Bài viết

Sám hối

Cập nhật: 09/02/2020
Văn hóa Phật giáo Việt Nam luôn được giữ gìn, duy trì và phát triển đến ngày nay cùng hòa vào dòng chảy chung của nền văn hóa giao lưu, hợp tác và hội nhập với văn hóa thế giới. Cho dù với nhiều sự kiện Phật giáo, hoạt động Phật sự đã và đang diễn ra khắp nơi, nhưng có một nghi thức không kém phần quan trọng của đức Phật là nghi thức sám hối. Đây là một nghi thức không thể thiếu trong những việc cần làm của người tu nhân học Phật.
 

Sám hối

 

Tháng nào cũng vậy, cứ đến ngày 14 và 30 âm lịch, chùa Hoằng Pháp tổ chức cho quý thiện nam tín nữ Phật tử về chùa sám hối. Sân chùa ngày thường rộng thênh thang đi mỏi cả chân, thế mà đến ngày sám hối trở nên nhỏ bé, chật hẹp bởi người người về đầy ắp cả sân, kẹt cứng không có lối đi.

Mỗi người trong chúng ta xin dành chút thời gian lắng lòng chiêm nghiệm những điều đang diễn ra trong cuộc sống này: đó là sự si mê, đổ vỡ, khổ đau, bất hạnh kéo dài như đi vào con đường tối thăm thẳm, không thấy lối thoát nhưng vẫn diễn ra. Ai cũng muốn mình xinh đẹp, thông minh, học giỏi... Thế nhưng, do nghiệp nhân sai biệt, căn cơ, nghiệp báo không đồng nhau, nên hiện diện trong đời người đẹp kẻ xấu, người giỏi giang kẻ chậm lụt, người sang kẻ hèn... tất cả hình thức sai biệt này không phải ông trời không công bằng, mà do chính nhân duyên quả báo của mình đã gây tạo từ những đời kiếp trước, nên kiếp này thọ nhận ngay trong hiện tại:

“Muốn biết nhân đời trước
Hãy xem quả đời nay
Muốn biết quả vị lai
Hãy xem nhân kiếp  này”
.

(Kinh Nhân Quả)

Để giúp chúng ta giảm bớt tội lỗi, nỗi khổ niềm đau, hưởng được an vui hạnh phúc, không gì khác hơn là phải biết sám hối. Sám hối trong đạo Phật không phải đơn thuần là xin lỗi, mà còn mang tính chất quan trọng là phải thật tâm sám hối, không để tái phạm, lặp lại những lỗi lầm của mình, đó mới đúng ý nghĩa của từ sám hối.

“Sám hối” là từ Hán Việt. “Sám” là ăn năn lỗi đã phạm; “Hối” là chừa bỏ, không tái phạm. Vậy nên, khi việc sám hối thành tâm thành kính như thế, hành giả cảm nhận được sự thoải mái tâm hồn, tinh thần nhẹ nhàng, lương tâm an ổn, cũng như hóa giải phần nào sự bất an, day dứt với những lỗi lầm mình do vô minh gây tạo. Khi thực hành sám hối chân thành, sẽ giúp hóa giải oan kiết, nghiệp chướng bao đời để được ngày an lành, đêm an lành, đêm ngày sáu thời đều an lành... để có thể trở thành người hữu ích cho cuộc sống này và ở kiếp lai sinh.

Mỗi kỳ sám hối, quý Thầy chùa Hoằng Pháp không những giảng giải trọng tâm các chủ đề liên quan đến đời sống con người, như Chết Sẽ Đi Về Đâu? Luân Hồi Thật Đáng Sợ, Cõi Tây Phương Cực Lạc Ở Đâu?... mà còn xoay quanh về năm giới của người Phật tử tại gia:

1. Không sát sanh.

2. Không trộm cắp.

3. Không tà dâm.

4. Không nói dối, nói đâm thọc, nói thêu dệt, nói lời hung ác.

5. Không uống rượi bia, các chất gây nghiện.

Và luôn nhắc nhở mọi người bài kệ sau:

“Tội từ tâm khởi đem tâm sám
Tâm nếu tịnh rồi tội liền tiêu
Tội tiêu tâm tịnh, thảy đều không
Thế mới thật là chân sám hối”
.

Đã làm con người không ai mà không có lỗi. Điều quan trọng khi biết Phật pháp, là hành giả nhận ra lỗi lầm liền sửa lỗi, chuyển đổi chính mình. Dù vỏn vẹn chỉ hai tiếng đồng hồ, vừa được nghe quý Thầy thuyết giảng, vừa được thực hành nghi lễ sám hối, đó là thời gian quý báu vô cùng. Chúng con rất thích những thời khóa ấy, vì đó là khoảnh khắc giúp chúng con nhìn lại chính mình, giúp mọi người an lạc, thanh thản... cảm nhận được thân người trân quý, phúc duyên gặp được đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh là điều may mắn. Nhờ đây, có thể tạm hiểu phần nhỏ của Phật pháp uyên thâm. Từ đây, chúng con tự thân chánh niệm, luôn tỉnh thức nhắc nhở mình, vì “nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn”: “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp, bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ, ngã kim kiến văn đắc thọ trì, nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”.

Thật sự, sám hối là một pháp tu hành giúp hành giả đạt được tam nghiệp thân – khẩu – ý thanh tịnh, mỗi ngày được an lạc hơn, đồng thời thực hiện được di nguyện vàng ngọc mà đức Thế Tôn để lại trong giờ phút cuối cùng: “Này các ông! Các ông phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Hãy lấy chánh pháp mà giải thoát cho chính mình”.

Thực hành sám hối, hãy chân thật sám hối khi tác pháp để mỗi người là một hoa sen dâng lên cúng dường đức Phật, Sư phụ và quý Thầy trong làn khói trầm hương quyện tỏa khắp chùa.

Tâm Nam

Tin tức liên quan

KÍNH TRI ÂN Sư Ông NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11!
19/11/2022
T H A Y Đ Ổ I
19/11/2022
Gõ trái tim
18/11/2022
Tiếng khóc
17/11/2022
Chuyến đi vội vàng
16/11/2022