Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Miếng bánh nhỏ
Cập nhật: 15/03/2020
Trong cuộc sống hối hả, bon chen ngày nay, rất ít cá nhân chọn cho mình một con đường đi nhẹ nhàng, an toàn. Từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường là đã nhen nhúm cho mình những ước mơ, hoài bão… và khi nghĩ tới những điều đó, thì dường như có luồng điện chạy dọc hệ thần kinh từ não bộ xuống tận gót chân. Họ tận hưởng những điều họ đạt được trong tư tưởng, đắm chìm vào đó, một cảm giác thật tuyệt vời. Nhưng khi mở mắt về lại với thực tế, lại phải đối diện với muôn vàn khó khăn, gian truân để đạt được mục tiêu họ đề ra. Ngặt một nỗi, một vài cá nhân lại muốn đốt cháy giai đoạn, muốn thành công đến thật nhanh trong cuộc đời của mình để rồi họ phải tranh giành, mưu mô xảo quyệt, tính toán từng li từng tí với mọi thứ xung quanh đến mức đánh mất nhân cách, đạo đức của chính mình.
Có một câu hỏi được đặt ra nhiều người là: “Trong cuộc đời này, điều gì là quan trọng nhất?”. Khi được hỏi câu này, đối với những bạn còn ngồi trên ghế nhà trường, còn độ tuổi học sinh thì điều họ nghĩ quan trọng nhất là điểm số, là xếp hạng học tập của mình trong suốt mười hai năm đèn sách. Còn với những người ở giai đoạn đi làm, có vợ có con, thì điều họ nghĩ quan trọng hơn là kiếm thật nhiều tiền, và có địa vị ở phạm vi rộng hơn, là địa vị cao ở xã hội. Cũng câu hỏi đó, khi hỏi những vị lớn tuổi, thì họ lại trả lời rằng sức khỏe là điều quan trọng nhất, bởi cả năm tháng thanh xuân của họ đã dành ra tất cả năng lượng vốn có để mải mê theo những mục tiêu, theo lộ trình của chính bản thân. Trải dài cùng năm tháng, người ta chạy theo thứ mà được số đông công nhận, rồi quên đi điều thật sự bản thân cần là gì.
Đồng ý rằng mỗi con người đều có một khả năng tiềm tàng riêng, và để tìm được thì ta cần thử từng cái một để phát hiện. Giống như đứng ở một dãy quán ăn vỉa hè, muốn biết được quán nào bán thức ăn ngon thì bắt buộc ta phải đi thử từng quán một, không còn cách nào khác. Hãy tin vào trải nghiệm của bản thân. Mà hầu hết trên con đường chạy đua đó, họ vô tình biến mình thành những tay đua bất đắc dĩ, phóng mình thật nhanh để đến được đích một cách nhanh nhất. Thật không may, một số lại cán đích giúp cho người khác, còn phần của mình lại bỏ quên ngay từ lúc bắt đầu.
“Con người là tối linh trong muôn vật”. Chúng ta có lý trí, có lương tâm, ta khác hoàn toàn với các loài động vật còn lại. Phàm làm việc gì, cũng cần nghĩ kỹ hậu quả sau này. Có lợi cho bản thân nhưng lại gây hại cho chúng sinh khác thì không nên.
Như trong lịch sử Trung Quốc, Trụ Vương vì thỏa mãn dục vọng, ăn chơi rượu chè suốt ngày, vây quanh là bao nhiêu cung tần mỹ nữ hầu hạ, đặc biệt là nàng Đát Kỷ. Nàng ta bày ra những trò quái đản như rượu chứa đầy một hồ để Trụ Vương có thể ngâm mình thỏa thích; thịt động vật thì làm nguyên một rừng bao la. Để đáp lại tấm lòng đó của Đát Kỷ, Trụ Vương cũng ra lệnh cho quân dân xây dựng Lộc đài cao chót vót. Vì những điều trên mà bao cung tần khác trong cung quay ra ganh ghét Đát Kỷ, âm mưu hãm hại cô. Thế nhưng, Đát Kỷ biết lợi thế ở tay mình, cô lợi dụng sự nuông chiều có được để trả thù tàn bạo những đối thủ đã bày mưu, nổi tiếng là màn tra tấn hãi hùng, như bắt tội nhân vào chậu chứa đầy bọ cạp độc; hay bắt đi trên cột sắt nung nóng đỏ, chẳng khác địa ngục trần gian. Cuối cùng, kết quả như thế nào? Vì ăn chơi sa đọa, khiến dân chúng bất bình, Trụ Vương bị Chu Võ Vương Cơ Phát lật đổ và lập nên nhà Chu, còn “mỹ nhân họa quốc” kia phải tự sát để trả giá cho những điều rùng rợn đã gây ra.
Hay câu chuyện Vợ Chồng Giành Ăn (chuyện thứ 67, Chuyện Bách Dụ), xin được trích dẫn vào đây.
Ngày xưa, có cặp vợ chồng nọ rất ham ăn. Một hôm, bà hàng xóm đi chợ mua thức ăn, sẵn dịp bà mua luôn một bao bánh. Gặp vợ chồng này, bà cho họ ba cái. Vợ chồng chia mỗi người ăn một cái. Còn lại một cái, vợ muốn cầm lên ăn, nhưng chồng bảo:
- Ta là chồng của nàng, là trụ cột trong gia đình, nên ta đáng ăn cái bánh này.
Do đó, gã chồng định cầm bánh lên ăn, mụ vợ liền ngăn lại:
- Đàn ông các anh thường nhậu nhẹt ăn uống, nên cái bánh này phải nhường cho thiếp.
- Làm phận đàn bà phải biết tam tòng tứ đức, bất cứ việc gì đều phải nhường cho chồng, mới là vợ hiền. Nàng hãy nhường cho ta ăn cái bánh này.
- Chàng làm chồng phải biết thương yêu vợ, phải quý thân liễu tay yếu chân mềm, mới là người chồng tốt. Cho nên, chàng để thiếp ăn cái bánh này.
- Chỉ một cái bánh mà chúng ta tranh cãi hoài, cũng chẳng giải quyết được gì, chi bằng chúng ta thi cá độ một lần, nàng bằng lòng không?
- Thi cá độ là như thế nào?
- Chúng ta hãy đặt cái bánh ở giữa, ta ngồi một bên, nàng ngồi một bên, không được cựa quậy, cũng không được nói. Người nào động đậy hay nói trước là thua, người thắng được ăn bánh. Như thế có được không?
- Được! Lời nói như đinh đóng cột nhé!
Do đó, hai vợ chồng ngồi im từ sáng đến tối vẫn không ăn uống, cũng không đi đại tiểu tiện. Lúc đó, có tên trộm đi ngang qua, nhìn thấy vợ chồng ngồi cứng đơ một chỗ, liền lén vào nhà trộm đồ.
Cả vợ chồng đều thấy tên trộm vào, nhưng vì thi cá độ ăn bánh nên ai cũng giả như không thấy, cũng không hỏi không nghe. Tên trộm lấy hết đồ đạc, của cải trong nhà bỏ vô bao, lặng lẽ đi ra, cả hai đều thấy. Lúc này, mụ vợ nhịn không được, quát to lên:
- Trời ạ! Đồ đạc trong nhà của chúng ta để tên trộm lấy đi hết mà còn ngồi lì ra đó, mau chạy ra bắt tên trộm đi!
Chồng vui mừng reo lên:
- Hay quá! Ta thắng rồi!
Gã chẳng đếm xỉa đến chuyện bắt tên trộm, chỉ lo đưa bánh vào miệng nhai, còn vênh váo hét to:
- Ta thắng rồi! Ta thắng rồi!
Trong câu chuyện trên, “những cái bánh” mà hai vợ chồng kia giành nhau ăn cũng như những thứ mộng huyễn, hư ảo mà người đời thường theo đuổi, là chức tước, địa vị, sự giàu sang... Những thứ đó có theo cùng ta khi ta nhắm mắt xuôi tay không? Chỉ duy nhất một thứ đi cùng, là nghiệp của mỗi cá nhân. Nếu muốn hiện tại hay mai này hưởng quả tốt, thì ngay bây giờ thực hành những thiện nghiệp.
Thực hành thiện nghiệp cũng chính là thực hành chánh đạo. Trong kinh Tạp A-hàm, quyển 29, Phật dạy: “Thế nào là chánh đạo? Đó là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không vọng ngữ, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác, không ỷ ngữ, không tham lam, không sân hận, không tà kiến”. Hay trong kinh Tăng Chi Bộ, tập II, phẩm XXI, Thân Do Nghiệp Sanh, đức Phật cũng có dạy: “Này các Tỷ-kheo, các chúng sanh là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là sanh căn của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm là nghiệp gì, thiện hay ác, họ thừa tự nghiệp ấy”.
Đừng vì những “miếng bánh nhỏ” mà quên đi việc lớn của đời người. Hãy thực hành thiện nghiệp, nó hướng ta đến thành tựu giới, định và tuệ, thoát khỏi khổ đau trong luân hồi sinh tử.