Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Lửa ngầm trong tâm
Cập nhật: 15/06/2020
Trong kinh Trung Bộ, bài kinh số 21, kinh Ví Dụ Cái Cưa, đức Phật có kể một câu chuyện. Thuở xưa, tại thành Savatthi, có một nữ gia chủ tên là Vedehika có tiếng là người hiền thục, nhu hòa, nhu thuận. Nữ gia chủ có một cô hầu gái tên là Kali, người rất khéo tay, siêng năng và làm việc chu toàn. Một hôm, hầu gái Kali khởi lên ý nghĩ là có thật sự nữ chủ Vedehika là người ôn hòa, không có sân hận, hay vì ta làm mọi công việc quá tốt nên nữ chủ không có điều kiện bộc lộ sự sân hận. Nghĩ như thế, nên cô hầu gái muốn thử nữ chủ của mình.
Sáng hôm sau, Kali thức dậy thật trễ và không hoàn thành các công việc. Thế là nữ chủ Vedehika phẫn nộ, bất mãn và trừng mắt. Kali suy nghĩ như vậy là nữ chủ ta trong tâm còn có sự sân hận, nóng nảy, nhưng do ta trước giờ làm việc tốt nên sự sân hận nóng nảy của nữ chủ không bộc lộ ra bên ngoài. Ngày hôm sau, Kali tiếp tục thử nữ chủ của mình. Nữ chủ Vedehika phẫn nộ, bất mãn và thốt lên những lời bất mãn. Đến ngày thứ ba, Kali tiếp tục dậy trễ và không hoàn thành các công việc được giao. Lúc này, không còn kiềm chế được lòng sân hận nữa, Vedehika lấy cái then cài cửa giáng lên đầu Kali một cái làm cho nữ hầu gái bị bể đầu. Kali chạy ra ngoài kể hết cho những người hàng xóm nghe về việc vừa xảy ra. Từ đó, tiếng đồn tốt đẹp về nữ chủ Vedehika là người hiền thục, nhu thuận và ôn hòa không còn nữa. Thay vào đó, có lời đồn Vedehika là người độc ác, sân hận.
Qua câu chuyện trên, chúng ta đã nhận ra một bài học. Đôi khi chúng ta tự nhận mình là người tu tập tốt, có nhiều tiến bộ trên bước đường tu. Tại sao chúng ta lại có nhận định như vậy? Vì chúng ta thấy rằng, ngày xưa khi chưa biết đến việc tu học Phật pháp, chúng ta thường nổi nóng, hay sân giận, hay có những suy nghĩ, lời nói, hành động không được tốt đẹp. Giờ đây, khi đã biết đến chùa, biết học Phật thì sự sân giận đã giảm đi rất nhiều; lời nói từ hòa hơn, các hành động cử chỉ không còn thô tháo nữa. Chúng ta tự cho rằng mình như vậy đã là tốt lắm rồi, như vậy đã là hoàn hảo rồi, không cần phải tiếp tục cố gắng sửa chữa bản thân thêm nữa. Thật sự thì chúng ta đã lầm.
- Thứ nhất là khi thấy sự sân hận trong tâm mình không còn không phải là vì mình đã hoàn toàn đoạn trừ được tâm sân, mà vì ngay lúc đó không có yếu tố nghịch cảnh tác động vào tâm ta. Ví dụ khi chúng ta đang ngồi trong giảng đường nghe pháp, lúc này không có yếu tố nào tác động vào tâm ta làm cho ta khởi lên lòng giận hờn, ghen tức. Ngược lại, khi bước ra bên ngoài, ta nhìn quanh nhìn quất không thấy đôi dép của mình đâu, biết chắc rằng có người hoặc vô tình hay cố ý đã lấy đôi dép của mình. Đây là lúc có yếu tố nghịch cảnh tác động vào trong tâm mình. Gặp hoàn cảnh này, tùy thuộc vào cách xử lý mà ta biết được khả năng tu tập của mình tới đâu. Nếu tâm sân hận nổi lên, chúng ta chửi người này, mắng người kia thì phải biết rằng trong thời gian qua, chúng ta chưa thật tâm tu hành. Giống như nữ chủ Vedehika, khi hầu gái Kali làm việc tốt thì không sao, ngược lại khi nữ hầu gái lười biếng không chịu làm việc thì cô liền khởi lên lòng sân hận. Cũng có người rơi vào tình huống bị mất dép, trong tâm chỉ thoáng buồn, một chút giận, nhưng không có hành động chửi mắng người khác. Đây là những người có sự thực hành trên bước đường tu.
- Thứ hai là tuy những lời nói thô ác, cử chỉ thô tháo chúng ta không còn phạm phải nữa, thậm chí có người tu tập đến mức độ đã kiểm soát được tâm mình khiến không còn khởi lên những tâm lý bất thiện. Thế nhưng, trong thẳm sâu tâm thức mình, những hạt giống bất thiện vẫn còn nằm đó chưa được đoạn trừ hẳn, và có cơ hội chúng sẽ nẩy mầm lên. Ví như khi có một đám lửa bùng cháy, chúng ta phải cố gắng chú tâm vào việc dập lửa. Khi ngọn lửa đã tắt, chúng ta cũng không được chủ quan, phải moi hết đám tro tàn ở bên dưới xem có còn sót lại tàn lửa nào không. Nếu chúng ta không cẩn thận để sót lại vài tàn lửa không chịu dập tắt, thì có nguy cơ một lúc nào đó ngọn lửa sẽ bùng lên trở lại. Trong tâm con người chúng ta cũng như vậy. Khi thấy thân không còn sát sinh, trộm cướp, tà dâm; miệng không còn nói lời ác khẩu, nói lưỡi đôi chiều, nói lời đâm thọc, ly gián lẫn nhau; tâm ý không còn thường trực khởi lên ý niệm tham, sân, si, chúng ta lại một lần nữa khởi lên tâm tự mãn “mình đã tốt thật rồi”. Nhưng lại một lần nữa, chúng ta lầm. Những hạt giống bất thiện vẫn nằm đó, vẫn nằm sâu trong lòng chúng ta. Nếu chúng ta không biết quán xét để chuyển hóa thì khi nó nẩy mầm, chúng ta phải chịu quả báu khổ đau, giống như không khéo dập tắt những tàn lửa thì nó sẽ bùng lên và đốt cháy mọi thứ.
- Thứ ba là có khi nhiều yếu tố nghịch cảnh khác nhau đến với ta cùng một lúc, có những chuyện chúng ta có thể chuyển hóa để tu tập được, có những chuyện chúng ta vẫn chưa có thể chuyển hóa được. Ví dụ có người đến đánh vào thân thể ta, ta có thể nhẫn nhục vượt qua được vì người đó chỉ tác động vào thân ta. Ngược lại, có người đến chửi mắng mình, hoặc đến gặp người khác nói xấu mình, làm mình mất uy tín, làm mọi người quay lưng không còn tin tưởng vào mình nữa. Khi gặp những nghịch cảnh như vậy, thật lòng chúng ta khó có thể nhẫn chịu được vì họ đã tác động đến tâm của mình. Hoặc là cùng chung một yếu tố nghịch cảnh đó nhưng lại diễn ra trong thời gian dài, chúng ta cũng khó lòng mà nhẫn chịu mãi được. Ví dụ hôm nay có người đến đánh ta một cái, chúng ta còn có thể chịu được. Hôm sau, họ lại đến đánh mình thêm cái nữa. Và rồi mỗi khi gặp mình, họ lại thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với mình. Đến một lúc nào đó không còn chịu nỗi nữa, chúng ta sẽ phản kháng lại. Ví như một giọt nước rơi vào một cái bình rỗng thì không có việc gì, thế nhưng nhiều giọt nước cùng chảy vào thì đến lúc nào đó bình sẽ đầy tràn.
- Thứ tư là con người chúng ta thường hay có tâm lý dễ dãi với bản thân, hay tự biện hộ cho bản thân mình bằng những lý do “lỗi lầm đó chắc không ai biết đâu”, hay “đó là lỗi nhỏ không đáng quan tâm”. Thế nhưng, nhiều cái nhỏ tích hợp lại sẽ thành cái lớn, nhiều lỗi lầm nhỏ hợp lại sẽ thành một lỗi lớn. Lúc đó, chúng ta có ân hận cũng đã muộn màng. Có câu chuyện kể về một cậu bé thích ăn cắp vặt. Lần đầu tiên, cậu ăn cắp một chiếc bút bi. Về nhà, người mẹ không những không la rầy mà còn khen ngợi cậu. Dần dần, cậu lấy những vật lớn hơn đến cuối cùng, khi đã trưởng thành, cậu đi cướp ngân hàng, cậu bị bắt và phán tội tử hình. Đôi khi, chúng ta cũng giống như cậu bé trên, tự cho những lỗi lầm mình phạm là không quan trọng, không đáng lưu tâm. Thế nhưng, đến lúc nào đó khi tội lỗi đã chất chồng, phải lãnh thọ quả báo khổ đau thì chúng ta mới thấy hối hận về những lầm lỗi đã phạm.
Qua câu truyện trong bài kinh Trung Bộ số 21 và các ví dụ vừa qua, chúng ta đã rút ra được bài học là đừng bao giờ chủ quan, tự thấy mình tu tập đã giỏi, đã có nhiều tiến bộ mà quên đi việc thường xuyên quán chiếu, nhìn lại tâm mình, nhìn lại lời nói, hành động của mình. Nhờ thường xuyên phản quan tự kỷ nên khi thấy những tâm niệm bất thiện khởi lên, chúng ta liền có thể chuyển hóa chúng thành những tâm niệm thiện. Có vậy, trên bước đường tu, chúng ta mới gặt hái được nhiều lợi ích và đạt được nhiều an lạc, hạnh phúc.