Sáng ngày 30/01/2023 (nhằm 09/01 Quý Mão), Hòa thượng Thích Chân Tính có buổi giảng pháp tại chùa Đại Sơn, xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ thuộc tông phong Tổ đình Hoằng Pháp.
Sau khi cung nghinh Hòa thượng quang lâm giảng đường, Đại đức Thích Tâm Luật cùng quý Phật tử dâng lời tác bạch khánh tuế lên Hòa thượng ân sư.
Nhân duyên đến đạo tràng, Hòa thượng có lời tán thán quý Phật tử dù tuổi đã cao nhưng tinh thần ham tu ham học đã giúp các cụ vượt qua chướng ngại đường sá khó khăn, thời tiết giá lạnh để trở về chùa nghe pháp tu học.
Mỗi chúng ta có mặt trên cuộc đời là do cha mẹ sinh thành, dưỡng dục. Là một người con, nếu ta không biết tên cha, tên mẹ, không biết tuổi, quê quán, nghề nghiệp, nơi ở, cuộc sống của cha mẹ là một điều thiếu sót, và đó có thể nói là một người con bất hiếu. Cũng như vậy, là người con Phật nếu chúng ta không biết tên Phật, không biết cha mẹ đức Phật, không biết ngài sinh ra ở đâu, tại sao đi tu,… như vậy chúng ta cũng có thể gọi là người con bất hiếu của Phật. Nhân đây, Hòa thượng nhắc lại sơ lược về tiểu sử cuộc đời đức Phật từ lúc sinh ra cho đến nhân duyên xuất gia tầm đạo, để mỗi người nhớ, hiểu và trở thành người con Phật đúng nghĩa. Từ tấm gương đức Phật và những giáo lý vi diệu mà ngài đã để lại, mỗi chúng ta cần noi gương và nhận rõ cuộc đời là giả tạm, khổ, vô ngã. Từ đó mỗi người cùng nhìn lại chính mình; Tự chuyển hóa thân tâm; tránh làm điều sai trái, tội lỗi để không sa đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh đau khổ; Tinh tấn tu học, gieo nhân lành để có cuộc sống an vui, hết báo thân sinh về cảnh giới tốt đẹp.
Sau buổi pháp thoại, Hòa thượng cùng quý thầy tiếp tục chuyến Phật sự đến tỉnh Yên Bái.
Chiều cùng ngày, Hòa thượng Thích Chân Tính quang lâm đạo tràng chùa Đại Cồ Việt, thôn 4, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thuộc tông phong Tổ đình Hoằng Pháp chia sẻ Phật pháp đến đại chúng.
Trước khi lắng nghe pháp thoại, Đại đức Thích Tâm Thể cùng quý Phật tử trong đạo tràng cùng trang nghiêm đảnh lễ, dâng lời khánh tuế đầu năm lên Hòa thượng tôn sư.
Lần đầu đến đạo tràng, Hòa thượng có lời thăm hỏi và tán thán tinh thần dấn thân phụng sự, hoằng pháp lợi sinh của đại Đức Thích Tâm Thể, cùng sự nhất tâm hộ pháp của quý Phật tử nơi đây. Chúng ta được thân người là điều khó; được gặp Phật pháp, quy y Tam bảo lại là điều khó hơn. Thế nhưng, từ khi đức Phật nhập diệt đến nay hơn 2500 năm, Phật pháp được lưu truyền đều nhờ chư Tổ, và chư Tăng tiếp nối. Do đó, ngày nay chúng ta có phúc duyên được biết Phật pháp, có nơi tu học cần phải biết ơn chư thầy Tổ đã dấn thân vì đạo Pháp. Đối với người xuất gia hoằng đạo, cần phải chân tu thật học làm nơi nương tựa vững chắc cho quý Phật tử. Đối với người Phật tử tại gia, khi quay về nương tựa Tam bảo cần tìm cho mình vị thầy chân chính để học pháp, tránh đi sai đường. Nhân đây, hòa Thượng nhắn nhủ đại chúng cần hiểu đúng về ý nghĩa buông xả đối với người tại gia, đó chính là: tham, sân, si. Bên cạnh đó, người Phật tử cần phải có trách nhiệm với gia đình, người thân, xã hội; giữ gìn và tạo dựng tài sản để hộ trì Tam bảo; giảm bớt bản ngã và khiêm hạ trong ứng xử; biết ơn đối với mọi người kể cả người dưới. Hòa thượng mong mỏi, với tinh thần “Thượng cầu hạ hóa” của Đại đức trụ trì, sự hộ trì của quý Phật tử sẽ giúp chùa Đại Cồ Việt ngày càng phát triển, trở thành ngôi tâm linh để mọi người quay về nương tựa, lợi lạc chúng sinh.
Sau thời pháp, Hòa thượng cùng quý thầy trong đoàn cùng tham quan một số cảnh quan và các ngôi thờ tự trong khuôn viên chùa Đại Cồ Việt.