Bài viết

Hiện tại và quá khứ

Cập nhật: 11/03/2019
Trong đời sống, con người chúng ta thường để mình bám víu vào quá khứ, vào nguồn gốc xuất thân của chính mình. Tôi là ai? Tôi sinh ra ở đâu? Cha mẹ tôi là người như thế nào? Nhưng những điều gọi là quá khứ, nguồn gốc của mình hay của bạn không nói lên được con người bạn. Bạn đã nghe qua câu nói của Henry Ford chưa: “Không quan trọng với tôi là anh ta xuất thân từ đâu, nhà tù Sing Sing (Mỹ) hay trường học Harvard. Tôi thuê con người, không thuê quá khứ người, không thuê quá khứ nguồn gốc của họ”. Vậy, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về câu nói này.
 

Hiện tại và quá khứ

 

Trước tiên, ta biết Henry Ford là một doanh nhân người Mỹ, là chủ tịch, người sáng lập công ty Ford Motor ở thế kỷ 20, hình ảnh làm cho người châu Âu, đặc biệt là người Đức kính nể. Ông không chỉ là nhà cách mạng ngành công nghiệp sản xuất ở Hoa Kỳ và Châu Âu mà còn đề ra sự phối hợp giữa sản xuất hàng loạt, tiền lương cao và giá thành sản phẩm thấp cho người tiêu dùng, đã được gọi là “chủ nghĩa Ford”. Ông là người giàu có về tất cả, toàn bộ tài sản của mình hầu như ông đều dành cho quỹ Ford nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của con người. Cách ông trân trọng giá trị mà ông có được và ông cũng đặc biệt trân trọng giá trị con người. Những câu nói của ông còn làm kim chỉ nam, những bài học để chúng ta lắng lòng suy nghĩ và phấn đấu giúp cho cuộc sống ta trở nên tốt đẹp hơn.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, mặc cảm với công việc cha mẹ mình làm, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, bị bạn bè khinh chê, xem thường, sỉ nhục. Học hành không bằng người, thể chất ốm yếu hay bệnh tật, lại sợ đám đông, mắc chứng tự kỷ, tự nhốt mình ở một góc tối nào đó. Còn tệ hại hơn như Henry Ford từng nói khi từ nhà tù Sing Sing (Mỹ) ra khiến bạn mất hết niềm tin, vì quá khứ và nguồn gốc dày đặc niềm đau thương, tủi nhục. Hay có thể bạn xuất thân trong một gia đình giàu có, bạn bè có thể phấn đấu mười năm, hai mươi năm nhưng cũng không bằng bạn. Bạn được thừa hưởng những điều tốt nhất trên đời, muốn làm gì cũng được. Có thể bạn tốt nghiệp trường Harvard, với niềm tin mọi người sẽ yêu quý, kính trọng bạn. Vì bạn là con người đó, họ nể cha mẹ bạn chứ không phải bạn. Nếu như mình ra xã hội đối diện với cuộc đời sóng gió này thì tất cả mọi người ai cũng như ai, không vì bạn nghèo hèn hay vì bạn giàu sang mà cuộc đời sẽ thiên vị.

Chúng ta luôn bị năm thứ “Tài, sắc, danh, thực, thùy” chi phối mà trong nhà Phật gọi là ngũ dục đưa chúng ta đến thái độ cố chấp, bám chặt vào việc gì đó hay nguồn gốc quá khứ là những điều cũ kỹ để nhìn vào thực tại mới mẻ. Nguồn gốc là điều chúng ta phải học cách chấp nhận và vui vẻ xả bỏ. Càng vui vẻ xả bỏ quá khứ của ta bao nhiêu thì sự chấp nhận an lạc giúp ta đứng vững với hiện tại hạnh phúc bấy nhiêu. Nếu chúng ta cứ chìm đắm trong quá khứ không có một cái nhìn đúng đắn và hợp lý, chính những suy nghĩ sai biệt và thành kiến sẽ ngăn chặn ta có được an vui hạnh phúc.

Trong khi mọi sự vật đều mang tính chất thiên lưu (dời đổi), chúng luôn biến dịch và trôi chảy như một dòng nước. Dù nhìn tướng trạng bên ngoài ta thấy không có gì khác so với trước kia, nhưng thật sự là chúng đã không còn y nguyên như tất cả những gì chúng ta hiểu về chúng. Cho nên bám chặt vào hiểu biết của mình mà không dám mở lòng ra để khám phá và học hỏi thêm, tức là ta đã tự đào hố chôn mình, đưa mình vào sự vận hành tự nhiên của cuộc sống. Tuy ta đang có mặt với thực tại, nhưng ta đã đánh mất thực tại, dù sinh ra trong nghèo đói nhưng đó không phải là lỗi của bạn mà chết đi trong nghèo đói mới đáng tiếc.

Không sợ vất vả, vì lý tưởng cố gắng đạt đến mục tiêu, chỉ cần ý chí bền vững thì không sợ bất cứ khó khăn nào. Lúc đối mặt với nghịch cảnh, ta sẽ hiểu ra một điều rằng chỉ số “EQ” (cảm xúc và oán có liên quan chặt chẽ với nhau). Nếu con người luôn ở trạng thái tĩnh tâm, không có sân si thì lòng họ sẽ thấy bình yên. Còn khi tìm người khác để trách móc thì lúc đó “EQ” của ta sẽ bắt đầu suy giảm. Ngược lại, nếu ta bình thản đón nhận sự việc, không oán trách ai cả thì lúc đó “EQ” của ta rất cao.

Tất cả mọi chuyện xảy ra đều có nhân duyên của nó. Khi sự việc đã xảy ra rồi ta nên tìm cách để thay đổi kết quả, chuyển hóa nó làm giảm thiểu sự tổn hại hơn là đi tìm hiểu nguyên nhân của sự việc. Hiểu hết sự đời là một việc rất khó, để đạt tới cảnh giới “tứ đại giai không” thì e là không thể. Vì “ngộ” không chỉ là thái độ đối mặt với một, hai sự việc mà là toàn bộ sự việc. Nếu tính từng chuyện, con người chúng ta chỉ đạt mức căn bản mà thôi.

Chúng ta đừng trách người đời bởi mỗi người đều có cách nhận thức khác nhau. Cho dù không được vui, không hài lòng, muốn thét lên “Ôi! Cái cuộc đời này sao mà ngộ thế!”. Nhưng ta nghĩ chuyện xảy ra thì đã là quá khó rồi. Phải sống cho hôm nay, tuổi trẻ khi mới vào đạo, luôn hướng tâm theo ngoại cảnh cứ muốn đi, muốn làm và sống theo những điều mình thích là chính mình. Còn nhiều điều phải trau dồi, học hỏi hay không đắm chìm trong quá khứ, không mơ tưởng tương lai, hãy tập trung tâm trí ở phút giây hiện tại. Đức Phật đã dạy hàng đệ tử như thế, câu nói Ngài dạy thật thâm thúy, chúng ta càng suy ngẫm quán chiếu ta càng trân quý lời dạy của Ngài.

Là con người, ta có trái tim để yêu thương. Nhưng lắm lúc cũng vì trái tim mà đau khổ. Cái tâm của ta là “tâm viên, ý mã”, thích chạy nhảy chụp bắt, rượt đuổi, ví như con khỉ khó chịu ngồi yên. Ý chạy như ngựa khó lòng kìm giữ, để chế ngự tâm, trong kinh Di Giáo, đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ-kheo, đã ở trong tịnh giới thì phải chế ngự năm căn, đừng để chúng buông lung theo ngũ dục. Như người chăn trâu cầm roi canh giữ không cho nó phóng túng xâm phạm lúa mạ của người. Năm căn này do tâm làm chủ. Vì vậy, các thầy phải cẩn thận chế ngự tâm mình. Tâm còn đáng sợ hơn cả rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa dữ lan tràn. Tất cả đều chưa đủ để ví dụ… cho nên các thầy Tỳ-kheo phải chuyên cần, tinh tấn hàng phục tâm mình”. Tổng thống đầu tiên của Mỹ, George Washington có câu: “Làm điều sai là tự nhiên, phục thiện hay sửa chữa sai lầm là niềm tự hào”. Và Leonardo da Vinci, triết học gia người Ý có câu: “Từ lâu tôi đã để ý thấy rằng những người có thành tựu, hiếm khi ngồi chờ mọi việc xảy đến với mình. Họ hành động và ảnh hưởng lên sự việc”.

Con người chúng ta phải luôn có ý chí cầu tiến vươn lên, chấp nhận với bao khó khăn để tôi luyện bản thân mình, để có được sức mạnh lớn lao và lòng tin kiên cố, luôn có tinh thần học hỏi, khiêm cung lễ độ và bắt tay vào việc thực tập, hành trì. Đừng ngồi đó mà mơ mộng viển vông, hãy tự đi tìm với thái độ tích cực ta sẽ vững niềm tin với con đường phía trước. Cũng vậy, người mà Henry Ford thuê không liên quan đến quá khứ của họ, không thuê nguồn gốc quá khứ của họ. Henry Ford thuê là thuê con người.

Nói chung, thay đổi cách nghĩ của chúng ta, nhìn quá khứ với sự khoan dung. Sống trân trọng hiện tại, dùng sự chân thật mở lòng từ bi vị tha của mình. Đừng so sánh cuộc sống của mình với cuộc sống người khác. Phải có tính kiên nhẫn và cái nhìn đúng đắn những điều nên làm và không nên làm, để vui vẻ với đời và cuộc sống hiện tại sẽ làm mình dễ chịu hơn, hãy nghĩ rằng chúng ta chỉ có một ngày hôm nay để sống.

Sống hiền hòa nhất có thể hay không là do cái thấy của mỗi người. Chúng ta không chấp trước, không toan tính, đòi hỏi, hoài tưởng về quá khứ cũng như hiện tại hay trong tương lai.

Câu nói của Henry Ford ý nghĩa vô cùng cho ta bài học buông xả, không chấp trước hay là ngã mạn, với tư cách là một con người sống trong cõi vô thường, nhận thức được tất cả đều có thể đổi thay từ vật chất đến tinh thần, từ hữu tình đến vô tình, từ uy tín cho đến danh dự và các mối quan hệ con người. Đều có thể đổi thay biến hóa theo sự tác động đa chiều của các duyên, lời nói hay sự việc cũng nằm trong quy luật này.

Bạn đừng bao giờ đặt trọn vẹn những vấn đề cơ bản nhất của đời mình vào một sự việc nào đó hoặc của ai đó. Nếu không bạn dễ bị thất vọng, mất niềm tin và cao nhất là phá sản cuộc đời mình. Cũng từ nhận thức này, bạn hãy đừng hấp tấp, vội vàng quyết định hay phán xét sự việc với ai bất cứ điều gì, khi chưa có đủ thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng. Phải suy nghĩ bằng tuệ giác và lòng từ bi, cũng như bản lĩnh của một người dồi dào hùng lực quyết đoán. Đức Thế Tôn không bao giờ giải quyết và nghe sự việc chỉ một chiều, mà bao giờ Ngài cũng khuynh hướng giải quyết vấn đề đầy đủ cả nhân lẫn sự.

Tâm Nghiên

Tin tức liên quan

THEO BỤT TA ĐƯỢC GÌ?
18/10/2024
NGUYỆN THOÁT KHỎI TAI ƯƠNG
16/09/2024
NGƯỜI TU THẬT – TUYỆT ĐẸP
10/09/2024
CHÙA TO – PHẬT LỚN
03/09/2024
Trên ngực con đượm buồn màu bông trắng…
13/08/2024