Nước Ngoài

Phương pháp tập thiền của Steve Jobs

Cập nhật: 03/04/2015
Steve Jobs không chỉ là huyền thoại trong lĩnh vực công nghệ máy tính mà còn khiến nhiều người nể phục bởi khả năng rèn luyện và làm chủ trí óc.
 

Phương pháp tập thiền của Steve Jobs

 

Không phải ai cũng biết việc Steve Jobs là một “tín đồ” của môn thiền chánh niệm từ Phật giáo (Steve Jobs theo đạo Phật). Ông luyện tập thiền để giảm sự căng thẳng, cân bằng cuộc sống và tăng cường sự sáng tạo trong công việc.

Thời báo tài chính Financial Times gần đây đã chỉ ra rằng, Jobs rất chú tâm và luyện tập thiền với tinh thần kỷ luật cao. Người viết tiểu sử nổi tiếng Walter Isaacson (tác giả cuốn “Steve Jobs” – cuốn tiểu sử đầu tiên và duy nhất nhận được sự đồng ý của Steve Jobs) đã trích lời của Jobs khi nói về thiền chánh niệm:

“Lúc bắt đầu ngồi thiền, bạn sẽ thấy tâm trí rất bồn chồn. Mọi cố gắng xoa dịu chỉ làm cho nó tệ hơn. Nhưng dần dần, tâm trí bạn sẽ bình tĩnh lại, và đó chính là lúc tuyệt vời nhất để lắng nghe những điều thật mới mẻ và khác lạ. Đó là thời điểm trực giác của bạn bắt đầu nở hoa và bạn cảm nhận mọi thứ rõ ràng hơn rất nhiều”.

Geoffrey James – cây bút quen thuộc của tạp chí Inc., tác giả của quyển Business without the bullsh*t: 49 secrets and shortcuts you need to know (tạm dịch: 49 bí quyết điều hành doanh nghiệp một cách đơn giản và thông minh) – cho biết, vào đầu những năm 90, ông đã có một cuộc trò chuyện thú vị với Steve Jobs về sự liên quan của thiền đến lập trình máy tính. Các bước thiền chánh niệm giống như Steve Jobs đã từng áp dụng đã được Geoffrey James thực hành và miêu tả lại cụ thể như sau:

 
Bước 1:

Ngồi bắt chéo chân ở một nơi yên tĩnh. Nên ngồi trên một chiếc gối thấp để làm giảm độ căng và nặng trên lưng. Hít thở thật sâu.

Bước 2:

Nhắm mắt lại và lắng nghe sự độc thoại từ sâu bên trong tâm trí về các vấn đề thường trực trong đời sống: công việc, gia đình, các mối quan hệ… Theo quan niệm của đạo Phật, những suy nghĩ này của chúng ta “cư xử” như một con khỉ lí lắc, luôn chuyển động liên tục không ngừng. Đừng cố gắng dừng sự linh hoạt này lại, hoặc ít nhất là chưa. Thay vào đó hãy quan sát cách chúng “nhảy” từ nơi này qua nơi khác. Thực hành bước này khoảng 5 phút/ngày trong vòng một tuần.

Bước 3:

Sau một tuần, bạn không nhất thiết phải cố gắng xoa dịu “con khỉ” ngang bướng trong đầu mình nữa, mà hãy chuyển sự chú ý sang… con bò – một cách gọi của những suy nghĩ mang tính trầm tĩnh và lặng lẽ hơn. Chúng luôn tồn tại bên trong nội tâm bạn. Chúng chỉ nhìn, nghe, và cảm nhận chứ không phân định, phán xét bất cứ điều gì.

Hầu hết mọi người chỉ nghe thấy “tâm trí con bò” của mình khi trải qua một khoảnh khắc tuyệt vời nào đó có thể khiến “tâm trí con khỉ” tạm thời ngừng lại. Tuy nhiên, dù khi bạn đang bị “tâm trí con khỉ” điều khiển thì “tâm trí con bò” vẫn tồn tại ở đó, giúp bạn suy nghĩ thấu đáo và sâu sắc hơn.

Bước 4:

Một khi bạn đã cảm nhận được “tâm trí con bò” của mình, hãy yêu cầu nó xoa dịu “tâm trí con khỉ”. Sẽ hiệu quả hơn khi tưởng tượng rằng “tâm trí con khỉ” bị ru ngủ bởi sự di chuyển một cách chậm chạp của con bò trên đoạn đường dài. Nhưng cũng không có gì đáng thất vọng nếu “con khỉ” của bạn chợt tỉnh giấc, bởi vì dù ít dù nhiều, nó cũng sẽ bớt gây ra những “tiếng ồn” khó chịu.

 
Bước 5:

Khi “tâm trí con khỉ” của bạn đã bình tĩnh lại, tiếp tục tập trung sự chú ý vào “tâm trí con bò”. Lúc này, mỗi hơi thở như trở nên dài hơn. Bạn sẽ cảm nhận được không khí trên da mình và cả sự lưu thông của máu trên cơ thể.

Khi bạn mở mắt ra, thế giới trước mặt sẽ trở nên hoàn toàn mới, hoặc thậm chí là trở nên xa lạ. Một khung cửa sổ bình thường cũng có thể đột nhiên sáng bừng lạ thường.

Bước 6:

Có thể phải mất không ít thời gian để đạt được trạng thái như trên, nhưng đến lúc đó, bạn biết rằng mình đã đi đúng hướng. Và đặc biệt, trong lúc thực hành thiền, bạn dường như sẽ không biết rằng thời gian đang trôi qua. Cảm giác này đảm bảo vô cùng thú vị.

Theo kinh nghiệm của Geoffrey James, việc luyện tập thiền chánh niệm mỗi ngày sẽ mang đến 3 lợi ích vô giá:

+ Đầu tiên là loại bỏ stress.

+ Thứ hai là loại bỏ chứng mất ngủ. Việc luyện tập thiền chánh niệm thường xuyên giúp Geoffrey có thể nhanh chóng chìm vào giấc ngủ chỉ trong vòng 2 hoặc 3 giây khi muốn ngủ. Ông cho rằng đây cũng là một trong những lợi ích rất đáng để đeo đuổi.

+ Lợi ích cuối cùng – cũng là điều quan trọng nhất, thiền chánh niệm giúp Geoffrey James có thể suy nghĩ rõ ràng hơn khi nhìn nhận một vấn đề và tăng cường tính sáng tạo trong công việc. Ông dùng sự tĩnh lặng để giải thoát bản thân khỏi những mối quan hệ tồi tệ hoặc một việc không như ý.

“Tôi không thể hứa rằng việc luyện tập thiền chánh niệm sẽ giúp bạn có thể sáng tạo như Steve Jobs, nhưng từ kinh nghiệm của chính bản thân mình, tôi có thể tự tin rằng, thiền chánh niệm sẽ tạo ra sự thay đổi vô cùng tích cực cho cuộc sống của bạn”, Geoffrey James cho biết.

http://langnhincuocsong.com

BBT Website

Tin tức liên quan

Ân tình
12/04/2024
COVID-19, một lời khuyên về “Trách nhiệm Toàn cầu” được phát biểu trong Ngày Trái đất của đức Dalai Lama
03/05/2020
Thiền sư Hàn Quốc Pomnyun Sunim đưa ra hướng dẫn Phật giáo để đối phó với Đại dịch
05/04/2020
Một triệu lượt tín đồ tham dự lễ hội Phật giáo Samyak Mahadan ở Patan, Nepal
03/03/2020
Triển vọng của nền kinh tế theo tinh thần Phật giáo
29/11/2018