Một người rắp tâm hại người hiền, ừ thì người ấy nghĩ mình thắng. Nhưng người hiền lại không vì vậy mà quá oán hận, thương đau. Vì với người hiền, tâm thế bình an mới thật là quan trọng.
Người hiền là người luôn biết tạo phước và tích đức cho mình.
Người không dám làm ngơ khi thấy một bà cụ run run đang khó khăn qua đường, đó là người hiền.
Người không ghét bỏ những người phạm lỗi, có cơ hội là giúp họ đứng dậy từ lỗi lầm, đó là người hiền.
Người không muốn làm tổn hại ai, không cố tình mang đến cho ai vết thương sâu, đó là người hiền.
Người không bị những ganh tị, tật đố làm mờ mắt mà phải đạp ai xuống bùn, trái lại còn nâng dậy và dìu bước nhau về hướng đi lên, đó là người hiền.
Người không vì lợi lộc hào nhoáng trước mắt mà đánh mất đi tư chất của một người mang sứ mạng tỉnh thức, đó là người hiền.
Có những câu kinh nhẹ nhàng, thực tế, được đức Phật dạy cho người hiền không sợ hãi. Ta đem câu kinh vào lòng, cốt giữ cho tâm được thẳng, được ngay.
Kinh Pháp Cú
Câu 76. Nếu gặp được người hiền trí chỉ bày lầm lỗi và khiển trách mình những chỗ bất toàn, hãy nên kết thân cùng họ, xem như bậc trí thức chỉ cho kho tàng bảo vật. Kết thân với người trí lành mà không dữ.
Câu 77. Những người khéo khuyên răn dạy dỗ, can ngăn tội lỗi kẻ khác, đuợc người lành kính yêu bao nhiêu thì bị người dữ ghét bỏ bấy nhiêu. (HT. Thích Thiện Siêu dịch)
Kinh Bốn Mươi Hai Chương
Chương 8: Người ác hại người hiền, giống như mình ngửa mặt lên trời mà phun nước miếng, nước miếng không tới trời mà lại rơi xuống thân ta. Giống như mình tung bụi ngược gió, bụi không đến người kia, trở lại dính vào mình. Cũng như thế, người hiền thì không thể đụng chạm họ được. Bôi lọ hay làm gì gây tai họa cho họ, quả ác sẽ đến hủy diệt thân ta. (HT. Thích Phước Tịnh dịch).
Ngẫm câu kinh dạy mình vô sự, cố giữ mình giữa sóng gió thế gian.