Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Hoạt Động Phật Sự
Khóa Lễ Sám Hối
Cập nhật: 08/08/2013
Những ngày tháng bảy Vu Lan, những cơn mưa bất chợt và dai dẳng vẫn không thể ngăn ngại bước chân “về chùa sám hối” của những người con Phật nơi đây. Đó là một nghi thức tâm linh không thể thiếu và có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong đời sống tu tập của người xuất gia cũng như tại gia. Bởi, nếu chúng ta cứ muốn mãi đắm mình trong tội lỗi thì không nói làm gì. Nhưng một khi chúng ta đã muốn được trong sạch thảnh thơi, muốn trút bỏ tội lỗi cho lòng được nhẹ nhàng, thơ thới, thì tất nhiên chúng ta phải tìm phương pháp để trừ cho hết bụi bặm, tẩy trừ cho hết tội lỗi. Nhà Phật gọi phương pháp tẩy trừ ấy là Sám Hối.
Như thường lệ, chiều tối ngày 06/08/2013 (nhằm ngày 30 tháng 6 năm Quý Tỵ) khoảng hơn 2000 thiện nam tín nữ Phật tử đã về chùa tham dự lễ sám hối tại chùa Hoằng Pháp.
Dưới sự sắp xếp của quý thầy, các Phật tử được hướng dẫn vân tập vào bên trong các khu giảng đường để tránh mưa. Sau đó, Đại đức Thích Tâm Trung đã bắt đầu thời pháp với chủ đề “An vui và hạnh phúc”.
“Hạnh phúc” xưa nay luôn được xem là một khái niệm có vẻ mơ hồ và không giống nhau ở mỗi người. Thế nhưng tựu chung, có thể định nghĩa: “Hạnh phúc” là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. “An vui” là nói đến trạng thái an tại nội tâm, chỉ cho sự tĩnh lặng ở bên trong. An vui có nhiều cấp độ, và ở cấp độ cao nhất nó không còn phụ thuộc vào hoàn cảnh thuận nghịch của cuộc sống.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật nói về 5 thứ lạc thọ hưởng của người tại gia, đó là:
1. An vui sở hữu tài sản hợp pháp
2. An vui có phước sở hữu và hưởng phước sở hữu
3. An vui không có tội lỗi
4. An vui không có nợ nần
5. An vui có trí tuệ
Ở đời ai cũng muốn cuộc sống của mình luôn được an vui, hạnh phúc. Ai đó đã nói “Đạo Phật là nghệ thuật để sống an vui, hạnh phúc”. Đời sống an vui đó đặt nền trên những nguyên lý đã được đạo Phật khám phá, đã trải nghiệm suốt 2557 năm nay. Người nào biết sử dụng, ứng dụng những nguyên lý ấy vào cuộc sống của mình thì sẽ luôn có được an vui hạnh phúc. Những nguyên lý ấy là: nhân quả nghiệp báo, vô thường, vô ngã... Hiểu vô thường để không chấp chặt vào những thứ tài sản mình đang có, để hiểu rằng những thứ tài sản ấy rồi sẽ biến thiên theo phước báu của mỗi người. Hiểu được vô ngã để không còn bận tâm đến sự mất mát, từ đó đóng bít mọi khổ đau lại ngay từ lúc nó vừa sinh khởi. Và hiểu được nhân quả để từ những điều đang được thọ hưởng, ta biết nhân nó lên bằng cách chia sẻ như làm từ thiện để giúp đỡ người khác và trải rộng tâm từ bi đến mọi loài,... Điều đó trong nhà Phật gọi là “tạo phước”. Hiểu một cách thực dụng nhất thì “phước” chính là tấm bùa hộ mệnh cho chúng ta khi vô thường đến bất chợt.
Đó là những thông điệp trong bài pháp về những phương pháp để sống an vui, hạnh phúc.
Kết thúc thời pháp, đại chúng nhất mực hoan hỷ bước vào thời khóa lễ lạy sám hối.