Tản mạn chiều cuối năm
Mai vàng hé nở trời Nam Việt
Lộc ngàn Tết đến, nụ cười xuân
Đào hồng khoe sắc, loang mùi tỏa
Đất trời Bắc Việt, Tết tình thân
Xuân sang, ấm nồng tình non nước
Nhà nhà sum họp, Tết đoàn viên.
Sài Gòn! Một cái tên thân thương mà con người phía Nam hay gọi. Ngày xưa, Tết nơi đây cũng nhộn nhịp, giản dị và bình yên lắm. Má tôi kể: “Ngày ấy còn đói lắm, bữa cơm trộn với trứng luộc là ngon lắm rồi, ông ngoại bây đi làm phải ăn sáng với vài lát chuối. Còn má đi chợ, một bên thúng là ít rau bán, một bên thúng là con…”. Ngày đó, chỉ mong đến Tết vì Tết sẽ được ăn no và ngon, hơn hết là được lượm mấy quả pháo chưa kịp nổ về chơi… Lúc ấy, ngoài phố đông vui rôm rả, đèn đuốc sáng trưng, trai thanh gái lịch dập dìu tung tăng trên các con phố, hẻm nhỏ. Hàng Tết cũng không kém như bây giờ, nhiều nhất là bánh kẹo, hạt dưa,… đa phần người ở nơi đây tự làm là chính: nào là rượu dâu, rượu mận, trái cây Lái Thiêu hay bột gạo Bích Chi… Mỗi cửa hàng bắt loa với công suất cực mạnh để lấn át hàng xóm. Ồn ào nhất bao giờ cũng là quầy bán thuốc đánh răng hiệu Bảy Chà Hynos. Những câu rao hàng cũng rất ngộ nghĩnh như quầy bán vải: “Trăm ba pô-pơ-lin, trăm sáu pô-pơ-lin, một trăm ba bán sáu chục…”, hay khi đi ngang hàng đồ chơi đều phải cười đến sặc sụa: “Xanh xanh, đỏ đỏ em nhỏ nó chơi, em nhỏ nó mừng”, thì kế bên quầy bán trái cây cũng không chịu thua: “Xanh xanh, đỏ đỏ em nhỏ nó ăn, em nhỏ nó cười”. Tết Sài Gòn xưa đông vui náo nhiệt và giản dị đến bình yên như thế đó.
Bây giờ, Sài Gòn còn náo nhiệt hơn! Đầu tháng Chạp, các cửa hàng bắt đầu nôn nao trang trí những câu chúc, hàng hóa bắt mắt đa dạng đầy màu sắc. Dọc hai bên đường là các tiểu thương tranh nhau sắp xếp những cây hoa mai, hoa đào vì Sài Gòn bây giờ đã giao thoa văn hóa khắp cả nước nên hoa đào cũng trở nên phổ biến hơn như miền Bắc vậy. Hoa kiểng được người ta bày bán trong những ô nhỏ mà người dân nơi đây thường gọi là lô bán, bề ngang khoảng hai mét, dài từ ba đến bốn mét. Họ để những chậu hoa cúc, hoa vạn thọ,… nối tiếp nhau đầy đủ màu sắc đỏ, vàng,… ngút ngàn trên hai mép đường. Bên cạnh đó còn có các khu ông Đồ xin chữ. Các câu “chúc mừng năm mới”, “tấn tài tấn lộc”, “hạnh phúc sum vầy” và rất nhiều câu khác được treo khắp dãy phố. Tất cả tạo ra một khung cảnh đa dạng sắc màu, khó nơi đâu sánh được với Sài Gòn.
Gần Tết, người dân đổ ra đường nhiều hơn, tấp nập và ồn náo hơn. Lúc đó, mỗi khi đêm về, khi mọi người chìm trong giấc ngủ thì đâu đó là những nỗi niềm của các thương buôn; các dòng suy nghĩ hiện trong đầu họ: “Không biết năm nay có về quê sớm được không?”, “Không biết có đủ tiền năm sau cho thằng con trai nó vào Đại học không?”, “Không biết có bán hết hàng không hay phải phá chúng, phá đi mồ hôi nước mắt của bản thân phải cật lực cả mấy tháng trời ngoài đồng” và rất nhiều chữ “không biết” hiện lên trong đầu. Quanh năm họ sống với cây, lá; chúng như là một phần sự sống của họ. Có nhiều người chụp ảnh, vui chơi, chỉ lướt qua xem mà không mua vì đợi đến 30 Tết thế nào cũng được giảm giá. Vì thế, có những năm họ không thể về sớm đón giao thừa cùng gia đình vì quá ế ẩm. Ngày 30 Tết cũng là ngày mà các thương buôn phải bán tháo, bán lỗ để cho hết cây, hết hoa kiểng. Cũng có những thương buôn khác nhất định không bán như vậy mà họ chọn cách chính tay họ sẽ đập phá chúng vì không thể phá giá, nếu không năm sau họ sẽ bán không được. Những người khác thì đem vào chùa cúng dường. Cho nên, ngày 30 Tết, hầu hết các chùa sẽ được rất nhiều hoa từ các thương buôn. Và như vậy, những năm đó luôn là những năm họ đón cái Tết nghèo và giản dị.
Tết Sài Gòn dường như khoác lên mình một màu sắc mới, từ những con đường đến các tòa nhà cao tầng, chúng đều ăn tết và con người nơi đây cũng vậy, cũng khoác lên mình những bộ cánh sang trọng, lả lướt. Nhưng đâu đó, vẫn còn những người công nhân xa quê, vẫn tất bật làm vào những ngày cận Tết, không dám tiêu xài gì nhiều mà phải tiết kiệm tối đa để đem về nhà lo thuốc thang chạy chữa cho ba mẹ. Có khi họ cũng không về quê được vì đang thất nghiệp, không có tiền về xe.
Đêm giao thừa, có lẽ ai cũng mong đợi được đón năm mới bên gia đình và người thân, xem những màn pháo hoa rực sáng trên bầu trời. Đó hẳn sẽ là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của họ. Tuy trời đêm Sài Gòn có rực sáng đèn hoa, song người ta vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng lầm lũi của những người quét rác; sau những điều hạnh phúc tốt đẹp ở nơi này lại là nỗi cô đơn vất vả ở nơi kia. Sau đêm vui ấy, Sài Gòn thường để lại hàng tấn rác được thải ra. Lúc đó, các công nhân ấy phải cật lực dọn dẹp trên các con đường, vỏn vẹn chỉ bốn giờ để trả lại vẻ đẹp của Sài Gòn vào buổi sớm mai. Thế đó, họ cũng có một đêm giao thừa nhưng âm thầm với công việc của họ, tận tụy và lặng lẽ; nhưng nét mặt vẫn tươi vui, xem đó là niềm hạnh phúc nhỏ như thể họ đã làm được chút việc ý nghĩa gì đó trong đêm 30, và cũng vui vì sẽ nhận được tiền lương nhiều hơn, cấp tốc trở về nhà dù đã muộn.
Tết Sài Gòn là thế đấy! Có cả nụ cười lẫn những giọt mồ hôi! Dù cơ cực, muộn màng đến mấy họ cũng tranh thủ trở về bên gia đình. Có lẽ, gia đình là một tổ ấm bình yên, là nơi đầy ắp tình yêu thương mà dù ta có đi đâu xa cũng muốn về lại, nhất là những ngày Tết đến Xuân về.
Với những người con Phật, Tết là dịp để chúng ta có cơ hội đoàn viên bên gia đình, bên ông bà, cha mẹ để dùng chung bữa cơm họp mặt, để nói những lời chúc lành, những lời yêu thương cho nhau. Đó là những khoảnh khắc thiêng liêng, ấm cúng nhất mà chúng ta khó có thể quên được, là nguồn năng lượng tích cực theo ta trong suốt hành trình của năm mới.
Xuân về, Tết đến, tâm an lạc
Dạo bước trần gian, bóng Phật Đà
Từ bi, tế độ, cao thượng cả
Sum họp, đoàn viên, Tết mọi nhà.
Hãy nhớ, dù bạn đi đến đâu, làm việc gì hay bạn là người như thế nào, Tết luôn là ngày mà chúng ta trở về sum họp bên gia đình, bên ông bà, ba mẹ, những người thân và tận hưởng một cái Tết an vui và hạnh phúc trong niềm hân hoan của mùa xuân!
Chánh Tấn