần bên mâm cơm tất niên, qua năm mới thì đi chúc Tết gia đình họ hàng; còn bạn thì phải vùi đầu học tập cho bài kiểm tra sắp tới, hay phải đứng lo đủ thứ dịch vụ, du lịch của công việc… Nghĩ thôi cũng thấy chạnh lòng.

Đôi lúc gia đình gọi điện hỏi thăm, một người bạn đã chia sẻ như thế này: “Không dám than với mẹ rằng con nhớ nhà. Không dám nói rằng con đang khóc, vì biết rằng con nhớ nhà một thì ba mẹ nhớ con mười”.

Nghe bạn ấy nói xong, tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Quả thật, nỗi nhớ này không chỉ là một chiều. Cảm xúc ấy còn tồn tại trong cả trái tim của những người cha người mẹ. Nhưng cũng không biết làm sao được, chỉ đành an ủi động viên nhau qua cuộc điện thoại, những món quà nho nhỏ gởi về giúp gia đình sắm Tết.

Không chỉ vậy, còn những người lao động vất vả kiếm từng đồng để trang trải cuộc sống, lại không có khả năng và điều kiện để về quê. Họ chỉ mong một lần được về đón và hưởng cái không khí của khúc giao mùa ấy.

Nghe đau lòng là thế. Vậy mà còn có những người không có quê để về, họ không biết mình sinh ra từ đâu, chỉ mong một lần tìm được về nơi chôn nhau cắt rốn của mình mà sao khó quá. Khát vọng ấy liệu có ai hiểu thấu hay không?

Tết đến Xuân về là thế. Nhưng cũng có không ít người cảm thấy chán Tết. Họ cảm thấy Tết như một điều gì đó bắt buộc, gò bó. Cảm giác rằng lại phải bỏ ra một khoản tiền để làm một việc vô nghĩa. Có lẽ rằng, cái gì quá đỗi quen thuộc sẽ mất đi giá trị vốn có của nó. Họ sẽ coi cái đó là đương nhiên, không còn hào hứng và tìm được niềm vui nữa.

Tết là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam ta. Mỗi người đều cần phải giữ trong mình sự tự tôn dân tộc, có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa để không bị mai một đi.

Chỉ những người con xa quê mới thấy nhớ, mới thấy cần, mới thấy Tết có ý nghĩa như thế nào. Nhớ mà không nói ra thành lời, chạnh lòng mà không biết tỏ cùng ai. Chỉ đành ngậm ngùi chờ đợi những dịp sau. Do vậy, những bạn mà có điều kiện, hoàn cảnh có thể ở cạnh bên gia đình, người thân, bạn bè thì nên trân trọng những gì bạn đang có. Đừng bao giờ cảm thấy phiền phức hay mệt mỏi, vì bạn không biết thế giới ngoài kia có biết bao người khao khát được chìm trong xúc cảm quây quần bên gia đình, vào những ngày năm mới đầu Xuân ấy.

Chánh Tấn

Tin tức liên quan

KÍNH TRI ÂN Sư Ông NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11!
19/11/2022
T H A Y Đ Ổ I
19/11/2022
Gõ trái tim
18/11/2022
Tiếng khóc
17/11/2022
Chuyến đi vội vàng
16/11/2022