Suy Ngẫm

Học tập tận tâm, tận lực, tận khả năng

Cập nhật: 25/09/2016
Mọi người đều cần làm việc, dù là đứa trẻ vừa mới biết việc cũng không ngoại lệ.
 

Học tập tận tâm, tận lực, tận khả năng

 

Nhiều bậc cha mẹ có quan niệm đúng đắn về giáo dục đều dạy con mình học cách làm việc. Đây là tinh thần đáng được ca ngợi: con kiến, con ong cũng cần cù làm việc, huống hồ là con người?

Bởi vậy khi mình vẫn còn chưa già đến nỗi không thể vận động nổi thì nhất định phải làm việc, dù công việc không vì lợi ích của mình, không vì kiếm tiền, cũng cần tận dụng thời gian để làm việc công ích, phục vụ cộng đồng. Một số người sau khi nghỉ hưu, bỗng nhiên mất đi sự cân bằng trong cuộc sống, sức khỏe cũng theo đó mà suy giảm nhanh chóng, dẫn đến bệnh tật, tất cả các kế hoạch và tư tưởng đều bị thiêu rụi. Từ điểm này, chúng ta có thể biết tầm quan trọng của công việc đối với sức khỏe con người.

Làm việc chính là vận động! Vận động mới sống, sống nghĩa là có khả năng vận động, nhưng sự vận động này không phải là những hành động thiếu suy nghĩ, mà vận động theo những quy tắc, mục tiêu và phương hướng nhất định. Có rất nhiều người khi bắt đầu làm việc đơn giản trở nên khó khăn. Người có trí tuệ khi làm việc luôn theo thứ tự, hết sức tỉ mỉ, xử lý những việc vốn phức tạp trở nên rõ ràng, đơn giản. Sự việc vốn có đầu và cuối, nặng nhẹ, nhanh chậm, nếu nắm bắt được điều này, chúng ta có thể giải quyết mọi công việc một cách thoải mái.

Tuy nhiên, khả năng sức khỏe và trí óc của mỗi người mỗi khác, dẫn đến khả năng học tập và hiệu quả công việc khác nhau. Không cần so sánh với những người tài giỏi, nếu kém hơn sẽ khiến cho con người trở nên buồn rầu, mất đi sự tự tin, khi giỏi hơn, sẽ khiến cho con người tự mãn, không những gây tổn thương cho người khác mà còn gây tổn hại cho mình. Làm việc với tâm trạng bình thường, thư thả, không so tính hơn thiệt với ai là thái độ tích cực. ở đây có ba nguyên tắc có thể giúp chúng ta đạt được trạng thái bình thường để làm việc, đó là: Tận tâm, tận lực, tận dụng mọi khả năng để học tập.

Cho dù mình làm bất kỳ nghề nào cũng cần phải tận tâm, tận lực. Khi gặp trường hợp cố hết sức mà không thể nào làm được thì cần tận dụng mọi khả năng để học tập, không nên có những so sánh vô nghĩa. Học tập không bao giờ có điểm dừng, đã tốt còn có thể tốt hơn, ngược lại, sự yếu kém cũng không có giới hạn, nếu không chú ý, đã kém lại còn kém hơn. Vì vậy, chúng ta cần phải tận tâm, tận lực, tận dụng mọi khả năng để học tập, điều đó chính là lấy thái độ tích cực để làm việc.

Có một số người làm việc vì tiền bạc, địa vị… Đây là quan niệm sai lệch. Đương nhiên, chúng ta đều cần tiền lương để duy trì cuộc sống, nhưng đó không phải là mục đích chính của công việc. Làm việc chính là một phần vì trách nhiệm đối với xã hội, trên cương vị công tác, mình cần dựa vào sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau để có những cống hiến về tài năng, sức lực cho xã hội, vì vậy không nhất định là vì tiền lương, mà là vì công việc, vì con người mà làm việc, đây mới là tinh thần coi trọng công việc.

Ngoài ra, sự đố kị cũng là điều sai lầm! Tự mình có đủ năng lực để tiến bộ là một việc tốt, nếu như người khác thăng quan tiến chức, cũng không có vấn đề gì, bởi vị trí chỉ có một. Có thể người ta đang cần cơ hội để rèn luyện trưởng thành nên họ mới được thăng chức, chúng ta cần vui vẻ chúc mừng họ, đồng thời tự nhắc nhở mình phải nỗ lực hết sức, cần tiếp tục dốc toàn tâm, toàn lực để làm tốt phần việc của mình.

Cũng có một số người thường đổ lỗi cho những điều không tốt trong công việc mình đảm nhận. Chúng ta cần dựa vào năng lực và hứng thú để làm việc, bất luận địa vị cao hay thấp, có một công việc là có một sự bảo đảm. Khi bạn gặp được nhân duyên và cơ hội tốt, nắm lấy thời cơ để chuyển sang một công việc phù hợp với mong muốn của mình cũng không hẳn là điều quá khó.

HT. Thánh Nghiêm

Tin tức liên quan

Không đề
06/06/2021
Bóng mát giữa trời
27/08/2018
Làn gió mát buổi sớm bình minh!
23/08/2018
Vĩnh biệt anh
14/07/2018
Đánh mất tuổi thơ
02/07/2018