Bài viết

Nhân duyên thầy trò

Cập nhật: 25/01/2019
“Cuộc đời là một chuỗi nhân duyên dài vô tận…!”
 

Nhân duyên thầy trò

 

Tôi sinh ra tại một tỉnh ở miền Trung, có lẽ nhờ nhân duyên từ nhiều đời nhiều kiếp cho nên tôi được biết đến chùa, đến Phật từ thời tấm bé…

Năm tôi tầm 4 - 5 tuổi, mẹ đã dẫn tôi đi đến ngôi chùa gần nhà trong một buổi chiều Chủ Nhật, đây là một buổi chiều “nhân duyên” của cuộc đời tôi. Không biết vì lý do gì mà tôi lại vô cùng ấn tượng và nhớ rất rõ cái lần đầu tiên ấy…

Chiều Chủ Nhật hôm đó, tôi thấy các anh chị và các bạn nhỏ cùng mang một bộ đồng phục áo lam thật đẹp, tất cả cùng nhau sinh hoạt thật vui vẻ giữa sân chùa, đây là lần đầu tiên tôi thấy được hình ảnh chiếc áo lam thân thương hiền hòa. Ngay từ giây phút đó, tôi đã đòi mẹ cho được mặc giống như các anh chị, các bạn đó. Và cũng nhờ nhân duyên buổi chiều hôm ấy đã hướng cuộc đời tôi sau này bước đi trên một con đường rất khác - con đường an lạc.

Tôi chính thức được tham gia vào tổ chức Gia Đình Phật Tử (GĐPT). Rất khác với các bạn đồng trang lứa, tôi đến với tổ chức GĐPT không chỉ để sinh hoạt vui chơi mà tự bản thân lại cảm thấy rất hứng thú đối với việc học giáo lý, mỗi kỳ thi vượt bậc do GĐPT tổ chức tôi đều rất trông chờ và cố gắng phấn đấu để đạt thành tích cao. Thuở bé, tất nhiên ai cũng có suy nghĩ muốn được khen ngợi, được tuyên dương, tôi cũng không ngoại lệ, tuy nhiên càng lớn trong tôi lại càng thôi thúc muốn được học được biết nhiều hơn về Phật pháp. Tôi còn nhớ, có lần tôi phải nhịn ăn sáng hơn cả tháng để dành tiền cố gắng mua cho được cuốn Phật học bốn cấp dành cho Phật tử (cuốn sách có giá trị 35.000 đ vào thời điểm năm 2000), tôi đã bao bọc và giữ gìn trân quý cuốn sách đó vô cùng. Tôi hình thành thói quen tìm học Phật pháp từ đấy, đây cũng là “nhân duyên” thiện lành của cuộc đời tôi, giúp tôi hiểu biết được nhiều điều hơn. Tôi được học được biết nhiều điều bổ ích hơn về cuộc sống, về nhân cách sống, được dạy dỗ những điều đạo đức cơ bản của người con Phật…Từ năm 4 tuổi đến năm 18 tuổi, tôi đã tích góp được cho mình cả một gia tài, đó chính là những kiến thức về Phật pháp, những ấn tượng về chùa, những hình ảnh, những kỷ niệm đẹp về đạo, và cả những lần đạt được thủ khoa trong các kỳ thi vượt bậc của GĐPT,… song điều quan trọng nhất là nhờ biết đến chùa mà tôi trở thành một người luôn mạnh dạn, tự tin, năng nổ trong mọi hoạt động. Đặc biệt, trong suốt khoảng thời gian đi sinh hoạt GĐPT, tôi có nhiều nhân duyên được theo hầu quý Hòa thượng, quý chư Tôn Đức trong các dịp lễ hội của Phật giáo hay tại Trường hạ chùa Phổ Đà vào mỗi dịp An Cư Kiết Hạ, lâu dần trong thâm tâm tôi cũng nhen nhóm một ước nguyện được đi xuất gia như quý Ngài.

Đầu năm 2003, có một lần tôi được xem VCD “Khóa tu Phật thất lần thứ 19” do chùa Hoằng Pháp sản xuất, tôi thật sự rất ấn tượng và không thể quên những hình ảnh rất đông Phật tử tu tập trang nghiêm trong tiếng nhạc niệm Phật trầm bổng du dương, một thứ âm thanh thật mới lạ mà lần đầu tiên trong đời tôi được nghe; khi ấy trong tôi cảm nhận tiếng niệm Phật sao thật hay và lôi cuốn, âm điệu không giống như tiếng tụng niệm mà tôi thường được nghe ở các chùa. Tôi và mẹ đã xem đi xem lại cho đến lúc nó hư không thể xem được nữa thì thôi. Lúc đó, cả hai mẹ con đã ước mơ được một lần vào chùa Hoằng Pháp để tham dự một Khóa tu Phật thất thì cũng đủ mãn nguyện.

Cũng trong năm đó, khi biết tin Thượng tọa trụ trì chùa Hoằng Pháp sẽ có chuyến hoằng pháp tại Đà Nẵng, tôi cùng mẹ rất vui mừng háo hức đến để nghe Thầy thuyết giảng. 5h30’ sáng hôm ấy, hai mẹ con đã chờ rất sớm ở cổng chùa Bảo Quang, tôi còn dành tiền mua một cái áo tràng mới (vì trước đây chỉ thường mặc ké áo tràng của mẹ), và nôn nóng chờ đợi phái đoàn. 7h30’, hai chiếc xe chở phái đoàn cũng đã đến, lần đầu tiên hai mẹ con được gặp trực tiếp Thượng tọa trụ trì chùa Hoằng Pháp ngoài đời thật là vô cùng hạnh phúc, lại còn được sắp xếp ngồi ngay hàng đầu để nghe Thầy thuyết pháp, được Thầy tặng cho 2 phần quà Pháp bảo gồm 2 cuốn băng cassette niệm Phật nhạc điệu số 1 - điệu số 2, 2 cuốn sách, 1 tấm hình Phật A Di Đà và 1 tấm hình Thượng tọa ngồi niệm Phật cùng chuỗi hạt màu vàng. Hai mẹ con tôi đã vô cùng hân hoan với món quà của Thầy và cảm xúc của tôi trong buổi sáng ngày hôm đó thật khó mà diễn tả thành lời. Khi tiễn chân phái đoàn lên đường tiếp tục chuyến hoằng pháp, tôi đã rất muốn được đi theo cùng nhưng chỉ đành đứng ngậm ngùi đưa tiễn mà thôi. Và tôi vẫn nuôi ước mơ một ngày nào đó sẽ được đến chùa Hoằng Pháp…

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi dành dụm tiền để vào Sài Gòn thi đại học, trong khi chờ kết quả và đi học, tôi một mình tìm đường đến viếng thăm chùa Hoằng Pháp, hôm đó vào đúng tháng 7 âm lịch, dịp lễ Vu Lan Báo Hiếu. Bước đến cổng chùa rồi mà tôi vẫn còn bỡ ngỡ không biết thực hay mơ… Cảnh chùa khi ấy tuy còn đơn sơ những cũng đã rất hoành tráng đối với tầm hiểu biết của tôi. Ngôi chánh điện trong buổi sớm mai thật uy nghiêm rạng rỡ, cảnh chùa thật đẹp và yên bình khiến tâm hồn tôi ngây dại cứ đứng ngắm nhìn một hồi lâu thật lâu. Sau khi lễ Phật, tôi rảo bước tham quan quanh chùa và dừng chân tại khu vực Nhà Bếp. Với thói quen thường hay công quả các chùa ở ngoài quê, tôi cũng mạnh dạn vào trai đường để xin được phụ giúp. Vừa đủ duyên, tôi được gặp một vị thầy đồng hương cũng chính là thầy tri khố của chùa, thầy đã hướng dẫn cho tôi phụ bưng dọn thức ăn và phục vụ đại lễ năm đó.

Sau khi phục vụ đại lễ Vu Lan, tôi nghe quý Thầy thông báo vào ngày 17/07 âm lịch chùa sẽ tổ chức Khóa tu Phật thất lần thứ 29, tôi đã háo hức về nhà năn nỉ gia đình người thân cho tôi được đi dự tu học 1 tuần, và tôi còn phải dành tiền ăn 1 tuần để mua một cái áo tràng theo kiểu mẫu của chùa Hoằng Pháp thiết kế (khi ấy có giá là 95.000 đ), một cái áo tràng thật đẹp có thêu cả Pháp danh của tôi. Lần đầu được tham dự Khóa tu Phật thất là một kỷ niệm thật khó phai và chắc hẳn sẽ đi theo tôi suốt cả cuộc đời. Tôi không thể nào diễn tả thành lời cái cảm xúc lần đầu tiên ấy… Tôi vẫn còn nhớ ngày kết thúc khóa tu, tôi ngồi nơi bậc thềm cửa chánh điện, nhìn dòng người xách hành lý rời chùa trở về gia đình mà chực rơi nước mắt, tôi chỉ muốn mọi người sẽ tiếp tục ở lại chùa để tu tập mãi…

Tôi xin ở lại chùa thêm một ngày để phụ giúp các thầy dọn dẹp vệ sinh và giặt giũ mền chiếu. Quý thầy thật nhanh nhẹn, mạnh khỏe, thoăn thoát tay chân giặt những tấm mền ướt nặng sủng nước và trèo lên mái tôn khu C để phơi nắng cho khô, tuy công việc rất mệt mà trên khuôn mặt các thầy lúc nào cũng luôn hoan hỷ tươi cười… Tất cả những hình ảnh, những ấn tưởng của chùa Hoằng Pháp đã khiến cho tôi càng thêm muốn ở lại chứ chẳng muốn rời xa, nhưng có lẽ nhân duyên khi đó vẫn chưa hội đủ nên tôi đành xách hành lý rời chùa trở về gia đình.

Sáng hôm ra về, tôi mang ba lô trên vai vào văn phòng xin lại chứng minh thư, sau khi chào quý thầy, đi ra đến cửa, tôi tình cờ được gặp Thượng tọa trụ trì đang đứng trước phòng Thầy ở ngay góc Tổ đường. Khi thấy Thầy tôi vội để ba lô xuống và đến chắp tay xá chào, xin phép ra về và kính chúc Thầy ở lại luôn mạnh khỏe. Khi ấy, Thầy mỉm cười hiền dịu hỏi tôi tên, tuổi, và ở đâu… Tôi thưa đáp cùng với Thầy.

Thầy lại hỏi: “Chú có muốn xuất gia không?” - Tôi cũng thưa thật với Thầy là dù rất muốn từ lâu nhưng còn chướng duyên gia đình nên chưa thể đi được, và nếu đủ duyên có lẽ cũng sẽ kiếm một ngôi chùa nào đó ở miền Trung xin xuất gia vì chỉ quen biết các chùa ở ngoài quê.

Khi ấy Thầy nói với tôi: “Thế tại sao chú không xuất gia ở đây?” - Khi ấy tôi rất bất ngờ và ngu ngơ thưa hỏi Thầy: “Mô Phật! Con có thể xuất gia ở đây được hả Thầy???” - Thầy đáp: “Sao lại không được, chú về suy nghĩ đi nhé!” - Tôi thưa đáp: “Dạ, con cảm ơn Thầy” và xá chào Thầy rồi trở về nhà.

Lần gặp gỡ này cũng chính là đầu mối nhân duyên thù thắng của tôi, tất cả những nhân duyên thiện lành của tôi từ bao kiếp có lẽ đã hội tụ đầy đủ để giúp cho tôi có động lực để vượt qua các chướng duyên của gia đình và thúc đẩy suy nghĩ của mình tìm cơ hội quay trở lại chùa Hoằng Pháp để xin xuất gia. Sau 3 tháng trốn nhà ra đi, cuối cùng tôi cũng nhận được sự đồng thuận của cha, sự hoan hỷ của mẹ, tôi được duyên lành xuất gia tu học với Thượng tọa Trụ trì chùa Hoằng Pháp kể từ đó cho đến nay.

Và tóm lại, lời tôi muốn nói là:

 “A Di Đà Phật! Đệ tử con xin thành kính đảnh lễ tri ân Sư Phụ! Sư phụ đã thương yêu, chăm lo cho chúng con, là người đã cho chúng con giới thân huệ mạng này. Sư phụ không chỉ là “Thầy” - là “Cha”, mà đối với con Sư phụ còn ý nghĩa nhiều hơn thế nữa. Người làm thầy chỉ cho chúng con được kiến thức nhưng Sư phụ còn lo cả tương lai của chúng con. Người làm cha chưa hẳn chỉ lối cho con cái mình đi trên con đường đúng đắn nhưng Sư phụ còn thao thức cho sự nghiệp tiếp nối chánh pháp của hàng đệ tử chúng con. Cho nên, con không muốn gọi Thầy là “Đức Ngài” nghe quá cao xa, lạ lẫm…hay xưng Thầy bằng giáo phẩm “Thượng Tọa” nghe quá khách sáo, cao sang… con cũng chẳng muốn gọi bằng danh xưng là “Thầy” hay là “Cha”… con chỉ muốn gọi Thầy bằng hai tiếng “Sư Phụ” thân thương, gần gũi…

Gần 15 năm sống và tu học ở chùa, vì nghiệp chướng của con quá sâu dày, tập khí còn quá nặng, tuổi trẻ còn nhiều bồng bột thiếu xót đã không biết bao nhiêu lần làm cho Thầy phải buồn phiền lo nghĩ cho đệ tử, chúng con xin thành tâm sám hối… Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, tận trong thâm tâm của con, lúc nào con cũng luôn muốn nỗ lực cố gắng hết sức để phụ giúp Sư Phụ những công việc dù là nho nhỏ, cũng là để đỡ đần một phần gánh nặng cho Sư Phụ, để Sư Phụ còn dành tâm sức lo nghĩ cho các Phật sự trọng đại hơn.

Cho đến thời điểm này, trong tận sâu tâm khảm của con vẫn luôn tôn kính, yêu thương và lo nghĩ đến Sư Phụ. Con được hiểu biết rằng cuộc đời là một chuỗi nhân duyên dài vô tận… tất cả đều do nhân của bản thân gây tạo từ quá khứ, tiếp với duyên ở hiện tại và chính chúng ta sẽ nhận quả khi đến thời điểm chín muồi. Thế nên đời này, dù có lương duyên hay nghiệt duyên thì đệ tử con vẫn luôn tâm niệm là bản thân mình đã thọ nhận ân đức của Sư Phụ và sẽ cố gắng hết mình để làm sao cho tròn trách nhiệm của một người con, một người đệ tử, con vẫn luôn hằng mong muốn được gọi hai tiếng “Sư Phụ” mãi mãi.

Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo thùy từ gia hộ cho Sư Phụ luôn được pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ, Phật sự viên thành. Sư Phụ mãi là tàng cây đại thọ để cho hàng đệ tử chúng con được nương tựa dưới bóng mát đại từ bi, đại trí tuệ, được Sư phụ thương yêu, che chở, dìu dắt trên con đường tu học và hoằng truyền chánh pháp.

Nhân Duyên

Tin tức liên quan

NGUYỆN THOÁT KHỎI TAI ƯƠNG
16/09/2024
NGƯỜI TU THẬT – TUYỆT ĐẸP
10/09/2024
CHÙA TO – PHẬT LỚN
03/09/2024
Trên ngực con đượm buồn màu bông trắng…
13/08/2024
Chánh niệm và thời đại
01/08/2024