Quán Chiếu Về Tâm Từ Và Tâm Bi
I. Tâm Từ – Tình Thương Chia Sẻ (Mettā)
Tình thương thực sự không có ý muốn chiếm hữu bất kỳ điều gì, vì vốn dĩ, tình thương xuất phát từ vô ngã và vô ngã sở (không ta và không của ta), ngay đây mới là mới tình thương cao cả nhất.
Tình thương – không cần lắm lời và không đặt nặng “cái tôi”, vì “cái tôi” này cũng chỉ là ảo vọng.
Tình thương – không phân biệt và loại trừ, vì như vậy là tạo ra những tương phản cho chính tình thương: bất mãn, ác cảm và thù hận. Tình thương bao trùm tất cả hạng loại chúng sinh, không phân biệt lớn – nhỏ, xa – gần, dù loài ở trên đất, dưới nước hay bay trên không trung.
Tình thương – ôm ấp tất cả chúng sinh một cách hồn nhiên, không chỉ với những người giỏi giang tháo vác, người mà bạn ưa mến hay người làm bạn hài lòng. Tình thương trải rộng khắp tất cả chúng sinh, dù cao thượng hay thấp hèn, thiện hay ác. Người cao quý và người thiện lành dĩ nhiên được đón nhận yêu thương như con cá sống trong dòng suối mát nên dĩ nhiên được thấm đẫm trong đó. Những người hèn hạ và ác tâm nên đáng được quan tâm vì chính họ là những người cần được yêu thương nhất. Hạt giống của lòng tốt ở nhiều người trong số họ, có thể đã chết chỉ vì thiếu hơi ấm để lớn lên, những hạt giống đó chết vì giá lạnh trong một thế giới không có tình thương.
Tình thương – ôm ấp tất cả chúng sinh, biết rõ tất cả chúng ta đều đồng hành cùng nhau trong luân hồi sinh tử – rằng tất cả chúng ta đều bị khuất phục bởi cùng một quy luật: đó là sự khổ. Tình thương – là ban trải lòng từ nhưng đây không phải ngọn lửa ái luyến nhục dục thường thiêu đốt và tra tấn thân tâm mình. Ngọn lửa nhục dục gây ra nhiều vết thương hơn là chữa lành – khi thì bùng lên, khi thì lắng xuống, rồi rốt cuộc để lại sau lưng nhiều sự lạnh lẽo và cô đơn hơn những gì chúng ta thường tưởng tượng về hạnh phúc.
Thực sự, tình thương như đôi bàn tay lúc nào cũng mềm mại và dịu dàng, là sự yêu thương bất biến, là cảm thông sâu sắc không lay chuyển, nhất là với những chúng sinh hay đau yếu, dù cho có gặp phải nghịch cảnh, nghịch duyên. Tình thương là cam lồ thanh lương an ủi những ai đang bị thiêu đốt trong ngọn lửa đau khổ và khoái lạc; đó là hơi ấm mang lại sức sống cho những người bị bỏ rơi trong sa mạc lạnh lẽo cô đơn, cho những ai đang run rẩy trong sương giá của thế giới thiếu vắng tình thương và hơn thế nữa, còn là thần dược đánh thức trái tim rung động trỗi dậy đối với những người mà trái tim họ dường như trở nên trống rỗng đến khô khốc, thờ ơ lãnh đạm trước bao lời kêu gọi giúp đỡ thống thiết cho những hoàn cảnh khó khăn, đang ngập chìm trong nỗi tuyệt vọng.
Xuất phát từ tình thương vô lượng và trí tuệ vô biên, cùng chí nguyện vô cùng ta sẽ độ giúp muôn loài chúng sinh.
Tình thương – là sự phi thường và có khả năng khơi dậy sự phi thường trong mọi người: đích thực là tình yêu thương vĩ đại nhất.
Tình thương được đức Phật gọi là “tâm không bị trói buộc”, “vẻ đẹp thánh thiện nhất”: đích thực là tình yêu thương vĩ đại nhất.
Và biểu hiện cao nhất của tình thương là gì?
Là để chỉ cho thế gian con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau, con đường đã được đức Phật Thế Tôn chỉ ra, thể nhập và giác ngộ viên mãn.
II. Tâm Bi – Lòng Bi Mẫn Xót Thương (Karuṇā)
Thế giới này chìm ngập trong sự thống khổ, nhưng đáng buồn thay, hầu hết con người ta lại nhắm mắt và bịt tai làm ngơ trước điều đó. Chúng ta không chịu thừa nhận, không muốn thấy những dòng nước mắt chảy dài không ngừng nghỉ ngang qua cuộc đời mình. Chúng ta cũng không chịu lắng tâm nghe thấy tiếng kêu than không ngớt đang tràn lan nơi cõi tạm Ta Bà. Những nỗi niềm buồn vui chóng vánh khuất lấp tầm nhìn chúng ta, ngăn che âm thanh thống thiết bi thương. Bị ràng buộc bởi sự ích kỷ, trái tim chúng ta dần trở nên cứng nhắc và hẹp hòi, như vậy làm sao ta có thể phấn đấu cho bất kỳ mục tiêu nào cao cả hơn, để nhận ra rằng, chỉ có sự buông bỏ lòng tham ái vị kỷ mới mang lại sự giải thoát cho chính ta khỏi muôn vàn đau khổ?
Chính lòng bi mẫn đã dỡ bỏ được gánh nặng và mở ra cánh cửa tự do cho trái tim hẹp hòi đón ánh bình minh của thế giới. Lòng trắc ẩn xua đi sự trì trệ trong tâm hồn – một sự trì trệ đến tê liệt tinh thần và chắp cánh vươn cao cho những mảnh đời chỉ biết sống vị kỷ – giúp họ thoát khỏi “tháp ngà” êm ái độc hại của bản thân.
Nhờ lòng bi mẫn trắc ẩn mà ta dễ dàng đón nhận “Khổ đế” vẫn đang hiện diện một cách sống động trong ta, ngay cả khi cá nhân chúng ta có ý chí muốn thoát khổ mãnh liệt. Lòng bi mẫn mang lại trải nghiệm phong phú về sự khổ, nhờ đó củng cố để bản thân sẵn sàng đón nhận khổ đau mỗi khi nó xảy đến.
Lòng trắc ẩn cho thấy có biết bao mảnh đời trong cuộc sống còn khó khăn hơn chúng ta rất nhiều, từ đó giúp ta tự hòa giải với những phiền não của chính mình.
Hãy nhìn dòng sinh tử vô tận của chúng sinh, con người và muôn loài muôn vật: đều chất đầy nỗi buồn và sự đớn đau! “Gánh nặng” của mỗi người, dường như chúng ta ai cũng đã đeo mang như thế trong vô lượng kiếp quá khứ, dù cho điều này không thể chứng minh được một cách dễ dàng. Hãy suy nghiệm điều này và mở rộng trái tim bạn với sự bi mẫn, lòng trắc ẩn xót thương!
Và sự khốn khổ này có thể lại là số phận của chúng ta trong bất kỳ thời điểm và hoàn cảnh nào! Ai bây giờ không có lòng trắc ẩn, một mai kia sẽ khóc vì điều đó. Nếu thiếu sự đồng cảm với người khác, bạn phải trải qua vô lượng đau khổ mới rút ra được kinh nghiệm quý báu cho chính mình. Đây là quy luật vĩ đại của cuộc sống! Thấu suốt và hãy thận trọng với chính việc tạo nghiệp của mình!
Chúng sinh chìm đắm trong vô minh, mê lầm, vội vã chuyển từ trạng thái đau khổ này sang trạng thái đau khổ khác, không biết nguyên nhân thực sự, không biết cách thoát khỏi. Chỉ có cái nhìn sâu sắc về quy luật chung của đau khổ mới lấy đó làm nền tảng để “thiết lập” lòng bi mẫn, chứ không phải bất kỳ sự kiện hiển nhiên nào về đau khổ cả.
Vì thế, lòng bi mẫn xót thương của chúng ta sẽ trải đến cả những người trông có vẻ lúc nào cũng an lạc nhưng thực chất thì hành động của họ được thực hiện với ác tâm và si mê tà hạnh. Nhìn cách họ làm, họ sống trong giờ phút hiện tại, chúng ta thấy được quả khổ mà họ sẽ nhận trong tương lai; và vì vậy, chúng ta khởi lòng bi mẫn đối với hạng người này.
Lòng bi mẫn của người có trí sẽ không khiến họ trở thành nạn nhân của sự đau khổ. Ý nghĩ, lời nói và việc làm của họ đều thấm nhuần tình thương cao cả, với trạng thái “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Dù đời có “thay đen đổi trắng” nhưng lòng trắc ẩn vẫn còn mãi, thanh thản và bình an. Vậy họ có thể giúp đỡ cho chúng sinh bằng cách nào?
Chính là nguyện cầu lòng bi mẫn luôn nảy sinh trong ta, xuất phát từ của tình thương vô lượng và trí tuệ vô biên, cùng chí nguyện vô cùng muốn độ giúp muôn loài chúng sinh.
Lòng bi mẫn – là sự phi thường và có khả năng khơi dậy sự phi thường trong mọi người: đích thực là sự trắc ẩn vĩ đại nhất.
Và biểu hiện cao nhất của lòng bi mẫn là gì?
Là để chỉ cho thế gian con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau, con đường đã được đức Phật Thế Tôn chỉ ra, thể nhập và giác ngộ viên mãn.
Tâm Cung dịch
[Từ tác phẩm “The Four Sublime States” của Hòa thượng Nyanaponika Thera, phần Contemplations on the Four Sublime States (Loving-Kindness and Compassion)]