
Lỗi hẹn
Đi viện, anh thấy mình ngộ ra được nhiều điều lắm. Em đi đường nhớ đội mũ bảo hiểm cẩn thận nha, đội cẩn thận và đừng đi quá 30km/h trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Dạo này, đi bệnh viện Việt Đức anh hay gặp nhiều trường hợp không còn phân biệt được mắt mũi mồm theo đúng nghĩa đen nữa. Hôm trước, ở viện anh nghĩ có một chuyện mà anh sẽ nhớ mãi, hoặc đơn giản anh là người mới nên hay nhạy cảm.
Có một cậu cũng sinh viên năm nhất như em, cao ráo đẹp trai lắm, tai nạn xe máy, thế là… Các cô dì chú bác đứng ngoài khóc nức nở, kéo áo bác sĩ bảo cứu. Nhưng mà bọn anh biết não chết rồi, cứu thế nào được. Cậu ấy chỉ đội cái mũ bảo hiểm rẻ tiền kiểu mình hay đội, rồi mài mặt xuống đất, xuất huyết não. Máu nó cứ chèn ép các thứ làm não xưng phù lên, não mất chức năng dẫn đến chết não, mặc dù tim vẫn đập, phổi vẫn thở tốt. Nhưng… Lúc bác sĩ thông báo, mấy ông chú ông bác nước mắt cứ trào ra, rồi họ ra ngoài giữ mẹ bệnh nhân lại không cho vào, còn mỗi ông bố đứng trong đấy nắm lấy tay thằng con. Bác ấy khóc không được, nhìn nó một lúc rồi vã vào cái miệng nó nhè nhẹ. Bác ấy nói: “Dậy đi con, dậy đi về với bố!”. Bác quay sang nói với anh: “Thế nó không dậy nữa à?”. Rồi bác dựa vào tường, chẳng nói gì nữa. Họ đưa thằng bé về.
Giờ kể lại cho em chẳng thấy hay gì cả, nhưng mà lúc đứng đấy cảm giác nó đau lắm em ạ. Anh thấy cuộc sống thật mong manh, hôm nay khoẻ mạnh thế này nhưng chẳng biết mai thế nào. Cho nên mình hãy tự vấn: “Mình đã sống cho thật tốt chưa? Mai có vấn đề gì, liệu mình có ân hận không?”. Khá là day dứt. Thế là từ hôm đấy đến hôm nay, anh không dám phóng xe máy quá 30km/h. Người chết an lành, chỉ tội cho người sống. Bác ấy còn bảo: “Thế đấy cháu ạ, nuôi con gần hai mươi năm, hôm nay nó xin đi chơi với bạn, thế mà nó không về nữa cháu ạ”. Anh lấy ống nghe đưa cho bác ý bảo nghe tim nó lần cuối nhưng bác ý không muốn nghe.
Từ lần đến bệnh viện tới giờ, anh gặp bốn năm ca tử vong rồi, nhưng chưa ca nào làm anh thấy suy nghĩ như thế. Cả đời bươn chải tiền bạc bán rẻ sức khoẻ, rồi tiền có cứu được không? Trước cái chết, mọi thứ vô nghĩa lắm. Anh cũng nhận ra những lúc như thế không thấy đám bạn đâu, quanh mình chỉ có gia đình và vài thằng sinh viên y, cũng chẳng thấy bóng dáng người yêu đâu, chắc là không đến kịp hoặc sợ quá không đến. Vậy mình có dành thời gian cho gia đình để xứng đáng hơn không? Anh cũng đang suy nghĩ về chuyện đó…
Sau khi đọc xong bài viết mà anh gởi, tôi tự nghĩ:
Có bao giờ chúng ta tự hỏi, sau khi mình chết mọi thứ sẽ ra sao?
Có bao giờ mình nhìn lại, ta đã chuẩn bị gì để về bên kia thế giới?
Một sự thật rất phũ phàng mà ai cũng phải chấp nhận là chúng ta rồi sẽ chết. Cái chết đến bất kỳ lúc nào, có thể là năm tới, có thể là tháng sau, có thể là ngày mai, có thể là một lúc nữa thôi khi ta dắt xe ra đường để đi làm, đi học, đi chợ, đi chơi… Mình lên kế hoạch cho tương lai, hoạch định những dự án, sắp xếp mọi việc. Chúng ta chuẩn bị mọi thứ, nhưng có bao giờ dành thời gian chuẩn bị cho cái chết. Nghe có vẻ bẽ bàng nhưng đó là sự thật, nhưng có bao nhiêu người kinh cảm về điều ấy.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài hát của ông có một câu rất hay: “Cuộc đời có bao năm mà hững hờ”. Thật vậy, đôi khi ta quá hững hờ với người xung quanh và cả với chính mình, nếu không thờ ơ như thế thì có lẽ cách sống của ta sẽ khác đi nhiều lắm. Tôi có một vài người quen, thỉnh thoảng rủ họ đi làm phước hay đến chùa tu tập thì thường nghe một câu rất quen: “Dạo này tôi bận lắm, tranh thủ còn làm được thì làm kiếm chút đỉnh, mai này về già có cái dùng đổi gió trở trời, đợi lúc có tuổi, rảnh rỗi rồi làm phước hay tu tập cũng không muộn”. Tôi không có ý phản bác gì về điều ấy, nhưng bỗng nhiên tôi tự hỏi: “Có chắc sống được đến già không?”. Làm thì cứ làm, vì không làm thì lấy tiền đâu để chi cho các nhu cầu cuộc sống, nhưng dành chút thời gian để lo cho hậu vận của mình có phải tốt hơn không, kẻo đến lúc nào đó không làm gì được hay không còn cơ hội rồi hối tiếc.
Sư huynh có kể cho tôi nghe chuyện anh về quê gặp bà bác họ mà tôi cười ra nước mắt. Bác nay năm gần 70, anh rủ bác lên chùa ở ít ngày với anh thì bác nói: “Thấy mấy đứa nhỏ đi làm tội lắm thầy ạ, nên thôi tôi ở đây trông nhà và chăm cháu cho tụi nó an tâm”. Sư huynh có tính hay đùa nên nói nửa chơi nửa thật: “Vậy cũng tốt, thôi mấy ngày nữa bác mua cái hòm để bên hông nhà, khi nào mệt thì chui vào trong đó nghỉ ngơi, khoẻ lại ra trông cháu tiếp nhé!”. Chúng ta rất thường hay “hẹn” khi lên kế hoạch làm một việc gì đó, nhưng cũng đã nhiều lần chúng ta “lỡ chuyến đò ngang” vì thói quen khất lại chờ dịp khác. Chính bản thân người viết cũng đã có lần phải rơi vào hụt hẫng khi hẹn gặp một người.
Vài năm trước, tôi được một thầy giáo dạy kèm tiếng Anh, thầy trò chúng tôi rất hợp nhau, hay chia sẻ cho nhau về nhiều điều trong cuộc sống. Tôi rất thích tính cách điềm đạm của thầy, đặc biệt là tấm lòng hào sảng và nhiệt tâm trong công việc. Bẵng đi một thời gian, tôi không còn học thầy nhưng vẫn nhớ và biết ơn về những điều thầy truyền đạt cho mình, tôi cứ hẹn là nhất định phải sắp xếp gặp thầy để trò chuyện, thế mà hai năm trôi qua tôi lại không đến nhà thầy vì thói quen “hẹn rồi lại quên”. Một ngày nghe người ta báo lại: “Thầy mất rồi!”. Đến viếng tang thầy, tôi nghe cô kể lại là thầy cứ mong gặp tôi để trò chuyện và hỏi một vài điều, mà chờ hoài không thấy tôi tới. Nay thầy đã đi rồi. Giọng cô nhẹ lắm, nhưng lòng tôi bỗng nặng lạ lùng.
Chúng ta hay hẹn: “Ngày mai mình gọi điện về nhà hỏi thăm ba mẹ”, nhưng có khi tuần sau mình chưa gọi vì bận việc này việc khác rồi quên. Chúng ta sắp xếp một cuộc vui với đứa bạn cùng khổ thời sinh viên nhưng sau bao nhiêu tháng mà hai đứa chưa đặt được cái lịch cho nhau. Chúng ta hẹn nhiều lắm: Khi có tiền sẽ lo cho ba mẹ, khi mua được nhà sẽ dành thời gian nhiều hơn để chăm sóc con cái, khi có điều kiện sẽ quan tâm nhiều hơn đến anh chị em… Nhưng “cái muốn” và “cái thích” của con người ta có bao giờ đủ, và đến một lúc nào đó cơ hội chăm sóc người thân hay gặp gỡ, trò chuyện với những người thương sẽ không còn. Chỉ vì một nỗi: chúng ta quá hững hờ và hay hò hẹn, thế nên ta đánh mất mình trong công việc, trong những thú vui hay cho những đam mê và mục đích mà mình đang hướng đến.
Trong chú giải kinh Đại Bát Niết Bàn có một câu chuyện mà khi đọc đến, có người thấy tức cười nhưng có người sẽ kinh cảm:
Chư Thiên các cõi trời có tuổi thọ rất lâu, cõi trời dục giới gần cõi nhân loại nhất là Tứ Thiên Vương có tuổi thọ bằng 9 triệu năm cõi người (vì một ngày một đêm ở cõi này bằng 50 năm cõi người), còn chúng sanh có tuổi thọ lâu nhất trong Tam giới là cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, với thời gian là 84000 đại kiếp.
Có những vị thiên tên là Varavarana có thọ mạng rất dài. Khi Bồ-tát Tusita sắp từ cung trời Đâu Suất giáng sanh vào lòng hoàng hậu Mada, các vị thiên rất vui mừng, một số vị thần canh gác cõi trần gian đã tuyên bố: “Này chư hiền hữu, một ngàn năm nữa đức Phật sẽ xuất hiện trên thế gian kể từ hôm nay”. Họ bắt đầu ngồi kết tràng hoa và nghĩ rằng: “Khi nào Thái tử chào đời mình sẽ đến cúng dường tràng hoa”. Trong lúc đang làm họ lại nghe tiếp: “Bồ-tát đã nhập vào thai mẹ rồi, các vị nhanh tay lên nhé!”. Khi nghe người ta thông báo: “Bồ-tát đã chào đời rồi, các vị đang kết tràng hoa cho ai vậy”. Những vị thiên Varavarana này mới trả lời: “Tràng hoa vẫn chưa xong, nhưng chúng tôi sẽ cúng dường nó vào ngày vĩ đại nhất, ngày ngài xuất ly thế gian để tìm đạo”. Khi hay tin ngài đã từ giã hoàng cung để xuất gia sau hai mươi chín năm sống đời thế tục, các vị thiên lại nghĩ: “Chúng tôi sẽ đi đảnh lễ ngài vào ngày ngài giác ngộ dưới cội bồ đề”. Sáu năm trôi qua, sau những nỗ lực bằng chính tự thân, Bồ-tát Tất-đạt-đa thành đạo, những vị thiên nghe các thiện thần thông báo cho nhau nghe điều đó thì suy nghĩ: “Mình sẽ đi thăm Thế Tôn vào ngày ngài chuyển pháp luân”. Và cứ thế, họ hẹn lần hẹn lựa: “Ta sẽ cúng dường vòng hoa cho Phật khi ngài hiển hiện song thông để cảm hoá ngoại đạo, ta sẽ gặp ngài khi Phật trở về nhân loại sau ba tháng thuyết giảng A-tỳ-đàm để hoá độ thân mẫu từ cõi trời Đao Lợi”. Khi nghe các vị trời nói với nhau rằng: “Hôm nay Thế Tôn đã tuyên bố xả bỏ thọ hành”, họ nghĩ: “Tràng hoa vẫn chưa xong, thôi thì mình sẽ cúng dường Phật vào ngài Niết Bàn”.
Một lúc sau có vị thiên đến hỏi: “Hôm nay, vào buổi sớm tinh sương, đức Thế Tôn sẽ Niết Bàn giữa rừng Sa-la song thọ. Vậy các người đang kết tràng hoa cho ai vậy?”. Họ suy nghĩ: “Cái gì? Mới hôm qua ngài nhập thai, mới hôm nay ngài ra đời, mới hôm nay ngài thực hiện cuộc xuất ly vĩ đại, mới hôm nay ngài chứng đắc giác ngộ, mới hôm nay ngài chuyển bánh xe pháp, mới hôm nay ngài hoá hiện song thông, mới hôm nay ngài giáng lâm đến cõi chư Thiên… mới lúc nãy thôi ngài từ bỏ thọ mạng, vậy mà ngài đã Niết Bàn rồi sao? Đáng lẽ ngài nên lưu lại vào ngày hôm sau để ăn một bát cháo hoa chứ? Một vị đắc quả vị Phật qua sự viên mãn mười Ba-la-mật mà ra đi chóng vánh như vậy thật không thích hợp chút nào. Họ cầm theo vòng hoa chưa hoàn tất để đến gặp mặt Thế Tôn lần cuối cùng và duy nhất nhưng không tìm được một chỗ nào trống trong cõi vũ trụ, chỉ thấy được một bờ vực rồi cùng nhau đứng đó, choàng tay nhau mà hát lên những lời ca tán thán Tam Bảo, kể về những ân đức Tam Bảo, những câu chuyện tiền thân…
Vào cuối mỗi bài hát, họ đều thốt lên rằng: “Ôi đấng thiện thệ hỗ trợ cho chúng con, ôi đấng bảo vệ cho chúng con”. Họ biết rằng, kể từ đây họ không còn cơ hội nào để nhìn thấy Thế Tôn hay nghe những lời pháp từ kim khẩu của ngài…
Tuổi thọ của con người ngắn ngủi hơn nhiều so với tuổi thọ của chư Thiên, các Thiên tử không thể gặp vị Phật này nhưng có cơ hội để được đến đảnh lễ dưới chân một vị Phật khác. Còn cơ hội làm người của chúng ta thì mong manh lắm, và cái chết lại đến bất ngờ, những bất trắc trong đời sống không biết đến lúc nào. Đó là lý do mà chúng ta đừng khất lại bất cứ việc gì, từ những chuyện nhỏ như chăm lo hay gặp gỡ người thân và bè bạn. Bước xuống chuyến xe cuộc đời, mọi thứ chúng ta đều phải bỏ lại, từ những điều kiện vật chất như tiền bạc nhà cửa hay những thứ trừu tượng hơn là địa vị, danh tiếng, quan hệ xã hội… Tất thảy đều phải buông khi hình hài này hóa thành tro bụi. Nhưng cái còn lại, vương vấn giữa nhân gian là những gì ta làm được cho đời và những gì ta để lại trong lòng người khác. Có kẻ còn sống nhưng vô hình như đã chết tự bao giờ, có người đã đi từ ngàn thu nhưng vẫn còn tồn tại.
Hiểu được giá trị của đời sống, ta sống sẽ trọn vẹn hơn, ý thức hơn và làm ngay những gì mình có thể. Đặc biệt là vun bồi cho mình trí tuệ và hướng tâm đến việc thoát ly khỏi dòng sinh tử luân hồi dài miên viễn. Một lần nọ, Thế Tôn nhìn chúng Tỳ-kheo rồi ân cần dạy bảo:
Này các đệ tử, do quán thấy năm sự sợ hãi về tương lai mà các con sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Thế nào là năm?
- Nay ta còn trẻ, đang trong độ tuổi thanh xuân, nhưng tuổi già đang dần tìm đến và hủy hoại thân thể này trong từng giây từng phút mà chúng ta khó nhận ra được. Khi bị tuổi già chinh phục, chúng ta thật không dễ gì để hiểu và hành giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng.
- Nay ta còn khỏe mạnh, ít bệnh tật, ít khổ não, sự tiêu hóa được dễ dàng, không bị lạnh quá, không bị nóng quá, cơ thể ổn định, không có lý do gì để mình không tinh tấn tu tập. Đến một lúc nào đó, bệnh tật sẽ tìm đến thân này. Khi đã bị bệnh thì thật không dễ gì hiểu và hành giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng.
- Nay đời sống kinh tế ổn định, dân chúng được mùa, đồ ăn khất thực kiếm được không khó khăn, thật dễ dàng để nuôi sống bằng việc khất thực. Nhưng sẽ có một ngày, nạn đói hay mất mùa xảy ra, thật không dễ gì để sống đời phạm hạnh bằng cách khất thực. Và những người bị nạn đói sẽ dời đến chỗ nào kiếm được nhiều đồ ăn; tại đấy, chúng ta phải tiếp xúc quần chúng với bao sự hỗn tạp và tục lụy. Khi phải thân cận với quần chúng và sống với hỗn tạp, thật không dễ gì để hiểu và hành giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng.
- Nay không có chiến tranh, không có nạn cướp bóc, đời sống được an lành. Nhưng rồi đến một lúc nào đó chính trị không ổn định, tệ nạn và cướp bóc xảy ra khắp nơi. Dân chúng sẽ tìm cách chuyển đến những nơi an toàn hơn hay ở các quốc độ xa xôi khác. Khi ấy, ta phải sống giữa quần chúng với sự hỗn tạp, thật không dễ gì hiểu và hành giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng.
- Nay chúng Tăng hòa hợp, cùng nhau hoan hỷ, không tranh luận nhau, sống thoải mái cùng chung một lời dạy... nhưng rồi đến thời chúng Tăng chia rẽ. Khi chúng Tăng chia rẽ, thật không dễ gì để hiểu và hành giáo pháp của các đức Phật. Thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi, cao nguyên xa vắng.
Trước khi những trạng thái sợ hãi ấy đến với ta, ta phải hăng hái tinh cần tu tập để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu được đạo quả, thì dầu có gặp biến cố, khó khăn hay sợ hãi gì đi chăng nữa ta cũng sẽ sống được an lành.
Một đời sống bình dị, đủ ăn đủ mặc, có sức khỏe, đang trong tuổi thanh xuân, được tiếp cận để học hỏi giáo pháp của một vị Phật là một điều vô cùng quý báu mà chúng ta có được, do đó Phật dạy mình phải trân trọng những tài sản vô giá này mà nỗ lực để vun bồi những hạnh lành, tu tập hành trì những lời Phật dạy. Đừng để mình “Lỗi hẹn” khi nhắm mắt xuôi tay. Trong cuộc sống tổng hòa các quan hệ, nếu được chúng ta hãy làm những gì mình có thể: nói một lời xin lỗi, tặng một món quà, một cuộc điện thoại hay đôi dòng tin nhắn hỏi thăm… Chỉ đơn giản thế thôi nhưng cũng đủ cho chúng ta không ân hận khi xảy ra bất cứ điều gì cho mình và người khác. Và điều cuối cùng mà tác giả muốn nhắn gởi cho chính bản thân: Đời sống là hành trì tiến về sự chết, ta có chuẩn bị tốt thì khi tử thần gõ cửa mình không quá bất ngờ hay hối tiếc, ra đi bằng tâm tư thanh thản vẫn tốt hơn chúng ta nhắm mắt lìa đời bằng sự hối hận, tiếc nuối hay giận hờn.
Kính Đức