Giáo Dục

Suy nghiệm lời Phật dạy - Quả báo vu khống bậc Thánh

Cập nhật: 17/03/2015
Trong ba nghiệp ác của thân, khẩu, ý thì khẩu nghiệp (nói gian dối, nói chia rẻ, nói hung ác, nói dua nịnh) là dễ gây tạo nhất. Nhiều người cứ nghĩ lời nói gió bay nên nói ko cần suy xét, nói cho đã miệng mà không ngờ những lời hư vọng ấy có tác hại không nhỏ đến mình và người.
 

Suy nghiệm lời Phật dạy - Quả báo vu khống bậc Thánh

 

Nhất là khi đề cập hay bình phẩm người tu hành, chúng ta lại càng cẩn trọng hơn. Sống trong cảnh giới phàm thánh đồng cư, dù thánh ít phàm nhiều nhưng khi chưa biết chắc về một điều gì của ai đó thì tốt nhất là không nên nói. Vì nói điều mà mình không biết rõ, chỉ nghe lại lời người khác (mà miệng tiếng trong thế gian luôn hàm chứa vô vàn dụng ý khác nhau) thì chẳng những không lợi ích gì mà biết đâu lại bị tổn giảm phước báo, liên lụy đến mình.

“Một thời Phật ở nước Xá-Vệ, rừng Kỳ-Đà, vườn Cấp-Cô-Độc.

Bấy giờ Tỳ-kheo Cù-ba-ly đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên, bạch Thế Tôn:

- Tỳ-kheo Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên việc làm rất ác, tạo các hạnh ác.

Thế Tôn bảo:

- Chớ nói thế! Thầy hãy phát tâm hoan hỷ đối với Như Lai. Tỳ-kheo Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên làm việc thuần thiện, không có các điều ác.

Tỳ-kheo Cù-ba-ly hai phen bạch Thế Tôn:

- Như Lai nói thật không có hư vọng, nhưng Tỳ-kheo Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên việc làm rất ác, không có gốc lành.

Thế Tôn bảo:

- Thầy là người ngu! Chẳng tin lời Như Lai, mới bảo Tỳ-kheo Tỳ-kheo Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên việc làm rất ác. Nay Thầy tạo hạnh ác này, sẽ chịu quả báo không lâu.

Bấy giờ Tỳ-kheo kia ở ngay trên chỗ ngồi, thân mọc mụt nhọt độc, lớn bằng hột cải, dần bằng hột đậu, dần dần như trái a-ma-lặc, gần bằng bồ đào, lại bằng nắm tay, máu mủ chảy tràn, thân hoại mạng chung, sanh trong địa ngục hoa sen.

Thế Tôn bèn nói kệ:

“Phàm người sanh ra. Búa ở trong miệng

Sở dĩ chém thân. Do lời ác này

Kia dứt ta dứt. Cả hai đều thiện

Đã tạo hạnh ác. Đó đọa cõi ác

Đây là ác nhất. Hữu tận, vô tận

Ác với Như Lai. Người này nặng nhất

Một muôn ba ngàn. Sáu mốt ngục tro

Báng Thánh đọa đó. Do thân miệng tạo”

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nên học ba pháp để thành tựu hạnh của mình. Thế nào là ba? Thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành. Như thế, này các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng Nhất A-hàm, tập I, phẩm Tam Bảo[lược], VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.363)

Thế nên, chúng ta hãy thận trọng  khi nói lỗi người, đặc biệt là đối với người tu hành. Đành rằng, người con Phật thực hành chánh ngữ và không hề ngần ngại khi nói lên sự thật để góp ý và xây dựng Tăng-già, hoàn thiện cho bốn chúng. Nhưng phải hết sức lưu ý rằng, góp ý xây dựng và nói lỗi người là hai vấn đề có bản chất hoàn toàn khác biệt nhau. Góp ý xây dựng, chỉ rõ lỗi người với tâm từ bi là cần thiết nhưng nói lỗi người một cách cảm tính, ác khẩu, không đúng nơi, đúng chỗ và đúng người  thì không nên vì tổn giảm phước báo vô cùng.

Trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện phát triển tột bậc rất tiện lợi và chóng vánh như hiện nay thì bất cứ phát ngôn nào của chúng ta cũng dễ dàng lan tỏa đến toàn cầu. Lợi ích vô cùng cũng từ đó mà tác hại vô tận cũng từ đây. Vì thế, những người con Phật cần hết sức chánh niệm trong lời nói, trong cách thể hiện quan điểm và ý kiến của mình. Học theo lời Phật “Thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành” để ba nghiệp được sạch trong. Đặc biệt là tránh xa vọng ngữ, học nói những lời chân thật, học nói lời yêu thương, học nói lời hòa giải có tác dụng hàn gắn và xây dựng để mình và người đều được lợi ích và an vui.

Quảng Tánh

Tin tức liên quan

Giới thiệu ấn phẩm mới: Tặng Phẩm Xuân 2021
14/01/2021
Giới thiệu ấn phẩm mới: Bài học thanh thiếu niên
13/11/2020
Tu tập trong cách xá chào
17/05/2020
Giới thiệu ấn phẩm mới: Bài Học Em Đến Chùa
27/02/2020
Giới thiệu ấn phẩm mới: Bài Học Nhân Quả
24/02/2020