Suy Ngẫm

Sau Một Chuyến Đi.

Cập nhật: 22/09/2013
Bất kỳ ai khi đến với cuộc đời này, đều mong muốn mình được sanh ra trong một cơ thể hoàn toàn khoẻ mạnh, không khiếm khuyết; hy vọng trong suốt cuộc đời mình, sẽ gặp được những điều may mắn, hạnh phúc, viên thông; hay ít nhất, là được sanh ra trong một gia đình đủ cha, đủ mẹ. Mấy ai biết trước được, bất hạnh nào sẽ vây bủa lấy thân mình; hay vì nghiệp lực, mình sẽ thế nào trong kiếp lai sinh?
 

Sau Một Chuyến Đi.

 
 
Có những chuyến đi, chỉ để thoả mãn cái hạnh phúc giản đơn và nhu cầu giải trí bình thường của chính ta, để rồi sau mỗi chuyến đi ấy, ta lại mệt mỏi hơn, suy hao hơn. Nhưng cũng có những chuyến đi, giúp ta tăng trưởng thêm lòng từ bi, tình yêu thương; và trên hết, là sự biết ơn to lớn với những gì ta đã có và đang có. Đó là khi ta biết đủ, biết dừng lại những ham muốn vật chất bên ngoài, mà tìm về những giá trị cao quý bên trong – thứ ta từng quên mất!

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình thường, con cũng như bao đứa trẻ khác, suốt hơn 20 năm đầu tiên của cuộc đời, hầu hết thời gian của chúng con là dành cho học tập, bạn bè, và mơ mộng về tương lai. Chính cái cuộc sống đầy đủ, sung sướng, vô âu vô lo - cái cuộc sống mà con cho rằng “quá bình thường” ấy - khiến con trở nên xa lạ với những mảnh đời bất hạnh, và thờ ơ với những nỗi khổ vẫn ngày đêm hiện diện quanh mình. Con nghĩ: “Con người, ai sinh ra, cũng đều được hạnh phúc như ai, đó là lẽ tất nhiên, và không cần bàn cãi. Nhìn chúng bạn con, nó sướng hơn con gấp chục, trăm lần, con tự cho rằng, mình thật bất hạnh vì không bằng chúng nó”. Dần dà, con tự cho phép mình trở thành một con người không ngừng đòi hỏi người khác, và vô cảm với những lo âu của chính ba mẹ mình. Cho đến một ngày, con tình cờ biết về giáo lý đạo Phật, biết tháo xuống cặp mắt kiếng màu hồng mà con đeo bấy lâu nay, để nhìn đời như nó chính là. Con bỡ ngỡ nhận ra, cuộc sống không công bằng như con hằng ảo tưởng, đâu đó, luôn tồn tại những bất công; và hạnh phúc, trở thành thứ gì đó “xa xỉ” với một số người. Dù đã biết như thế, nhưng tất cả đối với con vẫn rất mù mờ! Con biết quanh con, có những mảnh đời khó khăn, bất hạnh, nhưng họ đau khổ thế nào, thiếu thốn ra sao, và tại sao họ đau khổ, thì con không hiểu được; con không thể bước vào cuộc sống chai sạn đó bằng đôi chân mềm mỏng của mình! Rồi con bén duyên với nhóm Hộ Pháp chùa Hoằng Pháp, con có thời gian được học tập giáo lý, được tiếp xúc với quý thầy, và đến gần hơn với một thế giới khác – cái thế giới mà con đang tồn tại. Rời xa sự bảo bọc của ba mẹ, những bức tường kiên cố chắn gió che sương, cái giường nằm ấm êm với chiếc chăn dày ấm, con đến gần hơn với những mảnh đời mà mọi người gọi là “bất hạnh”; con tập sống, tập làm, và tập nhìn cuộc đời theo cách của họ. Và, con thấy cuộc sống của con đổi khác! Con cảm thấy mình trưởng thành hơn, yêu đời hơn, và yêu thương mọi người hơn sau mỗi chuyến đi cùng quý thầy về những nơi xa xôi của đất nước hình chữ S. Gần đây nhất, và cũng có thể nói là để lại cho con nhiều cảm xúc nhất, chính là lần tham gia cùng quý thầy tổ chức trung thu cho các bạn trẻ mồ côi ở Vũng Tàu vào ngày 15/9 vừa qua – nơi mà bước chân con dù đã đi qua, nhưng nước mắt con, vẫn nằm lại tại đó!

Hành trình đến và đi, chúng con thăm qua 4 mái ấm tổng cộng. Có nơi phần lớn nuôi các bé tâm thần, có nơi thì là các bé khuyết tật. Dù khác nhau ở số lượng các em, cơ sở hạ tầng, và số người giám hộ, nhưng ở mỗi mái ấm, là cả một câu chuyện riêng đầy cảm động, góp vào cho bức tranh tổng thể màu sắc nhân văn chung, đầy tính từ bi và trí tuệ.

Gọi là trẻ mồ côi, nhưng khi tham gia chương trình, con mới biết, hầu hết các bé ở đây vẫn có cha, có mẹ; chẳng qua là bé có nhà mà không thể về, có ba mẹ, mà không được thừa nhận. Con thật sự ngạc nhiên, vì các bé còn quá nhỏ, hầu hết là chưa đến 7 tuổi! Các bé cũng hiếu động, cũng đùa nghịch như các bạn đồng trang lứa, cái khác nhau cơ bản, là thay vì bé chung sống cùng ba mẹ mình, trong ngôi nhà của chính mình, thì các bé lại sống cùng nhau trong một gia đình lớn, rất đông anh em, nhưng lại không cùng chung huyết thống. Dù xuất thân khác nhau, hình tướng khác nhau, tâm lý khác nhau, nhưng tựu chung lại, các bé đều bị bỏ rơi, và không ai thừa nhận. Con còn nhớ, Ni sư trụ trì Tịnh Xá Ngọc Tuyền, chỉ cho con, và kể: “Cu cậu này, Ni nhặt được ở hố rác nè, lúc đó chắc khoảng vài tháng tuổi! Còn bé gái bên đây, một cô nhặt được ở hang đá gần chùa, lúc bé vừa được 1 ngày tuổi, nên mang đến đây nhờ Ni nuôi giúp”. Ni thật thà, chất phác, từ bi là vậy, Ni hồn nhiên kể về xuất thân của mỗi bé, mà không biết rằng, tim con đang bỏng rát. Một linh hồn bé nhỏ, một mạng sống, một thân người - mà theo lời Phật dạy, là khó trong khó vạn lần mới có được - lại có thể rẻ rúng đến thế kia ư? Dẫu biết ba mẹ của mỗi bé, đều có những câu chuyện khó nói của riêng mình, nhưng đứa trẻ kia, làm chi nên tội? Bãi rác kia, có phải là nơi phù hợp với một con người? Hay một đứa trẻ đỏ hỏn, bị bỏ rơi trong hang đá, nếu không ai phát hiện, thì sẽ thế nào? Và nếu không thể có những mái ấm thế này, thì cuộc đời của các bé sẽ ra sao? Sẽ đi đâu? Về đâu?

Đến một mái ấm khác, chúng con may mắn được hầu chuyện cùng Ni sư trụ trì, và được nghe Ni sư kể về cuộc đời của hai bé Từ, Bi. Từ, Bi vốn dĩ là chị em song sinh, xuất thân trong một gia đình khá giả, nhưng không may là đôi mắt của hai bé đều bị mù bẩm sinh. Không dừng lại ở đó, chỉ trong vòng vài tháng sau khi chào đời, gia đình bé gặp biến cố, đến cuối cùng phải gửi bé vào mái ấm nơi đây. Ban đầu, ba mẹ bé vẫn lui tới thăm nom, nhưng đến khi bé được ba tuổi thì ngừng hẳn. Tám năm đã trôi qua, bây giờ, dù là trẻ khiếm thị, có hoàn cảnh đặc biệt trong mái ấm, nhưng bé vẫn có thể sinh hoạt, và làm việc bình thường, vì vốn dĩ, bé đã quá quen thuộc với mái ấm này. Nơi đây đã trở thành “nhà” của hai bé, là chốn đi về, là tuổi thơ, là hiện tại, và cả tương lai. Hiện giờ, hai bé đang được các Ni sư tạo điều kiện cho theo học lớp khuyết tật dành cho trẻ khiếm thị. Bé đã biết đọc, biết viết, và thuộc cả kinh điển nhà Phật. Nhìn hai bé đồng thanh đọc bài Sám Vu Lan, mà cả đoàn chúng con không khỏi bồi hồi suy tưởng. Bài Sám kia, dù chúng con đã được đọc tụng trong suốt tháng 7, chúng con cũng lớn hơn, và đặc biệt là chúng con trọn vẹn về các căn, nhưng khối người trong chúng con vẫn còn chưa thuộc. Các bé đã dạy cho chúng con một bài học về nghị lực sống, về ý chí vươn lên trên hoàn cảnh, về ý niệm “Tàn mà không Phế”. Từ, Bi, hai chữ nghe thật giản dị, thật bình thường, và quá gần gũi trong giáo lý của Phật, nhưng phải chăng, đó là cả một sự gửi gắm hy vọng, một quan niệm sống của Ni sư nơi đây đối với không chỉ riêng hai bé, mà với cả những người hữu duyên ghé lại nơi đây?

Tại điểm dừng chân cuối cùng, cũng là nơi mà quý thầy tổ chức chương trình trung thu, con hoàn toàn bị shock bởi số lượng trẻ em nơi đây – 112 em, và hầu hết là dưới 5 tuổi, riêng số lượng trẻ sơ sinh lên tới hàng chục em. Con ngơ ngác, bàng hoàng, và tự hỏi mình: làm sao vị thầy trụ trì ở đây, cũng như những người Phật tử công quả đến giúp đỡ thầy, có thể chăm sóc được một số lượng trẻ em lớn đến thế, và lâu dài đến thế? Mỗi bửa ăn, làm sao các vị phụ trách ở đây, có thể đút cơm cho số lượng trẻ lớn thế này? Đó là còn chưa kể đến việc sinh hoạt cá nhân của các em, vẫn phải nhờ đến người lớn giúp đỡ. Có thế mới biết, tấm lòng yêu thương của quý Thầy, của các Phật tử nơi đây đối với các em to lớn như thế nào. Nó không ồn ào, không dữ dội, chỉ là những hành động nhỏ thôi, nhưng thiết thực, và giúp ích được cho biết bao con người. Con chợt nhớ ra, đạo Phật ta, là sống ở trong đời, để giúp đời bớt khổ, thêm vui, nào đâu xa xôi, mà tìm cầu, hư vọng! Phật luôn trong ta, trong những ý niệm vị tha, giúp người!

Hình ảnh quen thuộc nhất mà chúng con bắt gặp trong suốt chuyến đi, là việc các bé đưa tay lên, xin chút tình thương từ những người xa lạ. Có lẽ, đối với chúng con, việc ôm một bé vào lòng, vỗ về, nâng niu, là một hành động quá đỗi bình thường, không tốn mấy công sức; nhưng mấy ai biết được, nó lại to lớn với các bé thế nào! Đối với các bé, thứ thiếu thốn nhất, chính là tình thương; mà tình thương, thường thể hiện qua những cử chỉ quan tâm và chăm sóc. Bé dù không gia đình, không ba mẹ, và dù còn rất nhỏ, nhưng bé vẫn hy vọng được yêu thương, chăm chút, ôm ấp nâng niu. Một chút thôi, mỗi người một chút thôi, cũng đủ lắm rồi! Hơi ấm này, tuy là xa lạ, tuy thay đổi liên tục, nhưng cũng đủ giúp bé ấm lại, giúp bé hồi tưởng lại, về một vòng tay, đã xa xôi lắm rồi. Biết đâu trong số hơi ấm đó, thật sự có vòng tay vốn dĩ của riêng bé, và chỉ dành cho bé mà thôi! Nào có ai biết được…

Chuyến đi khép lại, nhưng lại mở ra cho con cả một bầu trời suy tưởng. Lần đầu tiên, con biết hạnh phúc với những gì con đang có! Lần đầu tiên, con biết chỉ cần có đủ ba mẹ, là con đã hạnh phúc tới dường nào! Và cũng là lần đầu tiên, con nhận thức được hàng loạt những vấn đề nhức nhối của xã hội ngày nay, đặc biệt là của tầng lớp thanh thiếu niên yêu cuồng, sống vội, khi những hệ luỵ không dừng lại ở một vài con người, mà tới cả một thế hệ trong tương lai. Con cảm thấy, dù chỉ là một ngày thôi, nhưng con đã trải qua đủ cảm giác hỷ, nộ, ái, ố của một đời người; con đã trưởng thành, và hiểu về cuộc sống xung quanh hơn; quan trọng nhất, là con đã hiểu về giá trị của đời sống con người, củng như xác định được mục tiêu sống của mình trong tương lai. Cảm ơn quý thầy, đã tạo điều kiện cho con tìm thấy chính mình – con người mới mà bấy lâu nay con tìm kiếm! Con hy vọng, quý thầy sẽ còn tổ chức nhiều, thật nhiều những chuyến đi hữu ích khác, để giúp chúng con hoàn thành phẩm chất, đạo đức của mình hơn, cũng như cho chúng con niềm tin: rằng ở đâu đó, luôn có một bến bờ, nơi tình thương thật sự tồn tại, để chúng con tìm về lúc gối mỏi, chùn chân!

Nam Mô A Di Đà Phật!

Nguyễn Thị Thuỳ Trang

Hộ Pháp Viên TLBB 0042

Tin tức liên quan

Không đề
06/06/2021
Bóng mát giữa trời
27/08/2018
Làn gió mát buổi sớm bình minh!
23/08/2018
Vĩnh biệt anh
14/07/2018
Đánh mất tuổi thơ
02/07/2018