Bài viết

Lòng trắc ẩn

Cập nhật: 27/03/2021
 

Lòng trắc ẩn

 

Ông lão bước lặng lẽ trên con đường không một bóng người. Miền Bắc Virginia vào cuối đông thời tiết thật khắc nghiệt. Từng cơn gió bấc lạnh buốt thổi xuyên qua tấm áo choàng khoác ngoài của ông lão. Bộ râu còm cõi của ông đã bị đông cứng lại bởi sương giá trong đêm. Dòng sông chảy xiết trước mặt khiến cuộc hành trình về nhà bị chậm lại. Giờ ông chỉ còn biết đứng đó chờ đợi một phép mầu, hy vọng một ai đó sẽ xuất hiện với phương tiện thích hợp, cho phép ông được đi nhờ sang bên kia sông.

Bỗng từ xa tiếng vó ngựa vang lại đều đặn, âm thanh mỗi lúc một gần. Ông đưa mắt nhìn đoàn kỵ sĩ phi nhanh về phía mình trên những con tuấn mã. Đoàn người lần lượt rẽ quanh khúc quanh, rồi lướt qua trước mặt ông lão, từng người một. Một người, hai người, ba người… đã đi qua. Ông lão đứng bất động như một bức tượng thần, thất vọng nhìn từng kỵ sĩ lướt qua nhanh. Khi người cuối cùng đến gần, ông nhìn thẳng vào mắt anh ta rồi nói:

  • Dòng nước chảy xiết quá, anh có thể cho lão già khốn khổ này đi nhờ qua bên kia sông được không? Hình như đây là con đường duy nhất, tôi chẳng thể nào đi bộ băng qua dòng nước trong cái lạnh cắt da này.

Chàng kỵ sĩ ghìm lại dây cương, đáp:

  • Đương nhiên rồi thưa ông! Mời ông lên đây đi cùng tôi.

Nhìn thấy dáng người gầy yếu đã bị cái lạnh làm đông cứng cơ thể, không thể nào tự mình trèo lên lưng ngựa. Chàng kỵ sĩ bước xuống rồi giúp đỡ ông trước khi tiếp tục chuyến đi. Chàng kỵ sĩ tốt bụng không chỉ giúp ông sang sông mà còn đưa về tận nhà cách đó vài dặm đường.

Đến căn nhà nhỏ có ánh đèn ấm áp của ông lão, cầm tách cà phê đang bốc khói, chàng kỵ sĩ tò mò hỏi:

  • Lúc nãy, tôi thấy nhiều vị đi trước đã cưỡi ngựa qua mà sao ông không lên tiếng hỏi họ cho đi nhờ? Tại sao ông phải đợi đến người cuối cùng là tôi mới ra hiệu xin quá giang? Giữa đêm đông giá buốt thế này, nếu như tôi không dừng lại hay từ chối lời đề nghị giúp đỡ, ông phải làm như thế nào? Có khi cái lạnh sẽ khiến cho ông chết cóng đấy!

Ông lão điềm tĩnh trả lời:

  • Ta đã già rồi, bao nhiêu năm sống ở đời phần nào giúp ta có được chút kinh nghiệm khi đối diện trước một người nào đó. Nhìn vào đôi mắt của những chàng kỵ sĩ khác, ta không thấy được sự cảm thông và quan tâm đến hoàn cảnh của ta lúc đó. Đôi khi, sự đề nghị giúp đỡ chỉ mất công và trở nên vô nghĩa. Nhưng khi nhìn thấy anh, ta có được sự tin cậy, cảm nhận lòng nhân hậu và tốt bụng biểu lộ rất rõ ràng. Chỉ có những người biết rung cảm trước sự khó khăn và khổ đau của người khác mới sẵn sàng ra tay giúp đỡ. Kinh nghiệm sống cho ta biết, anh là một người như thế.

Những lời nói chân thành của ông lão để lại cho chàng kỵ sĩ niềm xúc động sâu sắc. Anh đáp:

- Thật biết ơn những gì ông vừa nói!

Anh nói tiếp với người bạn đường thoáng chốc của mình:

  • Tôi mong rằng trong tương lai, mình sẽ không bao giờ vì quá bận rộn với công việc mà đánh mất tấm lòng nhân ái và trắc ẩn, từ chối việc giúp đỡ người khác một cách chân thành.

Sau cuộc trò chuyện, chàng kỵ sĩ quay ngựa tiếp tục cuộc hành trình đến Nhà Trắng. Chàng kỵ sĩ ấy chính là tổng thống đời thứ ba của Hoa Kỳ, Thomas Jefferson. Vị tổng thống được lịch sử ghi nhận như là một trong những người cha sáng lập vĩ đại của Hợp Chủng quốc, khi ông có công mua lại bang Louisiana từ Pháp. Thomas Jefferson cũng là người viết ra bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, một trong những bản tuyên ngôn nhân quyền vĩ đại của nhân loại.

Lời bàn:

  • Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: Sống trên đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi... Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người. Còn cuộc đời ta cứ vui…

Trong những lần vội vã, khi mệt nhọc hay gặp phải khó khăn, vì vô tình hoặc cố ý mà chúng ta đã đi lướt qua những mảnh đời cần lắm một bàn tay giúp đỡ. Các phương tiện truyền thông thường đưa những bản tin lên án sự dối gạt, lừa lọc, phản trắc. Từ đó, lòng người mỗi ngày thêm chai sạn, khô cứng. Ý niệm đồng cảm và sẻ chia dần dần bị nhạt nhòa bởi một vài cá nhân lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi. Qua vài lần va vấp, bị lừa gạt, chúng ta thường e ngại mở lòng mình ra để yêu thương và giúp đỡ. Người ta sợ dối gian nên đành thờ ơ. Người ta sợ giả dối nên đành vô cảm. Không trách được, chỉ cảm thấy buồn và thương! Nhân loại sẽ ra sao khi cuộc đời thiếu vắng lòng trắc ẩn? Người mạnh khi ấy sẽ không còn biết dừng lại, nhìn xuống những mảnh đời để nâng đỡ và dắt dìu kẻ yếu. Người giàu sẽ không còn nghĩ về những phận đời cùng khổ, tứ cố vô thân.

Ai trong chúng ta cũng có cơ hội để trở thành những nhà lãnh đạo. Khi chúng ta còn đi học thì làm Tổ trưởng hay Lớp Trưởng, lớn lên đi làm trở thành những nhóm trưởng hay Trưởng phòng, Giám đốc, Chủ tịch tập đoàn… Người đi theo con đường chính trị sẽ giữ những chức vị cao trong xã hội, có trách nhiệm và tầm ảnh hưởng hơn với nhiều người, hay đơn giản nhất là những ông bố, bà mẹ làm trụ cột gia đình... Tất cả đều là lãnh đạo. Nhưng có ai biết rằng, yếu tố hay phẩm chất cần thiết của một người lãnh đạo không phải là giỏi tổ chức hay ngoại giao tốt, mà đó chính là có lòng trắc ẩn, tâm bao dung, biết thương người. Tâm người đủ rộng mới có thể yêu thương, quan tâm và giúp đỡ người khác, biết buông xả những vụng về, sai trái và lỗi lầm của người. Tình thương chân thật sẽ cảm hóa được lòng người, kết nối những cá nhân xích lại gần nhau, cùng vui vẻ học tập, làm việc và tự nguyện cống hiến.  

Kính Đức

Tin tức liên quan

Tâm Từ Bi Và Tâm Hoan Hỷ
20/09/2023
Những con người cống hiến thầm lặng
19/09/2023
Cảm nhận đêm Hoa đăng kỉ niệm khóa tu Phật thất lần thứ 100 tại chùa Hoằng Pháp
18/09/2023
Tâm Xả Vô Lượng
06/09/2023
Thấp thoáng Vu Lan
20/08/2023