Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Giáo Dục
Mang em đến bên Phật
Cập nhật: 19/01/2018
Nhìn những khuôn mặt dễ thương và hiếu kì của các em mà lòng tôi tràn đầy niềm vui và vương vấn một nỗi băn khoăn.
Ngày 14 tháng 1 năm 2018 vừa qua, chùa Hoằng Pháp tiếp tục tổ chức một ngày tu cho các em thiếu nhi với mục đích là đưa các em về bên Phật. Chùa Hoằng Pháp khá thành công trong việc tổ chức những khoá tu cho nhiều tầng lớp Phật tử và ban đầu, khi mới nhìn vào thêm một chương trình tu học nữa cho các em là chuyện khá bình thường. Nhưng chính cái bình thường đó mà những tâm hồn hờ hững không nhìn thấy được cái phi thường ở đằng sau. Điều phi thường đó, đơn giản, chính là các em thiếu nhi mà biết về bên Phật.
Tại sao các em thiếu nhi về bên Phật lại là một điều phi thường? Thứ nhất, các em có thể ít nhiều gì đó biết đến đạo Phật, biết đi chùa, nhưng đa phần các em vẫn hồn nhiên, được ba mẹ cho đến tham dự một khoá tu với tâm hồn của người “sơ tâm cầu đạo", người không có tham muốn, không có trông chờ, người chỉ mang một tâm hồn thuần khiết đến bên chân Phật và tiếp nhận dòng sữa Pháp như mảnh đất màu mỡ được tưới tẩm thêm những hạt mưa an lành. Điều phi thường thứ hai đó chính là các em còn nhỏ mà đã chịu được sự “rèn luyện" để sống trong môi trường Già-lam, nơi mà người ta vẫn thường nghĩ chỉ dành cho những người già và người sắp chết. Các em biết ngồi thiền, biết niệm Phật, biết ngồi yên lặng nghe quý thầy hướng dẫn với sự thực tập chánh niệm của những con người mới vào đạo, đó không phải là điều phi thường sao! Thử hỏi mấy ai làm được như các em. Điều thứ ba đó chính là câu hỏi mà chúng ta luôn vương vấn đó là tại sao còn nhỏ mà các em “phải" tham dự khoá tu như vậy? Hoặc có thể nói rõ hơn đó là: Tại sao chùa Hoằng Pháp lại phải mất công tổ chức ra khoá tu cho các em nhỏ để làm gì, các em có hiểu gì đâu mà nghe giảng? Khi hỏi câu này tôi nhớ lại lời mà Sư Phụ vẫn thường dạy đó là các em nhỏ như một mảnh đất nếu mình biết cách vun xới thì mảnh đất đó sẽ rất màu mỡ và gieo hạt xuống thì sẽ mang đến hoa thơm quả ngọt cho đời. Đó chính là cái phi thường. Là sự nhìn nhận sâu xa của Sư Phụ và chư Tăng, lo lắng cho tương lai của thế hệ trẻ và ngang qua đó gieo những hạt giống thiện lành để cuộc đời luôn được hanh phúc.
Nói như vậy, tôi muốn liên hệ đến tình hình Phật giáo Việt Nam ở Mỹ với những nỗi trăn trở khôn nguôi. Phật giáo ở Mỹ còn rất trẻ. Những trường phái Phật giáo đều chỉ đặt chân lên mảnh đất này khoảng vài chục năm và nhiều nhất là khoảng 100 năm. Phật giáo Việt Nam đến Mỹ sớm nhất là khoảng những năm 1960. Nếu nói về tầng lớp Phật tử thì đa phần là những người Việt sống sau 1975. Số lượng các em nhỏ sinh tại Mỹ đến chùa để tham dự các khoá tu hoặc các ngày lễ cũng rất ít. Hơn hết, khoá tu cho các em cũng còn rất hạn chế. Nếu đi đến các chùa Việt Nam ở Mỹ chúng ta thấy đa phần là các vị lớn tuổi và họ cũng chính là những người hỗ trợ đắc lực cho các chùa trong vấn đề tài chính.
Về việc sinh hoạt thì đa phần các chùa tụng kinh tiếng Việt, đôi khi có tiếng Hán phiên âm. Nếu các em sinh ra ở Mỹ thì trình độ tiếng Việt của các em rất hạn chế, đến việc nói chuyện cũng khó thì làm gì nói đến việc nghe Pháp hay tụng kinh. Cũng có nhiều chùa mở các lớp tiếng Việt riêng cho các em và có một vài nơi có sự sinh hoạt Gia Đình Phật Tử. Có thể nói, những người có trách nhiệm về sự tồn tại và phát triển của Phật giáo đang nỗ lực làm nhiều việc để thu hút các em nhỏ đến chùa. Tuy nhiên, về tương lai gần thì vẫn chưa thấy được có gì đặc sắc. Bởi vậy khi nhìn các em ở chùa Hoằng Pháp sinh hoạt và tìm hiểu Phật pháp bản thân tôi mới cảm thấy vui buồn lẫn lộn.
Vui vì Phật giáo ở Việt Nam ngày càng khởi sắc với sự tiên phong của chùa Hoằng Pháp trong nhiều hoạt động ý nghĩa. Buồn vì không biết chắc tương lai Phật giáo Việt Nam ở Mỹ sẽ đi về đâu khi thế hệ các vị lớn tuổi đi qua. Muốn các em nhỏ ở Mỹ đến chùa cũng không phải khó. Đa phần các bậc phụ huynh đều mong con em mình có một môi trường sinh hoạt tâm linh, hoặc đơn giản chỉ là nơi để các em được tắm mình trong văn hoá người Việt, lưu giữ lại chút gì đó tinh thần và dòng máu Việt trong các em. Nhiệm vụ của các chùa là sẵn sàng mở khoá tu, lớp Phật pháp, hoặc các lớp sinh hoạt cuối tuần cho các em.
Nghe thì đơn giản lắm nhưng khi làm mới thấy có nhiều thử thách. Tuy nhiên, thử thách là để thử lòng người chứ nó không phải là rào cản. Nếu chùa Hoằng Pháp thấy việc tổ chức khoá tu mùa hè là rào cản khó khăn vì chưa ai từng làm thì chắc chắn sẽ không có những khoá tu lan rộng trên phương diện toàn quốc như bây giờ.
Nhìn tấm gương của chùa Hoằng Pháp, tâm nguyện độ sinh quá lớn của chư Tăng, tinh thần phụng sự không ngừng nghỉ của đại chúng, tôi cảm thấy đó là động lực lớn nhất cho bản thân, là sự nhắc nhở thầm lặng, và cũng là trách nhiệm của một người tu sĩ cần phải làm. Có duyên được học ở Mỹ, có duyên được tiếp xúc với chư Tăng và Phật tử ở đây, có duyên được dạy các em nhỏ học, tôi cảm thấy trách nhiệm của mình càng lớn khi làm một hoằng pháp viên, mang sứ mạng cao cả của đức Phật, mang niềm tin của chư Tăng, và mang ơn nghĩa của một người đệ tử đối với Thầy.
Hoằng pháp lợi sinh là một việc khó, nhưng khi nhìn vào hình ảnh các em nhỏ vui cười trong niềm an lạc của giáo Pháp, lòng tôi lại tràn đầy năng lượng và tự hứa với lòng rằng mình sẽ làm được, và nếu quá khó thì tôi luôn nhớ rằng “Người có ý chí phi thường, phải có sức chịu đựng phi thường, mới làm được việc phi thường”.