Những gì cần học
Và cũng chính vì vậy, một số người lại tất bật, vội vã chạy đua cùng thời gian để khẳng định mình trong mắt mọi người là một người tài năng đầy thông tuệ và hiểu biết, một người được xã hội cho là thành phần tri thức qua nhiều bằng cấp, chứng chỉ,… và được gán danh giáo sư A, tiến sĩ B… Nhưng rồi một số đó lại quên đi cái bản chất lương thiện, quên đi những mỗi quan hệ gần gũi từ người thân, bạn bè cho đến những quan hệ xã hội bên ngoài. Họ quên đi những gì mà họ cần phải học nơi tự thân mỗi người bên cạnh hơn là mục đích của tấm bằng họ đang sở hữu hay vị thế của họ trong mắt những người xung quanh. Đôi khi họ quên hẳn những nhân tố, điều kiện tạo nên một cuộc sống hạnh phúc chân thực ngay nơi họ đang cư trú và tồn tại hơn là những thứ hư danh ấy.
“Thuở xưa, Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền học thạc sĩ, rồi lại học tiến sĩ, sau nhiều năm đèn sách cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.
Một hôm người đệ tử này trở về, thưa với Đại sư: “Thưa thầy nay con đã có học vị tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa?”. Ngài Tinh Vân bảo: “Học làm người, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được”.
Thứ nhất, “học nhận lỗi”. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.
Thứ hai, “học nhu hòa”. Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.
Thứ ba, “học nhẫn nhục’’. Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.
Thứ tư, “học thấu hiểu”. Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?
Thứ năm, “học buông bỏ”. Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới tự tại được!
Thứ sáu, “học cảm động”. Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ-tát. Trải qua mấy mươi năm cuộc đời, có rất nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.
Thứ bảy, “học sinh tồn”. Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân”.
(Theo Đại sư Tinh Vân)
Qua những điều mà Đại sư Tinh Vân đã dạy cho người đệ tử của mình ta có thể thấy được quá trình học vấn, tích lũy kiến thức, thành tựu bằng cấp tuy khó nhưng không khó bằng sự chuyển hóa thay đổi những tập khí bất thiện từ nơi bản thân mình để trở nên hoàn thiện. Như lời của Đại sư Tinh Vân “Học Làm Người” là việc học của cả đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.
Một người, dù có bằng cấp học vấn cao đến như giáo sư, tiến sĩ hay không có bằng cấp gì thì cũng phải học làm người, học từ những điều nhỏ nhất. Đó là sự trau dồi, chuyển hóa thay đổi bản thân theo đường hướng thiện lành.
Theo Đại sư Tinh Vân, trước là cần học nhận lỗi. Lỗi lầm là điều không ai có thể tránh khỏi. Người xưa từng nói rằng “Nhân vô thập toàn”. Đã là con người thì khó có thể hoàn hảo, trọn vẹn về mọi mặt được. Mà quan trọng là ở việc nhận ra lỗi lầm, chịu trách nhiệm về nó và cần cầu sự tiến bộ. Vì lẽ đó, đức Phật từng dạy: “Trên thế gian này có hai hạng người mạnh nhất: Một là hạng người không bao giờ phạm lỗi lầm; Hai là hạng người phạm lỗi, biết lỗi, nhận lỗi và sửa lỗi.”. Vậy ta có thể thấy rằng hạng người thứ nhất chỉ có thể là bậc Thánh đã giác ngộ chân lý. Còn với hạng người thứ hai nhằm chỉ cho những người có sự tàm quý, hổ thẹn trước những lỗi lầm và với tâm cầu tiến để hoàn thiện bản thân thay đổi chính mình.
Tiếp đó là học sự nhu hòa nghĩa là học sự mềm mỏng, sự hòa nhã trong việc đối nhân xử thế, học cách hạ mình, đức khiêm tốn trước người để thiết lập mối quan hệ hòa ái tạo nên cuộc sống an hòa hạnh phúc. Trong hệ thống giáo lý đức Phật có dạy về sáu pháp lục hòa từ thân, khẩu, ý cho đến những điều liên quan trong cuộc sống nhằm giúp cho mọi luôn sống trong sự hòa hợp với nhau. Cụ thể là: Thân hòa đồng trú; Khẩu hòa vô tranh; Ý hòa đồng duyệt; Lợi hòa đồng quân; Kiến hòa đồng giải và Giới hòa đồng tu.
Kế đến là học nhẫn nhục: Trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày rất ít khi tránh khỏi những mâu thuẫn và xung đột, hay là đôi lúc ta phải làm ngơ trước những điều trái tai gai mắt và không vừa ý từ những người xung quanh, của những kẻ hung hăng, hiếu thắng. Nên Cổ nhân dạy: “Một điều nhịn, chín điều lành” hay cổ ngữ có câu “Tiểu bất nhẫn bất thành đại sự”, nghĩa là với những điều nhỏ nhất ta có thể nhẫn nhịn thì việc lành sẽ đến, và mục đích điểm đến của ta sẽ thành tựu. Còn nếu không nhẫn nhịn những việc bé nhỏ thì đừng nói đến việc lớn có thể thành. Vậy người có đức tính nhẫn nhục, làm chủ bản thân, tự kiềm chế mình trước hoàn cảnh bất thuận, không vừa lòng mới là người có sức mạnh thật sự và là nhân tố mọi điều thiện khởi sinh.
Kinh Phật dạy rằng:
“Cho dù ngàn lý luận
Nghe nhiều chẳng đến đâu
Sao sánh bằng một câu
Khiến tự thân chuyển hóa
Dù thắng ngàn binh tướng
Trên trận mạc sa trường
Không bằng thắng tự thân
Ấy vinh quang tối thượng”.
Thứ nữa là học thấu hiểu: đó là khả năng hiểu biết và nhận thức, là sự kết hợp trải nghiệm giữa cảm nhận và suy nghĩ của con người, là kỹ năng quan trọng đối với một người để tạo nên cuộc sống hạnh phúc, an vui. Bởi lẽ, có hiểu mới có thương, hiểu càng rộng thương càng sâu và hiểu càng sâu thương càng rộng. Nhờ sự thấu hiểu lẫn nhau mà mỗi người mới có thể buông bỏ những sai lầm cho nhau cùng đó là sự bao dung vị tha ngày càng được vun bồi.
Kế đến sự thấu hiểu là đức tính buông bỏ. Hai điều này tương tác cho nhau và một khi đã hiểu được sự việc, con người thì ta dễ dàng bỏ đi những thứ không cần thiết, khi đó tự bản thân sẽ thấy nhẹ nhàng, thỏa mái nhiều hơn. Chẳng hạn nhà Phật từng dạy “Oán tắng hoại khổ” (một trong tám cái khổ thuộc chi phần Khổ Đế) nghĩa là bởi những hiềm hận lẫn nhau không được giải quyết, không được buông bỏ… Chính vì vậy là cho mỗi người khi gặp nhau là thấy khổ đau, không thoải mái. Vậy nên buông bỏ là một trong những đức tính cần thiết cho mối tương giao giữa người với người, người với vạn vật và hơn thế là ở nơi tự thân nhằm tạo nên sự an vui hạnh phúc.
Học cảm động: Đôi khi trong cuộc sống ta tự mãn với bản thân, với cuộc đời và đôi lần ta oán trách rằng cuộc đời sao lắm đổi bất công,… hoặc là khi ta mong cầu điều gì đó không được như ý thì lại than trời trách phận. Và khi ấy ta lại thêm sầu bi khổ não, cảm thấy tối tăm… Nhưng lúc đó tại sao ta lại không nhìn lại mình đang có gì và đang được gì. Cuộc đời ngoài kia, còn lắm người mang trong mình những nỗi bất hạnh, những điều thiếu may mắn hơn ta hiện tại rất nhiều. Chẳng hạn, khi ta có một mái ấm gia đình, một ngôi nhà là nơi trở về sau những ngày mỏi mệt đua chen,… thì có bao người thầm mong có nơi che nắng tránh mưa khi mà thời tiết thay đổi còn chưa có. Đơn giản hơn với bao số phận ước mong có được con mắt sáng chỉ để một lần thấy được hình bóng người thân bên cạnh, thấy thế giới ngoài kia thế nào,… nhưng rồi ấy chỉ là ước mơ mà thôi. Còn ta thì sao? Nơi che nắng tránh mưa, nơi tự thân đầy đủ các bộ phận cơ thể hoạt động bình thường, và còn nhiều hơn nữa… Nhưng thế đã đủ khiến ta cảm thấy hài lòng chưa? Vậy thì trách nhiệm của ta là gì? Không phải là làm những điều gì đó lớn lao mà đơn giản là mở rộng tấm lòng, sự cảm thông chia sẽ cùng nhau những khổ đau, những vui buồn để mỗi trái tim ngày được gần thêm và ngày một ấm hơn.
Học sự sinh tồn là một trong những điều quan trọng không thể thiếu. Bởi lẽ, học sinh tồn là học cách sống, cách giữ sức khỏe cho tự thân, học cách sống lành mạnh làm cho thân và tâm (tinh thần) luôn được bình an. Khi thân đầy đủ sức khỏe thì tâm mới ổn định và khi đó ta mới có thể suy nghĩ làm việc một cách hiểu quả, cũng là khi ta muốn làm bất cứ điều gì ta muốn nhằm mang lại lợi ích cho bản thân cho số đông và cho tất cả.
Qua những lời dạy của Đại sư Tinh Vân từ việc học làm người ta thấy thật đơn giản nhưng để làm được là điều vô cùng khó khăn và cần nhiều về thời gian. Những điều đó là cả một quá trình rèn luyện từ nơi tự thân chính mình, là quá trình trau dồi nhân cách đạo đức lối sống từ những việc nhỏ nhất cho đến những việc lớn hơn nơi mọi người xung quanh. Những việc này không ngoài sự cầu tiến hoàn thiện bản thân để tạo nên một cuộc sống an vui hạnh phúc trong đời sống hằng ngày.
Gia Phong