Ta có xu hướng tìm đến người nào thương ta, cung phụng ta, chiều chuộng và vuốt ve cho bản ngã của ta. Dù họ có làm sai, nhưng vì tình cảm, vì lỡ nhận sự yêu thương của người, nên ta đành “trả nợ” tình cảm bằng cách im lặng trước cái sai của họ. Ta mặc nhiên thành đồng lõa lúc nào không hay. Nhưng biết làm sao được, rất khó xử cho hoàn cảnh khi người mà ta đang che giấu, đó là bạn ta, người thân ta.
Ngày xuân, gần Tết Giáp Thìn, có cô Phật tử trẻ đến chùa kể về câu chuyện bị người yêu lừa dối và phụ tình. Cô nói: “Trong khi con ra sức chăm lo, yêu thương, nâng đỡ cho anh ta, nhưng cái mà con nhận lại được là 2-3 cặp sừng to tướng. Trong lúc con đang chăm sóc bệnh cho anh, anh lại nỡ lòng liên lạc, nói chuyện ‘ong bướm’, ‘trêu hoa ghẹo nguyệt’ với những cô gái khác.”
Nghe xong câu chuyện, tự nghĩ trong lòng: “Xuân đến Tết về, đáng lý phải vui mà người ta lại buồn rầu về chuyện tình cảm. Cái này do lí trí sai hay con tim sai?”. Thế là, vì biết cô Phật tử này thích đọc kinh Phật, nên đã gửi tặng cô một bài kinh ngắn mà đức Phật dạy về ba hạng người. Ba hạng người thế nào? Rất thực tế và gần gũi, xin mời đại chúng cùng đọc kinh:
“Kinh Tăng Chi Bộ, Chương Ba Pháp, Ðáng Ghê Tởm
Có ba hạng người này, này các Tỳ Kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Thế nào là ba?
Có hạng người đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỳ Kheo, cần phải nhìn một cách thản nhiên, không cần gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỳ Kheo, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường.
Và này các Tỳ Kheo, thế nào là hạng người đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường?
Ở đây, này các Tỳ Kheo, có hạng người ác giới, tính tình độc ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa Môn nhưng hiện tướng Sa Môn, không sống phạm hạnh, nhưng hiện tướng có phạm hạnh, nội tâm hôi hám, đầy những tham dục, tánh tình bất tịnh.
Hạng người như vậy, này các Tỳ Kheo, đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường.
Vì cớ sao?
Vì rằng, dầu không thuận theo một chút nào tri kiến của người như vậy, nhưng tiếng xấu được đồn xa về người ấy là có bạn ác, có bằng hữu ác, tôn sùng kẻ ác. Ví như, này các Tỳ Kheo, một con rắn đi vào trong đống phân, dầu nó không cắn ai, người cũng bị đống phân làm cho ô uế.
Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, dầu không thuận theo một chút nào tri kiến của người như vậy, người ta vẫn nghĩ mình là tôn sùng kẻ ác. Cho nên, hạng người như vậy đáng ghê tởm, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường.
Và này các Tỳ Kheo, thế nào là hạng người cần phải nhìn một cách thản nhiên, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường?
Ở đây, này các Tỳ Kheo, có hạng người phẫn nộ, nhiều hiềm hận, dầu có bị nói chút ít cũng tức tối, phẫn nộ, sân hận, sừng sộ, hiện rõ phẫn nộ, sân hận và bực tức. Ví như, này các Tỳ Kheo, một vết thương làm mủ, nếu bị cây gậy hay mảnh sành đánh phải, thời chảy mủ ra nhiều hơn.
Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, có hạng người phẫn nộ, và bực tức. Ví như, này các Tỳ Kheo, một que lửa bằng gỗ tindukā, nếu bị cây gậy hay mảnh sành đánh phải, thời xịt lửa xịt khói ra nhiều hơn.
Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, Ví như, này các Tỳ Kheo, một hố phân được cây gậy hay mảnh sành quật vào, thời mùi hôi thối lại càng nhiều hơn.
Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, có hạng người phẫn nộ, sân hận và bực tức. Hạng người như vậy, này các Tỳ Kheo, cần phải nhìn với cặp mắt thản nhiên, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường.
Vì cớ sao?
Vì nghĩ rằng:
Người ấy có thể nhục mạ ta.
Người ấy có thể chửi mắng ta.
Người ấy có thể làm hại ta.
Cho nên, hạng người như vậy cần phải nhìn một cách thản nhiên, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường.
Và như thế nào, này các Tỳ Kheo, là hạng người cần gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường?
Ở đây, này các Tỳ Kheo, có hạng người giữ giới, tánh tình hiền thiện. Người như vậy, này các Tỳ Kheo, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường.
Vì cớ sao?
Vì rằng, dầu không thuận theo chút nào tri kiến của người như vậy, nhưng tiếng tốt được đồn xa về người ấy là có bạn lành, là có bằng hữu lành, là tôn sùng kẻ lành. Cho nên, hạng người như vậy, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường. Ba hạng người này, này các Tỳ Kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
‘Người gần kẻ hạ liệt
Rồi cũng bị hạ liệt
Thân cận người đồng đẳng
Ðược khỏi bị thối đọa
Ai gần bậc thù thắng
Mau chóng được thăng tấn
Do vậy hãy sống chung
Bậc ưu thắng hơn mình.”
Cũng không biết khi đọc xong bài kinh, cô Phật tử trẻ có liên hệ gì được đến chuyện của bản thân hay không. Chỉ mong là cô hiểu. Chúng con cũng thấy an lòng khi gieo được chút thiện duyên cho cô đọc kinh Phật. Bây giờ có thể hiểu mà chưa chấp nhận được lời kinh, ý kinh; thì biết đâu 5 năm, 10 năm sau, mình sẽ thấm thì sao?
Nên, cứ đọc kinh, cứ gieo phước thiện, tương lai gặp duyên lành, gặt quả lành, là của ta chứ chẳng phải ai khác.