Suy Ngẫm

Mất Mát và Con Đường Tâm Linh

Cập nhật: 19/10/2016
Chân lý thứ nhất trong Tứ Diệu Đế: cuộc sống là đau khổ. Tôi nghĩ rằng chúng ta trở thành Phật Tử vì chúng ta đau khổ. Không phải Phật giáo có thể được đơn giản hóa để thành một chương trình tự học đơn giản mà chỉ là trong hoàn cảnh khó khăn, con người ta cảm thấy Phật giáo rất cuốn hút. Và đương nhiên, tất cả chúng ta đều có những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống.
 

Mất Mát và Con Đường Tâm Linh

 

Tôi cho rằng đạo Phật có điều gì đó rất đặc biệt để giúp đỡ con người về phương diện này.

Thiền sư Dogen là một đứa trẻ mồ côi. Ông đã mất cả cha lẫn mẹ khi còn là một đứa trẻ và điều đó khiến ông trở thành một nhà sư nương tựa nơi cửa Phật. Trên giường bệnh, người mẹ đã khuyến khích con mình đi tìm sự giác ngộ và đó là những gì ông đã làm. Khi thấy các vị Thầy Nhật Bản không thể làm thỏa lòng mong ước học hỏi của bản thân, Ngài đã thực hiện một cuộc hành trình gian khổ đến Trung Quốc để thọ giáo với các vị thầy giỏi hơn. Khi trở về Nhật, ông thành lập thiền viện Soto, nơi đã tác động đáng kể đối với lịch sử phát triển Phật giáo.

Thiền Sư Ikkyu không bao giờ biết cha mình là ai. Tôi tự hỏi trong lòng ông có cảm thấy nỗi mất mát đó không. Trẻ em mồ côi luôn có cảm giác mình là kẻ thừa thãi, không ai quan tâm và cũng không ai chào đón. Ông đã từng tìm đến cái chết sau khi một trong những người thầy của mình qua đời.

Và đó cũng là câu chuyện của tôi. Tôi đã mất cả cha mẹ khi còn là một thiếu niên. Tôi bắt đầu trôi lênh đênh theo dòng đời vào năm 19. Đủ tuổi trưởng thành theo luật pháp, nhưng tôi không nghĩ rằng người ta đã đủ lớn ở độ tuổi đó.

Đó là sự đau khổ lớn trong cuộc sống của tôi, nỗi đau của sự mất mát và bất hạnh. Tôi đã học được ý nghĩa của khổ đế và điều này đưa tôi đến với Phật giáo. Đau khổ và con đường thoát khổ, đó là những gì Phật giáo dạy chúng ta, giúp chúng ta ra khỏi khổ đau, và giúp đỡ những người khác thoát khỏi đau khổ.

Không có gì ngạc nhiên khi nói rằng ở phương Tây, Phật giáo thu hút những người mất phương hướng và những người đang gặp khó khăn. Có rất nhiều lý do để đến với đạo và đau khổ chỉ là một trong số những lý do đó, nhưng tôi nghĩ rằng đó là một lý do quan trọng.

Tôi cho rằng đôi khi người ta kỳ vọng nhiều từ chúng tôi bởi vì chúng tôi là Phật tử. Những khi tôi căng thẳng hay mất tự chủ, ai đó sẽ nói, "Tôi nghĩ rằng bạn là Phật tử, không phải sao?" Hoặc " Đó không phải là hành động của người Phật tử! " Tôi cho rằng nhận xét đó không chính xác. Chúng ta đều là con người với những cảm xúc vui buồn của chúng ta.

Tôi bắt đầu dùng thuốc ngủ vì quá căng thẳng trong thời gian ly hôn đến nỗi không thể ngủ được. Mọi người bị sốc khi tôi kể cho họ nghe điều đó. Đôi khi người ta kỳ vọng người Phật tử phải hoàn hảo. Chúng ta không hoàn hảo. Chúng ta chỉ cố gắng sống tốt hết sức mình, cũng giống như mọi người khác.

Phật giáo đôi khi thu hút những người cần sự giúp đỡ và nhạy cảm, giống như tôi. Phật giáo thu hút những trái tim bị đổ vỡ và áp bức.

Hoa sen là một biểu tượng quan trọng trong Phật giáo; đại diện cho sự giác ngộ của chúng ta. Hoa sen vượt lên khỏi nước và bùn để nở hoa xinh đẹp và tinh khiết. Bùn là ảo tưởng và là sự đau khổ của chúng ta. Sự nở hoa là cách chúng ta vượt lên trên tất cả và đạt được Giác ngộ.

Nếu không có bùn, hoa sen không thể nở.

Chúng ta, tất cả chúng ta, đều là những bông hoa sen.

Việt Dịch: Mây Trắng

Daniel Scharpenburg – Patheos

Tin tức liên quan

Không đề
06/06/2021
Bóng mát giữa trời
27/08/2018
Làn gió mát buổi sớm bình minh!
23/08/2018
Vĩnh biệt anh
14/07/2018
Đánh mất tuổi thơ
02/07/2018