Lễ huý kỵ nhớ về Sư Tổ
Trong sự nghiệp vô cùng thiêng liêng, vĩ đại của đức Như Lai, phụng sự nhân sinh và đất nước là tinh thần từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha. Luôn được bao thế hệ Tăng Ni, Phật tử thắp sáng, trao truyền, kế thừa và phát huy rực rỡ mạch sống của đạo Pháp.
Trong số rất nhiều các bậc Tôn túc Trưởng lão tiền bối, chúng con không thể không nhớ đến cố Trưởng lão Hoà thượng Ngộ Chân Tử (1901 – 1988) – Tổ Sư khai sáng chùa Hoằng Pháp. Ngài nhận thấy Hóc Môn là nơi “đất lành chim đậu”, mỗi nơi đến là chốn thâm tình, là chân trời mở rộng, là nơi nối tiếp sứ mệnh của Như Lai. Nhịp đập con tim của Sư Tổ chính là của mọi người.
Thuở ban đầu ấy năm 1957, Ngài mua 6 mẫu đất, sáng lập chùa Hoằng Pháp, làm nơi tu hành và hoằng dương Phật pháp. Tiếp độ Tăng chúng, hướng dẫn Phật tử tu học. Lúc ấy chùa chỉ là ngôi chánh điện nho nhỏ. Một mái nhà tranh vách đất vừa là nơi làm việc, vừa là nơi nghỉ ngơi của Ngài. Xung quanh là khu rừng cây xanh vắng vẻ mênh mông. Nếp sống giản đơn bình dị đã khơi nguồn sống mới, dần bén rễ trên mảnh đất còn sơ khai.
Ngài đã dồn hết tâm sức, tài lực để cống hiến trọn đời mình trong những năm tháng còn đầy gian nan, khổ cực do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh. Vừa nuôi dạy cô nhi, vừa đóng góp công tác từ thiện xã hội, đóng góp hàng tháng vào trường Cao cấp Phật học, vừa biên soạn kinh sách ấn tống nhằm truyền bá chính pháp.
Nhân ngày lễ Huý kỵ lần thứ 36, nhìn di ảnh của Ngài, chúng con tưởng nhớ đến vị Đạo sư muôn vàn tôn kính. Luôn dấn thân, hy sinh quên mình vì hoài bão hoằng pháp lợi sinh. Cuộc đời tu tập, hành đạo của Ngài là một bài pháp sống, chân thật nhất, nói lên tấm lòng bi mẫn, hết lòng phụng sự vì đạo pháp và dân tộc. Đạo Phật là đạo nhập thế, dù trong hoàn cảnh nào, đạo Phật vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc để làm chỗ dựa tinh thần, hướng dẫn mọi người sống đời thiện lành, thuần hậu. Chất ngọc trong tâm hồn của Sư Tổ đã nhộm ánh đạo vàng tươi luôn toả sáng lung linh cho chúng con học tập.
Trải qua 36 năm, sống giữa thời đại 4.0 này, trước sự phát triển nhanh chóng của internet và mạng xã hội, chúng con cần trang bị cho mình vốn hiểu biết, có kỹ năng chọn lọc thông tin, luôn tỉnh thức, làm theo lời Phật dạy để không bị cuốn vào vòng lốc xoáy của sự cám dỗ về vật chất. Thấy được tri kiến Phật và giữ được lý tưởng cao đẹp của mình.
36 năm trôi qua trong cõi đời nhiều sóng gió đau thương, chúng sinh mãi trầm luân, chìm đắm, say mê với tiền tài, danh lợi, sắc đẹp, ăn ngon, ngủ kỹ… Hạnh phúc thế gian mong manh, dễ tan vỡ mà chấp cho là thật. Với ý chí, nghị lực cùng sự mong muốn gieo trồng hạt giống Phật pháp cho đời của Sư Phụ và quý Thầy, giúp mọi người nhận ra cuộc sống là một giấc mơ. Quá khứ là tấm gương cho ta soi thấu hiện tại và nhìn về tương lai.
Giờ đây, ngôi chùa đã thay đổi rất nhiều, cảnh quan thật đẹp và là nơi tu học rộng lớn, đầy đủ tiện nghi. Một ngôi nhà tâm linh luôn trợ duyên, tác duyên vững chắc cho thế hệ mai sau. Với tài đức và uy tín, cũng như chí nguyện hoằng pháp lợi sinh, chùa là nơi truyền thông hoằng pháp Phật giáo hiện đại bằng nhiều phương tiện, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của xã hội rất hiệu quả, cũng như công tác thiện nguyện khắp nơi… Luôn đem lại lợi ích cho mọi người hướng đến sự an lạc và chân-thiện-mỹ.
Tính đến năm 2024, chùa đã trải qua ba mốc son lớn: Một là luôn nhớ về ân đức của Sư Tổ. Hai là việc tiếp nối, kế thừa và phát triển sự nghiệp thành công của Sư Phụ (HT. Thích Chân Tính – Đạo trưởng tổ đình Hoằng Pháp). Ba là một chặng đường mà Sư Phụ và quý Thầy đã vượt qua muôn vàn chông gai, thử thách để chùa vẫn luôn nở hoa, toả sáng, rạng danh chùa mang tên Hoằng Pháp mà Sư Tổ đã đặt.
Theo thời gian, chùa không ngừng từng bước đi lên, đã ấp ủ biết bao kỷ niệm khó phai, biết bao trái tim đã tận hiến cho đạo pháp, cho cuộc đời này. Chúng con luôn tự nhủ lòng, nhắc nhở bản thân mình luôn xem lại chính mình, chỉnh đốn lại sự tu tập, chung tay góp một phần bé mọn làm đẹp cho đời, cho đạo. Để không phụ lòng với Sư Tổ, Sư Phụ, với các bậc tiền nhân.
Hoằng Pháp, ngày 8/11/2024
Nguyễn Thanh Thảo
PD: Liên Thảo