Bài viết

Sợi dây trói buộc

Cập nhật: 01/03/2020
Trong tiến trình tu tập giải thoát của các hành giả đi theo dấu chân của đức Thế Tôn, đều phải lấy giới định tuệ làm nền tảng, sao cho có được hạnh phúc an lạc cho chính mình và người. Đối với người xuất gia, trước hết phải thấy được sự ràng buộc, chấp chặt, bám víu làm nhận chìm, không thoát được khổ đau và luân hồi; phải biết rời xa các cám dỗ, xa rời các dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, nghi ngờ. Đây là những thứ làm lu mờ, ngăn che ý chí xuất trần, không thấy được thiện pháp đưa đến hạnh phúc chân thật.
 

Sợi dây trói buộc

 

Năm sợi dây trói buộc hay năm triền cái chính là các ác pháp dẫn đến đau khổ và sa đọa. Nhưng thoát khỏi năm sự trói buộc này, thì trước hết chúng ta cần phải nhận biết đó là gì, tác hại và ảnh hưởng ra sao khi chúng ta dễ duôi, thả trôi theo năm triền cái đó.

1. Dục: là sự ham muốn, thích thú về vật chất lẫn tinh thần, từ cái nhỏ nhất đến những vật lớn nhất. Trong vòng luân hồi sinh tử, sự ham muốn này làm cho người tu tập không thoát ra được, khổ đau, cũng vì cái ăn cái mặc hay nhu cầu tâm sinh lý của con người. Nếu tâm chúng ta còn ham muốn những vật chất thế gian hay những nhu cầu về tâm sinh lý quá nhiều, thì cần được hóa giải bằng phương pháp tu tập, quán các pháp đều do nhân duyên hợp thành, đều là giả hợp như màn sương sớm rất dễ tan rã hoại diệt, còn duyên thì hợp, hết duyên thì phân ly; phải quán xét tấm thân này cũng giả hợp bất tịnh, vậy mà hằng ngày phải lo, phải chăm sóc, vun bồi cho tấm thân này mà không màng đúng hay sai. Nếu nhìn nhận thẳng vào tấm thân này, cũng ví như một thùng phân di động, nếu mỗi ngày không vệ sinh, làm sạch sẽ thì chắc rằng không ai dám tới gần, hay thích thú nó nữa. Thấy được như vậy, người học Phật cần phải loại bỏ những cấu nhiễm nơi thân và tâm, tu tập thực hành thiền quán, làm cho dừng lại tất cả vọng niệm điên đảo, thấy được các pháp thế gian huyễn hóa không chân thật.

2. Sân: là giận dữ, bực tức, nóng nảy… đây chính là những cảm giác khó chịu của thân và tâm, và cũng là cái bẫy mà người tu vẫn thường gặp hay mắc phải. Sân là một chướng ngại vô cùng nguy hiểm cho hành giả trên bước đường tu tập. Khi ai làm cho ta trái ý nghịch lòng, hay nhìn thấy cảnh không ưa, âm thanh chói tai khó chịu… làm cho ta cảm thấy bất an, lẽ dĩ nhiên là khổ não phát sinh trong cả thân và tâm. Những khi đó, nếu ta không nhận ra cơn sân đang có mặt, không chuyển hóa, thì dễ dàng phát sinh những pháp bất thiện. Ở mức độ ít thì như trái bom nổ chậm, đến một lúc nào đó sẽ nổ làm tan nát mọi vật xung quanh. Ở mức độ cao thì có thể xảy ra tranh chấp cãi vã, thậm chí dẫn đến án mạng bởi sự sân hận nổi lên.

Để đối trị với lòng sân hận, hành giả nên thực hành rải tâm từ đến với muôn loài. Trong phần hành thiền rải tâm từ, có câu “nguyện cho những người không thích tôi, oan gia trái chủ của tôi, có đầy đủ sức khỏe, bình an”… Chúng ta có thể thấy được, ngay cả kẻ thù của mình, mình còn phải khoan dung tha thứ, nguyện cho họ được bình an, sức khỏe, thì còn điều gì nữa để làm cho ta phải sân! Niệm rải từ tâm chính là một trong những phương pháp đối trị sân hận, dùng tình thương để cảm hóa nghịch cảnh.

3. Hôn trầm: là trạng thái tâm lý mệt mỏi, uể oải, lười biếng, buồn ngủ. Trạng thái tâm lý này sẽ ngăn cản bước tiến của hành giả, bào mòn sự an tịnh của thân tâm. Để đối trị với trạng thái này, cần chánh niệm tỉnh giác, tinh tấn nhận diện cơn hôn trầm đang diễn ra. Phương pháp đơn giản nhất là chánh niệm tỉnh giác, quan sát hơi thở vào ra. Với chánh niệm ở mức cao độ cộng với sự tinh tấn hành thiền không thối chí, ta có thể chặt bỏ sợi dây trói buộc thứ ba là hôn trầm.

4. Trạo cử: là trạng thái tâm lý dao động, sự tán loạn, phóng dật của tâm. Tâm ta luôn dao động, vọng tưởng luôn khởi sanh, nên nói là tâm viên ý mã. Tâm như khỉ chuyền cành, không lúc nào ngơi nghỉ. Bởi vậy, cần phải có một đề mục dán chặt tâm vào đó. Thường thì bước đầu, hành giả nên hành thiền chỉ, để đối trị khi trạo cử, chánh niệm chú tâm vào hơi thở vào ra để định tâm. Bên cạnh đó, một lối sống thiểu dục tri túc, trân trọng và biết ơn những gì mình đang có sẽ giúp được rất nhiều trong đời sống tu tập của mình.

5. Hoài nghi: là sự nghi ngờ đối với đức Phật, giáo pháp, chư Tăng và các điều học. Điều này rất dễ xảy ra đối với những ai có pháp học không vững, cũng như thực hành sai chánh pháp, rất dễ dẫn đến sự chán nản, hoài nghi về sự giác ngộ, hoài nghi về nhân quả, không tin vào con đường giải thoát, đạo quả và Niết-bàn mà Phật đã chỉ dạy... Để đoạn trừ hoài nghi, cần phải học và hiểu rõ những lời dạy của đức Phật, thân cận thiện hữu tri thức để có chánh kiến, có niềm tin vững mạnh nơi Tam Bảo.

Xuyên qua những hiểu biết về những sự ràng buộc, một hành giả trên đường tiến tu giải thoát, thì cần phải có nền tảng Phật học vững chắc thông qua kinh điển, lấy giới luật làm thầy, thân cận bạn lành để trau dồi các đức hạnh cao thượng, hướng đến những lý tưởng cao đẹp, hạnh phúc chân thật.

Tâm Thịnh

Tin tức liên quan

THEO BỤT TA ĐƯỢC GÌ?
18/10/2024
NGUYỆN THOÁT KHỎI TAI ƯƠNG
16/09/2024
NGƯỜI TU THẬT – TUYỆT ĐẸP
10/09/2024
CHÙA TO – PHẬT LỚN
03/09/2024
Trên ngực con đượm buồn màu bông trắng…
13/08/2024