Một chuyến về quê
Được hít thở hương vị chánh pháp và không khí thanh lương nơi cửa thiền thật tuyệt diệu, không gì sánh bằng; thật may mắn và hạnh phúc thay cho con kiếp này. Nhìn thấy nơi nơi đều là pháp màu, là biển tịnh; người người đầy an lạc, tín tâm; lòng con cũng nhẹ nhàng theo. Được quý thầy cho phép ở lại một đêm, sau khi cất hành lý con lang thang ngoài sân chùa, tâm lâng lâng theo nhịp niệm Phật thì một cô công quả lại và nhờ mọi người xuống nhặt phụ đậu que cho cơm trưa khóa tu ngày mai. Mỗi người một tay, rổ đậu hết vơi lại đầy, rổ này sang rổ khác, “đồi” đậu ngổn ngang dần dần được nhặt và rửa sạch, trông thật xanh mắt. Nhặt 4 tiếng rồi mà chưa hết; con chợt nghĩ: đậu tuy nhiều nhưng nhặt dần cũng hết, còn tội lỗi của chính con nói riêng và mọi người nói chung thì “nhặt” bao lâu cho thỏa??
“Phiêu trầm mãi trong vòng sanh tử
Nhiễm tánh tham, lụy ở sắc, thinh
Thập triền, thập sử quanh mình
Nghiệp nhân hữu lậu tựu thành từ lâu”
Từ vô thỉ kiếp tới nay vì bản tính nhiễm ô, dùng vọng tưởng chấp trước làm công cụ tạo tác các nghiệp lực. Thần thức chúng ta vốn không bao giờ trong sạch, là kết tinh tích lũy của những nghiệp nhân phiền não, là động cơ sinh khởi tiến trình vòng nhân quả. Khi con người chết đi tạng thức ấy vẫn còn, theo nghiệp lực mà dẫn sinh ở các loài, hoặc trầm luân hay giải thoát, nên chúng sanh mãi xoay vần chìm nổi trong sáu nẻo luân hồi. Bất kỳ suy nghĩ gì của chúng ta, những trạng thái tâm lý, những phong cách và lối sống, những cảm thức của cá nhân và xã hội, những thói quen trong sinh hoạt đời thường của mình, mỗi khi khởi tâm động dù đã trở thành lời nói và việc làm tốt hoặc xấu hay chưa.. đều là bánh xe sinh hóa vận chuyển, là nghiệp. Kinh Trung A Hàm ghi: “Nghiệp suy nghĩ và nghiệp đã suy nghĩ”; nghiệp suy nghĩ tức ý nghiệp, còn nghiệp đã suy nghĩ tức những hành động tạo tác của thân và miệng xuất phát từ suy nghĩ đó; gọi chung là ba nghiệp thân (sát sanh, trôm cắp, dâm dật), miệng (nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói thêu dệt, nói lời hung ác), ý (tham lam, giận hờn, si mê). Nếu thân tạo tác thiện đó là nghiệp thiện của thân, thân tạo tác ác đó là nghiệp ác của thân. Miệng nói lời lành là nghiệp thiện của miệng, miệng nói lời dữ là nghiệp ác của miệng. Ý nghĩ tốt là nghiệp thiện của ý, ý nghĩ xấu là nghiệp ác của ý.
“Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân / Ngô nhược vô thân, hà hoạn chi hữu?” (Ta có cái khốn khổ lớn vì ta có thân / Nếu ta không thân thì đâu có khổ gì?). Thân này vốn là bất tịnh là vô thường, nhưng vì mê muội vô minh, kiến chấp về bản ngã, ai cũng thích cho mình là quan trọng nhất, là trung tâm vũ trụ, muốn hoàn cảnh theo mình, tự đặt ra quan niệm phi chơn lý “vật dưỡng nhơn” để trau dồi, bồi dưỡng, cung phụng xác thân đến gây biết bao tội lỗi. Trong kinh Tứ Bất Hoại Tịnh Thành Tựu, đức Phật day: “Nếu có ai đó muốn giết hại ta, đương nhiên ta không thích, nếu điều ấy mình không thích chắc người khác (loài khác) cũng như thế, vậy thì lí nào mình lại giết hại chúng sinh và đồng loại??!!”, không có sự vui mừng nào hơn sự vui mừng không bị giết, cũng chẳng có ân huệ nào hơn ân huệ không hại mạng. Nhưng than ôi! một điều đơn giản thế mà ít người nhận ra, hằng ngày chúng ta vẫn giết và ăn lẫn nhau, dùng máu thịt tanh hôi thông qua ba tấc lưỡi để thỏa nhu cầu thèm muốn của bản thân, vô tình giết hại những con vật yếu thế hơn, không chút xót thương trước cảnh máu rơi chết chóc, tiếng kêu gào thảm thiết ai oán. Vì thường kiến, cho rằng: người chết sẽ sanh ra người, thú chết sẽ trở lại kiếp thú, nên cứ thản nhiên ăn những món thuộc loài động vật hữu tình cũng muốn sống chết như loài người.Trong kinh Lăng Già, đức Thế Tôn dạy: “Ta xem chúng sanh luân hồi trong sáu nẻo, đời đời làm cha mẹ anh em chồng vợ con cái lẫn nhau. Chúng ta ăn thịt nhau, toàn là ăn thịt lục thân quyến thuộc của mình”; thân người và thân loài khác mặc dù hình dáng khác nhau nhưng cùng điểm quan trọng giống nhau là huyết nhục, tham sống sợ chết, biết đau khổ vui mừng. Trong sự quan sát hằng ngày chúng ta cũng nhận thấy: cá thấy người cá lội xa, chim thấy người chim bay cao, người thấy cọp beo rắn rít người lẫn trốn, tất cả đều sợ lâm nguy đến tính mạng, đều vùng vẫy để trốn thoát. Hiện nay, loài cá mập đã và đang “hỏi thăm” chúng ta tại bờ biển Quy Nhơn, chúng ta ai cũng lo sợ, tìm mọi cách xua đuổi và bắt nó; chúng ta nói “vật dưỡng nhân” thì từ đó suy ra nó cũng có thể nói “nhân dưỡng vật” được vậy; vậy thì lý do gì ta bắt nó?? Nhận thấy được sự tham sống sợ chết, vui sướng đau xót của muôn loài như nhau, mà chúng ta còn đang tâm giết hại sinh mạng, thì thật là đáng trách, lòng trắc ẩn của con người ở đâu?? Nghĩa trang là đất chôn ta, nơi ta gởi thân này để trở về cát bụi; còn nơi chôn của loài vật ở đâu?? Có phải chăng chính là cái cối nghiền thức ăn của ta, cái bao tử đầy nhơ nhớp hôi chua kia và tiêu hủy trong cái gọi là thân mạng này??!!
Vì tình thức mê mang, chủng tử tập khí sâu dày, vừa bỏ được thói xấu này để phát huy điều tốt thì lại có dư tập dở khác đang ngầm hội đủ nhân duyên trồi dậy; bởi nghiệp không có hình tướng, không chất không lượng, vĩnh viễn không tiêu mất, tồn tại với thời gian. Câu chuyện Phật “Trưởng giả và bốn bà vợ”: “người thứ nhất ông đi đâu là bà có mặt ở đó, không rời gang tấc; người thứ hai được ông nhắc nhở luôn miệng, người thứ ba được ông lưu ý chút ít; ngươi thứ tư rất trung thành với ông, thế mà suốt ngày ông không hề nghĩ tới. Đến khi ông đau nặng sắp chết, hỏi ai sẽ theo ông, người vợ thứ nhất xin đưa đến cửa, người thứ hai đưa ông đến cổng, người thứ ba đưa đến mộ, còn người thứ tư nguyện chết theo ông”. Ngẫm nghĩ ta thấy ông Trưởng giả bất công này Phật dụ cho mỗi chúng ta; người vợ thứ nhất dụ cho tiền bạc, chúng ta ở nhà đi đâu đều phải có tiền trong túi, không thể thiếu được, nhưng khi ta chết thì nó nằm trong nhà hay sang tay người khác; người thứ hai dụ cho của cải, sự nghiệp, nhà cửa nên chỉ đưa tới cổng; người thứ ba dụ cho người thân, bạn bè, chồng (vợ) con; người thứ tư dụ cho nghiệp lành hay nghiệp dữ theo mình như hình với bóng, có mình ở đâu thì có nó ở đó không rời nhau. Tiền của sự sản danh vọng là cái ngoài mình nên dễ dàng mất đi, còn nghiệp là cái không ngoài mình nên chẳng khi nào mất. Mình gây nhân mà muốn người khác thay quả có được không??? Kinh Phật dạy: “Chúng sanh làm chủ tạo nghiệp và thừa kế cái nghiệp mà mình đã tạo không do ai khác ngoài mình”, mình làm chủ và tạo tác thành thói quen, rồi cũng chính mình thừa nhận hậu quả do nó đưa tới. Mạng sống con người đồng nhất cùng hơi thở, thật mỏng manh, mông lung và tạm bợ!!! Thế mà trong cuộc sống hằng ngày mọi người luôn tranh giành lẫn nhau, nghĩ trăm phương ngàn kế làm sao cho có nhiều tiền, làm sao tạo ra lắm của, làm sao đạt địa vị, làm sao được vang danh...; mà không ngần ngại trước nhân quả báo ứng, luân thường đạo lý, lọc lừa hãm hại dẫm đạp lên nhau, xây dựng vui sướng trên nỗi thống khổ của người khác, không đắn đo e dè thân tình, đổi trắng thay đen, để đánh mất chính mình. Con người tự giam hãm xiềng xích mình trong năm thứ dục lạc: tài, sắc, danh, thực, thùy (hay là sắc, thanh, hương, vị, xúc) và ai cũng hết lòng năng nổ tích cực tham cầu. Đời vốn là “Đa dục vi khổ” (tham dục nhiều, khổ thiệt thêm nhiều) và con người là “túi tham khó đầy”, nên chúng ta phải ngược xuôi làm lụng, tranh giành để được quyền lợi công hầu; tâm lao nhọc ngày đêm, thân vất vả để có bữa ăn ngon như ý thích; chạy theo mê đắm, dong ruổi cố tìm để thọ hưởng dục vọng thì tạo nhiều tội lỗi chịu nhiều khổ đau, gây đau khổ cho mình cho người, chẳng khác nào người khát mà cứ uống nước muối càng uống càng khát. Bả công danh, mùi phú quý luôn che mờ bản tánh, con người sinh ra vốn muôn đời ham muốn; ham mê nhiều chừng nào thì khổ sở nhiều chừng ấy, nhiều kinh nghiệm trường đời bao nhiêu ta cũng phải trả giá bấy nhiêu. Ta sẽ bị người này lừa gạt, người kia áp bức, kẻ nọ ganh ghét, kẻ kia nịnh nọt…. bao nhiêu dạng người là bấy nhiêu tâm tánh. Hiểu đời được một phần nào là ta phải chịu đựng biết bao nhục nhã, não phiền.
“Chấp thân chấp ngã thiệt dày
Tham, sân, si muội hằng ngày chẳng lơi
Sát sanh hại vật giết người
Tà dâm, trộm cắp, lời sai, rượu ghiền”
Vì lầm nhận thân ngũ ấm tứ đại giả hiệp này là thật nên thấy có một cái Ta riêng biệt, không dính chấp vào người khác; từ ngã chấp ấy sinh ra ngã ái, yêu thương giữ gìn những cái hợp với mình, ngược lại thì chê ghét, bất chấp phải trái hay dở, luôn khăng khăng bảo thủ quan niệm riêng mình là đúng không sai, không chịu thay đồi. Thử hỏi có khi nào ta làm sai hay nói không đúng mà vẫn điềm tĩnh vui vẻ nhận lời phê bình quở trách không?? Tự ngã mạn, xem thường người dở hơn mình, kiêu ngạo khoe khoang, dương dương tự đắc, cho “cái Ta” của mình là cao quý, tốt đẹp hơn bao nhiêu “cái Ta” khác, đối lập với những gì không phải là ta hay trái ý ta. Do lầm tưởng như thế nên kiếm món ăn ngon vất lạ cho cái Ta ăn, may áo quần áo tốt đẹp cho cái Ta mặc, lo xây nhà dựng cửa cho cái Ta ở, thâu góp thật nhiều của cải cho cái Ta dùng, kiếm công danh cho cái Ta hãnh diện và thế giới trở thành bãi “chiến trường” của cái Ta, rồi chúng ta phải nếm mùi khổ đau và tạo nghiệp để bảo vệ cái Ta. Trong mối quan hệ chằng chịt được xây dựng trên nền tảng của cái “bản ngã” luôn cần được vun bồi này, mình thì sẽ bảo vệ cái ngã của mình, người thì bảo vệ cái ngã của người, cho nên đời này hoại thì đời khác tiếp, nghiệp nối đuôi chồng chất mãi không thôi. Vì màn vô minh che lấp, nên đắm mê theo dục vọng, nhận khổ làm vui, nhận xấu làm tốt, vọng tâm phan duyên theo cảnh, tự cầm tù mình trong đau khổ, trói buộc mình bởi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), chạy theo sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), sáu thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) mà sinh ra khổ vui. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là năm bộ phận cơ thể nằm bên ngoài, do tứ đại chủng (đất, nước, gió, lửa) duyên hợp tạm thành, dễ tiếp xúc với ngoại cảnh. Như trong thân thể ta: xương, thịt, da, tóc thuộc về đất; máu, đờm, dịch thuộc về nước; hơi thở ra vào chuyển khí đến các tế bào tạo sự sống thuộc về gió; hơi ấm của cơ thể thuộc về lửa; có hợp thì tức phải có tan, một khi thiếu duyên thì thân mạng này từng cái rã rời, biến hoại như bọt nước, tan rã trong vòng tuần hoàn. Bình thường tự thể con mắt không xấu xa, nhưng khi thấy nhà sang, xe xịn, tiền tài, danh vọng, đẹp đẽ thì tâm phát sinh ý niệm tham đắm mà xúi con người làm bất cứ điều gì để đạt được; tai nghe lời dịu ngọt thì thích, nghe ai chửi thì giận; mũi ngửi đồ thơm thì nhận, không thơm thì đánh đổ; lưỡi nếm mùi vị thơm ngon thì tham đắm, nếm mùi cay đắng thì buồn phiền. Cái thân xác ta mang đây là thân giả tạm, cuộc đời vô thường trong từng sát na, không chỉ riêng thân ta trải qua: sinh lão bệnh tử của tự nhiên, mà tất cả vật thể trong thế giới này đều “vật đổi, sao dời” trong từng giai đoạn: thành, trụ, hoại, không. Hiện nay chúng ta sinh sống trong giai đoạn Trụ mà thôi, ngày mai khi đến thời điểm chín muồi rồi dần dần suy lão sang giai đoạn Hoại và cuối cùng là về với cát bụi với Không,. Trong Khế Kinh chép: “Phàm vật có hình tướng đều phải bị hoại diệt”, hoặc theo quan điểm triết học Mac-Lenin thì các dạng tồn tại cụ thể (vật thể) là những cái có hạn, có sinh, có diệt, chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác; vạn vật trong vũ trụ đều bị luật vô thường chi phối. Cứng như sắt cũng bị mục nát, chắc như đất đá cũng bị sụp lỡ (mũi Cà Mau), nhỏ nhen như thân người lại càng phù du. Dù chúng ta sức mạnh bao nhiêu, uy quyền bao nhiêu, giàu có bao nhiêu, cũng không thể ngăn dòng chảy vô tình của thời gian, nên Văn Thiên Tường có câu: “Nhân sanh tự cổ thùy vô tử?”(xưa nay hỏi có ai không chết?) là vậy. Thân mạng ta đây đang ngự có hình có tướng, sờ nhìn cảm nhận, đi đứng nói cười mà còn không thật, nay còn mai mất thì ta có ta không?? Cái Ta có hình thể thế nào, có hiện hữu không mà chúng ta luôn đấu tranh trang bị bảo vệ cố thủ sống chết cho cái Ta??? Để rồi nhận lấy gì ngoài nỗi phiền muộn thống khổ đắng cay??? Thắng danh thắng lợi thắng người vui chi mà thua tả tơi với đạo đức lương tri của mình??? Làm nô lệ cho cái hư danh ảo ảnh???
Bây giờ ta thử nhìn lại và tự hỏi: tại sao cũng cuộc đời này mà rất nhiều người cho nó là đầy tội lỗi xấu xa, cũng có nhiều người sống an vui tự tại??? Có cái gì là tội lỗi xấu xa trong thế gian này?? Cây cỏ, sông núi, nhà cửa, địa vị, đẹp xinh, ăn uống.. có xấu xa không?? Người đời cho rằng đồng tiền là nguồn gốc của khổ đau, tội lỗi phải không?? Thật ra Tiền xài đúng tiền hiền như Bụt / Bạc xài lầm bạc ác hơn ma / Bụt – ma cũng tại lòng ta / Chớ tiền bạc kia vốn là vô tri. Cái mà con người cho rằng xấu xa tội lỗi chính là do cái nhìn vô minh phiền não tham đắm của mình mà ra cả, lấy giả làm thật, nhận lầm cái “biết” của mình khi sáu căn tiếp xúc với cảnh trần để phát sinh ra niệm phân biệt. Cũng bởi tánh phân biệt: sang hèn, đẹp xấu, khen chê, yêu ghét, hay dở, thịnh suy.. mà tam độc tham sân si nổi lên, vọng ngôn ỷ ngữ ác khẩu hoàn thành, sát - đạo - dâm sinh ra. Phật day cội gốc của sanh tử luân hồi do các phiền não mê lầm là những dục vọng xấu xa, những niệm ý sai quấy, làm não loạn thân tâm chúng ta. Một khi đã cảm thọ khổ vui liền sinh ra phản xạ tự nhiên tìm cách tránh xa thống khổ và truy cấu khoái lạc, một khi đã truy cầu khoái lạc tự nhiên sẽ sinh khởi lòng tham lam và yêu mến. Chúng ta đều biết tánh tham có ma lực rất lớn, bắt chúng ta dòm ngó, theo dõi, tuân lệnh, bày mưu, tầm kiếm, chiếm lấy những gì nó ưa thích, cái thích điều khiển chúng ta trộm cắp, tước đoạt của người và gây đau khổ cho người. Đồng tiền đi liền khúc ruột, chứng tỏ rằng tiền chiếm tỷ lệ rất quan trọng trong đời sống, ngoài những vị làm công quả thì ai làm cũng do đồng tiền cả. Tham làm con người bị lóa mắt trước đồng tiền sắc dục, sai khiến con người cầu đắm; sử dụng “cái lưỡi không xương” nói lời xáo ngữ, dựng chuyện thị phi, nói xấu người này, làm hại người kia, chuyện không nói có, có nói không, chia rẽ người... không từ thủ đoạn để mang lợi ích về cho mình, khi không thực hiện được thì lập mưu toan cưỡng cầu, trộm cắp, cướp bóc, giết hại, thừa nước đục thả câu, đục nước béo cò. Là con người ai cũng từng ước và mơ nhà cao cửa rộng, ước vợ đẹp con xinh, ước cao sang quyền quý, ước vạn sự như ý… không phải quá đáng, nhưng điều tai hại đáng sợ là tham ước, là muốn điều ước phải là sự thật bằng mọi cách; cộng hưởng lòng tham không đáy, thâu góp bao nhiêu cũng không vừa, được cái này muốn thêm cái khác; được một muốn mười, được mười muốn trăm. Khi còn bé mong chiếc xe đạp, lớn lên muốn chiếc xe máy, có xe máy muốn đổi xe tay ga, có tay ga muốn xe hơi, có xe hơi muốn siêu xe; có nhà cấp 4 thì muốn nhà lầu, có nhà lầu muốn vi la, có vila muốn biệt thự; thiếu ăn thì mong đủ ăn, đủ ăn muốn ăn ngon, ăn ngon muốn ăn sạch, ăn sạch muốn ăn sang; có vợ muốn vợ hiền, vợ hiền mong vợ đẹp, vợ đẹp mong vợ giỏi làm ăn… lòng tham đắm của con người không có cực điểm, sâu hơn đại dương và nguy hơn vực thẳm. Khi gặp chuyện trái ý nghịch lòng, lòng tham không được toại nguyện thì ngọn lửa sân hận bừng bừng nổi lên đốt cháy ta: mặt mày đỏ tía, phùng mang trợn mắt, nhíu mặt nhăn mày, bộ dạng hung hăng, hành động ngu ngốc, miệng lưỡi chua ngoa, nói năng xững xượt hỗn láo, khinh khi xem thường người trên, có khi dùng đến vũ lực. Bởi nóng giận mà chúng ta không tiếc buông những lời thô tục, chửi bới, huỷ báng, nhục mạ, cay đắng.. lên người kia. Một khi lời đã nói ra, như tên bắn đi, không rút lại được; nóng giận làm ly tán cha mẹ, anh em; làm tổn thương bạn bè, chồng vợ; kẻ bị tàn tật người vào nhà giam, khi bình tâm nhìn lại thì mọi chuyện không còn cứu kịp, rồi màn đêm buông xuống, tòa án lương tâm mở ra, nỗi dày xéo tâm hồn thật khủng khiếp. Kinh Hoa Nghiêm chép: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai” (một niệm sân hận nổi lên, trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra); hoặc “Nhất tinh chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn” (một đóm lửa giận, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức); một khi lửa sân hận đã bùng cháy lên thì đốt thiêu tất cả công lao sự nghiệp mà chúng ta đã tốn bao nhiêu nước mắt mồ hôi công sức tạo nên. Khi tham sân nổi lên mà có trí tuệ sáng suốt ngặn chặn lại thì tham sân không làm gì được, nhưng chỉ sợ si; Tổ sư dạy: “Bất úy tham sân khởi, duy chủng tự giác trì” (không sợ tham sân nổi lên, chỉ sợ mình giác ngộ châm). Si như là một tấm màn dày đặc đen tối trùm trí tuệ của ta, làm cho ta không thấy được sự thật, ý thức hay dở tốt xấu, không nhìn sự vật đúng như thật, không thấu hiểu giáo pháp một cách rốt ráo, không biết chánh tà tội phước, không rành rẽ thân tâm này là giả hợp, chấp giả làm thật. Kinh Pháp Cú diễn tả:“Lửa nào bằng lửa tham / Chấp nào bằng sân hân / Lưới nào bằng lưới si / Tham nào bằng tham ái”, cho ta thấy rõ cội rễ của mọi tệ nạn xã hội ngày nay như bạo hành, ma tuý, xung đột, chiến tranh, trộm cắp, giết người, buôn người, đua xe, cá độ…, ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi sinh như chặt cây, đốt rừng, khai thác nguyên vật liệu lậu, thả chất thải của nền công nghiệp… đều phát sinh từ Tam độc; ô nhiễm xã hội như tham nhũng, buôn lậu, lạm phát, ăn chơi, quậy phá… bắt nguồn từ tâm ô nhiễm con người mà ra; và cuối cùng chính con người chúng ta nhận lấy nhận hậu quả: hạn hán, lũ lụt, sóng thần, phóng xạ, nhiễm độc, chết chóc, nghèo đói.. rồi kêu trời.
Bốn mùa lạnh nóng mãi trôi lăn
Phàm thánh không ngoài một sát – na
Tội nghiệp tiền thân nay phải chịu
Chịu rồi mới hết nghiệp oan gia
hay
“Ngả tích sở tạo chư ác nghiệp
Giai do vô thỉ tham sân si
Tùng thân, ngữ, ý chi sở sanh
Nhứt thiết ngã kim giai sám hối”
Tam giới hữu tình vì mê muội vô minh mà gây tạo bao nhiêu nghiệp, vì lãnh thọ quả khổ lại sinh khởi mê muội vô minh; ba thứ vô minh – nghiệp – khổ này hình thành vòng tuần hoàn ác tính. Cuộc đời như một tấn tuồng, khi ta đóng vai này khi vai khác, cảnh này vừa dứt cảnh khác đã ra, cứ diệt đi rồi hiện ra như thế cho đến khi không còn hiện gì nữa, thì sinh mạng kiếp này xem như chấm dứt. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử nói “Thể giả như phu, bất xả trú dạ” (thời gian như nước sông, ngày đêm không ngừng trôi), thời gian một khi đã qua đi không bao giờ trở lại; đời người quá ngắn ngủi, tính tổng thời gian ăn , ngủ, nghỉ, làm thì ta còn lại bao nhiêu thời gian để nhìn lại bản tâm??? “Đồi đậu ngổn ngang” do ta vô tình hay cố ý tạo từ kiếp trước tới nay thì “nhặt” thế nào??? Trong kinh Tạp A Hàm, Phật kể câu chuyện: “Có một tên trộm bị bắt được đem nạp cho nhà vua, muốn giam giữ tên trộm, nhà vua ra lệnh thả ra bốn con rắn độc. Con thứ nhất quấn lấy tay tội nhân, con thứ hai quấn tay, con thứ ba quấn ngang hông, con thứ tư quấn quanh cổ. Một người đức hạnh thấy rõ tình cảnh nói với tội nhân: - ngươi đã bị người ta giữ gìn cẩn thận, vậy hãy đứng lên chớ nên cựa quậy mà bị rắn cắn; nọc con rắn thứ nhất sẽ làm thân ngươi cứng đơ như đá, con thứ hai làm cho thân ngươi tiêu ra như nước, con thứ ba làm cho thân ngươi tan ra như bột bị gió cuốn đi, con thứ tư sẽ đốt ngươi cháy như ngọn lửa. Tên trộm trả lởi: - không phải, những con rắn đều là đồ trang sức của tôi. Người đức hạnh lại dạy tên trộm từ từ gỡ bốn con rắn đem bỏ vào trong rương, đậy nắp lại rồi mau chạy trốn, tên trộm làm theo. Hay tin, nhà vua truyền lệnh cho năm tên lính đuổi theo bắt tên trộm. Nó ráng chạy, lại gặp người đức hạnh thi nãy hô to: - Ngươi hãy chạy thật mau lên, có năm tên lính đang đuổi theo sau lưng, chúng lại thả ra bốn con rắn độc để bắt ngươi. Khi đã đuối sức, tên trộm dừng chân lại và thấy phía trước có sáu cái nhà bỏ trống vừa bị sáu tên cướp vào vét sạch của cải. Sáu tên cướp lại nhập đoàn năm tên lính đuổi bắt tiếp tên trộm. Người đức hạnh lại hô to lên: - Ngươi ráng chạy mau lên, bọn cướp và lính nhà vua sắp đến nơi, chúng lại bắt thêm một người bạn thân của ngươi để dụ ngươi về trị tội. Nhưng chạy được một đỗi, tội nhân lại gặp một cái biển ngay trước mặt nên phải dừng lại; tên trộm hết sức lo âu vì không có ghe thuyền để thoát thân. Bấy giờ người đức hạnh dạy tên trộm lấy tám cành cây khô kết thành cái bè để bơi đi trốn. Làm xong bè, tên trộm bơi ra một tí thì gặp một hòn cù lao; tên trộm định ghé lên nhưng dòm ngoái lại phía sau, thấy quân lính vẫn còn đuổi theo; tên trộm cố sức bơi đến cù lao thứ nhì, rồi thứ ba thứ tư. Nhân dân ở đó tôn tên trộm làm vua, lúc đó đoàn người đuổi theo đều bị tiêu diệt và tên trộm không còn thấy hình bóng đâu nữa”. Mẫu chuyện dùng nhà vua chỉ cho cái nghiệp, tên trộm ám chỉ người đi tìm đạo, bốn con rắn độc ám chỉ tứ đại, năm tên lính ám chỉ ngũ uẩn, sáu cái nhà bỏ trống ám chỉ sáu căn, sáu tên cướp ám chỉ sáu trần, tám cành cây ám chỉ bát chánh đạo, bốn cù lao ám chỉ bốn quả Thánh, tôn vương ám chỉ sự giải thoát, sự tiêu tan của đoàn người ám chỉ sự tan biến màn vô minh và sự bẻ gãy bánh xe luân hồi.
Qua câu chuyện có lẽ mọi người cũng đã nhận thấy: để cho phiền não tham, sân, si, vô minh, chấp ngã làm chủ là còn luân hồi; gạn lọc cấu bẩn phiền não vô minh nơi tâm thức, như gạn bỏ bùn nhơ nơi nước cho đến khi hoàn toàn trong suốt thì là ra khỏi rừng mê. “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe, thiện tri thức khó gặp” nay để ra khỏi rừng mê, chúng ta phải tín tâm quay về nương tựa ba ngôi báu (Phật, Pháp, Tăng) và giữ gìn năm giới (không sát sanh hại vật, không lường gạt trộm cắp, không tà dâm, không nói dối nói dối, không uống rượu dùng ma túy các chất gây nghiện). Nho giáo sống theo Tam cương, Ngũ thường(nhân, lễ, nghĩ, tín, trí); còn Đạo Phật sống theo Tam quy, Ngũ giới. Xét trên phương diện nào đó, Ngũ giới của Phật giáo gần tương đương với Ngũ thường của Nho giáo: ý thức được những khổ đau do sự giết hại gây ra gần với Nhân; ý thức được khổ đau do lường gạt, trộm cắp gây ra gần với Nghĩa; ý thức được hạnh phúc gia đình dựa trên nền tàng thủy chung, hòa thuận gần với Lễ; ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm, thị phi gây ra gần với Tín; ý thức được những đau khổ bất tịnh do uống rượu, ma túy, các chất kích thích, các thực phẩm có độc tố, văn hóa phẩm đồi trụy gây ra gần với Trí. Ngũ thường của Nho giáo là tiêu chuẩn làm người, còn Ngũ giới của nhà Phật không những mình có cuộc sống đúng nghĩa con người, mà còn là điều kiện để đời sau tiếp tục có được thân người. Tuân theo Ngũ giới là có năm nấc thang bước tới bờ giác, là những nguyên tắc đề phòng không cho những cái xấu phát sinh, không còn vay nợ thân mạng, nuôi dưỡng lòng từ bi, biết thương xót tất cả chúng sanh.
Song song chúng ta phải tin sâu lý nhân quả: làm ác sẽ gặp điều xấu, làm thiện sẽ gặp tốt. Cuộc đời tuy có người hiền lành, làm phước mà vẫn gặp tai nạn, khổ sở; người hung ác mà được an lành; có phải do Phật không linh??? Phật dạy không vị thần thánh nào ban bố hay giáng họa cho ai, tất cả do ta tự tạo và ta phải thọ; nhân quả là một luật tự nhiên rất công bằng, chính trong cái nhân hiện tại đã chứa cái quả vị lai, trong cái quả hiện tại đã có hình bóng của nhân quá khứ, nhân quả nối tiếp không hề rời nhau. Người không làm lành mà được lành là do kiếp trước tạo nhơn lành; người hiền gặp dữ là do kiếp trước họ tạo nghiệp bất lành; việc lành hay việc dữ gì đều có quả bảo, chỉ khác là đến sớm hay muộn mà thôi. Tỏ ngõ lý nhân duyên; nhân là nguyên nhân là cái trực tiếp, duyên là trợ duyên là cái trợ giúp. Nếu một lần nào ta yêu thương dành cho một người, thế rồi tấm lòng ta bị cô phụ, không đi về đâu, ta càm thấy bị phản bội thì lúc đó ta cũng bình tĩnh hiểu rằng đó là có duyên hiện tại mà không nhân quá khứ. Một cây cần phải dựa vào các nhân duyên như hạt giống, đất , nước, độ ẩm, không khí mới nảy mầm phát triển; những nhân duyên giúp cây trổ mầm cũng phải nhờ vào rất nhiền duyên khác để có, nhân duyên lại dựa vào nhân duyên, mắc xích hết thảy mọi thứ. Vũ trụ vạn hữu đều do mối quan hệ nhân duyên sinh khởi và tồn tại, đồng thời cũng do sự phân li của mối quan hệ nhân duyên này mà tiêu diệt; ngoài mối quan hệ nhân duyên ra không có bất cứ thứ gì tồn tại độc lập. Trong Tam Quốc Chí, chúng ta thấy Lưu Bị là một người bình thường về tài trí; xét về trí thì không bằng Gia Cát Lượng, về dũng không bằng Quan Công, về sức không bằng Trương Phi; nhưng ông lại xưng đế vì ông có sự hỗ trợ tương ứng những tương duyên cần thiết. Nói tích xưa ngẫm lại nay, cuộc đời chúng ta ai cũng đầy thăng trầm vạn biến, nghiệt ngã lên xuống; không phải do chúng ta, mà là do chúng ta thiếu nhân thiếu duyên và thiếu những yếu tố khách quan cần thiết để nắm được chìa khóa mở cánh cửa thành công. Chúng ta đã cố gắng hết sức, được mất để tự nhiên, nhận lấy không phiền muộn, đều do một chữ “duyên”, cũng như “ở ống thì dài, ở bầu thì tròn”, nước trong thì rửa mặt nước đục thì rửa chân. Khi chúng ta nhận chân ra luật nhân quả, ngộ chân lý duyên khởi, đạp đổ tư ngã, biết vừa đủ thì chúng ta sẽ có cái nhìn bình thường tự tại trước nhân tình thế thái, hỷ nộ ái ố, thói đời muôn mặt, đối diện với oan trái, biết tỉnh thức kịp thời.
Phật dạy tâm chúng sanh như vượn chuyền cây, ý như ngựa rông đồng nội; tâm con người không khi nào được yên, cứ lăng xăng lộn xộn, nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, từ quá khứ hiện tại đến tương lai, vui đó buồn đó, thương đó rồi giận đó, hôm qua mới tinh tấn tu hành hôm nay đã ưu phiền thối chuyển. Vì nghiệp nặng nề, tâm tán loạn nên Phật dạy một phương pháp đơn giản dễ tu trì lại vi diệu là niệm hồng danh Phật Di Đà. Niệm Phật là pháp môn thù thắng cứu độ chúng sanh trong thời mạt pháp, là pháp môn giúp chúng sanh được về thế giới Cực Lạc, là pháp môn tu học thiết thực cho mọi người phù hợp mọi khả năng, trình độ, căn cơ. Niệm Phật công đức lại còn to lớn hơn nữa, một câu niệm Phật thâu cả ba Tạng giáo điển, hết thảy thần chú, các pháp viên đốn như tham thiền, quán tưởng. “Vô thượng thầm thâm vi diệu pháp / Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”, sự vi diệu cứu cánh của Phật pháp không thể nghĩ bàn, không văn chương lời lẽ nào tả hết. Niệm là nhớ nghĩ, niệm Phật là nhớ nghĩ tới Phật; không cần niệm ra tiếng, mà niệm ở trong lòng, lúc nào cũng nghĩ tới Phật thì hơn 8 vạn trần lao bị diệt trừ, tất cả những việc phức tạp, gây trở ngại khó khăn trong cuộc sống không tác hại làm tâm ta khổ. Đức Phật là vị toàn giác toàn năng, nhớ đến Phật là nhớ những điều tốt đẹp, những hành động trong sáng, những đức tính thuần lương; là bậc trí tuệ, nương nhờ bóng từ quang rọi vào tâm từ đó giúp ta nhận ra lỗi lầm của mình và tự biết sửa đổi. Dùng Tín – Nguyện – Hạnh làm ba điều kiện chính yếu để vãng sanh, dùng từ - bi – hỷ - xả giải trần duyên, dùng trí tuệ khai thị “nhặt ” bỏ những héo úng làm tâm ta bất an; loại bỏ tâm mình khỏi hơn thua phải trái thị phi cuộc đời, dù hoàn cảnh khổ đến đâu, tâm ta vẫn an vui thong dong tự tại.
A Di Đà Phật! Trong khi viết bài này, con đang nằm trên giường bệnh và vừa thoát khỏi lưỡi hái của Tử thần, con càng tri ân sư phụ Chân Tính và quý thầy đã tạo duyên cho con đến với khóa tu và giúp con hiểu sống cần buông xả thế nào; nghiệp là thứ đeo bám ta như bóng với hình, nếu không nhất tâm tinh tấn tu hành, phá chấp ngã, quán vô thường thì khó mà đoạn được, khó mà tìm sự thanh tịnh, khó mà lìa khổ, khó mà giác ngộ. Với sở học non kém, nhãn quan hạn hẹp, văn chương thô kệch, ý tứ vụng về, không thể toát lên được sự thù thắng giải thoát tột cùng; vậy kính mời quý vị một lần hãy đến với khóa tu niệm Phật vào Chủ Nhật của đầu tháng hoặc khóa tu Phật thất do chùa Hoằngng Pháp tổ chức, quý vị sẽ thấu hiểu một cách rốt ráo về giáo lý Phật Đà. Đạo Phật là đạo giác ngộ, là đạo từ bi, là đạo tự do không bắt buộc, được khởi nguồn từ tâm khai ngộ của chúng ta, phương pháp trì niệm của Tịnh độ tông là pháp môn vừa tự lực tu trì vừa nương nhờ năng lực của Phật để thoát luân hồi lục đạo. Khi đọc bài này, chắc một phần nào quý vị nghi ngờ về sự thật, quý vị cứ nghi nhưng xin quý vị hãy đọc, suy tư và tìm hiểu, rồi phát tâm tu hành, đi tìm lại mình, quay về bờ giác, xa đường tục lụy, rời nhà lửa trầm luân. Hãy nghi để rồi tin, đừng vội tin mà sau này nghi!!!
Con cảm ơn cuộc đời, cảm ơn Hoằng Pháp, cảm ơn vô thường, cảm ơn những oan nghiệp đã đến với con; thật sư có đau khổ ta mới tỉnh mộng, có đớn đau ta mới quý vị ngọt cam lồ, có nhận biết phiền não mới ngộ Bồ Đề. Nghiệp đeo bám ta mãi, hay bỏ ta đi đều do ta thích buộc nó lại hay tháo gỡ nó ra, tất cả phụ thuộc nơi ta. Cuộc đời vay trả, trả vay, không có gì là thật cũng không có gì tồn tại, muốn đi xa phải bắt đầu từ gần, muốn đến bờ giác phải bước ra cõi mộng.
Thân, khẩu, ý thanh tịnh
Đó là Phật xuất thế
Thân, khẩu, ý bất tịnh
Đó là Phật nhập diệt
Tức tâm là Phật, Phật tại tâm
Kẻ mê rong đuổi ngoại tâm cầu
Nhất niệm giác ngộ về đến Phật
Dễ như rửa chân bước lên thuyền
Phật tử kính bút
Chơn Hiền Bảo