Chuyên mục tư vấn

Phật giáo với niềm tin

Cập nhật: 13/04/2010
Thưa thầy con có tham khảo các sách viết về tôn giáo. Trong hệ thống tư tưởng tôn giáo thì niềm tin là một nền tảng quan trọng. Tùy theo mỗi tôn giáo lại có sự khác biệt nhau. Con là Phật tử mới học Phật, vì thế việc nắm bắt giáo lý thật khó khăn, nhất là khi đề cập đến kinh điển, Phật giáo lại có cả một Tam tạng kinh điển rộng lớn. Như vậy, quan điểm Phật giáo về niềm tin như thế nào ? Xin thầy chia sẻ cho con được hiểu.
 

Phật giáo với niềm tin

 
Bạn Trương Thị Mỹ, Lai Vung, Đồng Tháp.
* * *
 
Bạn Mỹ thân mến !
Trước tiên chúng tôi xin gửi lời chào sức khoẻ đến bạn.
Niềm tin là gia tài quý báu cần thiết đối với tất cả chúng ta. Nhất là khi chúng ta biết tin tưởng và hy vọng vào những điều tốt đẹp nào đó thì niềm tin là một phương thuốc mầu nhiệm giúp ta vui vẻ mạnh mẽ và tự tin hơn. Niềm tin theo các tôn giáo cũng có đặc điểm như thế. Tuy nhiên, tùy theo triết lý tư tưởng mà mỗi tôn giáo có sự khác biệt nhau về niềm tin.  

Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy: “Niềm tin là mẹ đẻ các công đức”. Theo quan điểm Phật giáo thì niềm tin là một yếu tố quan trọng mang lại nhiều lợi ích và không thể thiếu cho người học tập Phật pháp. Song, niềm tin theo Phật giáo không phải mang tính chất giáo điều, tin suông, tin mù quáng mà niềm tin đó phải dựa trên lý trí nền tảng của thực hành lời Phật dạy. Vì thế, trong kinh Niết Bàn Phật có nói: “Lòng tin làm nhân cho nghe Pháp, nghe Pháp làm nhân cho lòng tin”.

Như vậy, lòng tin theo Phật giáo là phương tiện tiên quyết không thể thiếu để dẫn dắt người Phật tử đến với đạo. Tuy nhiên, lòng tin lại là nền tảng để đưa hành giả đến để học tập Phật pháp, một khi học tập Phật pháp hiểu được lời Phật dạy thì Phật pháp lại trở thành điều kiện hữu ích cũng cố cho lòng tin.

Trong kinh Tăng Chi bộ, kinh Kalama, đức Phật có kể về một trường hợp một ngày nọ, Ngài đến vùng người dân Kalama, những người dân nơi đây hoài nghi trước những tiêu chuẩn tôn giáo mà họ thường nghe các đạo khác dạy cho họ:

“Có một số Sa-môn, Bà-la-môn, bạch Thế Tôn, đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, kinh miệt, chê bai. Bạch Thế Tôn, và một số Sa-môn, Bà-la-môn khác cũng đi đến Kesaputta, Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, kinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Đối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ phân vân : "Trong những Tôn giả Sa-môn này, ai nói sự thật, ai nói láo ?"

Đức Phật trả lời:

“Đương nhiên, này các Kàlàmà, các Ông có những nghi ngờ ! Đương nhiên, này các Kàlàmà, các Ông có những phân vân ! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các Ông đương nhiên khởi lên phân vân.
Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe truyền thuyết ; chớ có tin vì nghe theo truyền thống ; chớ có tin vì nghe theo người ta nói ; chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng ; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình ; chớ có tin vì đúng theo một lập trường ; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện ; chớ có tin vì phù hợp với định kiến ; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau : "Các pháp này là bất thiện - Các pháp này là có tội ; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích ; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau", thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng !”(1)

Ngoài ra, trong kinh Mahanama, thuộc kinh Tương Ưng Bộ, đức Phật dạy về bốn loại niềm tin bất động, một người khi thành tựu được sẽ đem lại kết quả hữu ích trong hiện tại và cho cả đời sau. Đức Phật dạy :  
“Do thành tựu bốn pháp, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Thế nào là bốn ?
Ở đây, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật: "Đây là Như Lai, bậc A-la-hán,Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với Pháp: "Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".

Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với chúng Tăng: "Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng cúng dường, đáng tôn trọng, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời".

Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định.”(2)

Có thể nói, đây là lời tuyên bố mà trước đó chưa có một vị giáo chủ nào trong lịch sử tôn giáo nhân loại dạy như đức Phật. Như vậy, niềm tin theo Phật giáo không phải dựa trên hình thức thần tượng, tôn kính tuyệt đối một vị giáo chủ hay Thượng đế sáng tạo nào.  Niềm tin theo Phật giáo phải dựa trên nền tảng của thực hành thông qua bản thân mỗi hành giả, một khi chúng ta cảm thấy lời Phật dạy là thiết thực, mang lại lợi ích cho chúng ta trong đời sống hiện tại và mãi về những kiếp sau thì mới tin. Niềm tin này theo Phật giáo gọi là niềm tin trong sạch hay còn gọi là tịnh tín. 

Trên một phương diện nhận thức nào đó thì tất cả phương pháp Phật dạy như là thuốc để chữa lành những vết thương tâm hồn, giải quyết những nỗi khổ niềm đau cho cuộc đời. Vì thế, trong kinh Viên Giác, đức Phật cũng từng nói "Nhất thiết tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ" nghĩa là "Tất cả các lời dạy trong kinh cũng như ngón tay chỉ mặt trăng". Điều này đức Phật một lần nữa cốt để nhắc những người học Phật rằng đừng cho rằng hiểu kinh điển là chân lý tối hậu, mà phải thực hành, tự thân mỗi người thậm nhập và có thể chứng đắc được nó. Bởi lẽ, cái biết chỉ đem lại giá trị kiến thức trong khi thực hành và chứng đắc mang lại giá trị đạo đức và giải thoát khổ đau. Đức Phật muốn nhắc chúng ta rằng đừng ngộ nhận và đồng hóa những gì được dùng để mô tả chân lý với bản thân của chân lý.

Tóm lại, quan điểm Phật Giáo thì niềm tin dựa trên sự thực chứng, kết quả của sự tu tập, mang phúc lợi tới mọi chúng sinh, chứ không phải là một niềm tin mù quáng vào vài giáo thuyết hoang đường. Bởi Phật từng dạy “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Có lẽ, vì thấu hiểu được niềm tin, cũng như những lợi ích thực tại Phật giáo đã mang lại cho nhân loại trong quá khứ cũng như trong hiện tại, cho nên Albert Einstein, cha đẻ của thuyết tương đối, đã không ngần ngại khi phát biểu:

“Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt trên mọi ý nghĩa về Thượng đế và tránh nói đến những giáo lý và thần học. Tôn giáo ấy sẽ bao quát tất cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên cơ sở đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể mà không rời nhất thể. Phật giáo đáp ứng được những yêu cầu ấy. Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu được với những nhu cầu hiện đại của khoa học thì đó là Phật Giáo”

* * *
 
BBT
 
 
 

Tin tức liên quan

Quy Kính Tăng Bảo
02/06/2017
Nương Tựa Chánh Pháp
07/03/2017
Hồi hướng công đức cho người thân khác đạo
13/07/2016
Một tâm thanh tịnh
18/06/2016
Nhất tâm niệm Phật
01/06/2016