Sống Với Tiếng Gầm Sư Tử: Thực Hành Vô Úy
Bản ngã luôn cố gắng duy trì cái tôi và tìm cách tránh xa những lời chân thật rằng cái tôi này không hề tồn tại. Tâm thức luân hồi, hoặc các xúc cảm phức tạp đầy mâu thuẫn như đam mê, sân hận và vô minh (tham sân si) khiến chúng ta bị mê mờ không thể giác ngộ được. Chúng là sản phẩm của sự sợ hãi thẳm sâu trong bản ngã, luôn cố gắng duy trì, giữ gìn cái tôi và luôn tránh xa những lời khuyên sự thật về Vô Ngã. Tiếng gầm Sư tử là lời tuyên bố về vô ngã, phá hủy những cảm xúc trái nghịch, mâu thuẫn trong tâm hồn, cho phép chúng ta trải nghiệm sự tỉnh giác.
Khi Đức Phật nói về bốn Sự Thật của Tứ Diệu Đế với đau khổ, nguồn gốc của đau khổ, sự chấm dứt đau khổ, và Bát Chánh Đạo, con đường diệt khổ, Ngài đã chỉ ra trạng thái thực sự của luân hồi là đau khổ (dukkha), và chỉ ra cho chúng ta con đường phải đi, buông bỏ sự bám chấp vào cái tôi không hề có thực này. Việc cho rằng cái tôi này có thực (chấp ngã) chính là nguyên nhân của đau khổ. Người ta nói rằng khi sự thực này được hiển lộ, nó đã khiến người nghe rúng động đến tận tâm can.
Lời dạy của Phật về Tứ Diệu Đế, việc giữ giới và thái độ buông bỏ, không bám chấp là tiếng Sư Tử Hống vĩ đại trên con đường tu đạo dẫn đến giải thoát. Tiếng Sư tử Hống đã khiến những người yêu mến cuộc sống buông lung dễ dãi phải run sợ; đồng thời khơi dậy lòng quả cảm trong tâm những người sẵn sàng dâng hiến cuộc đời cho việc tu học thiền định tìm cầu giải thoát.
Trong Phật giáo Đại Thừa (Mahayana), con đường của các vị Bồ tát giàu lòng bi mẫn và trí huệ, tiếng Gầm Sư Tử (Lion"s Roar) là lời tuyên bố của Đức Phật về Tánh Không, là sự thân chứng của hành giả về Tánh Không, rằng mọi sự vật, khái niệm là không thực, và không có bất cứ điều gì là thường hằng, vĩnh viễn. Vì không bám chấp và không giới hạn, con đường (đạo) trở thành một đại lộ thênh thang rộng lớn.Người ta nhận biết các sự vật hiện tượng đều là không, từ đó phát khởi lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.
Trong Phật giáo Đại Thừa, Đức Phật dạy rằng giác ngộ (enlightenment) là một trạng thái rực rỡ, không thể huỷ diệt, cả thân ta lẫn sự vật hiện tượng đều hòa nhập, đều không có bản ngã. Tiếng Sư tử hống này là cơn đau tim đối với một số đệ tử của đức Phật. Đây quả là 1 đòn chí tử cho những ai còn cố gắng tìm kiếm hay bám víu vào một điểm tựa nào đó trên con đường tu đạo cũng như đời sống hàng ngày.
Tông phái Trung Quán (Madhyamika), một tông phái nổi tiếng của Đại Thừa, cho rằng việc đi theo con đường trung đạo là khôn ngoan, họ cho rằng Sư Tử Âm có nghĩa là khi tư duy của hành giả, thông qua quá trình tu tập và nghiên cứu, khai ngộ sự thật của Pháp. Điều này được so sánh với tiếng gầm sư tử chấn động mười phương. Người ta miêu tả rằng khi trí tuệ của hành giả gặp được bản chất của Pháp, lúc đó hai con sư tử dũng mãnh gặp nhau, chúng cùng chung lưng và cất lên tiếng hống rung động cả mười phương, khiến bản ngã không còn nơi nào để ẩn nấp.
Trong Kim Cương thừa, Mật tông là con đường của sự tỉnh giác vững bền, không thể hủy diệt. Đó là sự hòa hợp tuyệt vời giữa trí huệ và tấm lòng chân thành. Tiếng Gầm Sư Tử vang lên như sấm sét, là âm thanh của lời tuyên bố không thể huỷ diệt của sự vô úy. Kim Cương Thừa có một câu nói mạnh mẽ như sau: “tiếng gầm sư tử làm cho tai của những kẻ yếu hèn bị ù đặc và đánh thức những tâm hồn mạnh mẽ tìm cầu sự tỉnh giác, thoát khỏi u mê”.
Khi tiếng gầm Sư Tử của Kim Cương thừa vang lên, toàn thân hành giả sẽ trở nên rúng động và biến thành cam lộ, phá hủy những niềm tin cực đoan và biến các độc tố trở nên thần dược trí tuệ. Đây chính là quá trình sự biến đổi: thông qua việc giữ giới và tu học miên mật Kim Cương Thừa, bản ngã tầm thường với những độc tố và cấu uế của con người sẽ dần được biến thành chùy kim cang, với sự tỉnh giác và lòng từ bi tối thượng.
Nói chung, trong suốt các giáo lý của Phật giáo, ý tưởng về tiếng gầm Sư tử có hai ý nghĩa: một là lời dạy của Đức Phật về giáo pháp căn bản. Hai là sự tu học và chứng ngộ của hành giả về các pháp ấy. Với tiếng gầm Sư tử, các hành giả tiếp tục lan truyền, giảng giải Phật pháp cho những người khác học hỏi và khai ngộ, để tỉnh thức tất cả chúng sinh.
CHÖGYAM TRUNGPA RINPOCHE
Nguồn: https://www.lionsroar.com/living-the-lions-roar-how-to-practice-fearlessness/
Việt dịch: Diệu Liên Hoa