Ra khỏi hầm lửa
Đáp: chữ “tự do” của thế gian có nghĩa tương đối và nhiều cấp độ. Người đã lập gia đình thì sẽ luôn cảm thấy tù túng, ràng buộc bởi trách nhiệm, bổn phận và thường than vãn là mất sự tự do. Đối với một đất nước khi bị nước khác lớn mạnh hơn chiếm đoạt đô hộ, thì người dân trong nước đó mất quyền tự do. Hai vấn đề này chỉ mới nói lên là sự tự do ở trên hình thức bên ngoài.
Ngược lại, chữ “tự do” trong đạo Phật có nghĩa tuyệt đối và rất sâu rộng nằm trong tâm niệm của mỗi người. Xét từ cạn đến sâu thì sẽ thấy rằng trong cuộc sống hằng ngày, con người bị ràng buộc bởi nhà cửa, con cái, tài sản,… bị mất tự do bởi ràng buộc với vật chất. Suốt ngày phải lo ăn, mặc, ở, ngủ nghỉ, trang điểm chăm sóc cho tấm thân này là bị mất tự do vì ràng buộc về thân thể. Sâu nhất là từ sáng đến tối, luôn suy nghĩ tính toán đủ thứ việc, không lúc nào được an tâm rảnh trí là bị mất tự do bởi trói cột vào tâm niệm.
Trong các đoạn kinh, ngài Xá-lợi-phất có nói với ngài Câu-hy-la rằng: “Giống như hai con trâu một đen và một trắng đang cày ruộng. Không phải con trâu đen bị buộc vào con trâu trắng và cũng không phải con trâu trắng bị buộc vào con trâu đen, mà ở khoảng cách giữa của hai con trâu có một cái ách cài buộc chúng lại với nhau”.
Từ đó mà xét thì sẽ thấy rằng, không phải con mắt của mình bị buộc vào đóa hoa hay mấy tờ xanh xanh, đỏ đỏ hay những ngôi nhà bốn năm tầng lót đá hoa cương và cũng không phải những thứ ấy cột trói con mắt của mình, mà ở giữa con mắt và những cái đó có sự tham ái mong muốn tạo ra sự ràng buộc. Sự tham muốn cũng giống như cái ách được quàng vào cổ của hai con trâu, khiến cho con người không được tự do. Giống như tâm ưa thích một chiếc điện thoại mắc tiền. Không phải điện thoại có sợi dây cột lấy con mắt, mà cũng không phải con mắt có sợi dây buộc vào chiếc điện thoại. Chính cái tâm tham muốn, ưa thích đã trói buộc làm cho con mắt mất tự do. Khi chưa có thì ăn không được, ngủ không xong vì ngày đêm nhung nhớ. Có được rồi thì ăn không ngon, ngủ không yên vì sợ bị người lấy mất và mong muốn cái khác đẹp hơn. Đến khi bị hư hay mất thì ăn không thiết, ngủ không màng vì nuối tiếc.
Như vậy, từ trước cho đến sau đều là sự khổ đau ràng buộc, mà khi chưa nhìn thấy chiếc điện thoại đó, chúng ta đâu có phiền và nó cũng không làm cho mình buồn. Chính là cái tâm tham muốn đã làm cho mình bị dính mắc, trói buộc vào sự vật để khổ đau. Chúng ta phải thường xuyên quán xét tâm của mình và nghiền ngẫm về lẽ thật thì mới có thể thấu suốt được điều đó.
Người nào có tâm tham muốn dính mắc càng nhiều thì người đó càng đau khổ vô hạn. Còn dính mắc dù là bất cứ người hay vật thì vẫn còn đau khổ. Nếu có sự giảm bớt thì khổ đau cũng sẽ bớt và nếu dứt hết thì sẽ hết mọi khổ đau. Chúng ta muốn được tự do thì phải mở được chỗ dính mắc của tâm tham muốn đó. Chỗ mở gút là phải thấy được tất cả là “đồ dởm”, chỉ là huyễn hóa. Bằng cách “Hít vào A Di; Thở ra Đà Phật” thấy rõ tấm thân này còn giả, thì huống nữa là cái điện thoại. Đó là cách giải thoát cột trói ở ngay trong một hơi thở và sự tự do có mặt chỉ trong tích tắc.
Thích Minh Thành