Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Nhân duyên nhiệm mầu
Cập nhật: 25/10/2011
Trong thời gian gần đây, tôi đã có nhân duyên được đến với Phật pháp khi được tham dự một ngày tu tại chùa Hoằng Pháp. Và đây là câu chuyện mà từ trước đến nay mỗi khi có dịp thuận tiện tôi đều kể lại cho mọi người nghe với một niềm vui khó tả, một niềm tự hào vô bờ bến về Phật pháp.
Câu chuyện của tôi như sau:
Tôi lập gia đình năm 25 tuổi và sinh được 1 bé gái. 5 năm sau, vợ chồng tôi quyết định sinh đứa thứ hai. Đương nhiên, chồng tôi rất thích đứa thứ hai này sẽ là con trai, nhưng trời xui đất khiến thế nào, lần mang thai thứ hai này tôi lại sinh ba bé gái. Vậy là vợ chồng tôi có tất cả 4 đứa con gái. Lần sinh này là một hiện tượng thật đáng sợ. Vì thời điểm đó sinh một lúc ba đứa bé thật hiếm thấy. Vả lại thời buổi khó khăn thì biết lấy gì nuôi con, một đứa đã vất vả chứ nói gì đến 3 đứa. Nhưng có một điều đáng sợ hơn cả là đứa bé út lại bị dị tật bẩm sinh, hai mắt của bé ở gần về phía hai lỗ tai, não lòi ra ngoài trán do hộp sọ bị hở, cháu không có mũi, chỉ có hai lỗ nhỏ để thở... Nói tóm lại gương mặt của cháu thật quái dị mà nhiều đứa trẻ sau này chỉ mới lần đầu nhìn thấy đã thét lên bỏ chạy.
Nuôi 3 cháu bé trong hoàn cảnh chật vật, phải nhờ sự giúp đỡ của nội ngoại hai bên thật là vất vả. Nhưng cái khổ cực đó cũng không thấm gì so với nỗi khổ đau khi có một đứa con bị dị tật. Thương cho con, thương cho thân mình... Nhiều người khi biết được đã xầm xì bàn tán đủ điều, đến nỗi tôi phải giấu bé út trong nhà. Nhưng làm sao có thể giấu mãi được, nên cuối cũng tôi cũng phải cho bé ra ngoài.
Mọi người bàn tán mãi rồi cũng dần quên đi. Lâu dần đến lúc các cháu được 2 tuổi, tôi cho các cháu đi nhà trẻ. Trong suốt thời gian từ lúc mới sinh đến lúc cháu được 2 tuổi thì không có bệnh viện nào mà vợ chồng tôi không tìm đến. Nghe ở đâu có bác sĩ giỏi, nghe ở đâu có đoàn bác sĩ từ thiện trong và ngoài nước đến khám là vợ chồng tôi cũng bế bé đến, nhưng đều chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Quá đau khổ, tôi cảm thấy đã hết cách...
Nghe bé út đi học nhà trẻ rồi đi mẫu giáo về kể chuyện bi bô, bé khoe bé cũng thuộc được nhiều bài hát, múa dẻo nhưng sao cô không cho lên sân khấu diễn. Bé vô tư, hồn nhiên bao nhiêu thì tôi càng đau khổ bấy nhiêu vì cảm thấy càng bất lực. Biết bám víu vào đâu để chữa bệnh cho con? Lúc đó tôi chưa biết gì đến Phật pháp...
Tình cờ người bạn học cũ đến thăm, thấy hoàn cảnh như vậy nên nhờ người em của mình là phóng viên viết một mẩu tin để nhờ sự giúp đỡ của những tấm lòng vàng. Mẩu tin ngắn về cháu đã được đăng trên báo Công an TP.HCM trong mục Những mảnh đời bất hạnh. Từ bản tin này mà nhiều người biết đến trường hợp của cháu, trong đó có một số quý Tăng, Ni của các chùa ở Thủ Đức. Nhân một chuyến Phật sự, các sư đã ghé qua nhà tôi thăm hỏi, động viên, tặng cho một thùng mì và chỉ dẫn cho con cách cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ-tát phù hộ cho con tôi có được cơ hội chữa lành bệnh. Nghe theo lời khuyên của quý sư, hằng đêm tôi đều chí thành cầu nguyện. Ròng rã như vậy suốt 3 năm trời, chắc là được cảm ứng nên duyên may đã đến với chúng tôi. Một tổ chức từ thiện là Hội ROMAC (Rotary Oceania Medical Aid for Children - Tổ chức chuyên tài trợ chữa bệnh cho các trẻ em từ 16 tuổi trở xuống trên khắp thế giới) đã cử hai bác sĩ sang TP.HCM giám định bệnh cho cháu và quyết định cho hai mẹ con sang Úc chữa bệnh.
Thủ tục giấy tờ, họ làm rất nhanh, chưa đầy một tháng, hai mẹ con đã bay sang Úc. Vợ chồng tôi cứ tưởng như mình nằm mơ, đến lúc ngồi trên máy bay, do lúng túng vì lần đầu đi máy bay nên tôi không tài nào thắt được dây an toàn, đầu óc cứ suy nghĩ lung tung: “Không biết chữa bệnh từ thiện thì họ có giúp đỡ nhiệt tình không, hay chỉ làm qua quýt cho xong? Không biết họ sẽ đối xử với hai mẹ con như thế nào trong thời gian ở nước ngoài...”. Những lo lắng đó giờ nghĩ lại thấy thật vô cùng hổ thẹn. Sự tiếp đón, chăm sóc, nuôi dưỡng cả vật chất lẫn tinh thần tại Úc dành cho hai mẹ con thật quá sức tưởng tượng! Nếu lúc đó mà biết Phật pháp thì có thể so sánh như là đang ở Tây Phương Cực Lạc vậy.
Lần đầu tiên bé thực hiện ca mổ phức tạp nhất kéo dài 8 tiếng đống hồ với sự tham gia của 11 bác sĩ. Trong thời gian cháu vào phòng mổ, tôi ngồi xếp bằng đợi bên ngoài, chắp tay niệm liên tục danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ-tát, cầu cho mọi sự bình an, tai qua nạn khỏi. Tôi cứ niệm liên tục suốt 8 tiếng đồng hồ như vậy. Khí hậu lúc đó rất lạnh nhưng tôi lại không có cảm giác gì cả. Đến khi được vào phòng hồi sức gặp con, tôi đã khóc nức nở khi thấy bé nằm im ngủ với gương mặt mới hoàn thiện. Các bác sĩ lo lắng không biết vì sao tôi khóc thì người phiên dịch bảo rằng con quá vui sướng nên đã khóc. Lúc đó, họ mới thở phào nhẹ nhõm...
Năm đầu tiên qua Úc, hai mẹ con đã ở gần một năm và bé thực hiện 9 lần mổ để hoàn thiện dần cho gương mặt. 1 năm sau qua tái khám... 7 năm sau qua tiếp lần nữa để chỉnh sửa mũi và dời hai mắt lại gần thêm...
Đến bây giờ, tôi luôn nghĩ, nhờ thành tâm niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ-tát, nhờ Ngài trợ duyên mà con tôi có được cơ hội chữa lành bệnh, được nhiều người giúp đỡ, thương mến như vậy. Tôi không biết phải đền đáp các vị ân nhân của mình bằng cách nào. Về vật chất thì không thể, về tình cảm thì đâu nói được bằng lời. Sau đó, bằng sự mang ơn, vợ chồng tôi đã thực hành theo lời Phật dạy, tập bố thí cúng dường theo khả năng của mình và phát nguyện hiến máu tình nguyện để cứu giúp những người cần máu trong cơn nguy hiểm.
Còn nhiều chi tiết nhiệm mầu khác mà tôi không thể kể hết ra được. Nhưng tôi mong rằng, sẽ có nhiều người có cơ duyên gặp được Phật pháp, thực hành theo lời dạy của đức Phật để thân tâm luôn được an lạc trong cuộc sống bộn bề này.