Huấn Luyện Tâm – P.1
Thời bấy giờ các nhà sư hiếm khi phải tiếp xúc với cuộc sống xa hoa như ngày nay. Đơn giản là vì hoàn cảnh kinh tế không khá giả như bây giờ. Trong rừng, người ta lấy ống tre để làm ly uống nước. Các Phật tử tại gia ít khi thăm viếng hoặc cúng dường các nhà sư sống không cố định trong rừng thẳm. Các vị tu hành thời ấy cũng không có nhu cầu gì nhiều trong cuộc sống thường nhật và họ hài lòng với những gì mình có. Nhờ vậy người tu sỹ có thể thảnh thơi sống và thiền định trong từng hơi thở!
Các nhà sư phải tập sống trong điều kiện vật chất không đầy đủ. Nếu bị sốt rét và đi xin thuốc, có thể vị thầy của họ sẽ nói, "Bạn chưa cần uống thuốc đâu! Hãy tiếp tục thiền định đi"". Một phần là do lúc bấy giờ, trong rừng không có sẵn tất cả các loại thuốc chữa bệnh thông thường như hiện nay. Tất cả thuốc đều làm từ thảo mộc và rễ cây rừng. Môi trường sống như vậy giúp các nhà sư tăng cường sức chịu đựng và sự kham nhẫn. Những căn bệnh nhẹ không là vấn đề gì. Còn ngày nay, chỉ cần hơi đau một tí thì người ta cũng đi đến bệnh viện!
Đôi khi các thầy tu phải đi từ mười đến mười hai cây số để khất thực. Ngay khi trời vừa hửng sáng thì bắt đầu đi khất thực; đến khi trở về thì trời đã gần trưa, khoảng 10g, 11g. Vật thực các nhà sư xin được cũng không nhiều, có khi chỉ là nắm xôi, ít muối và ớt. Cho dù họ có thức ăn hay phải ăn cơm trắng thì cũng không có gì quan trọng. Đó là cách các nhà sư sống và tu học trong rừng. Không ai dám phàn nàn về việc đói bụng hay mệt nhọc. Nhà tu không có thói quen phàn nàn; thay vào đó, họ học cách chịu đựng khó khăn và tự chăm sóc bản thân. Họ tu học thực hành trong rừng với sự kiên nhẫn và bền bỉ, đối mặt với nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn từ thiên nhiên. Có rất nhiều côn trùng, động vật hoang dã và thú dữ trong rừng. Việc tu học trong rừng già là cả một thách thức lớn cho cơ thể và tinh thần của nhà sư khổ hạnh ẩn tu nơi vắng vẻ. Chính nhờ vậy mà sự kiên nhẫn cùng sức chịu đựng bền bỉ của các nhà sư thời bấy giờ thật tuyệt vời. Tất cả là nhờ hoàn cảnh khắc nghiệt hun đúc nên.
Trong thời hiện đại, hoàn cảnh khiến chúng ta đi ngược lại. Thời cổ đại, người ta đi bộ với đôi chân trần; sau đó dùng xe bò rồi đến ô tô. Nhu cầu, khát vọng và tham vọng tăng lên. Bây giờ, nếu xe hơi không có máy lạnh, thậm chí người ta không muốn dùng với lý do không thể đi xe nếu không có điều hòa không khí! Các đức tính kiên nhẫn và sức chịu đựng ngày càng trở nên yếu ớt và mỏng giòn hơn. Các tiêu chuẩn cho việc thiền định đang dần trở nên lỏng lẻo, và thậm chí các thiền sinh ngày nay thích làm theo ý riêng để thỏa mãn những mong muốn cá nhân. Thực tế này khiến cho câu chuyện các vị sư già kể về tinh thần mạnh mẽ trong việc tu học và thiền định trong rừng ngày xưa nghe giống như một câu chuyện huyền thoại không có thực. Người ta lắng nghe một cách thờ ơ và không hiểu gì. Chỉ đơn giản là họ chưa từng trải nghiệm nên không thể hiểu vấn đề!
Chúng ta nên lưu giữ truyền thống từ xa xưa của các nhà sư. Một người xuất gia nên theo thầy ít nhất năm năm để học hỏi và đủ trưởng thành. Có một số ngày họ phải tịnh khẩu; lúc đó các tu sỹ không nói chuyện với bất cứ ai. Thật ra bạn không nên cho phép bản thân nói quá nhiều. Những ngày ấy cũng không nên đọc sách, thay vào đó, họ nhìn vào nội tâm và đọc hiểu tâm mình; ví dụ như tại chùa Pah Pong. Khi các sinh viên tốt nghiệp đại học đến để xin xuất gia. Tôi không cho các bạn ấy đọc sách về Phật Pháp, bởi lẽ những người này luôn đọc sách. Trong đời họ có rất nhiều cơ hội để đọc sách, nhưng cơ hội để đọc hiểu tâm mình rất hiếm. Vì thế, khi họ đến chùa để thọ giới trong vòng ba tháng theo phong tục Thái Lan, chúng tôi yêu cầu họ gấp sách và các quyển hướng dẫn thực hành lại. Trong thời gian ấy, họ có cơ hội tuyệt vời để đọc hiểu tâm của mình.
Việc lắng nghe lời trái tim muốn nói thực sự rất thú vị. Trái tim chưa được thuần hóa này hay chạy theo những thói quen hoang dã với những gì là hào nhoáng, hào hứng và ngẫu nhiên. Tâm ta chưa bao giờ được huấn luyện. Vì vậy hãy huấn luyện tâm mình! Thiền Phật giáo là về trái tim; là để phát triển trái tim này, tâm này của chính bạn. Điều này rất, rất quan trọng. Việc đào tạo tâm là điểm nhấn chính của thiền. Phật giáo là tôn giáo của trái tim. Chỉ vậy thôi! Người huấn luyện tâm chính là người thực hành Phật giáo.
Trái tim của chúng ta sống trong một cái lồng, và còn gì nữa? Có thêm một con hổ dữ trong chiếc lồng đó. Nếu trái tim vô tổ chức này không có điều nó muốn, nó sẽ nổi loạn và gây phiền toái. Bạn phải dùng thiền định samādhi để thuần hóa trái tim. Đây được gọi là "" Huấn Luyện Tâm"". (Còn tiếp)
Ajahn Chah
Việt Dịch: Diệu Liên Hoa