Chuyên mục tư vấn
Nỗi đau khi mất người thân
Cập nhật: 07/12/2009
Bởi lúc nhỏ mẹ hay bắt con đọc kinh" Tống Tán trong Kinh Nghi Thức Tụng Niệm" cho mẹ con nghe những lúc mẹ rãnh rỗi. Lúc còn bé con còn ham chơi nên mỗi lần như vậy con hay tỏ thái độ không vui, nhưng vẫn phải làm theo không dám trái ý sợ mẹ buồn. Song, nhờ do tụng kinh trong một thời gian khá dài, thế rồi con cũng thích và bắt đầu đi chùa kể từ đó.
Những mùa Lễ Vu Lan con không bao giờ vắng mặt. Nhưng từ ngày ba mẹ mất, con không còn đến chùa dự Lễ Vu Lan nữa. Mỗi mùa Vu Lan về lòng con rất buồn, đồng thời thật sự con không muốn trên cài trên ngực mình một hoa hồng trắng. Thật lòng cho đến giờ con cũng chưa chấp nhận mình đã thật sự mất mẹ. Mỗi lần nghe Thuyết Pháp nào mà nói về Cha - Mẹ là lòng con lại đau và cổ họng cứ nghẹn lại, những lúc như vậy con cố dằn không khóc nhưng mà nước mắt cứ trào ra như là con chưa bao giờ được khóc. Tuy bình thuờng con rất cứng cáp khó ai nhìn thấy được con khóc.
Hôm nay với tất cả tấm lòng thành của con, con xin Quý Thầy hãy mở lòng từ bi mà chỉ dạy cho con làm sao để chút bỏ được nổi buồn và ân hận trong lòng của con mặc dù con đã nghe thuyết pháp rất nhiều và cũng hiểu là cuộc đời là "Vô thường" nhưng con cũng không thể "Buông" được. Mỗi lần khi con thành kính và chú tâm niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, lòng con tự nhiên buồn não nề lắm và nước mắt cũng tuôn theo. Con luôn tự dằn vặt mình và không tha thứ cho bản thân mình. Vì con là một đứa con bất hiếu nhất trên thế gian, vì công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ chưa một ngày con đền đáp. Trước lúc mẹ ra đi con cũng không có mặt để nhìn mặt mẹ lần cuối và thọ tang cho mẹ để trọn đạo làm con. Bổn phận làm con là việc cơ bản của việc làm người mà con cũng không làm được thì thật là đáng trách, đáng tội phải không thưa quý thầy? Lúc mẹ con mất con đang đi hợp tác lao động tại Liên Xô cũ, gia đình con đã dấu con về cái chết bất ngờ của mẹ vì sợ con đau khổ. Vào lúc đó, chỉ còn một tuần nữa là con hết hạn hợp đồng và trở về nhà. Nhưng dù với bất cứ lý do gì đi nữa con cũng không thể tha lỗi cho mình, thầy ơi. Con rất là đau khổ, nhiều lúc con thường mơ ước Trời Phật hiển linh ban cho con xin một lời ước thì con sẽ ước: Được gặp mẹ một lần và nói với mẹ rằng: " Mẹ ơi! cho con được xin lỗi mẹ, con đã sai rồi, con sẽ không rời xa mẹ nữa đâu, con mãi mãi sẽ ở bên mẹ, con rất nhớ mẹ, mẹ ơi ... “. Điều ước của con chỉ là vọng tưởng thôi phải không thầy. Con xin Quý thầy hãy từ bi giúp con giải tỏa được nỗi lòng của mình để cho tâm của con được thanh thản.
Hoàng Ngọc Thanh Thuý, pháp danh: Diệu Hằng, TP.HCM
o O o
Phật tử Diệu Hằng thân mến !
Lời đầu chúng tôi xin thành thật chia sẻ nỗi buồn về sự mất người thân của Phật tử. Cha mẹ qua đời quả thật là một sự mất mát to lớn đối với những người con hiếu thuận. Trong những khổ đau Đức Phật dạy, thương yêu mà xa lìa người mình thương là một khổ đau có thật trong cuộc sống.
Như trên Phật tử có đề cập rằng đã trải qua 20 năm, kể từ ngày mất mẹ, thế nhưng nỗi nhớ thương, sự ân hận và nỗi day dứt vẫn còn đọng lại trong tâm của mình. Hơn nữa, nỗi xúc động vẫn có thể trào dâng một cách mạnh mẽ khi bất chợt nghe một bài pháp nào đó của quý thầy nói về tình cha nghĩa mẹ. Đặc biệt là Phật tử không thể chấp nhận và tha thứ cho mình về việc ngày mẹ mất mình đã không ở bên cạnh.
Có thể nói rằng sinh ly tử biệt là chuyện thường tình xảy ra hằng ngày trong cuộc sống. Mặc dầu chúng ta đều hiểu về quy luật của kiếp người ai sinh ra rồi cũng phải chết. Thế nhưng, khi người thân ra đi vì tuổi già sức yếu, hay bệnh tật, hoặc tai nạn chúng ta vẫn khổ đau như thường.
Khi có người thân mất thường thì chúng ta hối hận nhiều hơn là thương xót. Bởi lúc người thân còn sống chúng ta không biết trân quý, chúng ta hờ hững lo làm ăn mà quên trách nhiệm quan tâm chăm sóc. Nhất là trường hợp chúng ta hứa sẽ thực hiện cho người đã mất một điều gì đó, hoặc vô tình làm cho họ buồn thì nỗi đau này càng được nhân đôi. Trong trường hợp Phật tử, đến tận bây giờ Phật tử không thể chấp nhận sự ra đi của mẹ là một sự thật. Nguyên nhân có thể Phật tử đã giữ trong tâm mình về nỗi ân hận hối tiếc, sự bất hiếu rằng khi mẹ ra đi mình không có mặt để thọ tang, tiển đưa mẹ về bên kia thế giới. Đây có thể là nguyên nhân chính xuất phát về sự đau khổ kéo dài thật sự của Phật tử.
Trong kinh Tiểu Bộ, Kinh Phật tự thuyết, Kinh Ekaputta có đề cập câu chuyện, vào một ngày nọ Đức Thế Tôn đang trú tại tu viện Cấp Cô Độc, trong vườn cây Kỳ Đà, gần thành Xá Vệ (Savatthi.) Lúc bấy giờ đứa con trai độc nhất hết sức cưng yêu của một Phật tử nọ vừa mới chết. Vì vậy họ rất đau khổ đi đến chỗ Đức Phật vào lúc giữa trưa. Đến nơi, sau khi đảnh lễ Ngài, họ ngồi sang một bên. Trong khi họ ngồi đó, Đức Thế Tôn hỏi họ: “Vì sao mà các ông lại, áo ướt, tóc ướt, đến đây vào lúc giữa trưa vậy?”
Khi nghe nói vậy, Phật tử nọ nói với Đức Thế Tôn: “Đứa con trai duy nhất hết sức cưng yêu của con vừa mới chết. Vì vậy mà chúng con, áo ướt, tóc tai đầm đìa, đến đây vào lúc giữa trưa.”
Lúc bấy giờ, nhận thấy ý nghĩa của việc này, Đức Thế Tôn dạy họ rằng:
“Bị khả ái, dễ thương
Trói buộc và chi phối,
Rất nhiều chư Thiên chúng,
Và nhiều hạng con người
Ðau khổ và héo mòn,
Bị thần chết nhiếp phục.
Ngày đêm không phóng dật,
Từ bỏ dung sắc đẹp,
Vị ấy đào gốc khổ,
Mồi nhử của ác ma”
Như vậy, đức Phật dạy rằng nguyên nhân mọi đau khổ đều bắt nguồn từ sự tham ái. Một khi tham đắm , yêu thương một thứ gì đó chúng ta thường có khuynh hướng bám víu, chấp chặt vào nó, cho rằng nó sẽ vĩnh hằng không thay đổi là “của ta”. Vì thế khi những thứ mình thương, mình thích mất đi hay tan hoại theo thời gian chúng ta sẽ khổ đau rất nhiều.
Như trên Phật tử có kể, rằng mình có nghe Pháp rất nhiều, thậm chí đã hiểu được giáo lý Vô thường đức Phật dạy nhưng mình không thể quên được sự ra đi của mẹ. Điều này Phật tử nên hiểu, giáo lý đức Phật dạy không phải là một thứ triết lý để lý luận suông, mà phải thông qua quá trình công phu hành trì và cảm nhận bằng kinh nghiệm trực tiếp của bản thân trong một thời gian khá dài. Cho nên, có nhiều người học hỏi giáo lý rất nhiều, họ có thể bàn luận thao thao bất tuyệt những triết học thâm thuý của Phật giáo. Thế nhưng khi đau khổ đến họ vẫn hoàn khổ đau là vậy.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, kinh Sự kiện cần phải quán sát, phẩm Năm Pháp, Đức Phật có dạy, để không phải đau khổ trước những thịnh suy, thăng trầm, mất mát trong cuộc sống, một người xuất gia hay một Phật tử hằng ngày cần phải quán sát liên tục năm sự kiện: ai cũng phải già, ai cũng phải bệnh, ai cũng phải chết, những thứ chúng ta yêu thương, nắm giữ đều phải hoại diệt theo thời gian, tất cả phải trả lại cho đời và chết chỉ đem nghiệp. Bài kinh này ngoài phương diện đối trị sự kiêu mạn, say đắm về tuổi trẻ, về sức khoẻ, về sự sống, những tham muốn về các thứ mình yêu thích đối với những ai không hiểu về quy luật cuộc sống. Bài kinh còn là một phương thuốc chữa lành những nỗi đau mà chúng ta đối diện trong cuộc sống thường ngày, nhất là sự mất mát ra đi của những người mình thương yêu. Nếu chúng ta thật sự sống và hiểu năm sự kiện này một cách sâu sắc thì sẽ có rất nhiều tự tại, an lạc trong cuộc sống.
Mặt khác, theo chúng tôi thiết nghĩ việc ôm lấy một mối cảm xúc, nhất là nỗi sầu muộn, buồn thương như Phật tử là không nên. Bởi nếu Phật tử có khóc than cho trọn kiếp người thì mẹ mình cũng không thể sống lại được với mình. Hơn nữa, theo giáo lý Vô thường Phật dạy dòng cảm xúc suy tư của chúng ta cũng biến chuyển và thay đổi theo từng sát na sinh diệt. Vả lại, theo tâm lý học hay y khoa thì việc một người cứ ôm giữ bên mình một nỗi buồn, một tư tưởng bi quan sẽ không tốt cho sức khoẻ. Nhất là Phật tử hiện tại còn một mái ấm gia đình hạnh phúc, còn trách nhiệm một người mẹ với các con, bổn phận người vợ đối với chồng con. Cho nên, nếu Phật tử có mệnh hệ gì thì những người thân sẽ rất khổ.
Cổ nhân có dạy:
"Nhìn xem người khác lìa trần
Tâm như lửa đốt nát tan cõi lòng.
Đâu phải do người mạng vong,
Vì lo phần số mong manh của mình.”
Thay vì buồn đau Phật tử hãy thừa nhận rằng mẹ mất là một sự thật. Để từ đó tự nhắc nhở mình rằng mình cũng phải ra đi như mẹ. Từ đó cố gắng học hỏi hành trì lời Phật dạy để chuyển hoá những buồn khổ trong mình. Đồng thời sống theo lời Phật, bố thí cúng dường, làm các công tác từ thiện, đem các công đức tu học này hồi hướng cho cha mẹ thì tốt đẹp biết bao.
o O o
Tài liệu tham khảo
Kinh Tiểu bộ, Kinh Ekaputta,
http://www.dieukhong.org/TieuBo/TuThuyet/Ud2.7.htm
Kinh Tăng Chi bộ, Kinh sự kiện cần phải quán sát,
http://minhhanhdp.brinkster.net/TangChiBoKinh/AN_V_57Upajjhatthana.htm
Kinh Tiểu bộ, Kinh Ekaputta,
http://www.dieukhong.org/TieuBo/TuThuyet/Ud2.7.htm
Kinh Tăng Chi bộ, Kinh sự kiện cần phải quán sát,
http://minhhanhdp.brinkster.net/TangChiBoKinh/AN_V_57Upajjhatthana.htm
BBT