Hiểu đúng về Nhân Quả
Thế nhưng những nguyên lý này không phải do đức Phật sáng tạo ra mà là những điều đã tồn tại sẵn trong vũ trụ. Nhưng trước khi đức Phật ra đời thì không ai được biết về những nguyên lý này. Thế nên đức Phật ra đời, Người đã đem những điều tồn tại hiển nhiên mà chưa ai biết đó nói cho tất cả mọi người được biết. Từ giây phút đó nhân loại như từ trong màn sương mờ u tối được bước ra và thấy ánh sáng bình minh. Nhờ lời Phật dạy mà con người biết sống tốt hơn, tự cải tạo thân tâm mình và hướng cuộc đời mình thẳng tiến trên con đường tìm về bến giác. Trong những nguyên lý mà đức Phật đã dạy thì lý Nhân Quả là điều quan trọng nhất, nhờ hiểu rõ về nhân quả mà con người biết điều gì tốt và điều gì xấu, điều gì nên làm điều gì không, nhờ hiểu về nhân quả mà con người thường tích cực làm thiện qua đó mà hưởng được nhiều an lạc hạnh phúc. Nhiều bài kinh trong hệ kinh điển Nikaya đức Phật đã cho ta thấy rõ sự vận hành của định luật nhân quả.
Trong Tiểu Bộ III, Thiên Cung sự, phẩm V bài kinh Lâu Đài của Chatta, Nam tử Bà-la-môn có kể về câu chuyện của Bà la môn tên là Chatta học đạo với vị thầy ở Setaviyà. Một hôm chàng trai về nhà xin tiền mẹ để tiếp tục việc học, sau khi có tiền chàng trở về với vị thầy ở Setaviyà. Một toán cướp biết được chàng đang mang tiền trong người nên lập kế hoạch phục kích để giết chàng và cướp số tiền. Lúc đó đức Phật vừa xuất định, Ngài quán sát và biết nhân duyên của chàng trai này nên Ngài hiện thần thông đến ngồi dưới gốc cây trên hành trình của chàng đi qua. Khi chàng trai đi ngang qua, đức Phật hỏi thăm và khi biết chàng chưa Quy Y, Ngài đã hướng dẫn cho chàng biết Quy Y. Sau đó chàng rời đi và giữa đường bị bọn cướp phục kích giết chết để cướp tiền. Do trước khi bị giết được Quy Y nên với tâm niệm lành đó chàng chết và tái sanh về cõi trời trở thành một thiên tử và được làm chủ một cung điện. Khi bà con thân quyến đang làm lễ tang cho chàng thì vị thiên tử giáng trần cùng với cung điện của mình và trình bày lý do chàng được sinh về cõi trời là do có lòng tin vào ba ngôi Tam bảo, cuối cùng chàng khuyến khích những người bà con của mình và trở về thiên cung. Qua bài kinh trên chúng ta đã rút ra cho mình nhiều bài học.
1. Đối diện với nghiệp lực:
Trong câu chuyện tuy đức Phật biết nam tử Bà la môn sắp phải thọ nạn nhưng chính Ngài cũng không thể cứu anh ta thoát khỏi cái chết. Điều này đã cho ta thấy không có một thế lực nào có thể tác động vào để làm chệch bánh xe nhân quả, con người đã gieo nhân thì chắc chắn phải gặt lấy quả báo. Tuy không đề cập đến những tiền kiếp của chàng thanh niên, thế nhưng nếu suy quả để tìm nhân thì chúng ta cũng có thể biết được; sở dĩ kiếp này chàng thanh niên bị bọn cướp sát hại chính là do anh đã gieo những nhân duyên xấu trong những đời quá khứ. Qua câu chuyện ta đã rút ra cho mình một bài học là người học Phật phải tích cực làm điều thiện mới có thể gặt lấy quả báo thiện. Ngược lại nếu đã gieo những nhân xấu ác thì phải gặt lấy quả báo khổ đau. Khi chúng ta chưa hiểu biết những lời Phật dạy, chúng ta làm những điều ác và sợ hãi nghiệp quả xấu ác nên tích cực đến những nơi thờ thánh, thờ thần cầu xin các ngài phù hộ cho giải được nghiệp thì điều đó không thể nào xảy ra. Ngày nay, chúng ta đã hiểu và tin theo giáo pháp của đức Phật; nếu chúng ta muốn chuyển hóa những nghiệp nhân xấu đã vô tình gây tạo trong quá khứ thì ngay bây giờ khi nghiệp quả chưa chín muồi chúng ta phải tích cực làm thiện, quả của những việc thiện lành sẽ giúp cho ta chuyển hóa bớt đi những hậu quả của việc xấu mình đã gây tạo.
2. Sự gia hộ của Phật:
Trước khi chàng thanh niên này phải lãnh thọ quả báo Đức Phật đã đến với anh ta và gieo hạt giống Phật vào trong lòng anh ta bằng cách Quy Y Tam bảo cho anh và hướng anh trở thành một người cư sĩ thiện lành. Qua đó, chúng ta có thể thấy đức Phật tuy không có khả năng thay đổi nghiệp quả của tất cả chúng sanh nhưng với năng lực và khả năng quán sát nhân duyên của mình; đức Phật đã nhiếp phục anh thanh niên và khiến anh tự thay đổi bản thân và qua đó cũng thay đổi luôn hành nghiệp của chính mình. Đức Phật đã thay đổi anh từ một con người không biết gì về Phật pháp trở thành người Phật tử có lòng tin kiên cố, từ một người sau khi chết chưa biết sẽ đi về đâu trở thành một thiên tử hưởng nhiều phước lạc trên cõi trời. Sự gia hộ của Phật được thể hiện qua việc đức Phật không tác động vào nhân quả thiện ác của chúng sanh mà đức Phật khiến cho chúng sanh tự thay đổi nghiệp quả của mình. Vậy nên khi lạy Phật và cầu nguyện chúng ta không nên cầu Phật ban cho cái này cái kia hay là Phật giúp con giải nghiệp này nghiệp nọ, mà nên cầu sự gia hộ của Phật giúp cho mình giữ vững niềm tin, ý chí để thẳng bước trên con đường tu nhân học Phật, tự cải hóa bản thân nhằm đạt được an lạc hạnh phúc.
3. Hiểu về cận tử nghiệp:
Mặc dù cả cuộc đời không gây tạo được phước nghiệp gì nhưng chính nhờ niềm tin vững chắc vào Tam bảo mà trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, sau khi bị bọn cướp đoạt mạng, chàng đã tái sanh về cõi trời. Đây là hình ảnh tiêu biểu cho Cận tử nghiệp. Cận tử nghiệp có nghĩa là nghiệp lúc sắp chết hoặc là những ý niệm trong tâm trí của con người trước lúc tắt thở. Nghiệp này ảnh hưởng quan trọng đến vấn đề tái sinh của một chúng sanh. Có thể cả một khoảng thời gian dài của đời người, chúng ta không tạo được bất kỳ duyên lành nào nhưng trước lúc lâm chung chúng ta phát khởi những ý niệm thiện, nên nhờ đó mà tái sinh vào cảnh giới lành. Ngược lại, có người khi còn sống làm nhiều việc phước thiện nhưng khi chết mất chánh niệm khiến tâm tán loạn và khởi lên những ý nghĩ ác, cũng khiến cho người đó tái sinh vào cảnh giới không lành. Người tu Tịnh Độ cần phải quan tâm vấn đề này, hàng ngày phải huân tập câu niệm Phật vào trong lòng, để đến lúc lâm chung được chánh niệm vững vàng và không để quên mất danh hiệu Phật, được như vậy mới có thể vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.
4. Sức mạnh của niềm tin:
Chàng trai chỉ nhờ niềm tin vào ba ngôi Tam bảo mà được sinh thiên giới. Qua việc này, chúng ta cũng phải tự xét lại niềm tin của mình. Chúng ta có thật sự tin chắc vào ba ngôi Tam bảo hay không? Khi Quy Y trở thành một người Phật tử chúng ta được nghe nói về Tam bảo có nghĩa là ba ngôi quý báu Phật Pháp Tăng, đây là chỗ nương tựa chân thật cho chúng ta, người tu Phật phải tin chắc về điều này. Thế nhưng chúng ta có tin vào điều đó hay không? Và khi đã tin thì lòng tin đó có được kiên cố vững chãi hay không? Đa phần mọi người tin thì có tin thế nhưng hễ gặp chuyện trái ý nghịch lòng hay bị một thế lực nào dùng quyền lực tiền tài lôi kéo thì chúng ta có thể quay ngoắt lại chửi Phật, hủy Pháp, báng Tăng. Như vậy là lòng tin của chúng ta không được kiên cố, lòng tin (tín) là bước đầu để vào cửa đạo, không có lòng tin thì trên bước đường tu khó có thể thành tựu. Vì vậy, trên con đường học Phật muốn đạt được nhiều kết quả chúng ta phải xây dựng niềm tin chắc thật vào ba ngôi Tam bảo, cho dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra thì niềm tin của chúng ta cũng không được lay chuyển.
Qua bài kinh chúng ta đã rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm nhưng tựu chung bài học quan trọng nhất là người học Phật phải có lòng tin. Tin vào Tam bảo, tin sâu Nhân Quả. Nhờ tin Tam bảo chúng ta có được chỗ nương tựa, nhờ tin Nhân Quả chúng ta biết làm lành lánh ác, biết cải hóa bản thân từ một con người chưa tốt trở thành một người tốt. Nhờ đó mà làm thăng hoa đời sống tinh thần của mình.
Tâm Thiện