Suy Ngẫm
Phật của tôi
Cập nhật: 17/02/2012
Phật là gì? Tôi vẫn luôn tự hỏi mình như vậy và câu trả lời cứ khác nhau theo thời gian. Càng lớn, càng trải nghiệm, tôi lại có một cái nhìn mới về Phật, lại chạm tới những tầng bậc bí hiểm của tâm linh. Ngày bé, lúc còn là oanh vũ trong gia đình Phật tử, Phật trong tôi là pho tượng có quét sơn, tô điểm thật cầu kỳ. Lớn lên chút nữa, qua kinh sách, qua những lời các anh chị huynh trưởng dạy dỗ thì Phật là một đấng giác ngộ, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Tôi cho đó là khái niệm tuyệt hảo nhất để nói về Phật. Và từ đó cho đến khi vào đại học, tôi đã ôm giữ khái niệm đó một khi có ai đó hỏi tôi về Phật, như một niềm tôn kính thiêng liêng của tôi dành cho Phật. Đến nỗi, khi tôi đã vào chùa công quả, một thằng bạn thân tôi, một tên chủ nghĩa “vô thần” chân tình hỏi: “Theo cậu, Phật là gì?”. Tôi nhíu mày, suy tư và rồi lắc đầu, bảo rằng tôi không thể trả lời, vì tôi sợ câu trả lời non nớt của mình sẽ làm tổn hại đến ý niệm cao cả thiêng liêng của tôi về Phật.
Tôi đã không trả lời được, tôi đã chối từ và xin bạn mình đừng hỏi tôi câu hỏi đó, tôi thấy khó vì sợ rằng sẽ không nói được hết tất cả những gì thuộc về Phật. Thằng bạn tôi cười và bảo: “Vậy thì trong cậu làm gì có Phật, sao cậu lại tự làm khó mình như vậy, ngay bây giờ cậu nghĩ Phật là gì thì cứ nói vậy thôi. Tôi chỉ muốn biết vậy thôi, cậu hiểu không?”. Tôi vỡ òa và chợt ngộ ra một điều: “Chết thật, lâu nay tôi đã lầm Phật rồi…”
Vậy là kể từ ngày ấy, tôi đã bắt đầu đi tìm một ông Phật thật sự có trong mình. Tôi đã đi tìm, cật lực và mệt mỏi. Tôi đã đọc bao nhiêu sách, tôi đã thử áp dụng bao phương pháp. Tôi muốn được giác ngộ như Ngài, tỉnh thức và tỉnh thức để thoát ra khỏi bể khổ trầm luân nơi luân hồi lục đạo.
Tôi đã quá chán và ngán kiếp nhân sinh thống khổ, từng ngày từng ngày cứ trôi lăn trong vô minh, phiền lụy. Nhưng tôi chỉ đi hết cố gắng này đến cố gắng khác, hết nỗ lực này đến nỗ lực khác, hết giai đoạn công phu này đến giai đoạn công phu khác: yoga, thiền, niệm Phật, kinh hành, tụng đọc kinh điển, hay lao đầu vào làm việc phụng sự đại chúng. Nhưng không kết quả, cơ thể ngày càng suy kiệt. Tôi đã dùng bao nhiêu thuốc bổ, đông tây y, chẳng chừa gì.
Nhưng vẫn bế tắc, mệt mỏi, vẫn đầu óc lơ mơ, nhớ trước quên sau, cứ lang bang thơ thẩn một mình, lặng lẽ ngậm ngùi ngắm nhìn bao người đã và đang cống hiến hết mình cho đạo pháp, đã và đang sống hồn nhiên, vui tươi cho nhận hết lòng.
Tôi thấy mình thật như kẻ cùng tử lang thang, sống yếu đuối dại khờ, chẳng biết đâu là bến bờ nương tựa. Tôi cứ mãi là ai đó, chẳng phải mình, chẳng phải con người chân phương gần gụi, kẻ biết ăn, biết thở, biết ngủ, biết làm việc, biết nghỉ ngơi.
Tôi đã giống như một cái máy, hết tự do, sống gò bó, tù túng trong ao tù tâm thức chật hẹp, dính mắc của chính mình. Thế nên, giờ tôi đã hiểu thế nào là “Phật tại tâm”, mới thấm thía lời cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều “Vậy nên những chốn thong dong, ở không yên ổn, ngồi không vững vàng”.
Tôi còn ước muốn gì hơn ở một nơi yên ấm, an toàn, đạo đức như vậy, tôi còn mong muốn gì hơn khi được sống bên thầy hiền, bạn tốt. Vậy mà… cùng tử mãi cứ là cùng tử, cái tâm lang thang của tôi đã đẩy xa tôi khỏi khung trời xanh mát, đẹp lành, thân thương mà tôi hằng ngưỡng vọng.
Tôi thấy mình như kẻ bạc tình với chính mình, với bao người đã yêu thương tôi. Tôi chẳng biết sống làm sao, chẳng biết đối xử với cuộc đời mình như thế nào.
Trong tuyệt vọng cùng cực, tôi đã khóc, tôi đã khóc nức nở như một đứa trẻ. Một đứa trẻ tội nghiệp đáng thương không cần dỗ dành chỉ cần được khóc. Khóc cho vơi niềm đau, khóc cho cho thỏa cơn bĩ cực trong mình. Khóc rồi, đã thấy thỏa lòng hơn nhưng còn lại trong tim là một khoảng trống hoắc đầy buồn.
Tôi buông trôi tất cả, chẳng thiết, chẳng cần nghĩ gì cả. Không gì cả, không thời gian, không không gian, không việc gì quan trọng, không việc gì bình thường, không việc gì làm trước, không việc gì làm sau, không việc gì chuyên môn, không việc gì giải trí, không tương lai, không... không… không tất cả.
Tôi đã không còn gì, chẳng còn gì để mất, chẳng còn gì để thiệt hơn. Bệnh cũng được, mệt cũng được, khổ cũng được,…vì có còn gì đâu, cần gì đâu ngoài một con người biết sống.
Vậy mà Phật ơi, tôi không tin được. Chính lúc ấy, tôi đã tìm được Phật của chính mình, đã tìm thấy một thằng tôi giũ bao bùn nhơ, lem luốc để được nguyên hình là chú trâu con trắng nõn nà, hồn nhiên nhâm nhi nhai cỏ.
Tôi đã tìm thấy Phật của tôi rồi. Không còn là ông Phật có trét sơn cầu kỳ, không còn là ông Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, được mệnh danh là bậc toàn giác, giác ngộ giác tha, giác hạnh viên mãn. Phật của tôi mãi mãi là giây phút này, thiên thu, bất diệt, không đến không đi, không được không mất, không mong cầu, … Ô la la chào mừng Phật đã về. Xin chào Phật của con!
Nhật Minh