Lễ sám hối 14/08 Giáp Thìn
Trước khi vào khóa lễ Sám hối, Đại đức Thích Tâm Trọng – Trụ trì chùa Nhất Pháp tỉnh Đồng Nai thuộc tông phong Tổ đình Hoằng Pháp có thời pháp thoại gửi đến đại chúng.
Khi chúng ta trở thành người con Phật, mỗi người đều có hai gia đình: gia đình huyết thống và gia đình tâm linh. Thế nên, dù cuộc sống bận rộn, chúng ta cũng cần phải cân bằng trong việc giữ gìn và nuôi dưỡng gia đình tâm linh cũng như gia đình huyết thống. Chúng ta thường có quan niệm “Tu đâu cho bằng tu nhà” hay “Tu là ở cái tâm, đâu cần đến chùa mới tu!”. Thế nhưng, tu tâm như thế nào, nếu không đến chùa học pháp thì việc tu tại nhà sẽ thực hành ra sao, có dễ dàng như chúng ta nghĩ? Người con Phật khi còn đời sống gia đình, tức còn rất nhiều gia duyên, công việc giao tiếp trong xã hội cũng không ít những chướng duyên, từ đó dễ dàng phát khởi tâm phiền não, sân si,…
Việc đến chùa tu học, giúp chúng ta giảm bớt trần duyên, nương theo đại chúng tu tập sẽ tiếp thêm năng lượng thiện lành, thân cận Thầy Tổ nghe kinh, học pháp mở khai trí tuệ. Đồng thời, mỗi người nên sắp xếp thời gian cho việc tu học và phát nguyện duy trì, mỗi ngày ít nhất phải có một thời khóa (tụng kinh, niệm Phật, nghe pháp,…. ) từ đó ứng dụng vào đời sống.
Đại đức nhắc nhở đại chúng cố gắng giữ vững niềm tin nơi Tam bảo và con đường tu tập.
Nhân đây, Đại đức nhắc lại bốn câu thơ của Hòa thượng đạo trưởng:
“Nếu ai chắc sống đến già
Bây giờ còn trẻ cứ tà tà tu
Nếu ai sống chết mịt mù
Bây giờ tu gấp, chớ tu tà tà”.
Nhằm sách tấn đại chúng tinh tấn tu tập, thực hành các thiện pháp một cách rốt ráo, không bị ngũ dục chi phối. Bên cạnh đó, Đại đức chỉ bày đại chúng tu tập thêm phương pháp “pin sạc dự phòng” hay “tu dự phòng, tu thêm”, trang bị tư lương vững vàng để vượt qua biển khổ luân hồi.
Sau thời pháp thoại, đại chúng cùng bước vào khóa lễ sám hối và tụng giới như thường lệ.
Hình ảnh ghi nhận: