Bài viết

Một nửa

Cập nhật: 12/02/2020
Một ngày nọ, Đại đức Ānanda suy nghĩ về sức ảnh hưởng của người bạn đối với đời sống phạm hạnh của khất sĩ. Đại đức cảm thấy rằng, mặc dù đời sống của khất sĩ là cắt ái ly gia, sống viễn ly như cánh chim trời tự do, nhưng như vậy không có nghĩa khất sĩ là những con người lãnh khốc vô tình, lục thân bất nhận. Trên con đường sinh tử dài thăm thẳm, nếu có những quyến thuộc Bồ-đề trợ giúp tu hành, thì vẫn tốt hơn rất nhiều so với sống một mình.
 

Một nửa

 

Lần đó, Đại đức Ānanda vào thưa với đức Phật rằng:

- Bạch đức Thế Tôn, con thấy trong đời tu, vai trò của người bạn là rất quan trọng. Con nghĩ tu phải nỗ lực, nhưng phần nỗ lực của mình chỉ là một nửa, một nửa kia là phải nhờ sự hỗ trợ của người bạn.

Đức Phật dạy:

- Này Ānanda, chớ có nói như vậy. Không phải là một nửa, mà toàn bộ đời sống phạm hạnh này là thiện bạn hữu.

Trong đoạn kinh ngắn này, đức Phật đã khẳng định tầm quan trọng của thiện bạn hữu, nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực của tự thân, phó thác hết thảy vào thế lực bên ngoài.

Từ “bạn” được Ngài định nghĩa theo cách mới mẻ hơn, nghĩa lý rộng rãi hơn rất nhiều. Bạn không chỉ là những con người mà còn là tất cả những gì thân thiết, kề cận, gần gũi, tiếp xúc thường xuyên và có tác động lớn với ta nhất. Ví dụ như internet là phương tiện truyền thông rất phổ biến trên thế giới trong thời đại ngày nay. Tự thân internet chỉ là công cụ, nhưng là tốt hay xấu còn tùy vào mục đích sử dụng của mỗi người. Nếu chúng ta sử dụng để tìm kiếm thông tin, trau dồi kiến thức nhằm phục vụ cho học tập và làm việc được tốt hơn, thì hiển nhiên internet là bạn tốt. Còn ngược lại, ngày nay có những người bị chìm đắm trong không gian giải trí ảo quá mức khiến lãng phí rất nhiều thời gian, không đoái hoài gì đến đời sống thực tại, thì internet lại trở thành bạn xấu. Bạn xấu là càng tiếp xúc, gần gũi khiến mình ngày càng xấu tệ đi, còn bạn tốt sẽ giúp điều thiện trong chúng ta ngày một tăng trưởng hơn. Đối với con người cũng vậy, mà đối với sự vật cũng vậy.

Trong chú giải của kinh Đại Niệm Xứ có nói rằng, khi chúng ta muốn phát triển một khía cạnh nào của bản thân được tốt hơn thì nên gần gũi, thân cận người có điểm mạnh về cái đó. Muốn trau dồi hạnh bố thí phải gần những con người giàu hạnh thí xả; muốn trì giới được miên mật phải gần những cá nhân, tập thể thông hiểu về giới, có hành trì giới luật; đối với các thiện pháp khác như kham nhẫn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ… cũng như vậy. Đi chùa học đạo, trau dồi thêm kiến thức Phật pháp là điều rất cần để đời sống tâm linh được thăng hoa và hướng thượng. Nhưng đại đa số chúng ta luôn làm điều mình “thích” thay vì điều mình “cần”. Thời gian tụ tập chén thù chén tạc thì có dư, nhưng khi có người khuyến tấn đi chùa học đạo, nghiên cứu Phật pháp thì lúc nào cũng than bận rộn, không có thời gian. Qua đó, chúng ta có thể thấy sự kém duyên, thiếu phước của chúng sinh trong thời đại ngày nay đối với thiện pháp.

Từ “bạn” với ý nghĩa rộng như thế, nên đức Phật dạy rằng chớ có nói bạn chỉ là một nửa đời sống mà phải nói là toàn bộ. Tất cả những con người hay những gì ta gặp gỡ, va chạm trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như internet, sách báo, phim ảnh, âm nhạc… đều là nền tảng để chúng ta trở thành ai đó trong tương lai. Cho nên, nếu thật sự muốn sống hướng thiện, hướng thượng thì nhất quyết phải cẩn trọng với tất cả những gì chúng ta tiếp xúc trong đời sống hằng ngày.

Cuối cùng, đức Phật dạy rằng, đối với những người muốn thoát khỏi khổ đau, phải thực hành theo Bát chánh đạo (Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định), hướng đến xả ly tham ái, chứng ngộ Niết-bàn. Đây chính là làm bạn với thiện, làm bạn với Thánh pháp.

Tâm Ngôn

Tin tức liên quan

KÍNH TRI ÂN Sư Ông NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11!
19/11/2022
T H A Y Đ Ổ I
19/11/2022
Gõ trái tim
18/11/2022
Tiếng khóc
17/11/2022
Chuyến đi vội vàng
16/11/2022