Bài viết

Lời Phật nói

Cập nhật: 22/11/2018
Tôi được thừa hưởng sự giáo dục căn bản trong đạo Phật qua lăng kính của truyền thống Đại thừa. Những năm đầu trong cuộc đời xuất gia, kinh điển và những lời của chư Tổ sư đều thấm nhuần giáo lý cao siêu mà một phàm phu như tôi khó lòng hiểu hết. Đạo Phật Đại thừa đã mang lại cho tôi cái nhìn xa hơn trên phương diện thực tập cho bản thân. Tư tưởng Bồ-tát mang lại cho tôi sự khích lệ lớn với niềm tin rằng những gì Phật và Bồ-tát làm được thì bản thân tôi cũng có thể làm được. Tôi đã từng tự tin như thế!
 

Lời Phật nói

 

Tôi có được cơ hội du học Thái Lan để tìm hiểu và mở rộng thêm kiến thức bản thân về sự tồn tại và phát triển của những truyền thống Phật giáo khác. Thái Lan là một trong những cái nôi của đạo Phật Nguyên thuỷ. Tôi cứ nghĩ bản thân là một người được trang bị đầy đủ kiến thức về đạo Phật Đại thừa thì sẽ chẳng dễ gì bị “lung lay” với những tư tưởng và truyền thừa khác. Bản thân tôi tìm đến các truyền thống khác đơn giản để khám phá và học hỏi, tự nói rằng đến với họ bằng sự mở rộng trái tim và mong rằng những điều mình đã học sẽ được tái khẳng định là mình đang đi đúng đường.

Có thể do chưa có sự vững chãi trong việc thực tập nên khi tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng bản thân tôi bị “lung lay” trong suy nghĩ cũng như trong việc thực hành. Cũng có thể con đường mình đã đi, pháp môn mình đã chọn chưa phù hợp với căn cơ nên khi học hỏi phương pháp mới mình dễ dàng từ bỏ cái cũ. Cũng còn có thể bản thân đang chơi vơi giữa hai dòng lớn nhỏ, đúng sai, có không, nên sự chọn lựa một con đường đi mới vẫn còn mơ hồ, miên mang. Hay là cứ để cửa con tim rộng mở thêm một thời gian, “thử” thêm một vài phương pháp xem căn cơ sẽ đưa mình đi đến đâu. Vậy là tiếp tục thử.

Đến Mỹ, tôi tiếp tục “va chạm” với nhiều luồng tư tưởng mà chúng không còn chỉ đơn thuần gói gọn trong một tôn giáo. Tôi tự hỏi, tại sao người ta có thể thực sự tin vào những điều khó có thực đến vậy. Tôi nghĩ chắc chắn họ đã tìm được ý nghĩa gì đó nên mới ôm chặt cái triết lý vốn dĩ khó tin đối với kẻ bên ngoài như tôi. Tuy nhiên, một người bên trong, bên trong đạo Phật, tôi vẫn còn đang ngẩn ngơ trước nhiều con đường mà việc chọn cho mình một hướng thật là khó, huống gì là nói đến việc tiếp tục bước đi. Hay tôi cứ chọn đại một hướng để đi, cứ ngu ngơ quên đi những nghi vấn do nền giáo dục hàn lâm mang đến, để thực tập cho sự chuyển hoá của bản thân. Như vậy thì sai với lời Phật dạy quá!

Người ta dễ dàng từ bỏ một thứ để theo đuổi thứ khác bắt nguồn từ hai nguyên nhân. Một là vì họ có một trái tim rộng mở, sẵn sàng nhận thấy cái sai để đi tìm cái đúng. Hai là họ chẳng thấy rõ ràng đâu đúng, đâu sai, hễ nghe ai nói hay, hễ đại chúng làm gì là họ sẽ sẵn sàng bỏ đi những giá trị chân thực mà họ chưa thực sự khám phá hết. Tôi chẳng biết bản thân thuộc vào nhóm nào nữa, bởi vì tôi vẫn còn trên con đường đi tìm đến một phương pháp phù hợp nhất cho mình. Có một thứ nào trên đời này gọi là “phương pháp phù hợp nhất” không nhỉ?

Mỗi chúng ta đều có khả năng nhận định và đưa ra những ý kiến khiến bản thân phải phục tùng. Đôi khi những ý kiến đó không thực sự xuất phát từ ý muốn chính đáng của mình mà chỉ vì đám đông làm sao thì mình làm vậy. Và nếu như thế thì lập trường là một điều gì đó xa vời và đắt đỏ quá. Nếu chúng ta không hiểu hết toàn bộ hiện tượng mà chỉ nắm bắt một vài yếu tố để quyết định cho bất kì vấn đề gì trong cuộc sống thì quả thật tội nghiệp. Ý kiến và quyết định của mình phải thực sự nằm trên giá trị của một thời gian suy nghĩ và cân nhắc cẩn thận mới mang lại ý nghĩa. Đừng chỉ nên thấy mặt nổi của một vấn đề để rồi dùng nó đánh giá những điều xung quanh và cho rằng chỉ có ta thấy cái đúng, cái hay, cái thực.

Phật đưa ra 84000 pháp môn có phải là một bài toán hóc búa để chúng ta tự tìm ra “một” lời giải đáp riêng cho bản thân? Lấy một trong 84000 thì có quá khó không? Chọn Nguyên thuỷ vì cho đó là “cái một” của mình có phải là lời giải đáp cho bài toán này. Mình hiểu bao nhiêu về Đại thừa để đưa ra nhận đình rằng đó không phải lời Phật nói. “Lời Phật nói”? Ba chữ này nghe có vẽ dễ hiểu và cũng dễ hiểu lầm. Lời Phật nói là lời gì? Là ngôn ngữ Phật sử dụng để nói hay những lời được ghi chép trong kinh điển? Phật đâu phải là người sử dụng ngôn ngữ Pali hay Phạn, Phật cũng không ghi lại những lời Ngài nói. Vậy từ đâu chúng ta có quan niệm chỉ có “lời Phật nói” mới là điều cần quan tâm. Vậy lời sư Tổ, Thầy, và những vị tiền bối không còn quan trọng nữa sao?

Có lẽ tôi suy nghĩ lan man quá nên không biết phân biệt đâu đúng đâu sai. Tôi cũng sẽ sẵn sàng chấp nhận những cái sai của bản thân để học thêm nhiều cái đúng. Nhưng tôi nghĩ chính trong kinh điển, kinh Nguyên thuỷ cũng như Đại thừa, chúng ta cũng chẳng thể nào biết được điều gì là lời Phật, điều gì được thêm vào bởi những vị Tổ tu chứng. Điều chúng ta biết chắc có thể sẽ được biểu hiện bằng chính thành quả của sự tu tập mà mỗi người chiêm nghiệm.

Nhìn Bát chánh đạo là con đường mà Phật dạy và nếu thực tập thì ta sẽ có được an lạc cho bản thân là cái nhìn chân chính, là người biết và hiểu lời Phật dạy. Tu niệm Phật dẫn đến sự nhất tâm bất loạn, mang lại sự an lạc cho bản thân, đi đứng nằm ngồi đều toả ra sự yên bình chính là đang sống trong Bát chánh đạo và cũng là người tu theo Phật chân chính. Tu thiền, tụng kinh, lạy Phật, đều là những phương pháp có thể mang lại giải thoát và đều bắt nguồn từ tám con đường chân chính. Vậy, Tiểu thừa hay Đại thừa còn có gì quan trọng nữa! Chê bai làm chi để rước thêm nghiệp xấu vào thân.

Tôi nghĩ cái đúng “duy nhất” mà chúng ta có thể chấp nhận chính là sự chấp nhận cái đúng của mỗi pháp môn tu tập. Nếu chúng ta cứ khư khư cho mình là đúng, là theo dấu chân Phật thì chúng ta chỉ thấy pháp một phần mà thôi. Dấu chân Phật hơn hai ngàn năm nay chắc cũng phần nào bị gió bụi thời gian làm phai mờ rồi chứ nhỉ! Nếu chúng ta thực sự tin rằng chỉ có mình đặt đúng vào dấu chân ấy thì chỉ xin nhớ rằng quy luật vô thường và vô chấp vẫn mãi là bài pháp muôn thuở vẫn còn vang vọng đâu đây!

Tâm Tiến

Tin tức liên quan

KÍNH TRI ÂN Sư Ông NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11!
19/11/2022
T H A Y Đ Ổ I
19/11/2022
Gõ trái tim
18/11/2022
Tiếng khóc
17/11/2022
Chuyến đi vội vàng
16/11/2022