Trải qua biết bao lần bãi bể nương dâu, con người vẫn chìm ngập trong sự ràng buộc của cảm xúc. Một người được cho là mạnh mẽ trước ngàn vạn quân thù, đôi khi cũng không thể vượt qua được sợi tóc thề hẹn do nàng sơn dã năm nào lỡ cột vào tay.
Các mối quan hệ trong thiên hạ không khác mấy. Ta rất sung sướng trước lời khen, nhưng dễ bị chìm ngập trong cảm giác bực tức nếu bị ai đó chê bai, xem thường, hoặc hủy phạm. Đây là chuyện hiển nhiên thôi. Vì ai cũng có lòng tự trọng và danh dự. Nhưng tự trọng và tự ái lại là hai phạm trù khác xa nhau. Tự trọng có hơn 50% mang hướng tích cực, còn tự ái thì không.
Đức Phật dạy ta gọi đó là cảm thọ. Cảm thọ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều khiển mọi tư tưởng hoạt động. Thiền sư Nhất Hạnh có nói rằng, đại ý: Cảm thọ như một dòng sông, trong đó mỗi một cảm thọ là một giọt nước, giọt nước này nương vào giọt nước kia để tạo ra một dòng sông. Chúng ta có thể ngồi trên bờ sông để quan sát và nhận diện từng cảm thọ một khi chúng xuất hiện, trôi nổi rồi mất hút.
Nếu biết nâng niu một cách nhẹ nhàng và săn sóc những cảm thọ khó chịu, ta có thể chuyển hóa chúng thành những năng lượng lành mạnh có khả năng nuôi dưỡng thân tâm. Bằng phương pháp ghi nhận (Recognize) và quan sát (Observe), chúng ta nhanh chóng biết được sự có mặt của những cảm xúc, cảm thọ bất như ý. Ta kham nhẫn (Patience) và khởi lòng từ ái (Loving-kindness) để chuyển hóa. Cuối cùng, ta rời khỏi (Equanimity) cảm xúc ấy.
Cảm thọ khó chịu, một cách nào đó, cũng là người thầy của ta. Vì ta có thể được soi sáng bởi những cảm thọ khó chịu đó. Cảm thọ ấy sẽ giúp ta hiểu nhiều về chính mình và về xã hội mà mình đang sống.
Trong cổ thư của Phật giáo, cụ thể là quyển Mi-tiên vấn đáp, đại ý có nói: Giả sử có người tay trái cầm cục sắt nóng, tay phải cầm phiến băng lạnh, thử hỏi hai tay người ấy thọ nhận cảm giác gì? Ngay cả những cảm thọ nóng lạnh thô tháo ở nơi thân mà chúng ta cũng khó nhận biết, huống hồ là những cảm thọ vi tế thuộc vui, khổ nơi tâm. Vui khổ, thật ra rất tương đối.
Phật dạy chúng ta trong Trung Bộ kinh cách làm sao để đối với cảm thọ, không bị cơn lốc xoáy cảm thọ đánh trôi dạt vào ốc đảo của cô đơn, buồn chán và trầm cảm, đại ý:
Khi ở nơi thân và tâm khởi lên cảm thọ lạc, khổ, hay bất lạc bất khổ thì ta biết là có cảm thọ khởi lên như vậy. Biết đó là cảm thọ thuộc về vật chất hay không thuộc vật chất, là cảm thọ trong thân hay ngoài thân và giữ chánh niệm tỉnh giác, quán tính sinh diệt của các thọ mà không khởi một niệm chấp trước, nương tựa bất cứ một vật gì trên đời. Như vậy là sống quán thọ nơi các thọ.
Người thật tâm muốn chuyển hóa và thăng hoa chính mình thì những câu kinh trên quý giá vô cùng.
Nâng niu được cảm thọ và để chúng ra đi tự nhiên như cách chúng đến là ta cũng đang nâng niu sự sống này, bằng câu kinh Phật sáng ngời trong tâm.