Bài viết

Một hoài bão rất tốt đẹp nên trở thành hiện thực

Cập nhật: 18/07/2007
Tiếng chuông chùa ngân vang từng hồi như nhắc nhở thúc giục những người Phật tử xa rằng: đã sắp đến giờ công phu tụng kinh niệm Phật ở chùa Hoằng Pháp. Ngày nào cũng vậy, cứ đúng thời khắc bốn giờ mỗi sáng và sáu giờ mỗi buổi chiều tối là Chánh Điện chùa đầy kín Phật tử.
 

Một hoài bão rất tốt đẹp nên trở thành hiện thực

 
  Theo như lời thầy trụ trì thường khuyên bảo và ai ai cũng hiểu công phu là yếu tố quan trọng trên con đường đi đến miền cực lạc của đức Phật A Di Đà. Thói quen ở chùa là vào công phu hay vào trai đường, tĩnh tọa buổi tối hoặc sắp đến một nơi cần có sự trang nghiêm thì Phật tử đều khoác lên mình một chiếc áo tràng làm dịu lòng người. Sự đồng phục này làm cho mỗi buổi lễ Phật toát ra sự trang nghiêm kín đáo của dáng vẻ chỉnh tề trong lúc lễ lạy, tỏ lòng tôn kính Phật. Dù nam hay nữ, dù ở thành phần nào, lứa tuổi nào, hầu hết đều mang trên mình chiếc áo tràng có kiểu may giống nhau nên trông ai cũng như ai và cũng trông tươm tất gọn đẹp hơn nếu mặc đồ đủ kiểu mà lễ Phật. Thật dễ thương khi những em bé với gương mặt hớn hở, ngoan ngoãn trong những chiếc áo tràng nhỏ xinh, chắp tay theo cha hay ông bà bước theo điệu nhạc niệm Phật đi kinh hành. Người đến chùa Hoằng Pháp không chỉ để tụng kinh, bái sám, cầu siêu cầu an hoặc lúc có đám tang. Ở chùa Hoằng Pháp, cảnh chùa không vắng vẻ, mà hình như không chỉ những ngày lễ lớn, những ngày thường vẫn có nhiều khách thập phương đến tham quan mô hình tu tập nổi tiếng trong nước lẫn ngoài nước mà đã từng biết qua rất nhiều băng đĩa. Ở chùa Hoằng Pháp có rất nhiều lý do để người ta tìm đến, mà gần đây chùa được ghi danh vào sách Kỷ lục Guiness Việt Nam là chùa có số người đến dự tu đông nhất nước. Những người có tâm sự buồn hoặc có mặc cảm tội lỗi có thể sẽ được thay đổi từ cách sống, nhân sinh quan, hay hơn nữa là họ sẽ phấn đấu theo lý tưởng để thành người tốt hơn trong xã hội ở hiện tại và cả tương lai. Vì ngoài việc hiểu biết đạo, họ còn được thức tỉnh, được động viên, giáo dục từ những tấm gương của người biết vươn dậy khi vấp ngã, biết vươn đến cái tốt khi sự nhiệm mầu của Phật pháp đã đem nhiều mảnh đời từ bùn nhơ lên chỗ sạch  trong và từ bóng tối đau khổ đến ánh sáng an lạc, hạnh phúc. Những chương trình “Phật pháp nhiệm mầu” và “Ánh sáng Phật pháp” được Thầy trụ trì tổ chức dàn dựng với sự đóng góp của nhiều vị thầy chơn chánh có tuổi đạo và trình độ Phật học cao thâm, kết hợp với người thật việc thật đã được đi lên, thành công, tìm thấy chân hạnh phúc va thực hành theo lời Phật dạy. Cảnh đời xô bồ, lừa lọc, gian trá, nhơ bẩn, xấu xa đã gây biết bao thảm cảnh cho con người. Những nạn nhân từ những cảnh đời này muốn vào chùa để được yên ổn, tưởng nhớ và cầu nguyện cho người thân thường ngại vào chùa vì sự đau lòng càng quặn thắt thêm, sự cô đơn, buồn bã, trống vắng càng thấm thía hơn. Từ những bài thuyết pháp của những vị thầy sẽ an ủi xoa dịu nỗi đau của họ và cảm hóa họ, làm họ phân biệt được chân và giả; vô thường và vĩnh hằng, đem đến cho họ sự giác ngộ. Những vị thầy ở chùa Hoằng Pháp có cách nói đi sát thực tế đời thường, tuy bình dị nhưng hàm chứa triết lý sâu sắc, vừa vui vừa dễ hiểu, dễ đi sâu vào lòng người, từ đó giảm đi sân hận, luyến tiếc và có tấm lòng buông xả, vị tha, mượn thân người để tìm cách đi đến một nơi có sự an lạc mãi mãi, không còn luân hồi, nước mắt chia ly, và không có những cảnh thương tâm, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Bước vào chùa Hoằng Pháp, người ta cảm thấy không khí thoáng mát, dễ chịu ở không gian thoáng rộng, cách bố trí ghế đá, cây xanh cân xứng hài hòa. Trong chùa có nhiều cây hoa sứ với hoa màu trắng nở rộ đầy cành và hoa bằng lăng màu hoa cà nở rộ từng chùm đung đưa trong nắng như cùng vui chơi với bầy ông say sưa tìm hút mật. Hình như thiên nhiên cũng ưu đãi để hoa cỏ luôn tươi màu khoe sắc dưới những bằn tay chăm sóc trang trí một cách mỹ thuật khéo léo của những chú ở chùa.

   Bên cạnh những người có ý thức giác ngộ muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi tìm đến chùa Hoằng Pháp xuất gia khá đông vì cách tu học ở chùa rất nghiêm. Các chú, các thầy đều được học về văn hóa, giới luật, về Phật học và về những chuyên môn khác nhằm tạo nên vị Tăng tốt góp phần hiệu quả cho việc hoằng pháp lợi sinh. Ở chùa thường có số lượng trên dưới hai trăm người thường xuyên tu học và làm những công việc ở chùa như: phục vụ cho những khóa tu Phật thất, tu một ngày lên đến vài ngàn người; làm phim; sang đĩa; phát hành đĩa, may đồ có đủ loại để Phật tử vào chùa cần dùng đến; làm trang web của chùa để phổ biến các loại kinh sách cũng như tình hình Phật sự trong chùa. Có những sinh viên ở tỉnh xa cũng xin ở chùa để đi học được thuận lợi. Với đủ lứa tuổi, có người cũng thích ở chùa Hoằng Pháp hoài và khi về nhà lại cảm thấy buồn nhớ phải trở lại chùa, có khi người thân đến gọi về lại không chịu đến nỗi bật khóc đòi ở lại cho bằng được. Vào mùa hè, các thanh thiếu niên cũng cảm thấy niềm vui và sự bổ ích khi đến chùa Hoằng Pháp nên số lượng các em cũng tăng lên mỗi năm. Chùa Hoằng Pháp tổ chức hẳn một “Khóa tu mùa hè” giống như “Khóa tu Phật thất”, với đầy đủ các phần như được các giảng sư các nơi đến thuyết giảng về những đề tài thích ứng phù hợp yêu cầu của tuổi trẻ hiện thời. Phương tiện để hoằng truyền đạo pháp hình như không thiếu thứ gì ở chùa, xe đủ loại lớn nhỏ thường xuyên là phương tiện đưa thầy trụ trì và các thầy đi ra tận đến các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Tây, các vùng sâu vùng xa, hải đảo…Khi đến chùa ở đây, các Phật tử thường đến dự đông hơn thường nhật vì các thầy thường đem đến những bài pháp mang đậm tính triết lý sâu sắc về đạo, pha lẫn vẻ ý nhị, vui tươi thu hút vì đánh trúng tâm lý đời sống thực tiễn con người nên có sức thu hút mạnh mẽ và hình như cộng vào đó cái duyên của người diễn đạt có kinh nghiệm. Đi đến đâu các thầy cũng mang kinh sách, băng đĩa, có khi cả quà khác để tặng như ở các trường phục  hồi nhân phẩm, những người nhỡ sa chân vào ma túy. Không chỉ đơn thuần đến chùa để cúng dường chư Phật và cúng kiếng các vong linh được thờ trong chùa. Cứ vài tháng là ở chùa Hoằng Pháp có tổ chức đợt quy y Tam Bảo cho Phật tử có khi ở rất xa hoài ở ngoài nước về thăm quê hương. Buổi lễ tổ chức không qua quít lấy lệ mà có đầy đủ các bước như hướng dẫn về oai nghi của người Phật tử; đạo từ của thầy Trụ trì chùa  nói chi tiết rõ ràng ý nghĩa của các giới cần giữ khi quy y để về sau không đọa vào ác đạo. Sự chấp nhận thọ giới diễn ra trang trọng trước bàn thờ Phật của các ưu bà tắc và ưu bà di như những lời thệ nguyện của những người con Phật. Những dụng cụ về văn nghệ như micro, đàn,…cùng các máy móc khác, và một đêm văn nghệ sôi nỗi với đầy đủ các MC và ca sĩ  nổi tiếng hát múa những bài nhạc đạo hay, những bài hát khơi gợi lòng từ trước những mảnh đời bất hạnh hay ca tụng những tấm gương đạo đức…được rất đông khán giả cổ vũ và hưởng ứng nhiệt liệt.

   Những ngày lễ lớn như ngày lễ Phật đản, lễ vía Phật A Di Đà, lễ Vu Lan báo hiếu, lễ giỗ Tổ khai sáng chùa thường được chùa tổ chức thật ấn tượng, long trọng, hiếm thấy với cảnh tượng rực rỡ, lung linh của ánh sáng từ rất nhiều lồng đèn đủ màu giăng khắp nơi từ thấp đến cao chót vót giữa trời đêm kết hợp cùng các dây đèn màu chớp tắt và các bức màn được tạo nên từ các dây đèn đủ màu sắc chi chít bóng treo trước các tượng Phật lộ thiên khiến cảnh tượng mờ mờ ảo ảo tạo nên cảnh tượng thấp thoáng ẩn hiện một thế giới của chư Phật, kết hợp với cách trình bày buổi lễ, với những bài nói chuyện thấm nhuần tư tưởng đạo pháp được diễn đạt rất văn chương, hoa mỹ nhưng dễ hiểu và dễ đi vào lòng người. Cảm tưởng của người dự cũng khó quên vì rất xúc động khi dự lễ Vu Lan tại chùa. Những em bé thiếu nhi, những cô thiếu nữ mang những giỏ hoa hồng đỏ thắm  tượng trưng cho tình yêu của me. Những điệu nhạc ca ngợi công ơn người mẹ bao la đã hy sinh trọn cuộc đời cho con và nhắc nhở cho ai ai cũng đều có ý thức rằng có mẹ là một niềm tự hào to lớn nhất. Kỳ quan quý báu nhất trong tất cả các kỳ quan là trái tim người mẹ. Hạnh phúc nhất là lúc được cận kề chăm sóc mẹ như mẹ đã từng âu yếm, nâng đỡ, nuôi dưỡng ta từ lúc ta chỉ là một cái trứng trong bụng mẹ.

   Không gì lấy làm lạ khi đến nay đã bốn mươi sáu kỳ Phật thất trôi qua, trong số những người đi tu Phật thất có người đã dự liên tục trên ba mươi khóa. Dù bận bịu việc gia đình, nhà cửa, công ăn việc làm hay có người ở tận miền Bắc, miền Trung xa xôi, họ vẫn dành dụm tiền tìm vào tận chùa để tu học. Niệm Phật thầm hay trong băng đĩa có hơn cả chục điệu nhạc niệm Phật, nhưng giọng điệu ngân nga trầm bổng của các thầy và sự hợp quần một số đông người với nhau cùng cất cao câu “A Di Đà Phật” họ thấy như có gì đó vui sướng, ấm cúng và nghĩ rằng sẽ được cảm thấu đến chư Phật. Như thế là họ đã tỏ bày được lòng tôn kính Phật và gieo nhân lành về miền Tịnh Độ ở mai sau. Bên cạnh đó họ còn được lo từng chút về ăn, ngủ, sinh hoạt một cách nhất tâm như người tu xuất gia, thực hiện những oai nghi thật tề chỉnh và lịch sự. Những thời khắc khác cũng được đáp ứng về mặt nghe nhìn. Nói chung, đến chùa Hoằng Pháp họ được phước báu, được mở mang hiểu biết, được hoàn thiện nhân cách, cũng như được vui vẻ như có người đã nhận xét: “đến chùa Hoằng Pháp tu Phật thất có cảm giác như đang ở nơi Cực Lạc rồi vậy”. Hơn nữa, “Nhân chi sơ tính bản thiện”, mỗi người đều có thể là một vị Phật tương lai, nên sau khi tu học xong , đem băng đĩa của nhà chùa cho ở khóa tu và các đĩa hay có nội dung Phật giáo trong và ngoài nước về nhà cho gia đình và hàng xóm xem và rút ra những bài học có tính giáo dục từ đó như: đạo đức làm người, luật nhân quả, biết làm lành, lánh dữ, ăn ở phải đạo với cha mẹ. Song song đó, hiểu biết được những câu chuyện về đức Phật để vui sướng theo Phật, làm theo hạnh của Phật như vị tha, từ bi, hỷ xả để được an lạc ở kiếp đời ngắn ngủi, vô thường này và tốt đẹp hơn ở kiếp mai sau.

   Trong môi trường tu học, những người tu có hoàn cảnh khá giả, có khả năng tài chính dồi dào sẽ cúng dường, đó là cái phước bố thí của họ khi họ trang trải phí cho những người tu học thiếu điều kiện về chi phí nếu như nhà chùa kêu gọi đóng lệ phí cho khóa tu. Vì theo luật nhân quả trong nhà Phật, họ hiểu rằng gieo nhân lành sẽ được quả ngọt. Trời Phật sẽ chứng giám, họ sẽ gặp được may mắn, tiêu trừ nạn tai và có những phước đức khác nhờ vào sự san sẻ này. Sau những buổi kết khóa, phòng phát hành thường đông kín người , phải chờ đợi và khó khăn lắm mới tìm mua được một số băng đĩa đem về, dù cửa hàng đã được nới rộng gấp đôi lúc trước. Và các bộ phận khác của chùa cũng được mở rộng thêm ra, cũng như các dãy nhà trong chùa không ngừng mọc lên rất rộng lớn khang trang nhưng vẫn không đáp đủ số người đến dự tu mỗi ngày một đông hơn. Ở Chánh điện ngày càng có nhiều tượng Phật, tranh Phật có giá trị và rất đẹp. Bánh trái, hoa quả lúc nào cũng đầy ắp nói lên sự no đủ sung túc và cũng nói lên sự tin tưởng của Phật tử vào chân lý của đức Phật và công việc hoằng pháp của chùa đã đi đúng hướng và đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của nhân sinh. Các nơi trong nước từ miền Nam ra Bắc có nhiều chỗ hiến cúng đất cho chùa Hoằng Pháp để hy vọng nơi đó thành chi nhánh của chùa Hoằng Pháp để người người được hưởng niềm an lạc có được khi đến với chùa Hoằng Pháp ngày càng đông hơn.

   Mặc dù số người đến chùa ở tu khá đông, nhưng theo sự sắp xếp của nhà chùa, người nào việc nấy, ai ai cũng ý thức trách nhiệm của mình và một mực tuân theo nội quy của nhà chùa đề ra nên công việc chùa luôn tiến triển, thuận lợi đều đặn. Bên cạnh đó, mặt vệ sinh chung cũng được xem là qua trọng. Các bãi cỏ, sân chùa đều được quét tước, cắt xén gọn gàng, sạch sẽ. Các nơi trong chùa đều đều được lau chùi thường xuyên thật sạch sẽ từ Chánh điện đến các trai đường, nhà bếp, chỗ ngủ nghỉ lúc nào cũng rộng rãi khang trang thoáng mát. Chùa Hoằng Pháp tạo cho Phật tử những điều thú vị , và cũng cố niềm tin vào Phật pháp  cho chúng sinh. Cụ thể như theo lời Phật dạy ta không nên sát sinh và nên ăn chay như có những nhân tài ăn chay trường ở nhiều lĩnh vực như ông Nguyễn Cẩm Luỹ di chuyển được nhà cao tầng, hoặc các đền thờ lớn; ông Tổng giám đốc Tôn Hoa Sen - Hoằng Lược thành công mỹ mãn trong kinh doanh, là nhà tài trợ, nhà từ thiện lớn; nghệ sĩ Bạch Tuyết có rất nhiều cống hiến cho văn hóa, sân khấu, những đề tài có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo. Chùa Hoằng Pháp cũng có mối quan hệ kết nối rộng rãi với các chùa ngoài nước. Do đó, thỉnh thoảng có những vị sư tài giỏi nổi tiếng đến chùa nói lên cảm tưởng về chùa và truyền đạt những bài pháp rất có giá trị, có ý nghĩa và sôi nổi, hào hứng vui tươi. Song song đó, các thầy cũng được đưa đi tu học ở các nước ngoài.

   Sự hoằng truyền đạo pháp bằng nhiều cách của chùa có tác động thiết thực mang lại hiệu quả tốt. Nhiều cảnh đời trái ngang bi thảm, tưởng chừng không lối ra trong vũng bùn đau thương, nhờ gặp và hiểu Phật pháp mà tìm ra được lối sống thanh cao. Như thế, xã hội giảm đi những tệ nạn xấu xa. Càng có nhiều mô hình như chùa Hoằng Pháp thì càng co ùnhiều mầm tốt được nảy nở. Môi trường ở chùa Hoằng Pháp cũng là nơi các thầy dạy dỗ các em những bài học hay về đạo đức làm người, Phật pháp, sinh ngữ và tham gia các sinh hoạt ca hát. Đối với các cụ thì chùa là chỗ dựa tâm linh vững chắc để các cụ an tâm lo làm sao để được về đất Phật, bớt đi sự buồn phiền, gắt gỏng con cháu do sự lão hóa , bệnh tật của tuổi già.

  Thật đẹp đẽ, cao quý biết bao khi hoài bão, lý tưởng xây dựng được nhiều chùa Hoằng Pháp như thế ở khắp nơi của Thầy trụ trì được những người có khả năng thấu hiểu và biến thành hiện thực. Có nhiều người hưởng được nhiều phước báu thì nhiều đời, nhiều kiếp dư ăn dư mặc. Họ muốn giữ phước bằng cách làm nhiều tốt cho đời san sẻ cho những người có nhiều đau khổ, thua thiệt. Họ ý thức rằng cách tốt nhất là gửi vào “ngân hàng công đức” như xây chùa, giúp đỡ những người bất hạnh để gieo nhân lành thì sẽ gặt hái quả ngọt. “Người thường lo sự nghiệp đời này, người trí lo sự nghiệp đời này lẫn đời sau”.

   Qua băng đĩa và các quyển sách do thầy trụ trì và các thầy ở chùa biên soạn đã cho nhiều người trong nước và ngoài nước hiểu biết chương trình Phật sự và những chuyến đi hoằng pháp của chùa khắp mọi miền đất nước. Đến đâu cũng được Phật tử hưởng ứng nhiệt liệt, làm cho mọi người cảm nhận được sâu sắc thú vị để sống đạo đức hơn, yêu đời và vui đạo. Từ đó nhân rộng quy mô ấn tống kinh sách trong những lần Phật thất của những người khá giả muốn đem lại lợi lạc cho người thân đã khuất từ quả tốt của sự bố thí, gieo nhân lành, có đợt lên đến vài chục triệu đồng. Có những người có khả năng, điều kiện tốt về tài chánh muốn xây chùa để được về một cõi an lành, tốt đẹp lâu dài, không uế trược, đảo điên như thế giới Ta-bà này. Nếu những tâm nguyện xây chùa này kết hợp với đường hướng hoằng pháp có hiệu quả như ở chùa Hoằng Pháp mà cùng nhau tìm đến cộng tác, giúp đỡ chùa để cùng nhau mở rộng quy mô chùa và hoài bão của Thầy trụ trì được thực hiện thì thật là cao quý, tốt đẹp biết bao.

Diệu An

Tin tức liên quan

CHỊ - NGƯỜI BẠN LÀNH
06/12/2024
Ban Từ Thiện: Lễ Tưởng niệm Tổ Sư khai sáng chùa Quang Đức - Cần Thơ lần thứ 34
29/11/2024
GÁNH MẸ
29/11/2024
EM CÒN NỢ EM
26/11/2024
Lễ huý kỵ nhớ về Sư Tổ
19/11/2024