Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Mẹ - người xa lạ
Cập nhật: 08/09/2020
Mẹ sinh con ra trong một buổi trưa đầy mưa gió. Giữa trời âm u của đất Sài Gòn, mẹ thuê xích lô tự mình đến bệnh viện phụ sản, bởi vì trong lúc đó ba đang đi làm ăn xa không về kịp…
Mẹ kể lại, con ra đời trong tình trạng sinh non, thiếu tháng, phải nằm lồng kính. Cô hộ lý bế trên tay đứa bé gần hai ký mà ngặt nỗi, nó không chịu khóc như bao đứa trẻ khác, cô phải đánh vào mông để nó khóc lên, cho nó có được hơi thở đầu tiên của cuộc đời. Đứa bé đó chính là con.
Mẹ cũng bảo rằng con có điểm đặc biệt là không chịu uống sữa mẹ. Cứ mỗi lần mẹ đưa bầu sữa đến, là con lại khóc lên và tỏ thái độ “bất hợp tác”. Từ đó, con uống sữa lon, sữa hộp, không hề có một giọt sữa mẹ nào trong người của con. Phải chăng, từ lúc sinh ra đã mặc định rằng con không thể nào được gần gũi bên mẹ?
Ngày con được ba bốn tuổi, con cũng chẳng có cơ hội được nhìn mặt mẹ. Buổi sáng khi con chưa dậy là mẹ đã đi ra chợ bán, buổi tối khi con đã ngủ thì mẹ mới về. Ấy vậy mà mẹ vẫn lo cho con đầy đủ, không thiếu một nhu cầu vật chất nào, để con phải thua thiệt những đứa trẻ khác.
Năm con học lớp một, vì một chuyện gì đó không nghe lời ba mẹ, ba đã chở con ra bờ kênh Nhiêu Lộc và bỏ con ở đó hơn hai tiếng đồng hồ. Ba nói: “Mày lì quá, tao bỏ mày luôn!”. Đến thời gian hè lên lớp ba, vì không chịu nổi sự lì lợm của con được nữa, mẹ đã quyết định đưa con về Nha Trang ở với bà ngoại và mấy dì. Suốt những tháng hè đó, con chỉ được ngủ dưới xó bếp hoặc gầm cầu thang do “bị phạt vì tội cứng đầu”. Tuy thế, không vì vậy mà con phải khóc!
Và con nhớ mãi sự kiện năm con học lớp tám, ba và mẹ đã ly dị nhau. Mẹ bỏ ba mà đi về phương trời mới. Năm đó, cảm xúc trong con khi được quan tòa hỏi là theo ba hay theo mẹ, chỉ là cái trơ lì ra: “Con không theo ai cả!”. Con cực kỳ ghét mẹ lúc ấy và cũng chẳng ưa gì ba. Con ước gì ba mẹ đừng xuất hiện trên đời và cũng đừng sinh con ra, để rồi bỏ mặc con lạc lõng, trơ trọi giữa thế gian này.
Con đã bắt đầu đời sống tự lập chính từ những năm lớp tám ấy. Không cha, không mẹ ở bên, con đã tự mình đi thuê nhà trọ, đi tìm việc làm thêm và tự mua xe đạp để đi học. Mẹ biết không, một vài đứa trong trường biết được gia cảnh nên trêu chọc con là đứa “mồ côi ba, mồ côi mẹ”. Con đã đánh tụi nó và hét thật to: “Tao có ba mẹ đàng hoàng!”. Con cũng không khóc vì điều đó. Con chỉ thấy mình hơi cảm giác cô đơn thôi! Có lẽ, vì con là thằng cứng đầu…
Ngày mẹ bỏ gia đình ra đi, suốt bốn năm con không được gặp lại mẹ. Người ta hỏi con những câu như: “Mẹ mày ở đâu?”, “làm gì?”. Con thật sự không biết, chỉ cười khỉnh và trả lời dứt khoát: “Bả chết rồi”. Con hận mẹ vì đã bỏ ba và tụi con. Con hận mẹ vì đã phá vỡ đi sự hạnh phúc gia đình mà đáng lẽ ra con phải có được như bao nhiêu đứa bạn cùng trang lứa. Mỗi khi thấy tụi nó có ba mẹ đưa đi đón về, con lại khởi lòng ganh tị và tỏ vẻ không thích. Không có ba mẹ ở bên, con từng tính sẽ nghỉ học để đi làm kiếm tiền. Nhưng rồi ý nghĩ đó không thành hiện thực. Vì con đã suy nghĩ lại theo một hướng khác, là cố gắng học thật giỏi để sau này có công việc ổn định rồi, khi đó nếu gặp lại mẹ, con sẽ tỏ thái độ kênh kiệu và tự hào theo kiểu “không có bà tôi vẫn thành công được”.
Rồi bỗng một ngày, con gặp lại mẹ. Bao cảm xúc dâng trào và lẫn lộn, mặc dù trước mặt, con tỏ ra bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Ngày con thưa với mẹ con muốn đi xuất gia, mẹ đã khóc thật nhiều. Mẹ nói rằng mẹ không ngạc nhiên trước quyết định đó của con. Và mẹ bắt đầu kể lại chuyện xưa: “Ngày mẹ mang thai con, mỗi lần lên cơn đau dữ dội là mẹ lại thấy một ông già có râu quai nón với chiếc gậy trên tay, kế bên là có một đứa bé trai kháu khỉnh. Và khi hạ sinh con, mẹ cũng thấy cảnh đó lần nữa. Sau này khi đi chùa Giác Lâm lễ Phật, mẹ mới biết ông già đó là tổ Bồ-đề-đạt-ma. Mẹ rùng mình nổi hết da gà, đem chuyện đó hỏi ông thầy Năm thì được thầy trả lời: “Thằng nhỏ lớn lên sẽ đi tu”. Từ đó, mẹ cũng không biết nên vui hay nên buồn nữa!”.
Câu chuyện của mẹ đã tiếp thêm rất nhiều động lực cho con, giúp con vững tin vào con đường mình đã chọn.
Mẹ ạ! Con viết ra những dòng này không phải khơi lại chuyện cũ để trách cứ gì mẹ đâu, mẹ yên tâm! Trong những năm nay, mùa Tết nào mẹ cũng lên chùa từ đêm ba mươi và ở lại đến hết mùng tám, có khi là đến tận hôm rằm mới về lại nhà. Mẹ nói mẹ lên chùa để làm công quả, kiếm chút phước và được tu tập cùng quý thầy. Nhưng con biết, còn một lý do nữa mà mẹ không nói, đó là… mẹ muốn được ở gần đứa con trai đã xuất gia của mình… Con… hạnh phúc vì điều đó!
Con xin lỗi mẹ vì con đã từng có những ý nghĩ ghét mẹ, hận mẹ. Những lầm lỗi bồng bột của tuổi nhỏ, xin mẹ bỏ qua cho con. Con biết lá thư này con viết ra có lẽ mẹ không đọc được. Nhưng nhân mùa Vu Lan báo hiếu, con muốn bày tỏ từ tận đáy lòng mình những gì mà con đã giấu kín từng ấy năm. Giờ đây, không chỉ mình con biết Phật pháp, mà mẹ cũng đã thấm nhuần giáo pháp của đức Thế Tôn. Con cảm thấy rất vui khi mỗi lần gọi điện hỏi thăm mẹ, đều nghe mẹ nói mẹ đang nghe pháp thầy này, sư kia. Những lúc ấy, mẹ luôn dặn dò con phải luôn nghe lời Sư phụ, sư huynh và khiêm tốn với các sư đệ. “Bát phong xuy bất động” là câu mà hầu như trong lần gọi điện nào mẹ cũng đề cập tới. Tuy con không thể phụng dưỡng cơm nước cho mẹ như bao nhiêu người con khác, nhưng an ủi lớn nhất trong con chính là sự thâm nhập Phật pháp sâu sắc của mẹ. Mẹ hiểu những điều vô thường, vô ngã còn hơn cả con. Phải chăng, cuộc đời sương gió và truân chuyên của mẹ đã giúp ích phần nào cho sự chiêm nghiệm rõ ràng lời Phật dạy của mẹ?
Mẹ! Tiếng gọi thân thương mà con chưa bao giờ có thể gọi một cách “tròn vành rõ chữ”. Mẹ bị căn bệnh tim quái ác hành hạ. Rồi đây, không biết mẹ sẽ sống với đời được bao lâu… Nếu giờ con không viết lá thư này, con sợ không còn cơ hội để viết nữa.
Với các bạn trẻ, xin các bạn đừng bất hiếu như tôi. Mong rằng, đâu đó lỡ như các bạn có nghe được bức thư này, tôi chỉ mong các bạn làm một điều duy nhất, đó là thương yêu cha mẹ hết mình khi còn có thể. Cuộc đời này vô thường và chóng vánh lắm, không thể biết được gì sẽ xảy ra vào ngày mai đâu. Đến khi sự việc xảy ra rồi thì có nuối tiếc, khóc than cũng chẳng thể thay đổi được điều gì nữa.
Nhân mùa Vu Lan báo hiếu DL. 2020, ÂL. 2564, con xin kính chúc đến tất cả mọi người đều được bình an và mạnh khỏe. “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!”.
Cầu mong Tam Bảo gia hộ cho ba mẹ con được nhiều sức khỏe, để có thể hằng ngày tinh tấn trên con được tu học Phật pháp. Kính chúc đại chúng được nhiều an lạc!