Ý Thức và Hành Động là đôi bạn rất thân thiết, chúng luôn ở cạnh nhau như hình với bóng. Hành Động phần yếu kém hơn về mọi mặt so với Ý Thức nên thường bị sai khiển, làm theo những yêu cầu Ý Thức đưa ra. Một hôm, Hành Động cảm thấy quá bất mãn và không thể chịu nỗi bởi sự ràng buộc, sai khiển của Ý Thức nữa. Nên cậu quyết định nói lời từ biệt với Ý Thức để được tự do đi trên chính đôi chân của mình.
Từ ngày không còn Ý Thức bên cạnh, Hành Động cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều, tự do, thoải mái làm những gì mình muốn mà không bị càm ràm, nhắc nhở, khiển trách. Nhưng cũng chính vì thế mà Hành Động đã làm rất nhiều điều xấu, tổn hại không chỉ đến bản thân mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều người khác.
Phàm là việc gì đừng để “tay nhanh hơn não” và nên “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” bạn nhé!
34. Tiền Không Đủ, Việc Không Thành
Một vì thầy cúng thường xuyên đi tụng kinh, cúng bái, cầu nguyện cho những người vừa mất khi người thân của họ có nhu cầu. Một hôm, có gia đình mời ông đến tụng kinh và cầu nguyện cho người thân của họ vừa mới mất với giá năm quan tiền. Nghe số tiền trả công khá lớn nên trong lòng ông sung sướng và hào hứng cho phi vụ đợt này. Nhưng khi đến nơi, trước khi tụng kinh vị chủ nhà chỉ trả ba quan tiền nên ông tỏ vẻ không hài lòng. Ông cũng không đòi hỏi chủ nhà phải trả thêm. Ông im lặng suy nghĩ hồi lâu rồi bắt đầu thời lễ cầu siêu. Đến lúc hồi hướng cho người mất, thay vì cầu nguyện họ được sanh về thế giới Tây Phương, ông lại khấn được sanh về thế giới Đông Phương.
Sau thời khóa lễ cầu siêu, chủ nhà hỏi: “Sao thầy lại cầu cho người nhà con về thế giới Đông Phương?” Ông trả lời: “Vì gia đình chỉ đưa tôi ba quan tiền, nên tôi chỉ đưa được đến đấy thôi, nếu đưa đủ năm quan tiền thì giờ này người thân của quý vị đã đến thế giới Tây Phương hưởng phúc trên đó rồi.”
35. Việc Làm Của Những Người Thông Minh
Tôn tượng đức Phật ngồi uy nghi trên tòa sen, được bài trí trang nghiêm trong chánh điện. Hằng ngày có biết bao Tăng Ni, Phật tử và tín đồ đến đảnh lễ, tán tụng, chiêm ngưỡng. Ngoài con người thường xuyên lui tới khu vực chánh điện, còn có bầy chim sẻ sau những giờ vất vả kiếm mồi chúng bay về làm chỗ vui chơi, giải trí. Chúng bay và làm tổ khắp ngỏ ngách trong chánh điện, có những con bay nhảy lên cả tượng Phật, có con lại phóng uế bừa bãi lên tay lên cả đầu đức Phật. Đức Phật vẫn ngồi đó điềm nhiên, tĩnh lặng mỉm cười với sự vô tư hồn nhiên của những chú chim. Ngài cũng không vì những chuyện nhỏ nhặt này mà quở trách xua đuổi chúng đi.
Đấy là việc làm của những chú chim nhưng chúng ta có thể tạm không khiển trách, bởi dù sao chúng cũng đâu có ý thức được gì? Ấy thế mà, con người được tôn xưng là loài động vật bậc cao, là loài thông minh nhất lại có hành động dùng hình ảnh của đức Phật – một bậc vĩ nhân, thầy của trời người để in lên các sản phẩm bồn vệ sinh, áo quần lót, giầy dép, ghế ngồi, trang trí trong các quán bar, vũ trường, làm thương hiệu cho các loại bia rượu,… là một điều không thể chấp nhận được.
Chuyện con người bôi nhọ hình ảnh đức Phật không phải bây giờ mới có. Nhưng thời đức Phật còn tại thế, Ngài đã dùng tấm lòng từ bi, khoan dung, độ lượng để cảm hóa họ. Còn thời nay, khi mà nhân loại đã phát triển vượt bậc đáng lẽ ý thức càng phải được nâng cao hơn mới phải. Việc bôi nhọ nhân phẩm một người thường đã là một điều không thể chấp nhận được và sẽ bị bao người cười chê, quở trách. Là con người, bạn đừng tự hạ nhân phẩm của mình xuống bằng những chú chim sẻ vô thức kia bạn nhé!