Bài viết

Phát Bồ-đề tâm

Cập nhật: 13/01/2019
Khi phát tâm Bồ-đề xuất gia tầm đạo, chúng ta thệ nguyện phát túc siêu phương và phải phát nguyện “Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh”. Đây không phải đơn thuần là một chuyện nhỏ mà tâm nguyện đó chính là một sự đại nguyện được huân tập từ nhiều đời, nhiều kiếp và đây cũng là căn lành của hành giả tu tập.
 

Phát Bồ-đề tâm

 

Những người này với tinh thần dũng mãnh, một ý chí xuất trần, mang tâm hồn lớn của bậc đại trượng phu thì mới dám nghĩ dám làm việc này. Bản thân ý thức rõ ràng điều này, chúng ta sẽ không đánh mất được chí nguyện trên con đường khó khăn này cũng như tư tưởng của mình đã định hướng – một hướng đi mà ít người có thể làm được trong suốt cuộc đời tu học. Ngày được thế phát xuất gia để quyết định con đường tu học của chính mình, chúng ta luôn tưởng điều đó lớn lao nhưng điều đó mới chỉ là điểm khởi đầu của đoạn đường. Chặng đường phía trước còn nhiều chông gai thử thách trắc trở, khôn lường. Chính điều này mới đáng nói và chúng ta có thể vượt qua được hay không? Cho nên, muốn đi hết con đường đã chọn, chúng ta phải cố đem hết tâm huyết để vào việc tu học này, chứ không phải xem việc này là chuyện đùa. Để hoàn thành sứ mạng này chúng ta cần nhiều yếu tố như học giỏi, tu chuyên cần liên tục thì mới có thể vượt qua được trọng trách “Như Lai Sự”, “Tác Như Lai Sự” của người xuất gia.

 Hôm nay, tất cả chúng ta được đầy đủ nhân duyên hội tụ như thế, đủ biết mình có rất nhiều thuận duyên căn lành. Và mỗi người chính là một thành viên trong Tăng già ở nơi chúng ta tu học. Cho nên, tất cả chúng ta đều có mối liên quan mật thiết từ những kiếp quá khứ nên giờ đây mới xuất gia tu học cùng một chốn già lam; thế nên tạo sự ảnh hưởng trong tất cả sinh hoạt tu học. Vì vậy, tất cả phải biết sống lục hòa và hết lòng vì đạo cũng như phục vụ cho chúng sanh nhằm xây dựng một cõi nước an lạc, trang nghiêm, thanh tịnh, hòa hợp đạo tình ở chốn Ta-bà này.

Vâng lời thầy dạy bảo trong huynh đệ với nhau, phải kính trên nhường dưới. Đây vốn là nét đẹp xưa nay ở chốn già lam, mà tất cả chúng ta phải biết và luôn giữ mãi để không hổ thẹn là Thích tử của Như Lai; đang mang trong mình một đại nguyện đại hạnh lớn của một tu sĩ vì đạo vì chúng sanh. Người tu sĩ phải biết lấy giáo lý làm căn bản, giới luật làm nền tảng cho nắc thang đầu tiên để nâng bước chân tiến lên tầm cao hơn, vững chắc hơn; có được sự tiến triển này phụ thuộc vào tinh thần và thái độ học tập cũng như hành trì của người hành trì. Đức Phật chỉ là người vẽ con đường còn việc đi như thế nào đều tùy thuộc vào khả năng ý chí, ứng dụng  tu tập lời Phật dạy của hành giả mà đem lại kết quả khác: có người một số người đi đến nơi và có người thì không đến được. Nếu chỉ học suông mà không hành trì sẽ không đem lại sự lợi lạc cho người tu học. Thế nên chúng ta phải siêng năng tham thiền tu học để tịnh hóa thân tâm tự quay lại xem xét chính mình, đây là cách hành trì ưu việt nhất để đưa hành giả tiến lên bậc thang cao nhất của Phật đạo là giác ngộ, giải thoát.

Khi chúng ta đạt được sự lợi ích trên con đường tu học của mình thì ta mãi là một bậc cao nhân, còn bằng ngược lại ta chỉ mãi là một vị khách phong trần lang thang rày đây mai đó trong biển tử sinh. Khổ lắm thay! Chính vì vậy, chúng ta tự chọn cho mình một con đường cùng nhau gửi gắm, đặt trọn vẹn tin vào Phật tánh và sự thành Phật của mỗi người. Đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Chẳng lẽ chúng ta nỡ từ bỏ nguồn cội của mình, làm kẻ nghèo cùng khốn khổ mãi sao? Chúng ta được sinh ra trong thời đất nước yên ổn, nhân dân an lạc và bên cạnh đó, ta còn có điều kiện tu học hơn hẳn các thầy hồi xưa, nên chúng ta được thuận duyên tu tập và hành đạo. Vì chúng ta không chịu sự khó khăn và lo lắng về đời sống vật chất nên cần phải có sự tinh tấn dũng mãnh của người tu sĩ, nếu không tinh thần sẽ càng xuống thấp. Xưa nay thực tế đau lòng vẫn luôn tồn tại song hành trong từng thời đại. Vì vậy, thức tỉnh trước mọi cám dỗ của cuộc đời, quay lại nhìn cuộc sống thế nào cho có ý nghĩa, tránh lãng phí thời gian với những thứ phù du ảo mộng là điều tối hệ trọng đối với người tu sĩ chúng ta.

Tất cả chúng ta nếu quyết tâm tu học, đừng vọng tưởng hướng tâm bên ngoài, đừng đảo điên bên trong, thì may ra có hi vọng sau này góp sức phụng sự đạo pháp, nhân sinh, đền trả bốn ơn nặng. Nếu không được như thế thì khó lòng thoát khỏi bể khổ, chứ đừng nói gì đến chuyện an thân lập mệnh, báo Phật ân đức.

Mong tất cả chúng ta hãy vững bước trên từng nấc thang và đi trọn con đường trong tinh thần vô ngã vị tha, cũng như hết lòng vì đạo Pháp và phục vụ chúng sanh.

Tâm Bằng

Tin tức liên quan

NGƯỜI TU THẬT – TUYỆT ĐẸP
10/09/2024
CHÙA TO – PHẬT LỚN
03/09/2024
Trên ngực con đượm buồn màu bông trắng…
13/08/2024
Chánh niệm và thời đại
01/08/2024
Quán Chiếu Về Tâm Xả - Sự Bình Thản Tâm Trí (Upekkha)
30/07/2024