Bài viết

Tập sống chung an lạc (Sơ lược kinh Tùy Phiền Não)

Cập nhật: 25/02/2023
Dựa vào Trung bộ kinh, tập III, kinh 128. Upakkilesa suttaṃ (Kinh Tùy phiền não), chúng ta có thể rút ra được một bài học về việc sống chung hòa hợp, an lạc.
 

Tập sống chung an lạc (Sơ lược kinh Tùy Phiền Não)

 

Một thời Thế Tôn ở Kosambi (Kiều-thưởng-di), tại tịnh xá Ghosita (Cu-sư-la). Lúc bấy giờ các Tỷ-kheo ở Kosambi sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi.

Rồi Thế Tôn đi đến các Tỷ-kheo ấy, sau khi đến liền nói với họ

—Thôi vừa rồi, các Tỷ-kheo! Chớ có cạnh tranh, luận tranh, phân tranh, đấu tranh nhau!

Ba lần đức Thế Tôn khuyên ngăn các vị Tỷ-kheo Kosambi. Kết quả là các vị ấy vẫn tranh đấu nhau, rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát và đi vào Kosambi để khất thực. Cảm hứng ngữ, Thế Tôn nói lên một loạt các bài kệ và đi đến làng Balakalonakara. Khi ấy, Tôn giả Bhagu sống ở trong làng Balakalonakara.

Rồi Thế Tôn sau khi với thời thuyết pháp khích lệ Tôn giả Bhagu, làm cho hân hoan, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Pacinavamsadaya. Lúc bấy giờ, Tôn giả Anuruddha (A-na-luật), Tôn giả Nandiya (Nan-đề) và Tôn giả Kimbila (Kim-ty-la) trú ở Pacinavamasadaya.

Rồi Tôn giả Anuruddha, Tôn giả Nandiya và Tôn giả Kimbila ra đón Thế Tôn, một người cầm y bát Thế Tôn, một người sửa soạn chỗ ngồi, một người đặt sẵn nước rửa chân. Thế Tôn ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn; sau khi ngồi, Thế Tôn rửa chân. Rồi các Tôn giả ấy đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Anuruddha đang ngồi xuống một bên.

Ba vị tôn giả thấy đức Phật đến nên đã chuẩn bị mỗi người một phận sự chào đón bậc Đạo sư. Hình ảnh này rất đẹp! Thế Tôn cũng đã hỏi thăm về cuộc sống của ba vị tôn giả. Qua đó, ba vị cùng nhau trình bày về lối sống chung an lạc khi cộng trú tu tập.

—Này các Anuruddha, các Ông có được an lành không? Có được sống yên vui không? Ði khất thực có khỏi mệt nhọc không?

—Bạch Thế Tôn, chúng con được an lành. Bạch Thế Tôn, chúng con sống yên vui. Bạch Thế Tôn, chúng con đi khất thực khỏi có mệt nhọc.

—Này các Anuruddha, các Ông có sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có cãi nhau. Như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm không?

—Bạch Thế Tôn, thật sự chúng con sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có cãi nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm.

—Này các Anuruddha, như thế nào các Ông sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm?

—Bạch Thế Tôn, ở đây chúng con nghĩ như sau: “Thật lợi ích thay cho ta! Thật khéo lợi ích thay cho ta, khi ta được sống với các đồng Phạm hạnh như vậy! Bạch Thế Tôn, do vậy đối với các vị đồng Phạm hạnh này, con khởi lên từ thân nghiệp, trước mặt và sau lưng; con khởi lên từ khẩu nghiệp, trước mặt và sau lưng, con khởi lên từ ý nghiệp, trước mặt và sau lưng. Bạch Thế Tôn, do vậy chúng con nghĩ như sau: “Ta hãy từ bỏ tâm của ta và sống thuận theo tâm của những Tôn giả này”. Và bạch Thế Tôn, con từ bỏ tâm của con, và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy. Bạch Thế Tôn, chúng con tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm. Bạch Thế Tôn, như vậy chúng con sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm.

Đoạn kinh trên cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc và đầy ý nghĩa về lối sống cùng nhau. Thường thì, ông bà ta hay nói, một chiếc lắc riêng lẻ thì không phát ra tiếng nhưng nếu bàn tay đeo cùng hai chiếc lắc thì thể nào cũng khua chạm vào nhau phát ra âm thanh. Hay như hàm ý câu “chén bát trong sóng còn khua” – diễn tả cho sự va chạm giữa người này với người kia; thì đằng này, ba vị sống với nhau với tâm tư hướng về sự an lạc cho nhau. Vì rằng, thay vì soi mói, bơi móc lỗi lầm, các vị bảo hộ nhau bằng tinh cần, tinh tấn, chánh niệm, tu tập tỉnh giác. Ai cũng biết mỗi người một ý, rất khó hòa hợp về tư tưởng, nhưng hãy nghe lại lời nói của ba vị tôn giả: “Ta hãy từ bỏ tâm của ta và sống thuận theo tâm của những Tôn giả này”. Và bạch Thế Tôn, con từ bỏ tâm của con, và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy. Bạch Thế Tôn, chúng con tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm” . Chỉ như vậy thôi, đức Phật đã tán thán ba vị tôn giả:

—Lành thay, lành thay, này các Anuruddha! Và này các Anuruddha, các Ông có sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần không?

—Bạch Thế Tôn, thật sự chúng con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

—Này các Anuruddha, như thế nào, các Ông sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần?

—Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con ai đi vào làng khất thực về trước, người ấy sắp đặt các chỗ ngồi, soạn sẵn nước uống, nước rửa chân, soạn sẵn một bát để bỏ đồ dư. Ai đi vào làng khất thực về sau, người ấy, còn đồ ăn để lại, nếu muốn thì ăn, nếu không muốn thời bỏ vào chỗ không có cỏ xanh hay đổ vào nước không có loài côn trùng. Người ấy xếp dọn lại các chỗ ngồi, cất đi nước uống, nước rửa chân, cất đi cái bát để bỏ đồ dư và quét sạch nhà ăn. Ai thấy ghè nước uống, ghè nước rửa chân, hay ghè nước trong nhà cầu hết nước trống không, người ấy sẽ lo liệu (nước). Nếu làm không nỗi với sức bàn tay của mình, người ấy dùng tay ra hiệu gọi người thứ hai: “Chúng ta hãy lo liệu (nước)”. Dầu vậy, bạch Thế Tôn, chúng con không vì vậy gây ra tiếng động. Và đến ngày thứ năm, bạch Thế Tôn, suốt cả một đêm chúng con ngồi đàm luận về đạo pháp. Như vậy, bạch Thế Tôn, chúng con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

Đoạn kinh này cho chúng ta thấy điều gì nữa? Chính là trách nhiệm và bổn phận trong sự tự giác về sinh hoạt. Đâu phải cứ đợi đến ai làm việc bơm nước thì chờ người đó bơm nước mới xài, không ai bơm nước thì chẳng lẽ để luôn vậy sao? Ta hay thường bào chữa: “Đó đâu phải trách nhiệm của tôi”.  Đã sống chung với nhau trong cùng một nhà, một khu vực thì ai cũng nên có bổn phận, trách nhiệm coi sóc chỗ ở. Dơ thì quét cho sạch, bụi thì lau cho rồi. Như ông bà ta cũng thường dạy: “Lấm rửa lệch kê” – chỗ nào dơ (nhơ) thì rửa, lệch, xệ, không đúng vị trí thì kê lại cho chuẩn. Chỉ cần mỗi người chịu khó để tâm một chút, để mắt một tí đến mọi việc và mọi người xung quanh thì cuộc sống của mọi người sống chung sẽ phần nào giảm thiểu áp lực và căng thẳng, thậm chí có thể phòng ngừa trường hợp bất hòa xảy ra.

Trên đây là một số trích dẫn và lời bàn sơ lược về cách sống chung an lạc của chư vị tôn giả Tỷ-kheo tu tập vào thời đức Phật. Đức Phật đã tán thán bằng lời cảm hứng “Lành thay! Lành thay!” – đây là xác chứng cho sự hoan hỷ của ba đời chư Phật Thế Tôn. Vì là lời dạy trực tiếp từ kinh tạng nên không sao tránh khỏi một số chi tiết và văn từ cổ có thể gây một ít trở ngại trong khi cảm nhận cho độc giả. Nếu ta nắm được cốt yếu vấn đề được nhắc trong kinh và mang áp dụng thì đời sống chúng ta sẽ vô cùng thảnh thơi, an lạc và hòa hợp vì tại đấy vắng bóng sự đả phá, hơn thua và tranh đấu.

Tâm Cung

Tin tức liên quan

Có Phật đời bớt khổ
27/05/2023
Người hiền sống trong tỉnh thức
13/05/2023
Làm người tử tế
02/05/2023
Thảnh thơi
21/04/2023
Giúp con chữa trị bất an trong lòng
13/04/2023