Trong Nước

Lòng tin

Cập nhật: 12/06/2018
Con người sống trên đời thường mong ước có được nhiều thứ như tài sản, danh vọng, hạnh phúc v.v... Thế nhưng, khi được hỏi trong những thứ ấy, cái nào là tối thượng thì đa phần đều lúng túng, vì mong ước của con người vốn vô hạn, không có điểm dừng. Người yêu thích tài sản thì cho tài sản là tối thượng, người yêu thích danh vọng thì nói danh vọng là tối thượng, người thiên về tình yêu thì sẽ xem tình yêu là tối thượng. Vậy, tùy vào sở thích, mong muốn của từng người mà họ cho cái họ thích là tối thượng. Nhưng ai chín chắn và bình tâm thì trả lời rằng: “Những gì đáp ứng được nhu cầu cần thiết nhất trong hiện tại là điều tối thượng nhất”.
 

Lòng tin

 

Trong các thứ tài sản, theo tuệ giác của đức Thế Tôn thì “lòng tin” là tối thượng. Quan niệm này đối với phần lớn chúng ta đều thấy lạ lẫm nhưng nếu lắng lòng chiêm nghiệm lời Phật dạy thì ta thấy tài sản chỉ là cái đến sau, là kết quả của lòng tin. Trong kinh Hoa Nghiêm có dạy: “Lòng tin là cửa ngõ nhập đạo, là mẹ của công đức, có khả năng nuôi lớn các căn lành”.

Và niềm tin trong đạo Phật là niềm tin trên cơ sở hiểu biết, trí tuệ.

 Đức Phật đã dạy:

“Này người Kalama, chớ có tin điều gì chỉ vì được nghe điều đó nhiều lần; chớ có tin chỉ vì đó là truyền thống; chớ có tin chỉ vì đó là lời đồn đại; chớ có tin chỉ vì điều đó đúng với sách vở hay kinh điển truyền tụng; chớ có tin chỉ vì nó nghe có vẻ hợp lý; chớ có tin chỉ vì điều đó phù hợp với một hệ thống triết lý, tư tưởng; chớ có tin chỉ vì lý luận logic và suy diễn; chớ có tin chỉ vì điều đó phù hợp với quan điểm của mình; chớ có tin chỉ vì người nói điều đó có vẻ là người đáng tin; chớ có tin chỉ vì người đó là thầy của mình.

Nhưng này người Kalama, khi nào các con tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này được người có trí tán thán; các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc. Thời này người Kalama, hãy chứng đạt và an trú! (Kinh Kalama – Tăng Chi Bộ).

Niềm tin của người Phật tử là tin tuyệt đối vào Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng):

- Tin Phật: là tin rằng, Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn về ba phương diện (tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn). Có trí tuệ và phương tiện thiện xảo, đức Phật có thể chỉ dạy chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi, đạt đến an lạc, cứu cánh Niết bàn.

- Tin Pháp: là tin những lời dạy của đức Phật là chân lý mà Ngài đã thân chứng, là phương pháp diệt khổ, là con đường đưa đến an lạc, giải thoát.

- Tin Tăng: là tin vào đoàn thể chúng Tỷ-kheo là những con người phạm hạnh tiếp bước chư Phật đi trên con đường giác ngộ giải thoát và hoằng pháp độ sinh.

Chúng ta, người Phật tử đến với đạo Phật không phải để cầu xin, không phải để nương tựa thần quyền. Niềm tin trong đạo Phật hướng về những điều mà đức Phật đã giác ngộ, đó là duyên sinh, nhân quả nghiệp báu, là vô thường - khổ - vô ngã... Nếu xây dựng niềm tin không vững chắc, hoặc niềm tin có được trên cơ sở nhận thức cảm tính mà không xuất phát từ trí tuệ, từ kinh nghiệm thực tiễn thì sớm muộn niềm tin ấy cũng bị đổ vỡ. Người ta dễ dàng bỏ đạo, thay đổi thái độ, quan điểm cũng chỉ vì niềm tin không kiên cố. Từ đó, dễ dàng bị lôi cuốn, chạy theo tà đạo, rơi vào mê tín dị đoan, làm điều tà mị.

Ngoài ra, một lòng tin hết sức quan trọng nữa là lòng tin vào bản thân. Đây là niềm tin căn bản không thể thiếu đối với mỗi chúng ta. Chính niềm tin là nhựa sống, động lực thúc đẩy chúng ta nỗ lực hoàn thiện bản thân và đạt được những thành công trong cuộc sống. Câu chuyện những con voi to lớn bị trói buộc bởi sợi dây thừng bé xíu ở chân; không xiềng xích, cũng chẳng có chuồng giam. Rõ ràng là, vào bất cứ lúc nào, những con voi to lớn cũng có thể dựt đứt sợi dây thừng nhỏ để chạy thoát. Nhưng vì lúc nhỏ chỉ cần buộc chúng bằng một sợi dây nhỏ, như thế là đủ để giữ chúng. Khi lớn lên, lũ voi vẫn tiếp tục tin rằng chúng không thể thoát khỏi sợi dây nhỏ đó. Chúng cho rằng lúc này sợi dây thừng vẫn có thể trói buộc mình, nên chẳng bao giờ cố tìm cách thoát cả.

Giống như đám voi kia, có bao nhiêu người trong chúng ta sống trên đời với ý niệm rằng mình không thể làm điều gì đó, đơn giản chỉ vì trong quá khứ, ta đã từng thất bại việc đó một lần? Thất bại chỉ là một phần của hành trình học hỏi. Thất bại sẽ khiến chúng ta trưởng thành, cứng cáp hơn. Đừng vội từ bỏ trước những khắc nghiệt của cuộc sống này. Chỉ cần bạn tin tưởng vào bản thân, giữ vững niềm tin rằng mình có thể, bạn sẽ làm được.

Đức Phật đã dạy :

“Hãy thắp sáng ngọn đèn của chính mình, hãy là ngọn đèn của chính mình. Đi tìm trí tuệ của bản thân. Hãy thức dậy, hành trì chánh pháp. Chuyên chú vào nội tâm, tự trở về quy y nơi chính mình. Đừng nương vào một ai khác. Hết thảy đều vô thường, hãy an trú vững chãi giữa mọi thay đổi. Tinh tấn tu hành, không bao giờ bỏ cuộc”.

Pháp Nguyên

Tin tức liên quan

Du Xuân Hoằng Pháp 2021
09/02/2021
Giới thiệu ấn phẩm mới: Chặng Đường 10 Năm Hoa Đăng Phật Thành Đạo
19/01/2021
Có nên dựng tượng Alexandre de Rhodes?
04/12/2019
Tha thứ
18/07/2018
Bi kịch tình yêu
25/06/2018