
Sai khác giữa phòng hộ và buông lung
Tại thành Setabya, có ông Trưởng giả sinh được ba người con. Họ đều làm nghề thương buôn. Một hôm, Mahākāḷa trên đường đi lấy hàng về, nhìn thấy mọi người đi nghe pháp, cũng xin đi theo. Khi nghe đức Phật giảng về sự khổ thân và tâm, bị ô nhiễm tiền tài, sắc đẹp... ông nhận ra vợ con, nhà cửa, tiền của, mọi thứ khi ra đi phải bỏ lại hết. Ông liền đến bên Phật xin xuất gia. Khi ấy, đức Phật hỏi thăm về gia cảnh Mahākāḷa, ông trình bày xong. Được chấp thuận, ông trở về giao giao hết đàn bò và hàng hóa cho người em quản lý, để đi xuất gia.
Người em không muốn cho anh mình xuất gia, đã dùng đủ lý lẽ khuyên ngăn nhưng không sao thuyết phục được Mahākāḷa, thế là người em cũng giả bộ xuất gia, chờ có cơ hội kéo anh hoàn tục.
Sau khi Mahākāḷa thọ cụ túc giới, đến đảnh lễ đức Phật, nói rằng con đã lớn tuổi, không kham nổi pháp học, đức Phật mới chỉ cho ông pháp hành thiền minh sát tuệ.
Tỳ-kheo Mahākāḷa được đức Phật chỉ cho đề mục quán bất tịnh. Rồi đêm hôm đó, Thầy vào trong mộ địa hành thiền. Người phụ nữ coi mộ địa nói, nếu Sư muốn hành thiền tại đây, phải tuân thủ nội quy: nào là phải kiêng cữ cá, mè, trứng, đường, mật… phải tinh tấn, không được ngủ ngày… Những điều vừa nêu ra rất gắt gao, liệu Sư có kham nhẫn được không.
Tỳ-kheo Mahākāḷa đồng ý. Trưởng lão tinh tấn hành trì sa-môn hạnh tại mộ địa. Trong khi đó, người em lại suy nghĩ mông lung, lúc nhớ đến vợ con, nhà cửa; khi lại nghĩ rằng tại sao anh mình lại lựa lối tu khắc khổ như thế.
Một hôm, có một người con gái con nhà giàu sang, cao quý, sáng đau chiều chết liền, nên thi thể còn tươi trẻ. Khi thân quyến đưa xác cô ta đến mộ địa, người giữ mộ liền cởi hết y phục của cô ra, thì thấy lồ lộ nguyên cả thân hình tròn trịa, xinh xắn.
Người giữ mộ địa thấy tử thi này rất thích hợp cho Trưởng lão làm đề mục quán niệm, nên tức tốc đi thỉnh Trưởng lão. Không chần chừ, Trưởng lão vừa đến, lập tức giở lớp y phục che phủ trên tử thi, và nhìn kỹ từ gót chân lên tới đầu. Quan sát xong, Trưởng lão bảo: “Hãy đem thiêu xác thân đẹp đẽ này đi”. Trưởng lão quan sát tử thi một cách tỉ mỉ. Khi lửa bén cháy, thấy xác thân trở nên màu giống như con bò cái, tiếp theo hai chân rớt ra đánh tòn ten, hai tay rút lại cong queo, lớp da đã bị cháy sạch.
Trưởng lão nghĩ thầm: “Thi hài này hồi nãy ai nhìn cũng sanh lòng thương yêu lưu luyến, thế mà giờ đây ai thấy cũng phải đáng sợ”. Trưởng lão ngồi xuống, quán xét thấy rõ lý hoại diệt, Trưởng lão tinh tấn hành thiền minh sát, đắc quả A-la-hán với tuệ phân tích.
Vừa lúc đó, đức Phật cùng các đệ tử của Ngài du hành đến Setabya, vào tịnh cư trong rừng Siṃsapa. Khi đó, các bà vợ của Cullakāḷa biết được “đức Phật đã về gần đây”. Rồi họ bàn tính đi thỉnh đức Phật cùng chư Tăng đến để cúng dường, sau đó bắt chồng trở lại.
Thế là họ cho người đến thỉnh đức Phật. Lúc đó, Đại đức Mahākāḷa mới bảo Cullakāḷa hãy về sắp đặt chỗ ngồi cho chư Tăng trước. Khi đó, Tỳ-kheo Cullakāḷa về, chỉ cho các bà vợ cũ sắp xếp ghế theo thứ tự, nhưng họ không nghe, cứ đảo lộn tùm lum. Mặc dù Tỳ-kheo Cullakāḷa có nói mấy, họ cũng vờ như không nghe. Mấy bà vợ nói ông ra làm đi. Có bà lại nói vậy ông đi tu có hỏi ai không, ông về đây làm gì. Rồi họ xé hết đồ của ông ra, thay cho ông một bộ y phục của cư sĩ. Các bà bảo ông đi thỉnh đức Phật đi để chúng tôi ở nhà sắp đặt chỗ ngồi.
Tỳ-kheo Cullakāḷa cũng chẳng thấy một chút ngại ngùng, liền đi đến thỉnh đức Phật cùng chư Tăng về dự lễ cúng dường. Mấy bà vợ của Trưởng lão Mahākāḷa thấy Cullakāḷa bị bắt ở lại dễ dàng quá, họ tính với nhau, mình cũng thỉnh đức Phật cùng chư Tăng ngày mai về nhà mình dự lễ trai Tăng, sau đó bắt chồng ở lại. Lần này, chư Tăng cử một vị Tỳ-kheo lạ tới sắp bàn nghế. Họ sắp đặt lễ vật xong, rồi đi thỉnh đức Phật và chư Tăng đến để cúng dường.
Khi thọ trai xong, tám bà vợ của Mahākāḷa lấy cớ bạch rằng: “Xin Ngài cùng chư Tăng hãy về trước. Trưởng lão Mahākāḷa còn phải ở lại tụng kinh hồi hướng phước báu”. Đức Phật đáp: “Sādhu!”. Lành thay.
Thọ trai xong, đức Phật cùng chư Tăng ra về. Trên đường về, có vài vị than phiền: tại sao đức Phật lại đồng ý để Mahākāḷa ở lại một mình. Hôm qua cho Cullakāḷa đến trước, đã bị mấy bà vợ bắt lại, hôm nay không biết Mahākāḷa sẽ ra sao. Đức Phật nghe bàn tán xôn xao, mới dừng lại hỏi. “Này các Tỳ-kheo! Các ông đang nói chuyện gì vậy?”. Các Tỳ-kheo nhắc lại những lời vừa nói. “Các Thầy chớ nên nói như thế. Cullakāḷa đã quen sống đời phóng túng, buông lung chạy theo dục lạc ngũ trần, như cây mềm yếu mọc dựa bờ sông. Trái lại, Mahākāḷa sống không ham dục lạc, hành thiền quán bất tịnh, như núi đá kiên cố không bị lay chuyển”.
Nói rồi, đức Phật ngâm hai bài kệ sau đây:
“Ai sống nhìn tịnh tướng
Không hộ trì các căn
Ăn uống thiếu tiết độ
Biếng nhác chẳng tinh cần
Ma uy hiếp người ấy
Như cây yếu trước gió”.
“Ai sống quán bất tịnh
Khéo hộ trì các căn
Ăn uống có tiết độ
Có lòng tin tinh cần
Ma không uy hiếp được
Như núi đá trước gió”.
Chúng ta thấy đức Phật dùng hình ảnh cục đá và cây cối làm ví dụ để cho ta dễ hiểu. Như cây lau, cây sậy, thân cây rất mềm yếu, khi gặp gió thổi hơi lớn một chút đều nằm rạp xuống. Cho đến loại thân cây lớn, khi gặp gió lớn sẽ bị rụng lá, gãy cành, gãy thân là điều khó tránh khỏi. Có những cây, rễ chưa được ăn sâu vào lòng đất cũng bị tróc gốc. Trái lại, tảng đá có sức nặng, bám sát vào mặt đất nên khi gặp gió lớn, vẫn vững chãi, không bị xê dịch, chẳng bị lật đi chỗ khác.
Cũng như thế, người tu mà hằng ngày thường để tâm rong ruổi theo việc ăn uống, ngủ nghỉ, lười biếng, buông thả theo trần cảnh, không gìn giữ oai nghi giới luật, chẳng biết thu thúc lục căn, nên khi gặp chuyện thiếu sự kiên nhẫn, tinh cần và dũng mãnh, cũng không khác gì cây cối bị gió thổi làm tổn thương. Nếu phạm vào giới nặng (sát, đạo, dâm, vọng) phải rời khỏi Tăng đoàn, trở về với đời sống thế tục; đến giới vừa, giới nhẹ, đều bị tổn thất đến hạnh đức của mình, đành phải buông xuôi, cam chịu làm nô lệ cho tham ái. Còn người luôn gìn giữ oai nghi giới luật, thường tỉnh thức phòng hộ các căn, biết tiết độ trong ăn uống, ngủ nghỉ, biết ái dục là sợi dây xiềng xích, nên đã nỗ lực quán niệm sự bất tịnh của thân thể. Do vậy, khi đối duyên xúc cảnh, dầu khó khăn, nguy hiểm đến đâu, cũng tìm cách xoay chuyển như Tỳ-kheo Mahākāḷa thoát khỏi sự ép ngặt của các bà vợ cũ.
Câu chuyện của hai anh em Mahākāḷa và Cullakāḷa cho ta bài học vô cùng quý báu. Đức Phật đã chỉ rõ sự sai khác của họ. Một người tuy đã xuất gia tu hành, nhưng hằng ngày thường để tâm chạy theo trần cảnh, nên cuối cùng phải trở về cuộc sống thế tục. Còn người luôn tỉnh thức trong việc tu hành, nên thường tinh tấn gìn giữ thân tâm không cho duyên theo ngũ dục, lục trần, nhờ đó đã chặt đứt sợi dây ái dục, chấm dứt khổ đau, thành tựu đạo quả.
Tâm Chiếu