Bài viết

Ngàn năm nỗi oan Đại Ca-diếp

Cập nhật: 20/03/2023
Ngài trưởng lão Đại Ca-diếp (Mahā Kassapa) là một trong nhiều vị đệ tử lớn của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, với đệ nhất tối thắng về hạnh Đầu-đà (Dhūtaṇga). Sở dĩ gọi ngài là Đại Ca-diếp vì để phân biệt với một số vị Thánh Tăng khác cũng cùng tên Ca-diếp như Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (Uruvelā Kassapa), Cưu-ma-la Ca-diếp (Kumāra Kassapa)…v.v…
 

Ngàn năm nỗi oan Đại Ca-diếp

 

Câu chuyện về “nỗi oan” của ngài Đại Ca-diếp dường như đã tồn tại khá lâu, đến ngày nay, một số người vẫn quan niệm ngài là người “bảo thủ”, “cứng nhắc” hay đại loại những danh từ tương đương, cho rằng ngài không “tâm lí” khi giải quyết vấn đề của ngài A-nan (Ānanda). Về những gì người đời gán ghép danh xấu cho ngài, chúng ta sẽ bàn luận sau khi tìm hiểu qua câu chuyện lịch sử giữa ngài Đại Ca-diếp và ngài A-nan, là câu chuyện diễn ra vào thời điểm đại hội kết tập kinh điển lần thứ I.

Luật tạng của Thượng tọa bộ tường thuật:

Lúc bấy giờ, trưởng lão Đại Ca-diếp thưa với đại chúng Tỳ-kheo rằng, trong lúc ngài và 500 vị Tỳ-kheo đang trên đường từ thành Pāvā đến thành Câu-thi-na (Kusināra), khi nghe tin đức Thế Tôn đã Niết-bàn tại thành Câu-thi-na 7 ngày trước từ một tín hữu đạo lõa thể, một số Tỳ-kheo chưa đoạn tận ái dục khóc lóc thảm thiết. Tuy nhiên, trong chúng, có Tỳ-kheo tên là Subhadda, xuất gia khi tuổi đã già, thốt ra những lời xấu ác và tỏ vẻ vui mừng khi nghe tin đức Thế Tôn Niết-bàn. Vị Tỳ-kheo già này nói với các Tỳ-kheo khác rằng: “Thôi các Hiền giả, chớ có sầu não, chớ có khóc than. Chúng ta đã được thoát khỏi hoàn toàn vị Ðại Sa-môn ấy, chúng ta đã bị phiền nhiễu quấy rầy với những lời: "Làm như thế này không hợp với các Ngươi. Làm như thế này hợp với các Ngươi". Nay những gì chúng ta muốn, chúng ta làm, những gì chúng ta không muốn, chúng ta không làm.” (Kinh Đại Bát-niết-bàn).

Để ngăn chặn những điều phi pháp phi luật có thể phát triển và lớn mạnh, trưởng lão Đại Ca-diếp đề nghị chúng Tăng nên tuyển chọn 500 vị Tỳ-kheo A-la-hán tiến hành trùng tụng pháp và luật tại thành Vương Xá (Rājagaha). Tôn giả Upāli được Tăng sai trùng tụng luật tạng. Tôn giả A-nan trùng tụng giáo pháp.

Mặc dù ngài A-nan còn là bậc hữu học Tu-đà-hoàn, nhưng là Tỳ-kheo hầu cận nhiều năm bên đức Thế Tôn và nghe nhiều, ghi nhớ nhiều pháp và luật từ đức Thế Tôn. Thuận theo yêu cầu của chúng Tăng, trưởng lão Đại Ca-diếp mời tôn giả A-nan tham dự đại hội kết tập lần I. Sau đó, trưởng lão Đại Ca-diếp bạch nhị yết-ma chọn thành Vương Xá làm đại giới để tiến hành kết tập pháp và luật trong mùa an cư và đề nghị tất cả các Tỳ-kheo không có phận sự không được an cư tại thành Vương Xá.

Trước một ngày chúng Tăng kết tập pháp và luật, tôn giả A-nan tự nghĩ, ngày hôm sau, chúng Tăng tiến hành yết-ma kết tập pháp và luật, ngài còn là bậc hữu học Tu-đà-hoàn, mà tham dự đại pháp sự này cùng chúng Tỳ-kheo vô học A-la-hán là không phù hợp. Đêm ấy, tôn giả nỗ lực tu tập bằng pháp quán niệm thân. Khi trời gần hừng sáng, tôn giả cảm thấy mệt, định nằm nghỉ, và khởi lên ý niệm “nằm xuống, nằm xuống”, ngay tư thế nghiêng người ấy, ngài đoạn tận các lậu hoặc, chứng đạt thánh quả A-la-hán.

Vào ngày kết tập kinh điển, sau khi tôn giả Upāli đọc luật và tôn giả A-nan đọc pháp, tôn giả A-nan thưa với trưởng lão Đại Ca-diếp rằng, trước khi vô dư Niết-bàn, đức Thế Tôn cho phép chúng Tăng có thể lượt bỏ những giới điều nhỏ nhặt và ít quan trọng. Tuy nhiên, Tôn giả A-nan không hỏi đức Thế Tôn, những giới điều nào được xem là nhỏ nhặt và ít quan trọng.

Tiếp đến, các Tỳ-kheo trưởng lão yêu cầu trưởng lão Đại Ca-diếp nêu lên những điều sai phạm (tội tác ác đột-cát-la - dukkata), liên quan đến tôn giả A-nan cần phải sám hối. Những điều đó là:

Điều thứ 1. Không thưa hỏi đức Thế Tôn cụ thể những giới điều nhỏ nhặt và ít quan trọng.

Điều thứ 2. Đạp lên y tắm mưa của đức Thế Tôn trong lúc may vá.

Điều thứ 3. Cho người nữ đảnh lễ nhục thân của đức Thế Tôn trước tiên và để nước mắt họ rơi làm bẩn thân Phật.

Điều thứ 4. Không thỉnh cầu đức Thế Tôn trụ thế thêm một kiếp.

Điều thứ 5. Thỉnh cầu đức Thế Tôn cho phép người nữ xuất gia vào Tăng đoàn.

(Điều thứ 6. Không lấy nước cho Phật dù rằng Phật đã 3 lần yêu cầu).

Riêng điều thứ 6 thì có trong Luật tạng Ngũ phần Di-sa-tắc (Mahīśāsaka-vināya) Hóa địa bộ, Luật tạng Thượng tọa bộ trên đây không có.

Tôn giả A-nan tự cảm thấy không có lỗi và thưa lại với chúng Tăng A-la-hán rằng:

Điều thứ 1, vì không lưu ý nên không thưa hỏi đức Thế Tôn những giới điều nhỏ nhặt và ít quan trọng.

Điều thứ 2, không phải không kính trọng đạp lên y tắm mưa của đức Thế Tôn mà may, chỉ vì y Phật quá to và gặp lúc trời gió không người cầm phụ.

Điều thứ 3, vì người nữ phải về nhà trước khi trời tối, nên A-nan cho phép họ đảnh lễ nhục thân Phật trước tiên.

Điều thứ 4, chỉ vì ác ma ám ảnh làm cho quên, nên A-nan không thỉnh Phật trụ thế.

Điều thứ 5, vì Ma-ha Bà-xà-ba-đề (Mahā Pajapāti) là dưỡng mẫu và có công nuôi lớn đức Thế Tôn, nên A-nan mới thỉnh Phật cho bà và những phụ nữ khác xuất gia.

(Điều thứ 6, vì lúc đó có 500 chiếc xe qua sông làm cho nước rất bẩn, không thể múc nước cho Phật uống được).

Chính ngay sự “bắt lỗi” của ngài trưởng lão Đại Ca-diếp với ngài A-nan về các điều này đã khiến cho không ít người “bất bình”, cho rằng ngài trưởng lão Đại Ca-diếp là người cứng nhắc, bảo thủ, chấp chặt…

Nhận xét:

Luận điểm 1: Thực tế thì ngài trưởng lão Đại Ca-diếp ở thành Pāvā trước đó khá lâu, ngài không hề biết đến các điều sai phạm của ngài A-nan mà mọi người đồn đoán trước đại hội. Một đại hội được diễn ra thì phải có sự bàn bạc, tính toán về các khâu tổ chức, không thể muốn làm là làm.

Và trong thời gian trù bị đại hội, ngài trưởng lão Đại Ca-diếp và chư vị đại biểu gồm 498 vị A-la-hán đã nghe các vị xuất gia và cư sĩ đồn đoán với nhau về phẩm hạnh cũng như tư cách tham dự đại hội của ngài A-nan. Họ cho rằng, ngài A-nan không xứng đáng tham dự đại hội kết tập kinh điển lần I vì ngài A-nan chưa chứng Thánh quả A-la-hán và cũng bởi 5 (hoặc 6) điều trên đã nêu mà họ cho là ngài A-nan sai phạm.

Luận điểm 2: Ngài trưởng lão Đại Ca-diếp và 498 đại biểu tham dự đại hội kết tập kinh điển lần I đều là A-la-hán. Do đó, các vị “dư sức” biết ngài A-nan không có tội. Nói thêm rằng, các vị A-la-hán không thể có thiên vị, khen chê hoặc mù mờ về pháp và luật của Thế Tôn, nên không có việc các vị chê trách hay khiển tội A-nan.

Luận điểm 3: Đúc kết từ ý 2 luận điểm trên, thì ngài trưởng lão Đại Ca-diếp và 498 đại biểu A-la-hán chất vấn các điều mà người khác cho là sai phạm đến ngài A-nan, mục đích để làm sáng tỏ sự việc và “minh oan” cho ngài A-nan mà thôi. Vì rằng, nhiều người sẽ vin vào quan điểm cho ngài A-nan có tội đột-cát-la nên những điều ngài A-nan nói là không đáng tin, sẽ dẫn đến việc thiệt thòi học kinh điển về sau cho những người thiếu niềm tin.

Việc làm của các vị A-la-hán là tránh “tỵ thế cơ hiềm” (người đời chê trách) ngay thời điểm đó và về sau cho ngài A-nan.

Tạm kết

Vậy thì ngài trưởng lão Đại Ca-diếp và 498 đại biểu A-la-hán là thương ngài A-nan hay ghét ngài A-nan? Các ngài “tâm lí” hay không “tâm lí”? Các ngài có phải là hạng “cứng nhắc, bảo thủ, ghen tỵ” như một số người nói hay không? Những điều này, sau khi đọc qua bài phân tích, mọi người tự đưa ra câu trả lời cho mình. Và nói thêm rằng, khi ta phỉ báng, bài xích các vị A-la-hán là ta đang mang nghiệp quả xấu ác rất nặng, không phải tầm thường. Mong mọi người hãy cẩn ngôn và thận trọng!

Nỗi oan ngàn năm, tính từ đại hội kết tập kinh điển lần I đến nay đã gần hai mươi sáu thế kỷ, là một điều vẫn còn tồn tại trong tâm thức của một số người. Ngài trưởng lão Đại Ca-diếp là người đệ nhất tối thắng về hạnh Đầu-đà, ngài rất nghiêm chỉnh trong việc hành hạnh Sa-môn để có thể làm gương cho hậu thế. Tuy tư liệu về ngài trong kinh điển không nhiều bằng các ngài Xá-lợi-phất (Sāriputta), ngài Mục-kiền-liên (Moggalāna) hay ngài A-nan (Ānanda), nhưng không thể vì vậy mà ta “xem nhẹ” về hình ảnh ngài trưởng lão Đại Ca-diếp được. Thiển cận của người viết, thấy rằng ngài trưởng lão Đại Ca-diếp là một bậc rất “tâm lí” và cẩn cẩn uy nghi. Phải chăng, qua câu chuyện này, chúng ta càng nên lấy ngài làm tấm gương để noi theo cho sự tu học tinh nghiêm và tấm lòng thương nghĩ cho hậu thế về sau?

Tâm Cung

Tin tức liên quan

Lễ kỷ niệm 12 năm thành lập nhóm Hộ Pháp
11/01/2024
Trùng Sinh Ân Nặng
22/06/2023
Nâng Niu Cảm Xúc
17/06/2023
Có Phật đời bớt khổ
27/05/2023
Người hiền sống trong tỉnh thức
13/05/2023