Như cánh vạc bay ( Viết cho mẹ ngày mother day May-13-07 sắp đến)

Cập nhật: 19/05/2007
Mẹ ơi, với nỗi lạc lõng dâng tràn khi không còn có mẹ, nên con không muốn trở về cố hương này. Thế mà con đã lưu lạc đây mấy tháng rồi, chẳng biết chút duyên vô tình hay hữu ý, bước chân lang thang đã đưa con đến ngôi Già lam này đã bao tháng ngày mà chưa đành lòng cất bước.
 

Như cánh vạc bay ( Viết cho mẹ ngày mother day May-13-07 sắp đến)

 

    

   Cơn mưa đầu mùa đang rã rít từng cơn lêng láng cả sân chùa, như hòa theo mhững dòng nước mắt của con đang bên chân mẹ để được khóc, khóc cho trôi mây vô minh còn vương đọng để chuyển hoá tâm linh con được trưởng thành. Thuở nhỏ mẹ không đọc được ý nghĩ con nên không giận con là bất hiếu. Thâm tâm con thường trách mẹ tại sao sanh con đến thế giới này để làm gì. Con đã triền miên trong khoắc khoải nỗi khổ đau khi không tìm ra ý nghĩa của cuộc đời là đâu. Nơi xứ lạ quê người con như bị chôn chân trong bốn bức tường phủ kín không một lối thoát. Con chơi vơi trong kiếp người vô nghĩa, phải sanh ra lớn lên học hành, lập gia đình, sanh con, rồi chờ chết để xong một kiếp người. Con đã nổi điên trong cái vô vị đó. Tiền bạc, vật chất, danh vọng chỉ là manh giẻ rách của cảnh hơn thua, không là cứu cánh để vá nổi tim con, bước vân du con đi khắp Á Aâu để tìm đâu là lý thú của cuộc đời. Trong văn thơ ca nhạc người ta thường ca ngợi cuộc đời bằng chất liệu tình yêu, như là một mầu nhiệm của cuộc sống. Có lẽ đó chỉ là những từ ngữ tưởng tượng văn hoa cho đời có thêm hoa lá cành cho thi vị, chớ thực tế là những  bong bóng nước sờ vào đã vỡ, có ai yêu ai bằng sự thăng hoa cho mà không nhận gì, bởi nghĩa lý gì đâu khi tình yêu diễn đạt bằng sự chiếm hữu, bằng sự tầm thường của khoái lạc thể xác. Mẹ ơi con làm sao muốn nói với mẹ rằng con muốn thoát ly ra cuộc sống này bằng cái chết. Không một ai hiểu con cả, mặc dù con được sống trong nhung lụa ưu ái mà đời cho rằng thế là đã đủ! May mắn thay cho con ngay trong những chuỗi ngày đắm chìm trong tuyệt vọng, vận nước xoay dần con được trở về quê mẹ sau mười mấy năm ly hương, nước mắt con tuôn trào khi tìm ra được chân lý bên cạnh vị sư phụ già. Con là đứa trẻ thơ ngồi vớt ánh trăng trên miệng giếng khi đi tìm ý nghĩa của cuộc đời. Thật ra ý nghĩa của cuộc đời là giá trị của sự nhận thức được cuộc đời là vô thường nên đời đầy vô nghĩa. Con đã bật cười ra nước mắt bên chiếc võng vị sư già khi màn vô minh đã vén khỏi đôi mắt. Giáo lý vô thường đã là chìa khóa để con tự mò mẫm mở một con đường sinh lộ, thoát khỏi bốn bức tường vô nghĩa giam hãm đã chụp phủ một phần đời con. Con hạc trắng bé của mẹ đã dùng hết sức bình sinh để lộ ra khỏi đầm sình. Trước đây con nghĩ rằng ngày mẹ ra đi con không thể nào chịu thấu sự mất mát này, nhưng pháp Phật đã thấm ướt vai con, con đã tĩnh lặng chấp nhận sự vô thường, cho dù có đến ngay cả thân mình.

   Từ đó con nghĩ rằng cố hương không còn là một cái gì cho con vương vấn quay về khi mẹ đã ra đi, và vị thầy già đã trở thành viên ngọc quí mà mọi người đang trân quí cần bảo vệ. Con không còn những ngày lon ton theo thầy đi khắp đó đây. Con lang thang trên quê hương mình với cảm giác thật xa lạ, thêm vào đôi mắt con luôn hờ hững nhìn, nhưng chỉ thấy những gì con muốn thấy, vì tất cả chỉ là phù du ảo ảnh. Nhưng mẹ ơi hôm nay trong ngôi Già lam này con đã giương to đôi mắt nhìn nhiều thứ đã vương đọng nơi con. Vương nỗi hân hoan của một con hạc được cất cao đôi cánh mà trước đây con vẫn chập chửng trong bùn lầy lội.

   Vì đâu? Vì sức phi thường của người phi thường đã đẩy con cất cao đôi cánh. Mộ con hạc nhỏ bé như con đã có thể trở thành cánh đại bàng cất cao thẳng đến trời Tây với niềm tin dũng mãnh. Y như rằng lời tiên tri của một người vô danh quẻ đoán rằng con sẽ gặp NGƯỜI. Thì ra NGƯỜI như là một vị tổ của thời đại. Hai chữ Hoằng Pháp tên của chùa sao trùng hợp gắn liền với tâm vĩ đại hoằng pháp lợi sanh của NGƯỜI VIỆN CHỦ. Trong cái dáng vấp nho nhã chứa đựng cả ý chí phi thường đã làm vết dầu loang trên mọi miền đất nước và khắp năm châu vang rền theo tiếng niệm Phật. Con đã theo NGƯỜI, một cánh đại bàng chúa, dẫm khắp cả miền Nam Trung Bắc trên quê hương mình ngang qua từ hang cùng ngõ hẻm.

   Bên người con cảm thấy một niềm hạnh phúc vô biên…, văng vẳng trên bờ đê chiều của dòng sông Hồng Bắc Việt – tiếng ê a niệm Phật theo vần điệu của một chú bé dắt trâu về chuồng, làm con như được sống lại thời của Tổ Thiện Đạo đâu đâu cũng nghe câu Phật hiệu A Di Đà của làng trên xóm dưới, và kia rồi những ông bà lão tuổi xế chiều đứt bóng, súm sính chỉnh tề trong y áo đang tung tăng đến chùa, hân hoan như những đứa trẻ lần đầu cắp sách đến trường, họ học bài vở lòng của Như Lai, niềm vui tỏa hiện trên những gương mặt nhăn nheo tựa chiếc rổ đan và đôi mắt mờ đục như được sáng hơn bao giờ. NGƯỜI đã đem đến cho họ một niềm tin, một nỗi khát khao của một ngọn đèn dầu sắp tắt, rằng bên kia trời Tây, đức Từ Phụ đang giang tay đón mời. Những nét lam lũ cơ hàn hằn in lên ánh mắt họ, đôi bàn tay nhăn ngheo như bọng vỏ cây khô đã kính cẩn đón nhận món quà pháp bảo con trao tặng; họ đâu biết rằng nếu không biết thực hành phật pháp thì uổng phí đi một kiếp người đã sanh ra một cách hồ đồ để chịu nhiều lầm than, và rồi ra đi cũng trong ngu muội chẳng biết về đâu. Con thầm nói trong ánh mắt xót xa:” Bà ơi đây là cơ hội trăm năm bà nên nắm bắt trước khi trở thành đám bụi bên đường”.

   Sự nhọc nhằn gian khổ cùng NGƯỜI trên cuộc hành trình mà lần đầu tiên trong đời con có được, với bao nhiêu vết muỗi cắn nát cả người con chắc mẹ phải xót xa, qua hạnh từ bi của NGƯỜI con mới hiểu được đâu là tình thương yêu đồng bào ruột thịt của mình với niềm không phân biệt; và bao nhiêu điều khác của chữ nhẫn mà cuộc đời con chỉ biết được nuông chìu đã nằm trong ký ức của con. Hôm nay mang cùng tâm tư với nhạc sĩ vũ Ngọc Toãn, xin cho con một lần nhìn thật lâu chiêm bái dung nhan NGƯỜI, để thu tất cả vào tâm tư con, từ âm vang, lời nói, ánh mắt nụ cười…Con từng nghe về cái đẹp của nụ cười Di lặc nhưng con chưa từng diện kiến Ngài, thực tế trước mắt con nụ cười đẹp rạng rỡ của NGƯỜI  đã thể hiện lên sự thanh thoát bao dung vị tha, chỉ biết vì chúng sanh; vẫn cười dẫu thân thể NGƯỜI đang bệnh, kiệt quệ trong những ngày bát cháo muối trong cuộc hành trình mà không một lời than vãn trước nỗi đau xót của lòng con. Nụ cười Di Lặc của NGƯỜI như đã truyền đăng cho con cái hạnh biết giữ nụ cười thật sự trong tận đáy tâm hồn mà từ lâu thiếu vắng trên gương mặt. NGƯỜI cảm hoá chúng sanh không chỉ bằng tấm lòng chơn chất thật thà trong lời lẽø bình dị mộc mạc, mà đạo vị của NGƯỜI được thể hiện qua cách sống thiểu dục tri túc và lòng khiêm hạ, không là những lời văn hoa rỗng tuếch chỉ nhằm phô trương cái kiến thức đánh bóng giả danh không thực chất của đạo mầu. Dù phải vật lộn với thời gian và hoàn cảnh cho tất cả chúng sanh, ở mọi nơi mọi chốn thời khoá công phu tu tập trong ngày NGƯỜI vẫn nghiêm khắc hành trì cho chính mình. Qua thân giáo dù không một lời của NGƯỜI, con đã có sự lớn nhỏ đổi thay, con hạc trắng của mẹ đã bắt đầu cất cao đôi cánh…

   Ngoài kia mưa đã tạnh bao giờ, một sự vô thường lại đến. Một hồi chuông ngân nga thúc giục mọi người đã đến giờ tu tập. Trong niềm an lạc thanh tịnh con chợt nhận ra rằng:
Hạnh phúc không hẳn là thiên đường trần thế
Mà chỉ là hương thoảng của Phật tâm.
 
                                                                           Ngày giữa khoá Phật Thất 45.
                                                                                   May,  2nd,  2007
                                                                                             TM

Tin tức liên quan

Chùa Linh Ẩn – Đài Loan: Khoá tu một ngày
06/12/2024
CHỊ - NGƯỜI BẠN LÀNH
06/12/2024
Chùa Suối Pháp – Tây Ninh: Lễ sám hối 30/10 Giáp Thìn
04/12/2024
Ban Từ Thiện: Lễ Quy y Tam Bảo tại Cần Đước, Long An và Hỗ trợ bệnh nhân ung bướu tham dự Khoá tu niệm Phật một ngày
03/12/2024
Khoá tu niệm Phật một ngày
01/12/2024