Cuộc sống không khác như một cuốn phim. Con người lúc mới sinh ra giống như những đoạn phim lúc đầu, chưa có gì đặc sắc. Trải qua một thời gian, khi người ta lớn lên, nội dung cuốn phim cuộc đời dần dần thay đổi, đặc sắc hơn, thông qua những câu chuyện, tình huống, tính cách, sự việc xảy ra đối với nhân vật chính.
Phim có nhiều loại. Chúng ta xem phim kinh dị thì cảm thấy sợ, xem phim võ thuật mình cũng muốn được giỏi võ, xem phim đạo lý mình học được nhiều điều hay… Không nhiều thì ít, những bộ phim như vậy sẽ ảnh hưởng phần nào đến trạng thái tâm của mình. Cũng vậy, bản thân chúng ta khi mới sinh ra chưa biết gì, ngây thơ hồn nhiên. Dần dần mình lớn lên, ý thức cũng theo đó tăng trưởng. Chúng ta biết nhận diện được những niềm vui, nỗi khổ trong cuộc sống. Để hoàn thiện một bộ phim, cần phải có người đạo diễn dàn dựng nên, đồng thời có các diễn viên, hoàn cảnh phụ họa... Còn với bộ phim của cuộc đời mình, cuộc sống mình tốt hay xấu, đầy đủ hay thiếu thốn, sinh ra nơi bình yên hay buồn khổ là do đâu quyết định?
Bộ phim cuộc đời do nghiệp làm đạo diễn. Trong kinh, đức Phật dạy “chúng sanh là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng. Nghiệp là quyến thuộc. Nghiệp dẫn dắt chúng sinh đi các cõi…”. Theo giáo lý nhân quả nghiệp báo, nếu người có phước hay đã vun trồng căn lành nhiều đời, thì sẽ sanh ở nơi có điều kiện phát triển, đầy đủ cơ sở vật chất, phần nhiều là sống chung với những người lương thiện. Trái lại, cũng do gieo rắc những nhân không tốt, người ta mới sanh vào những nơi hay xảy ra các thiên tai, dịch bệnh, khí hậu khắc nghiệt, môi trường sống đầy những tệ nạn. Cuộc sống hằng ngày, những người phước mỏng nghiệp dày phải đối diện với rất nhiều mối hiểm họa, đặc biệt hơn hết là cả đời không có cơ hội để được nghe, được biết, được hiểu, được hành trì Phật pháp.
Nên nói phần nhiều tâm tánh của chúng ta, yếu tố quyết định là do môi trường sống hằng ngày mình tiếp xúc và sinh hoạt. Đứng trên phương diện thế gian, ông bà xưa có câu nói “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Người đó tốt hay xấu, sống có mục đích, lý tưởng chân chánh hay không, có hiểu đúng bổn phận và có trách nhiệm hay không, có trưởng thành hay không, đều nhờ vào môi trường sống tác động. Và môi trường sống đó lại là quả hay duyên mà ta từng tạo trong quá khứ. Môi trường tuy quan trọng nhưng không chi phối được cuộc sống của chúng ta. Có nhiều người, tuy ở trong môi trường không tốt, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng có tinh thần nỗ lực, vượt khó để thành tựu được mục đích lý tưởng của mình, thì thành công cũng có thể mỉm cười với họ.
Điều thiết yếu cho mục đích lý tưởng là sự nỗ lực xuất phát từ trạng thái tinh thần chúng ta. Thay vì suy nghĩ muốn bản thân mình trở thành mẫu người nào đó, đạt được thành tựu ra sao, chi bằng hãy rèn luyện bản thân trở thành người biết nỗ lực phấn đấu. Chỉ khi chính ta tự cố gắng mới có thể sở hữu, dù đến lúc cuối ta vẫn chưa sở hữu được điều mình mong muốn, thì cũng không còn điều gì phải nuối tiếc. Thời gian mình có mặt trên cuộc đời, tất phải đối diện với vô vàn sự việc. Con người thường bị rơi vào cảnh bất lực, mơ hồ, thậm chí dẫn đến những trạng thái không tốt. Thay vì cứ mãi mặc cảm, tự ti như vậy, chi bằng hãy trân trọng sự quý báu của thời gian, nỗ lực phấn đấu.
Phải biết rằng để thực hiện hóa những lý tưởng, mấu chốt là nhờ sự nỗ lực. Chỉ cần chúng ta biết nỗ lực rèn luyện thân tâm, thì cuộc sống của ta sẽ cảm thấy trọn vẹn hơn. Nỗ lực là trạng thái đón nhận của tâm khi phải đối diện với cuộc đời, dù ta tầm thường hay vĩ đại, cuộc sống không được như ý hay buồn khổ. Khi đó, ý thức nỗ lực thực hiện lý tưởng không còn, thì sự hiện hữu của mình cũng không còn ý nghĩa gì.
Cuộc đời không toàn mỹ, sẽ luôn xuất hiện điều không như ý, nhưng đó không có nghĩa là thất bại, cũng không phải là không gặt hái được điều gì. Trong quá trình thực hiện lý tưởng đó, bản thân chúng ta đã học được sự trưởng thành, nhẫn nại, cách chuyển hóa và hoàn thiện lý trí. Đây mới là điều đáng quý, thật sự giá trị thuộc về mình, và mình phải biết ơn với nó. Những người muốn đạt được mục đích lý tưởng ắt phải có trình độ. Trình độ bắt đầu từ việc nỗ lực học tập.
Con người từ khi sinh ra tới lúc bi bô tập nói, chập chững biết đi, quá trình đó đều là học. Nhờ có học mà mình biết được nhiều điều, hiểu sự đời nhiều hơn; không chỉ học trên sách vở, mà còn phải học cách đối nhân xử thế sao cho đúng. Chỉ có không ngừng học hỏi, không ngừng tiến bộ, không ngừng nỗ lực, mới có thể đối diện, để chứng minh rằng ta không hề bị nuốt chửng bởi sóng tó gió lớn, luôn dũng mãnh tinh thần không chịu khuất phục. Và tới thời điểm này, tự khắc chúng ta sẽ hiểu ra được. Suốt hành trình cuộc đời, những ký ức, hình ảnh đẹp nhất, không phải là lúc ta thành công mà là ánh sáng chói lòa của quá trình ta phấn đấu, nỗ lực. Thì ngay lúc này, bản thân chúng ta hãy tự phản tỉnh ngay trong từng lối suy nghĩ, hành động của mình cho tốt với những nhịp sống quanh ta.