Nước Ngoài

Nhân duyên xuất gia vô cùng hy hữu của pháp sư Đại An

Cập nhật: 27/05/2015
Pháp sư Đại An là đương kim trụ trì chùa Đông Lâm ở Lô Sơn, tổ đình Tịnh Độ tông Trung Quốc.
 

Nhân duyên xuất gia vô cùng hy hữu của pháp sư Đại An

 

Dưới đây là những lời thầy tự thuật về nhân duyên xuất gia của mình:

Trước đây, tôi vốn không tin Phật, thậm chí đã từng buông lời phỉ báng Phật giáo, viết sách báo, luận văn đều cho rằng đạo Phật là tiêu cực, không có ý thức hiện đại. Có lẽ là do tạo những ác nghiệp này mà sau đó tôi mắc bệnh nặng, trong lần bị bệnh này, tôi phát hiện ra rằng vấn đề lớn nhất của đời người là sinh tử. Nếu vấn đề sinh tử không thể giải quyết, thì tất cả đều là nói suông. Vì vậy, sau khi khỏi bệnh, ra viện, tôi bắt đầu tiếp xúc với các tôn giáo để đi tìm con đường giải thoát sinh tử, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Đạo giáo tôi đều đã tiếp xúc qua, nhưng vẫn không tìm ra được phương pháp nào. Cuối cùng, tôi tìm đến Phật giáo, đặc biệt là Tịnh Độ tông, và tôi thấy pháp môn Tịnh Độ chính là con đường mà mình đang tìm kiếm. Việc tìm thấy phương pháp giải thoát sinh tử của tôi không phải dựa trên lý trí. Nhân duyên là tôi thỉnh từ chùa về một băng nhạc niệm Phật, vừa nghe, không hiểu sao, tôi liền chảy nước mắt. Việc này thật kỳ diệu, đã rất nhiều năm rồi tôi không khóc, tại sao âm thanh niệm danh hiệu Phật này có thể…? Như vậy, thông qua câu Phật hiệu A Di Đà Phật mà tôi tiếp xúc với Tịnh Độ và kinh sách của Tịnh Độ tông. Hóa ra, pháp niệm Phật vãng sanh của Tịnh Độ tông chính là cách giải quyết trực tiếp vấn đề sinh tử. Từ đó, tôi bắt đầu học Phật, niệm Phật.

Học Phật được 1 năm, tôi liền nghĩ đến việc xuất gia, đó là năm 1991. Nhưng bản thân tôi nghiệp chướng nặng nề, việc xuất gia của tôi gặp rất nhiều chướng duyên. Ở Trung Quốc Đại Lục, cách nhìn đối với việc xuất gia rất tiêu cực. Đầu tiên là sự phản đối mãnh liệt của cha mẹ và anh chị tôi, tôi cảm thấy quả thực là không thể tiếp tục bàn vấn đề này với người nhà được nữa. Có thể xem tôi là người có học vấn tương đối cao, học xong nghiên cứu sinh mới đi xuất gia. Theo cách nói của dân Nam Xương (thủ phủ tỉnh Giang Tây), xuất gia là thành kẻ vô dụng, là thành một phế nhân. Vì vậy, tôi đành thuận theo gia đình và xã hội, đi giảng dạy tại một trường đại học ở Bắc Kinh. Kết quả là tôi phải làm cư sĩ tới 10 năm.

Đến năm 2001, nhân duyên xuất gia của tôi được chín muồi nhờ một lần bế quan niệm Phật. Từ năm 1999, mùa hè hằng năm, tôi bắt đầu tham gia bế quan niệm 1 triệu Phật hiệu. Năm 2001, tôi cũng dẫn một đoàn nghiên cứu sinh đại học từ Bắc Kinh đến một ngôi chùa ở Hồ Bắc để tu tập. Khi đó chùa đang giảng Di Đà Sớ Sao, chúng tôi bế quan niệm Phật, niệm xong 1 triệu danh hiệu Phật trong 10 ngày, rồi nghe giảng Di Đà Sớ Sao nửa tháng, cuối cùng tiến hành bế quan tinh tấn niệm Phật, lần này không phải là 10 ngày, mà là 7 ngày. 7 ngày niệm 1 triệu Phật hiệu, 1 ngày phải niệm hơn 140 ngàn, thời gian ngủ không được vượt quá 4 tiếng đồng hồ, nếu vượt quá tuyệt đối không thể niệm đủ. Chính trong lúc bế quan niệm Phật lần thứ 2 này, tâm nguyện xuất gia mà tôi đè nén bao năm nay đã trỗi lên rất mạnh mẽ. Tôi tự nói với lòng mình, đợi tôi niệm Phật xong, tôi sẽ đến trước Phật để quyết định xem là nên xuất gia hay tại gia.

Làm thế nào để quyết định? Tôi nghĩ đến việc bốc thăm. Thế là, vào ngày niệm Phật thứ 7, khi còn 1 tiếng nữa là hoàn thành, tôi viết lên hai mẩu giấy, một là xuất gia, một là tại gia, và bắt đầu bốc thăm. Tôi bố trí việc bốc thăm rất chặt chẽ, nhất định là phải bốc được mẩu giấy nào liên tục 3 lần mới tính, đồng thời mọi thao tác đều phải nhắm mắt để làm. Đầu tiên, tôi lạy Phật 3 lạy, sau đó nhắm mắt thả cho hai mẩu giấy rơi tự do lên mặt bàn, rồi tiếp tục lạy Phật 3 lạy, cuối cùng nhắm mắt đập tay xuống bàn, đập trúng mẩu nào thì chọn mẩu đó, tôi đã bốc thăm bằng phương pháp vô cùng nguyên thủy này. Lần đầu mở ra xem là xuất gia, lại làm hệt như vậy, liên tục 3 lần đều là xuất gia. Thật kỳ lạ, 3 lần đều là xuất gia, tôi muốn chứng minh thêm một lần nữa, lần thứ 4, vẫn là xuất gia. Đã vậy thì tôi không tiếp tục bốc thăm nữa, tôi quyết định chuẩn bị xuất gia.

Tôi đem việc bốc thăm này nói với một vị pháp sư ở Cửu Hoa Sơn, thầy nghe rồi cũng thấy rất kỳ lạ. Thầy hỏi tôi đã làm thế nào, yêu cầu tôi làm lại cho thầy xem thử. Tôi bèn làm lại trình tự bốc thăm của mình ngay trước mặt thầy, khi tôi đập tay xuống, thầy bảo tôi đưa mẩu giấy cho thầy xem, tôi cũng không biết trong mẩu giấy ghi gì, thầy ấy vừa mở ra, là xuất gia, liên tục 5 lần đều là xuất gia. Chính từ nhân duyên này mà tôi trở về Bắc Kinh, bắt đầu sắp xếp mọi công việc, lần này vô cùng thuận lợi, chẳng mấy chốc đã được xuất gia. Đại khái là, năm 2001, nhân duyên xuất gia của tôi đã thành thục, việc xuất gia diễn ra rất nhanh chóng. Vì vậy, tôi cảm ơn danh hiệu A Di Đà Phật, chính nhờ sức mạnh của 2 triệu câu Phật hiệu đã giúp tôi thoát khỏi xã hội thế tục. Thật sự không đơn giản, nếu không có sức mạnh này thì có lẽ tôi không thể nào thoát ra nổi. Nhân duyên xuất gia của tôi là như vậy.

Tịnh Nguyên lược dịch từ:

http://rufodao.qq.com/a/20140312/020079.htm
BBT Website

Tin tức liên quan

COVID-19, một lời khuyên về “Trách nhiệm Toàn cầu” được phát biểu trong Ngày Trái đất của đức Dalai Lama
03/05/2020
Thiền sư Hàn Quốc Pomnyun Sunim đưa ra hướng dẫn Phật giáo để đối phó với Đại dịch
05/04/2020
Một triệu lượt tín đồ tham dự lễ hội Phật giáo Samyak Mahadan ở Patan, Nepal
03/03/2020
Triển vọng của nền kinh tế theo tinh thần Phật giáo
29/11/2018
“Các Nhà Sư Sinh Thái” bảo vệ môi trường tại Thái Lan
28/11/2018